Ai cũng biết là bé trai và bé gái không giống nhau về nhiều phương diện. Các nghiên cứu đã ghi nhận rằng một em bé 10 tháng tuổi khi nhìn vào bức hình của một em bé khác, nếu em bé trong hình có cùng giới tính với bé thì bé sẽ nhìn hình chăm chú hơn, lâu hơn.
Sự khác biệt về giới
Lúc được gần 1 tuổi, bé trai thường thích những trò chơi ồn ào và có tính phiêu lưu, mạo hiểm hơn so với bé gái. Đến khi được gần 3 tuổi, bé trai ít khóc hơn và thường dạn dĩ, ít e dè hơn so với bé gái. Bé trai thường thích các trò chơi với quả bóng, thích khám phá, và có nhận thức về không gian và thời gian tốt hơn bé gái. Trong khi đó, bé gái thường có xu hướng biết nói và biết đi sớm hơn, đồng thời biết tiêu tiểu vào bô vệ sinh sớm hơn bé trai. Bé gái thường điềm tĩnh, khéo léo và có duyên hơn, thường biết hợp tác và kiên nhẫn hơn bé trai.
Giữa bé trai và bé gái, bên cạnh sự khác nhau rõ ràng về cơ quan sinh dục ngoài, còn có những khác biệt về trọng lượng, chiều cao và sức mạnh nữa. Tuy nhiên, những khác biệt về hành vi và nhân cách này được các bậc cha mẹ đánh giá ra sao?
Những bậc làm cha mẹ thường có cách đối xử với bé trai và bé gái khác nhau. Các bà mẹ thường trò chuyện với bé gái nhiều hơn, ôm hôn chúng nhiều hơn. Lúc lớn hơn một chút, bé trai thường được cho là mạnh mẽ và can đảm hơn, còn bé gái thì được khen yêu là xinh đẹp và ngoan hơn. Như vậy, rõ ràng là những cố gắng điều chỉnh để tránh sự phân biệt về giới tính chỉ đạt kết quả ở mức độ nào đó thôi, vì xét cho cùng, vẫn có những khác biệt căn bản giữa hai giới.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh là có sự khác biệt rõ rệt về cấu trúc bộ não giữa bé trai và bé gái. Điều này có thể do hormone sinh dục nam, testosterone, đã có ảnh hưởng đến não cũng như các cơ quan khác của cơ thể. Tuy nhiên, đây không phải là lý do của tất cả những khác biệt về giới đối với bé. Là cha mẹ, bạn sẽ có những phản ứng khác nhau đối với các đặc trưng giới tính của con cái, song chính bạn cũng đã tạo ra cho bé một số nét đặc trưng khác.
Nên tránh phân biệt về giới tính quá mức
Những khác biệt về giới tính đã có sẵn cùng với những yếu tố ảnh hưởng khác như ti-vi và mọi người chung quanh cho thấy chúng ta không thể ngăn ngừa hoàn toàn hành vi phân biệt giới tính này. Tuy nhiên, chúng ta có thể khéo léo điều chỉnh những điều bé trải nghiệm trong giai đoạn rất đầu đời này.
Nếu là bé trai
- Nên vỗ về âu yếm bé, động viên, khuyến khích bé bày tỏ tình cảm, cảm xúc của mình (chẳng hạn cứ để bé bày tỏ sự đau đớn khi bị vấp ngã).
- Nên trò chuyện cởi mở với bé (mẹ - con hay cha - con).
- Giúp bé tập trung khi đọc sách hay theo đuổi những niềm đam mê khác. Nên cho bé chơi các trò chơi mà ở đó bé phải học cách chờ đợi, đến lượt mình mới được chơi.
Nếu là bé gái
- Bồi dưỡng sức mạnh cho bé.
- Khuyến khích bé chơi những trò chơi thể lực và nên cho bé mặc trang phục rộng rãi, thoáng mát để bé có thể di chuyển dễ dàng.
- Nên tạo nhiều cơ hội cho bé chơi với những đồ chơi có hình dạng lạ, các trò chơi xếp hình...
- Khi đọc sách cho bé, chúng ta nên chọn các sách kể về những phụ nữ thành đạt.
Giúp bé phát triển toàn diện nhất
- Khuyến khích bé chơi với bạn bè.
- Tránh coi bé như một người lớn (nghĩa là đừng mong đợi nhiều vào việc bé sẽ có cách ứng xử như người lớn).
Con cả
- Đừng mong đợi ở bé quá mức.
- Hãy nhớ rằng bé chỉ là một đứa trẻ (nghĩa là đừng bắt buộc rằng con cả phải biết cách ứng xử như người lớn).
Con kế cả
- Nên quan tâm chú ý đến bé.
- Tránh bế bé quá lâu.
Con giữa
- Nên lắng nghe ý kiến của bé.
- Nên làm sao cho bé hiểu rằng chúng ta cũng coi bé là một người đặc biệt.
Con út
- Thỉnh thoảng mua đồ chơi cho bé.
- Dành thời gian chơi với bé.
Vị trí của bé trong gia đình
Vị trí của bé trong gia đình có thể có ảnh hưởng đôi chút đến sự phát triển nhân cách của bé sau này. Thật ra không có một quy luật tuyệt đối nào cho vấn đề này cả, chúng tôi chỉ có thể đưa ra một số xu hướng chung sau đây để các bạn tham khảo:
Trường hợp con một hoặc con đầu
Những đứa con đầu trong gia đình thường được cưng chiều, khi chúng muốn điều gì thì cha mẹ thường rất khó từ chối. Cha mẹ cũng thường đặt nhiều kỳ vọng vào những đứa con này, và cha mẹ sẵn sàng làm mọi thứ để có thể làm vui lòng con. Nhưng những đứa con đầu lại thường khiến cho cha mẹ ưu tư nhiều nhất. Nhờ được cha mẹ dành nhiều thời gian để trò chuyện, nên những đứa con đầu thường biết nói sớm hơn so với những đứa con kế tiếp.
Trong trường hợp bé là con một, bé sẽ được cả nhà quan tâm một cách đặc biệt nhất. Bé sẽ biết nói sớm và quan hệ tốt với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, trong cuộc sống, bé có thể cảm thấy đơn độc và thiếu tự tin, ít bản lĩnh khi chơi chung với những đứa trẻ khác đồng trang lứa. Nhưng mặt tích cực dễ thấy là bé sẽ trưởng thành hòa đồng, vui vẻ với bạn bè, và trong cuộc sống các bé này thường là những người thành công mỹ mãn.
Con thứ
Những đứa con thứ thường được nuôi dạy tương đối thư thả, thoải mái hơn. Bé cần phải có thời gian để thích nghi với cuộc sống đã ổn định của gia đình, và bé sẽ xoay xở được. Chúng thường phát triển óc hài hước, song có thể sẽ rất nghiêm khắc, nhất là khi người anh hay người chị của bé (tức đứa con đầu trong gia đình) được cưng chiều quá mức và được hưởng mọi điều thuận lợi.
Con giữa
Những đứa con giữa hiểu biết nhiều hơn về cách dàn xếp và đàm phán. Bé sống hòa đồng với mọi người, song có khi lại cảm thấy bị bỏ rơi, bị “ra rìa”. Do vị trí của bé trong gia đình không có gì đặc biệt, nên có thể bé sẽ cảm thấy không được mọi người chăm sóc đặc biệt.
Con út
Con út thường ít được bố mẹ quan tâm nhất, và các anh chị em của bé thường được người lớn nêu ra để “làm gương” cho bé noi theo. Bé út thường thích nghi tốt với tất cả mọi người. Tuy về mặt học vấn bé út có thể ít thành đạt hơn, song bé thường rất nhạy cảm, vui vẻ và có tư chất tốt.