Khi một em bé chào đời, bé đã nhận được những chất liệu di truyền, phân nửa từ bố và phân nửa từ mẹ, nên đặc điểm di truyền của mỗi bé là không giống nhau. Lúc mới sinh, bé đã có năm giác quan, cùng với các phản xạ cơ bản (nguyên phát), nghĩa là bé đã có khả năng vận động tay, chân cũng như biết giao tiếp ở mức độ căn bản nhất, như việc khóc (đòi bú) chẳng hạn.
Tại sao cha mẹ là quan trọng nhất đối với bé?
Trong tất cả các loài động vật sinh con thì loài người lúc mới sinh ra là non nớt nhất, yếu đuối nhất và chưa biết làm gì cả. Lúc đó, bé không thể sống một cuộc sống tự lập mà phải lệ thuộc tuyệt đối vào cha mẹ. Bé cần được ủ ấm, cho bú, dỗ ngủ và cần được thương yêu.
Đến nay chúng ta vẫn chưa thể đánh giá hết tầm quan trọng của những năm đầu đời của bé. Trong 3 năm đầu tiên, bé tăng trưởng về chiều dài khoảng từ 51 cm đến 93 cm, và cân nặng khoảng từ 3,5 kg đến 11,5 kg. Sự tăng trưởng về thể chất có mối quan hệ mật thiết với sự phát triển về mặt trí tuệ, xã hội và tình cảm.
Cha mẹ chính là chỗ dựa quan trọng nhất của con cái. Cha mẹ là người bảo vệ con cái trước những tác nhân khác trong xã hội. Cha mẹ còn là người đầu tiên để con chơi (là một “món đồ chơi ưa thích” của con), là người thầy đầu tiên, và là tình yêu đầu tiên của con.
Trẻ nhỏ thường học tập bằng cách bắt chước (mô phỏng). Điều này có thể xảy ra ngay cả khi bé mới được vài ngày tuổi, khi đó bé đã có thể bắt chước việc thè lưỡi ra, nếu bé nhìn thấy ai đó làm mẫu. Ở bất cứ cấp độ nào, bạn luôn là nguồn cảm hứng và là mô hình cho bé học tập. Có thể nói không quá rằng, mối quan hệ của bé với cha mẹ là khuôn mẫu cho bất cứ mối quan hệ nào của bé trong tương lai.
Trẻ nhỏ thường học tập bằng cách vui chơi, khám phá đồ vật xung quanh, thông qua đó phát triển các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Bạn có thể khuyến khích bé tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh, miễn là phải an toàn. Bằng cách này, bạn đã giúp bé biết cách vận hành những đồ chơi khác nhau, và dần dần nhận thức được thế giới xung quanh mình. Nếu được hướng dẫn, bé sẽ chủ động tìm hiểu và biết cách bày tỏ tình cảm của chính bản thân mình với mọi người xung quanh.
Dù bé có làm gì đi chăng nữa, thì cách chúng ta đáp ứng, hồi đáp cho bé mới thật sự là điều quan trọng số một. Đứa trẻ nào cũng vậy, đều có thể phát triển toàn diện trong môi trường an toàn và tràn ngập tình yêu thương. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên cố gắng kiên nhẫn và tránh đưa ra những lời phê bình quá đáng đối với con cái. Nếu có thể, hãy luôn khuyến khích và khen ngợi bé, vì nhờ đó bé sẽ cảm thấy thoải mái hơn, tuy rằng, bé không thể nào tránh khỏi những việc làm sai trái. Khi đó, bạn cần cắt nghĩa cho bé hiểu, đồng thời nên giúp bé nhận ra những sai lầm của bản thân để sửa chữa là một điều rất tốt cho cách ứng xử của bé sau này.
Nên quan tâm, khuyến khích bé đúng mức
Nếu ít được quan tâm, ủng hộ, bé sẽ khó phát triển một cách toàn diện. Nhiều nghiên cứu trên động vật và trên người đều cho thấy rằng nếu môi trường xung quanh không thuận lợi thì có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng học tập của bé. Tuy nhiên, sự quan tâm ủng hộ cũng phải phù hợp với nhu cầu của bé. Trong cuộc đời của mỗi bé đều có những giai đoạn rất nhạy cảm, lúc đó bé sẵn sàng học tập, lĩnh hội một kỹ năng đặc biệt nào đó, chẳng hạn bé được 6 tháng tuổi sẽ bắt đầu tập nhai và bé được khoảng 2 tuổi sẽ tập đi tiểu theo ý muốn (khi mà cơ thể bé đã kiểm soát tốt cơ vòng bàng quang của mình). Do vậy, nếu đến khoảng 6 - 8 tháng mà bé chưa được tập ăn dặm (ăn thức ăn đặc), chắc chắn sau này bé sẽ gặp khó khăn khi tập nhai.
Trái lại, việc khuyến khích bé một cách quá mức có thể khiến bé bị bối rối. Các bé sinh ra trong những gia đình “nóng” (theo nghĩa là ai trong gia đình cũng sẵn sàng dạy bé bất cứ điều gì họ biết) cũng không hề học được những kỹ năng mới nhanh hơn các bé sinh ra trong những gia đình bình thường khác. Dạy bé học bằng các tấm thẻ có in hình ảnh đầy màu sắc, từ ngữ quá sớm có thể khiến bé trở nên cau có, mệt mỏi. Về lâu dài, có thể làm cho bé cảm thấy chán nản và không chịu học, như vậy những bài học này đã bị phản tác dụng.
Tốc độ phát triển
Một số bé phát triển nhanh hơn những bé khác. Đây là điều vẫn thường gặp, nhưng đến nay người ta vẫn chưa rõ lý do vì sao. Xu hướng phát triển của bé có thể mang tính chất gia đình. Nếu đến tuổi biết đi chập chững mà bé còn tiểu dầm thường xuyên, thì có thể cha mẹ của bé hồi nhỏ cũng mắc phải chứng này. Tuy các bé có tốc độ phát triển khác nhau, song chúng sẽ phát triển theo một trình tự giống nhau, chẳng hạn, tất cả các bé đều biết ngồi trước khi biết đứng.
Các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng việc bé đạt được một mốc phát triển nào đó sẽ là tiêu chuẩn để đánh giá mức độ thông minh, nhưng thực tế không phải vậy. Trong thực tế, nhân cách của bé có vai trò quan trọng hơn chỉ số thông minh (IQ). Một bé điềm đạm, trầm tĩnh vẫn có thể học các kỹ năng mới rất nhiệt tình, giống như những bé có cá tính tự lập mạnh mẽ khác. Vì vậy, thời gian chính xác để bé đạt được một kỹ năng nào đó có thể ít quan trọng hơn so với suy nghĩ của nhiều bậc cha mẹ.