Từ một tế bào đầu tiên (hợp tử), với kích thước vô cùng nhỏ bé, cho đến khi được hơn 8 tháng rưỡi thì bào thai đã phát triển thành một sinh vật có cấu trúc phức tạp hơn rất nhiều. Khi ấy, bào thai đã trở thành một đứa bé sẵn sàng chào đời và có thể tồn tại ở thế giới bên ngoài. Lúc mới chào đời, cơ thể của bé có cấu tạo gồm hàng nghìn tỷ tế bào, trong đó có chứa những chất liệu di truyền, dưới dạng mã hóa DNA (deoxyribonucleic acid – a-xít nhân của tế bào).
Các cơ quan của bé phát triển ra sao? Bộ não và hệ thần kinh của bé phát triển dưới dạng một dãy các tế bào nằm dọc theo phần trục lưng của cơ thể kể từ khi bé còn là một phôi thai chưa đầy 3 tuần tuổi. Đầu tiên, dãy tế bào này sẽ gấp nếp lại theo chiều dài, sau đó cuộn lại thành dạng ống, được gọi là ống thần kinh. Tiếp đến ống thần kinh sẽ phân chia thành nhiều phần khác nhau, phần trên cùng là bộ não, phần còn lại tạo nên tủy sống.
Bộ não và các dây thần kinh
Các tế bào tạo nên dây thần kinh sẽ phát triển rất nhanh, tạo thành các sợi, nhánh của tế bào thần kinh. Trong đó, phần thân lớn nhất của các sợi này được gọi là sợi trục, có khả năng dẫn truyền những tín hiệu điện từ tế bào thần kinh này đến tế bào thần kinh khác hoặc đến tế bào cơ. Ở giai đoạn bào thai, bộ não của bé có nhiều tế bào thần kinh hơn mức cần thiết. Lúc mới chào đời, cơ thể bé có khoảng 200 tỷ tế bào thần kinh, gấp đôi số tế bào thần kinh của bộ não người lớn. Trong quá trình phát triển bình thường, cơ thể sẽ loại bỏ một số tế bào và tạo ra những đường liên hệ giữa các tế bào còn lại.
Cơ và khả năng vận động
Từ mỗi bên của phôi sẽ “mọc” ra những “nụ”, sau này phát triển thành các chi. Các “nụ” này sẽ dài ra dần, và có những mẩm nhỏ, hình thành nên tay và chân của bé.
Lúc thai được khoảng 10 tuần tuổi thì tay và chân của bé đã có thể cử động được, và càng ngày càng ngọ nguậy nhiều hơn trong bụng mẹ.
DNA
Dưới dạng mã hóa, phân tử DNA chứa đựng tất cả các dữ liệu cần thiết để giúp bé phát triển thành người trưởng thành. Cơ thể bé nhận phân nửa lượng DNA từ bố, và phân nửa từ mẹ. Mỗi một đoạn DNA có mang mã di truyền sẽ được gọi là một gen, vì thế có rất nhiều gen. Có tất cả khoảng 100.000 gen, nên khả năng tổ hợp thành các bộ gen khác nhau là rất lớn. Vì vậy mà “sản phẩm” sau cùng sẽ mang tính đặc trưng cho từng người, không ai giống ai một cách hoàn toàn cả.
Theo tự nhiên hay do nuôi dưỡng?
Mọi đặc tính của con người có phải đều do thiên phú, bẩm sinh mà có hay là do sự biến đổi từ điều kiện môi trường sống trong những năm đầu đời của họ? Nếu cho rằng chỉ do bẩm sinh, thiên phú tức thuyết “theo tự nhiên”, điều đó có nghĩa là cha mẹ hầu như không thể tác động được gì để tạo nên sự khác biệt cho con cái mình. Bé sẽ phát triển theo số phận đã định sẵn, có thể tự biết cách học tập dù có được khuyến khích hay không. Trái lại, nếu tin vào thuyết “do nuôi dưỡng”, thì rõ ràng vai trò của cha mẹ là rất quan trọng. Cha mẹ chính là nền tảng giúp con cái phát triển tốt.
Thật ra đến nay người ta vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho vấn đề này, nhưng có thể khẳng đinh rằng cả hai yếu tố tự nhiên và nuôi dưỡng đều đóng vai trò quan trọng theo cách riêng của nó, điều này được thể hiện rõ trong khả năng lĩnh hội ngôn ngữ của bé. Bé có thể học nói nhờ vào khả năng bẩm sinh từ nhỏ, đồng thời cũng nhờ vào khả năng mô phỏng, bắt chước mọi người xung quanh. Đây là lý do giải thích tại sao từ rất sớm, bé đã có khả năng tự nói chuyện vu vơ một mình rồi, nhưng bên cạnh đó bạn cũng phải dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng bé thì mới giúp bé nói được những tiếng có nghĩa.
Khi hệ thần kinh phát triển và tạo ra những đường liên hệ quan trọng đến cơ, thì bào thai sẽ có khả năng “máy” (chòi đạp), nắm và xòe bàn tay, bú ngón tay cái. Có khi bé còn níu lấy dây rốn nữa. Khi cơ vùng mặt của bé hoàn thiện hơn, bé có thể nheo mắt, mấp máy môi và có nhiều kiểu biểu lộ nét mặt khác nữa.
Sự phát triển các giác quan trước lúc bé chào đời
Lúc bào thai được khoảng 16 tuần tuổi, thì tai (thính giác) đã trưởng thành, nghĩa là bé đã bắt đầu nghe được âm thanh. Các âm thanh của mẹ, như lời nói, tiếng tim đập, tiếng hít thở hay tiếng ùng ục trong dạ dày,… đều rất gần gũi với bé. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng bé không những đáp ứng với các âm thanh trong tử cung của mẹ mà còn có khả năng ghi nhớ các âm thanh này nữa. Ngay khi vừa chào đời, bé đã có thể nhận ra tiếng của mẹ. Bé cũng nhận biết được những giai điệu mà lúc còn trong bào thai bé đã từng được cho nghe.
Mắt của bào thai cũng đã nhận biết được ánh sáng lúc khoảng 14 tuần tuổi. Tuy nhiên mắt của thai nhi vẫn còn khép lại lúc 22 tuần tuổi, hai mí mắt lúc này còn trong suốt nhưng bào thai đã có khả năng phân biệt ánh sáng và bóng tối.
Bào thai liên tục nuốt nước ối, đồng thời tiếp nhận nhiều dưỡng chất, vi chất mà cơ thể mẹ đưa vào thông qua nhau thai. Nhờ những ngụm nước ối này mà cơ thể bào thai tạo ra được khoảng 10.000 (hay nhiều hơn) nụ vị giác, vì thế nên khi sinh ra bé đã có thể cảm nhận được vị sữa ngay. Nếu bé được làm quen sớm với vị đặc trưng của sữa mẹ, thì việc nuôi con bằng sữa mẹ sau này sẽ trở nên dễ dàng hơn.