Khi bé phát triển, các tế bào não liên kết lại với nhau để tạo nên những đường dẫn truyền thần kinh tương tự như mạng điện vậy. Các kinh nghiệm mà bé có được thật sự đã làm khuôn cho não của bé. Quá trình học tập của bé bao gồm việc thiết lập nhiều đường liên hệ mới giữa các tế bào thần kinh. Việc bé lặp đi lặp lại một hoạt động nào đó, chẳng hạn xem tranh ảnh trong sách, hoặc bé tập bò lên cầu thang sẽ củng cố các đường liên hệ này. Mọi thứ bé nhìn, nghe, sờ, ngửi, nếm sẽ để lại những dấu ấn tinh tế trong bộ não của bé.
Quá trình tăng trưởng và học tập
Quá trình tăng trưởng và phát triển về thể chất của bé diễn ra song hành cùng với nhau. Bé học ở phạm vi gần khi nhìn, nghe, ngửi hoặc sờ vào người của cha hay mẹ. Khi mới chào đời, tầm nhìn của bé bị hạn chế nên bé không thể nhìn xa hoặc với tay để chạm một cách chính xác vào một vật nào đó. Lúc này việc ngồi dậy và bò đi là ngoài khả năng của bé. Bé chưa biết nhiều về cấu trúc và mùi vị của mọi vật, cho đến khi lớn hơn, lúc mà bé đã có thể với tay để lấy đồ vật, cầm nắm và đưa đồ vật vào miệng.
Cơ thể của bé phát triển theo trình tự từ đầu xuống chân. Cổ và cánh tay của bé được tập trung phát triển trước, dài và khỏe hơn, sau đó mới đến phần hông lưng và chân. Chính vì vậy, khi chưa thể ngồi được bé thường chỉ dùng tay để khám phá mọi vật nằm trong tầm với của mình mà thôi.
Một khi bé đã có thể ngồi được, tầm mắt của bé sẽ vươn tới những vật ở xa hơn. Bé có thể nhận ra người vừa từ cửa đi vào, cũng như có thể nhìn thấy mọi người đang ăn một món ăn gì đó. Đây cũng chính là lúc mà bé đã sẵn sàng cho những kỹ năng xã hội.
Vào giai đoạn tập ngồi, hai chân của bé chỉ có chức năng đơn giản là giữ thăng bằng. Bé chưa thể đứng và đi được cho đến khi các cơ ở thân và hông lưng đã phát triển đủ để nâng đỡ trọng lượng cơ thể. Khi biết đi, bé có thể học được nhiều điều để “nâng cao” hơn nữa nhằm hướng tới những đồ vật ở tầm xa hơn.
Sự đan xen giữa các kỹ năng
Theo thời gian, các kỹ năng của bé ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau hơn. Bé có thể cầm nắm chính xác bằng ngón cái và ngón trỏ, điều này là nhờ vào sự hỗ trợ của khả năng nhìn và sự phối hợp tốt giữa các ngón tay.
Khi bé biết vẫy tay chào tạm biệt, sự hiểu biết tổng quát của bé đã tiến bộ rất nhiều, đồng thời các giác quan, khả năng phối hợp cũng đã rất phát triển. Vẫy tay chào nhau tuy chỉ là sự vận động các cơ mà người lớn nhìn vào trông có vẻ đơn giản, song lại thể hiện sự phát triển các kỹ năng về xã hội và tình cảm rất lớn của bé.
Học mà chơi, chơi mà học
Vui chơi là điều kiện vô cùng cần thiết cho việc học. Nhờ vui chơi, các giác quan của bé được kích thích, đặc biệt là thị giác, thính giác và xúc giác. Vui chơi còn giúp bé lĩnh hội và thực hành khả năng phối hợp các động tác của cơ thể cũng như những khả năng khác. Khi còn nhỏ, nếu bé không có cơ hội để vui chơi, sau này có thể bé sẽ gặp khó khăn trong học tập.
Đồ chơi
Bất cứ món đồ chơi nào cũng đều mang lại cho bé những trải nghiệm mới, song một số đồ chơi có khả năng kích thích trí tưởng tượng của bé nhiều hơn. Trong khi đó lại có những loại đồ chơi khác lại giúp bé giải phóng năng lượng, hoặc làm giảm các xung đột. Bé cần có nhiều đồ chơi, song không nhất thiết phải là loại đắt tiền. Có thể cho bé chơi đồ chơi cũ, miễn là còn tốt và an toàn. Tốt nhất, bạn nên xử lý các loại đồ chơi trong dung dịch tiệt trùng. Bạn không nên chọn đồ chơi phức tạp quá, vì các loại đồ chơi này có thể gây ức chế trí tưởng tượng của bé. Hãy nhớ rằng đồ chơi càng hoạt động, thì bé càng trở nên thụ động.
Thông thường, bé thích chơi những đồ chơi có hình dạng, kích thước hoặc cấu trúc khác nhau. Có thể bé thích chơi trò xếp gạch nhựa thành tháp, hoặc xếp đồ chơi vào thùng. Không bắt buộc lúc nào bạn cũng phải chơi với bé, song bạn nên để mắt trông chừng khi bé đang chơi, để có thể trợ giúp bé khi cần thiết.
Bạn nên luyện tập cho bé thói quen chơi các trò chơi lâu bền một tý, vì như thế mới tăng cường được khả năng tập trung chú ý của bé. Tuy nhiên, bạn cũng không nên ép buộc bé tiếp tục chơi một trò chơi nào đó mà bé không còn thích thú nữa.
Các hình thức vui chơi
Vui chơi với mọi người sẽ giúp bé hòa đồng, thân thiện, biết hợp tác, biết chia sẻ và biết chờ đợi, cũng như hiểu biết luật chơi. Khi chưa đầy 3 tuổi, bé chưa thật sẵn sàng để chơi chung cùng bạn bè, song bé có thể ngồi chơi riêng bên cạnh một bé khác.
Hầu như bất cứ trò chơi đóng vai nào cũng giúp bé phát triển. Hóa trang bằng các trang phục cũ sẵn có có thể tập cho bé đóng giả thành một người nào đó.
Các trò chơi mang tính sáng tạo sẽ kích thích trí tưởng tượng của bé. Khi bé vẽ nguệch ngoạc một bức tranh nào đó, hoặc nặn tặng ai một bức tượng bằng đất sét (có thể không giống mẫu lắm), bạn hãy nhớ động viên, khuyến khích bé thật tích cực nhé.
Những trò chơi huyên náo, ầm ĩ giúp bé giải phóng nguồn năng lượng bị đè nén cũng như những xung đột bực bội trong người. Cho bé đi dạo ngoài trời hằng ngày giúp bé trải nghiệm những câu chuyện mới, đồng thời còn giúp bé “xả hơi”, thư giãn.