LÂM TRÂN
… Bất chợt, tiếng hát ấy lan lan đến chỗ anh. Đêm đã khuya lắm rồi. Hơi sương và hơi đất như bốc lên che mờ cả ánh trăng non đầu tháng. Ấy vậy mà tiếng hát như một làn gió thổi làm cánh rừng đêm lung linh…
Rừng Chiến khu Đ của anh đây. Những kỷ niệm của một thời đánh Mỹ đầy gian khổ, ác liệt khiến suốt đời không ai có thể quên được bỗng lần lượt hiện lên như một bộ phim tài liệu sinh động trước mắt anh. Vậy mà đã lâu, anh mới có dịp trở lại cánh rừng này. Xin rừng hãy tha lỗi cho anh, cho những người lính của rừng, những người con của rừng. Công việc bộn bề giữa thành phố đã làm anh khó có thể dứt dăm bảy ngày mà về nơi mình đã gắn bó một thời đánh giặc này được. Để uống lại nước dòng Đồng Nai, để chân lại lội suối bờ hào, bắt con cá lóc trui lửa ăn cho qua ngày mà đánh giặc. Để lại có những đêm nằm trong lòng rừng, khi ôm cây súng, khi ôm máy quay phim, lắng nghe tiếng súng từ xa đưa về mà nuôi thêm khao khát ra trận. Anh nhớ tự những ngày chiến tranh ấy, các anh đã mong ước có một ngày bằng công việc của mình, công việc của người làm điện ảnh giải phóng sẽ làm một bộ phim nghệ thuật ca ngợi rừng Mã Đà, rừng Chiến khu Đ gian khổ và anh dũng này. Nhưng rồi tiếng súng khắp mặt trận đã gọi các anh, khiến các anh chưa trả đươc món nợ cho rừng Chiến khu Đ, hay đúng hơn là món nợ của chính lòng mình…
Rồi chiến tranh qua đi, hòa bình lập lại. Từ Chiến khu Đ, như rừng Việt Bắc năm xưa, những cơ quan Trung ương, cơ quan Miền, trong đó có cơ quan các anh trở về thành phố. Rừng Chiến khu Đ này sẽ lại heo hút thâm u vắng bóng người? Không, gần đây, các anh lại được nghe những tin vui quanh vùng rừng Chiến khu Đ này, những lâm trường mọc lên, trong đó có lâm trường Mã Đà, rừng chiến đấu trở thành rừng kinh tế. Và những người lính như anh Hai Uẩn ở Vĩnh An, anh Tư Lợt ở Mã Đà - Những người lính già của Chiến khu Đ, lại chuyển sang một mặt trận mới: mặt trận kinh tế. Họ đều trở thành những giám đốc lâm trường...
Anh nhớ lại năm 1965, vượt Trường Sơn về miền Nam chiến đấu, anh được đưa về rừng Chiến khu Đ. Ở đây, anh ở với anh Tư Lợt không bao nhiêu, nhưng có biết. Anh Tư là Trưởng ban bảo vệ rừng chiến khu. Thoạt gặp, thì đó là một người rất khó ưa. Năng quát tháo, hay đe nẹt. Khi ấy, tánh tình các anh cũng còn con nít lắm. Đi công tác qua, nhảy vô mượn anh Tư nào nồi, nào xoong, mượn luôn cả gạo, cả muối mắm nấu cơm. Ngọn lửa ngọn khói cũng chẳng mấy giữ gìn. Rồi ra suối đùa giỡn nhau, vật nhau cứ huỳnh huỵch. Vậy là ông già la lối om sòm, chất đầy “mắm tôm” quanh lán các anh. Mà nào lũ trẻ có chừa. Hết đợt này đến đợt khác. Đến nỗi sau này, ông thấy lũ các anh là phát ớn. Mà bọn các anh cũng phát ớn ông luôn.
Một lần, trong lúc ông la hét om sòm, một cậu trẻ gân cổ cãi lại:
- Này, ông đừng tưởng ông là chúa rừng mà làm bộ nha!
Vậy là ông Tư sửng lên luôn:
- Cái đời tui đã từng bảo vệ anh Ba, anh Sáu (tức hai đồng chí Lê Duẩn và Lê Đức Thọ) cũng chưa ai chê trách lấy một điều gì. Vậy mà tụi bay ăn nói bậy bạ thế hả?
… Cho đến một lần vào nửa đêm, khi các anh đang ngủ say sưa trên võng, bỗng thấy ai đó xô mạnh. Chưa hiểu trời đất trăng sao gì, lại thấy bị xô đẩy thêm dăm bảy cái nữa, lăn cả vào miệng hầm. Rồi tiếng bom B-52 rầm rầm nổ. Qua ánh chớp, mới thấy ông Tư Lợt ngồi ngay cửa miệng hầm như có ý che chở cho tất cả. Thời hóa ra, các anh ngủ say, B-52 tới rải thảm, ông Tư đã kịp đẩy các anh xuống hầm. Chừng đó đã làm các anh xúc động, biết ơn ông rồi. Cho tới lúc bom dứt, lên miệng hầm, ông đưa chiếc máy quay phim mà ông ôm trọn trong lòng lúc bom nó đánh:
- Tao biết đây là võ khí của tụi bay. Nên ôm theo bảo vệ. Lỡ bom nó đánh mất thì… tiêu.
Trời ơi, lúc đó các anh chỉ còn thiếu nước mà quỳ xuống lạy ổng, hay nhảy lên mà ôm ghì lấy ổng để bày tỏ cho hết lòng biết ơn của mình
Sau này gần gũi với ông hơn, được nghe ông tâm tình, anh mới thêm hiểu để rồi càng thêm yêu quý ông.
*
Ông Tư Lợt quê ở Hóc Môn. Kháng chiến bùng nổ, lên tham gia đánh Pháp ở đây, được tín nhiệm giao cho nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí lãnh đạo của ta ở rừng Chiến khu Đ. Ông làm việc tận tụy, được các đồng chí lãnh đạo thương lắm. Rồi Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông theo các đoàn quân Nam Bộ ra tập kết ở miền Bắc. Năm 1960, ông lại xin trở lại quê hương, góp sức chiến đấu. Nghe nói ngày ở Bắc, ông cũng thương một cô gái vùng đất quan họ nổi tiếng nơi ông đóng quân, nhưng rồi tiếng hát cũng không giữ được cánh chim bay về nơi ông ngày đêm mong nhớ…
Năm 1967, khi ấy ông đã trên 40 tuổi rồi, một lần về công tác đồng bằng, mới làm quen với một chị huyện ủy viên. Sau đó hai người xây dựng gia đình. Tuổi trên 40, thèm nhất một đứa con. Nhưng nỗi khát khao ấy không thực hiện được. Một thời gian sau, có một đêm Mã Đà, trái tim ông đau nhói khi tin từ đồng bằng đưa về: Chị Tư vợ ông đã hy sinh. Ông càng lầm lũi, càng dồn sức vào công việc, càng lo cho anh em…
Tính tình ông hay la hét vậy, là để đảm bảo nguyên tắc bảo vệ chiến khu, chứ tình thương anh em của ông thì bao la. Dẫu chỉ là một đồng chí của ta lạc vô rừng này, ông cũng không để cho đói. Tài thiện xạ của ông thì được kể như nhất vùng rừng. Ngày công tác, đào hầm, đào hố chiến đấu, đêm hai con mắt ông đỏ như lửa đi săn bắt thú rừng về nuôi anh em. Cứ vậy suốt hàng chục năm ròng chiến đấu…
- Sao, không ngủ được hả?
Có lẽ cũng nhiều xúc động, nên giám đốc Tự Lợt bỗng trong đêm đi tìm người bạn cũ tâm tình
- Dạ…
Anh Tư ngồi xuống bên cạnh anh, giở gói thuốc rê, vấn một điếu sâu kèn rồi đưa nhấm lên miệng và xòe lứa đốt. Cái mùi thuốc rê say lòng làm sao. Thì những năm ở rừng, chính anh cũng đã nghiền nó.
- Hồi tối, mải nói công việc chung, chưa hỏi chuyện riêng. Thằng Hai có mấy con rồi?
- Dạ, có một thôi anh.
- Tên chi?
- Dạ, cháu tên Huệ Anh.
- Tên đẹp quá hả? Sao không làm lấy dăm bảy đứa cho đông cửa đông nhà?
Cả hai cùng cười.
- Vậy còn anh?
- Vẫn chưa…
Trời ơi, anh lặng người đi.
- Tôi mới lập gia đình, làm bạn già với nhau thôi mà.
Thế rồi anh Tư tâm tình, anh cũng mới lập gia đình ba năm nay, chị cũng là vợ liệt sĩ, ngày anh Tư đi xây dựng vườn ươm dưới Xuân Lộc thì gặp chị. Thấy chung hoàn cảnh, vậy là thương nhau, làm bạn với nhau. Cũng lại như ngày xưa, anh Tư thì ở rừng, còn chị thì ở xuôi.
- Ừ, mấy lần định đón bả lên đây, nhưng mình bận rộn quá, phải tập trung sức lực thời gian cho công việc. Sợ có bả lên lại thêm bê bối. Với lại còn mảnh đất, nấm mộ của ông bà già, bà phải ở lại chăm sóc…
- Anh Tư à, sau giải phóng anh về luôn đây à?
- Ờ. Tỉnh giao tôi về lâm nghiệp. Cũng là do đời mình nhiều năm gắn bó với rừng rồi, nhất là rừng chiến khu nầy. Thoạt đầu điều tôi đi xây dựng vườn ươm dưới Xuân Lộc, cái hồi tôi gặp bà vợ của tôi bây giờ ấy. Năm 1977, tỉnh có quyết định thành lập lâm trường Mã Đà, tôi lại được điều lên đây. 55 tuổi rồi, lại lần thứ ba chống đò qua sông Đồng Nai, lên lại vùng rừng xưa. Cái đất rừng này lạ thiệt, nó làm mình như trẻ lại. Vậy là bắt tay vô dọn mìn, dọn kẽm gai, dựng lều, dựng lán lập lâm trường. Trời ơi, cũng gay go, ác liệt lắm. Đã tưởng mình hiểu rừng cây, sông nước chiến khu nầy rồi, vậy mà bắt tay vô làm kinh tế, sao mà thấy khó khăn quá. Mang cái danh giám đốc thì dễ, mà làm ông giám đốc thiệt là khó.Tuổi già đã khó ngủ, lo âu làm ăn lại càng làm mình thao thức, dằn vặt nhiều hơn. Độ ấy người tôi gầy rộc đi. Định lên xin Bảy Sanh trưởng Ty cho hưu. Sức mình đâu cáng đáng được nữa. Nhưng mấy lần định đi, mà thấy cái rừng cây nó như nhạo báng mình, nên thôi. Rồi lại gắng, gắng mãi… Lúc nào cũng như người đuối sức phải ngụp lặn với biển cả. Giá tui chỉ là thằng lính có lệnh là bóp cò, thì nhẹ người bao nhiêu…
Người đồng đội cũ nhìn anh Tư đầy thông cảm…
- Đánh giặc hoài, mình đâu có được học mấy. Giờ đây làm ăn kinh tế, toàn là máy tính, toàn là con số không hà. Mà nói chung chung động viên tư tưởng thì ai nó nghe. Lại thời buổi làm ăn, đâu dễ nhận biết ai là người dũng cảm, ai là kẻ hèn nhát, ai thiệt ai giả như xưa. Tôi lúng túng quá. Hai năm liền không hoàn thành kế hoạch. Tôi thấy như có lỗi với Đảng, có lỗi với cả công nhân mình nữa. Ngồi trên rừng vàng mà anh em họ lên đây với mình, cơm không đủ ăn, áo không có lành lặn mà mặc, cái nhà che nắng che mưa cũng là tạm bợ. Tôi cứ nghĩ hoài: Tại sao như thế nhỉ? Về tâm sự với Bảy Sanh, mới tự hiểu ra là do mình dốt. Muốn khắc phục thì phải đi chiêu hiền đãi sĩ, đi tìm thêm thằng giỏi, biết làm ăn, hiểu biết kinh tế bày vẽ cho mình. Thế là lại về Bảy Sanh, xin thêm một thằng kỹ sư trẻ, có trình độ, có đạo đức, là thằng An đây. Nó về giúp tôi được rất nhiều việc. Vậy là bây giờ tạm ổn. Hai năm liền hoàn thành mọi kế hoạch. Đời sống công nhân nâng cao. Nhà cửa dựng lên cũng tàm tạm. Bọn trẻ ngày nào lên đây lao động thì vất vả mà cuộc sống bệ bết quá, nhìn tôi như oán trách, như chính tôi là nguyên nhân cho chúng khổ. Mà chúng khổ thật, mà mình có lỗi thật. Bây giờ có khoán sản phẩm, có ba lợi ích, có tiền thưởng năng suất, đời sống khá lên là chúng nó yên tâm ở lại, nói cười ríu rít cả khu rừng. Có lần ngồi nhậu ngà ngà, tôi tâm sự với chúng: “Tao già rồi, chuẩn bị về hưu”, thì chúng cùng rưng rưng: “Bố cứ ở lại đây với chúng con, chúng con nuôi bố”. Kể cũng khó mà dứt được thiệt… Ngay thằng Nguyễn Danh An, cái thằng tôi xin Bảy Sanh cho nó về làm phó giám đốc, nó cũng nằng nặc bắt tôi phải ở lại đây. Thiệt lòng là tôi cũng muốn giao lâm trường lại cho nó, lớp trẻ nó có sức, có tài, còn mình thì già rồi, ủng hộ chúng cũng là ủng hộ cách mạng kỹ thuật, nhưng nó lại tâm sự lại với tôi: “Anh có tuổi, làm đến đâu thì làm. Nhưng có anh, lâm trường có thêm sức mạnh. Anh hãy gắng ở lại với anh em…”. Tôi đành ở lại…
Nghe tâm sự anh Tư, anh quá đỗi xúc cảm, muốn nói một điều gì đó với người lính già này mà cổ họng anh cứ nghẹn lại. Ông giám đốc - Người lính già của Chiến khu Đ. Đồng chí Tư Lợt… Có phải chính vùng rừng núi Mã Đà - Chiến khu Đ giàu truyền thống cách mạng này đã làm nên con người ông hay chăng, mà ông toát lên chất Chiến khu Đ đến vậy? Cám ơn những cuộc kháng chiến vĩ đại của đất nước. Cám ơn những cánh rừng đánh giặc của chúng ta đã làm nên một thế hệ anh hùng, giàu lý tưởng, giàu đức hy sinh cho đất nước thắng giặc và đất nước đẹp giàu…
Tiếng hát bên ngoài cứ bay bay, lay động vầng trăng non. Không biết tiếng hát của các cô gái trẻ trồng rừng hay tiếng hát của cánh rừng già trang nghiêm và trầm mặc…
(Báo Sài Gòn giải phóng)