Trong cuộc sống, có những người bạn lặng lẽ đi qua đời ta và để lại trong lòng ta những kí ức hồng hào long lanh như muôn ngàn giọt nắng.
Mình có một đứa bạn đặc biệt như vậy.
Mình quen nó từ những ngày đầu vào đại học. Hai thằng cùng được chọn vào lớp Văn 5 (sau năm năm học, sinh viên sẽ hoàn thành cả chương trình đại học và cao học, kiểu như lớp chất lượng cao bây giờ). Cũng chính từ đây, tình bạn giữa mình và nó bắt đầu.
Mình thì lúc nào cũng thế, cứ đến môi trường xa lạ là cảm giác tự ti xâm lấn. Mình thường so se trong bộ quần áo vá chằng vá đụp rộng thùng thình do anh trai để lại. Mình hay ngượng ngùng khi để lộ đôi bàn tay chằng chịt vết cua cắp, vết đỉa cắn, vết gai cào xước. Những ngón tay hầu như không bao giờ lành vết thương. Cứ vết này vừa ăn da non, vết mới đã đè lên, máu tươi ròng. Nên ngày nhập học, đứng giữa đám bạn bè xa lạ mình cứ ước giá có phép thần thông, mình sẽ thu nhỏ thân hình lại bé như một cánh hoa, bay lang thang giữa không trung.
Nó hồn nhiên kết bạn với mình, chẳng bao giờ để ý đến việc mình từ đâu đến và gia cảnh thế nào (dù bản thân nó xuất thân từ tầng lớp “danh gia vọng tộc” so với xuất phát điểm “ba đời ăn củ chuối” của mình). Hai thằng ngủ chung giường, mình tầng trên, nó tầng dưới. Ngày nhận phòng, trong khi mình lếch thếch lôi “gia tài” là cái hòm đựng đồ sứt sẹo mọt tứ bề thì nó nằm khểnh đợi người nhà mang đồ đạc đến. Vậy mà khi mình vừa đặt mấy quyển sách cũ kĩ lên giường là nó chạy ào đến, mắt sáng rực. Nó vỗ vai mình như đã thân thiết tự lâu lắm. Và hai đứa bắt đầu huyên thuyên luận bình về những cuốn sách ấy cho đến khi bóng chiều nhập nhoạng hắt qua khung cửa.
Đó là khởi đầu cho những luận bàn về văn chương giữa hai đứa.
Và đó cũng là khởi đầu cho những “phiền toái” mà mình phải “chịu đựng” từ nó.
Nó học quá giỏi. Mà dùng từ “học” e không chính xác với nó. Là sinh viên nhưng nó đã nghiên cứu những vấn đề rất chuyên sâu. Trong đó không ít những phát hiện đi ngược lại quan điểm truyền thống của những “cây đa cây đề” đi trước. Nếu chỉ dừng lại ở khía cạnh khoa học thì chắc cũng không có điều gì đáng nói, đằng này cách thể hiện của nó, trong mắt mọi người lại có cái gì đó ngông nghênh, vị kỉ. Và vì thế, nó càng ngày càng bị đặt trong sự e dè, xét nét của thầy cô, của bạn bè, đồng nghiệp.
Nó cô đơn trong biển tri thức của mình. Sự cô đơn của trí tuệ. Nhiều lúc mình cảm giác nó như con ngựa bị ghìm bởi dây cương, càng vùng vẫy, cái dây càng thít chặt hơn. Cảm giác thương và bất lực...
Mình thì không biết làm thế nào để có thể khuyên nhủ nó bớt “gàn”, bớt ngông nghênh đi. Phần vì khi đó mình chưa từng trải, phần vì, là người gần gụi thân cận, mình hiểu trong thẳm sâu tâm hồn, nó cần được giải tỏa năng lượng tư duy thiên phú, cái mà người ta thường hay gặp ở những tài năng.
Và mình nể phục sức học của nó.
Nó tự học tiếng Nga (chủ yếu thắp đèn dầu lầm lũi học) mà rồi vốn tiếng Nga của nó đủ để đọc sách rồi dịch văn, thơ. Nó phê phán các bản dịch của nhiều học giả và tự tìm cho mình cách dịch mới mẻ hơn.
Nó nhìn nhận các tác phẩm “kinh điển” dưới những góc nhìn mới hoàn toàn khác so với lối suy nghĩ “một chiều” trước đó.
Nó công khai “đấu tranh” với cách dạy của một số giáo sư mà theo nó là giáo điều, khuôn sáo...
Cứ thế, nó càng lúc càng bị... cô lập.
... Và mình là một trong những “địa chỉ” tin cậy để nó trút nỗi cô đơn.
Rất nhiều lần, giữa đêm khuya mình bị dựng dậy để ngồi nghe nó đọc bài bình về một tác phẩm nào đó. Những lúc ấy, mình chẳng hề giận nó. Mình ngồi nghe thành thực chăm chú. Trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn thời bao cấp vàng ệch, khuôn mặt nó sáng rỡ. Mình như đọc được trong tâm hồn nó, những giai điệu không lời của một bài ca thiết tha yêu dấu về tình người, về vẻ đẹp thực sự của văn chương... Và lần nào cũng thế, sau khi nghe xong, chờ nó hết “cơn” lên đồng, mình khẽ ôm vai nó. Hai đứa ngồi lặng thêm một lúc nữa giữa đêm khuya tịch mịch tưởng như có thể nghe thấy tiếng tim mình đập khẽ khàng trong lồng ngực. Sự trao gửi tin cậy không nói được bằng lời.
Nhưng mình thì rất khác với nó.
Trong khi nó cứ đắm chìm với việc tìm hiểu - phản biện - sáng tạo thì mình, ngoài giờ trên giảng đường là lặn lội làm thêm để kiếm tiền lo trang trải những nỗi lo năm bè bảy mối.
Mình buôn bán đủ thứ, từ que kem mút đến quả trứng vịt lộn, rồi đinh vít, mì chính, nước ngọt, chè xanh... cứ thấy cái gì có thể kiếm tiền là lao vào. Mình long tong tảo tần giữa sách vở và miếng cơm manh áo. Mình lật bật giữa kiếm sống và sách đèn.
Vì thế mà chẳng có nhiều thời gian ở bên nó. Nhưng, mình vẫn dành cho nó một góc thân thương ấm áp nhất tự trong lòng. Nên mỗi khi nhớ lại chuyện nó một mình đạp xe trong đêm về Thanh Hóa rồi lại quay đầu đạp xe ra Hà Nội chỉ vì “có những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai”, mình chỉ lặng lẽ ứa nước mắt, vừa giận vừa thương.
Có rất nhiều lần mình nghĩ, giá như nó bớt... “giỏi” đi, cúi gần xuống với cuộc đời hơn để thấy hết những ồn ào, bề bộn, náo nhiệt của cuộc sống xung quanh, để thấy các thầy cô, ngoài học thuật còn là mưu sinh, ngoài giảng đường còn là bụi đường lấm láp, lầm lụi... Chắc nó sẽ biết cách trình bày những vấn đề của mình một cách điềm đạm và chừng mực hơn. Bởi vậy cứ có thời gian rảnh là mình lôi nó đi khắp nơi. Khi ngược Thái Nguyên buôn chè, lúc xuôi về quê cùng nhau ra đồng mò cua, tát cá, cuốc ruộng, cắt lúa... Nhưng những gắng gỏi của mình chỉ như muối bỏ bể chứ chẳng thể nào “ghìm cương” được nó. Như một cơn gió ào ạt, nó cuồn cuộn những mong muốn bứt phá, lội ngược dòng, vượt qua các rào cản, các nếp nghĩ khuôn phép để khai phá những con đường đi riêng. Và cơn gió ấy cứ “lồng lộng thổi cả vào góc tâm hồn cô đơn đến tội nghiệp” của nó... Bởi vậy, nhiều năm liền sau khi được giữ lại trường, nó vẫn cứ chông chênh như chưa từng “hạ cánh” xuống mặt đất để được làm cái công việc giảng dạy bình thường như bao giảng viên khác.
Mình cặm cụi đi theo, “nhặt nhạnh” giúp nó vợi bớt những cô đơn tầng tầng lớp lớp.
Rồi nó lấy vợ. Ngày cưới của mỗi người bao giờ cũng là ngày vui, ngày hạnh phúc trong cuộc đời. Nhưng với nó, mỗi lần nghĩ lại mình chỉ thấy ầng ậng nỗi buồn.
Buổi chiều trước ngày cưới, mình “ủn” nó mặc bộ cánh tươm tất để về quê vợ chuẩn bị đón dâu. Rồi mình cùng lũ bạn gái rửa bát đĩa ấm chén, kê lại cái giường gỗ ọp ẹp, chăng ri đô, dán hoa... che bớt đi cái sơ sài tạm bợ, cho ra dáng một căn phòng cưới. Bạn bè ai cũng thương nó. Những lúc ấy mới hiểu nó cô đơn và cần bạn bè đến mức nào.
Tưởng nó lấy vợ sẽ “tu tỉnh” để bớt “ngông” trong học thuật... Nhưng không, nó vẫn thế. Và rồi cái gì đến đã đến... Nó đi Nga làm nghiên cứu sinh.
Nghe tin ấy, mình thở phào, mừng cho nó. Có thể nó sẽ như con cá được thả về với biển. Sang bên ấy, nó sẽ được hoàn toàn đắm chìm trong những Lev Tolstoy, Puskin, những Tchekhov, Aitmatov. Nó sẽ bớt cô đơn, hoang hoải và cỗi cằn. Chắc sẽ không ai để ý đến việc nó đến chúc mừng ngày 20 tháng 11 các thầy cô mà đứng giữa hội trường đọc một bài viết mới dài cả tiếng đồng hồ như cái lần mình “muối mặt” đi cùng nó. Chắc sẽ không ai dè bỉu cái việc nó kéo áo người ta dừng lại giữa đường nghe nó bình văn... Chắc sẽ... Mình cứ khấp khởi trong cái hy vọng mong manh ấy.
Rồi cơm áo cứ cuốn mình đi. Những năm ấy là khoảng thời gian khó khăn một cách khủng khiếp của mình. Anh chị lần lượt lâm bệnh trọng, luận án dang dở, nhà cửa túng quẫn... Bao khốn khó cứ dồn dập đổ ập lên số phận khiến phần nhiều thời gian mình chẳng còn nhớ đến cái thằng bạn “gàn” ấy nữa.
Thế rồi, mình sang Nhật làm việc. Trong một lần về nước nghỉ hè, mình nghe tin... nó mất ở Nga.
Mình nhớ cảm giác khi ấy, giống như có một luồng điện chạy dọc sống lưng, chân tay mình nổi gai, mồ hôi đầm đìa. Mình thở dốc, đứng tựa vào tường, mắt cay xè òng ọng.
Mình thốt gọi tên nó nhưng trong đầu lại chỉ thấy âm âm u u những tiếng đọc thơ, bình văn của nó tự năm nảo năm nào.
Mình muốn chạy đi hỏi thêm một người nào khác để biết chính xác thêm thông tin về nó nhưng lại chỉ đứng chôn chân. Lũ lượt trong tâm trí mình là hình ảnh nó đạp xe giữa đêm, thân gầy, khuôn mặt sáng mà lui cui buồn như dấu hỏi.
Mình muốn khóc òa lên mà chỉ thấy những cơn sóng cuộn trong óc váng vất, nghẹt thở.
Thế là đã thật sự khép lại một số phận trí thức với ngổn ngang nỗi ưu tư. Còn đó ngồn ngộn những ý tưởng, những công trình nghiên cứu dở dang. Còn đó ngập tràn những suy tư, những mong muốn đổi mới sáng tạo. Và còn đó mênh mang da diết những nỗi buồn...
Từ đó đến nay, cứ đến ngày giỗ nó, mình lại cùng anh Phúc đến nhà thắp cho nó nén nhang. Khói hương cuộn vòng lững lờ bay lên không trung, lặng trôi về phía khắc khoải xa mờ. Mình cứ tin ở một nơi nào đó rất xa cõi người, nó đang chăm chú toàn ý toàn tâm nghiên cứu những tác phẩm văn chương, tìm ra những cách dịch mới và nở nụ cười an nhiên, thanh thản.
Cứ đắm chìm đi nhé với những Sông Đông êm đềm, những Đất vỡ hoang, Chiến tranh và hòa bình, Bông hồng vàng và Bình minh mưa, Người thầy đầu tiên... Cứ vui đi với Maxim Gorki, Puskin, Pauxtovxki hay Tchekhov, mày nhé.
Còn tao lặng ngồi lẩm nhẩm đọc hai câu thơ: “Ta đốt lửa cho đồi hoang ấm mãi/ Hẹn người lên tìm lại dấu chân xưa”.
Lửa vẫn cháy mà dấu chân xưa tìm hoài không thấy...
Một chiều cuối năm, ngồi ngẫm lại mới càng thấy trân quý những mùa xuân đã đi qua cuộc đời. Thấy mình như đang buông những nốt nhạc trên dây đàn thời gian, từng tháng, từng năm trôi qua kẽ tay lặng lẽ...
Và lại thấy trong tim mình như có một bông hoa oải hương nho nhỏ tím ngắt nằm đơn côi trên nền đất lạnh...
Là mày đó, Tuấn Anh à!