Trở lại Lào chừng hơn một tháng, Oanh gửi thư sang báo cho Tâm biết trong kỳ thi vừa rồi Tâm là một trong số bảy thí sinh có điểm thi cao nhất thành phố Hà Nội. Tâm mừng quá cầm lá thư la hét om sòm trước mặt các bạn trong lán, sau đó chạy lên chỗ ông Đỗ Hòa:
- Em đỗ rồi thủ trưởng ơi! Em đỗ rồi!
Ông Đỗ Hòa bỏ tờ báo đang đọc xuống, hỏi:
- Cậu vừa nhận được thư ở Hà Nội hả?
- Vâng. Bạn em báo tin em là một trong bảy thí sinh có điểm cao nhất trong kỳ thi này của thành phố Hà Nội.
Ông Đỗ Hòa ngạc nhiên:
- Thế kia à! Tự học từ giữa lớp tám cho đến lớp mười mà thi đạt được điểm cao nhất trong kỳ thi thì đúng là cậu được xếp vào loại cá biệt đấy. Bây giờ thì tính chuyện làm con rể của tớ được chưa?
- Thưa thủ trưởng, em chậm mấy bước. Hạnh có người yêu rồi ạ.
Ông Đỗ Hòa ngạc nhiên:
- Con Hạnh bảo với cậu thế à?
- Vâng.
- Thế cậu nói với nó thế nào?
- Thưa thủ trưởng, em nói với Hạnh là thủ trưởng bảo em làm con rể. Thế là Hạnh cười và bảo em đến chậm mấy bước rồi.
- Tớ chưa thấy thằng con trai nào ngu như cậu. Có đứa con gái nào khi con trai mới ngỏ lời đã nhận ngay đâu. Nó còn làm điệu làm bộ chán mới gật đầu. Cậu hiểu chưa.
- Em hiểu rồi ạ. Em sẽ rút kinh nghiệm.
Tâm đưa buổi nói chuyện với ông Đỗ Hòa ra kể cho bọn bạn nghe, cả bọn lăn ra mà cười.
Sau lá thư gửi báo tin kết quả thi cử của Tâm, các lá thư tiếp theo của Oanh ngày một thưa dần. Lời lẽ trong thư cũng trở nên nhạt nhẽo. Đến tháng thứ năm kể từ khi Tâm rời Hà Nội thì Tâm không còn nhận được lá thư nào của Oanh nữa. Tâm chẳng hiểu lý do làm sao. Có tháng Tâm gửi ba lá thư liên tiếp nhưng vẫn không nhận được thư trả lời của Oanh. Có lẽ Oanh đã thay đổi rồi. Đúng là Oanh đã thay đổi. Người con trai thay thế Tâm là Tú. Oanh gặp Tú trong một buổi giao lưu giữa tuổi trẻ Thủ đô với các dũng sĩ diệt Mỹ từ miền Nam ra thăm miền Bắc. Tú sinh ra ở Hà Nội. Là con của một cán bộ cao cấp của Bộ Ngoại giao. Tú vừa đi học bảy năm về ngành hóa và lấy bằng tiến sĩ ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Vừa đẹp trai, vừa có của lại có cả bằng cấp ở nước ngoài, gia đình lại có địa vị trong xã hội, đó là điều mơ ước của bao cô gái Hà Nội. Ngày ấy có một câu ca dao lan truyền coi như phương châm cho các cô gái Hà Nội chọn người yêu: Một yêu anh có Senko, hai yêu anh có Peugeot cá vàng. Một anh hạ sĩ gốc gác nông dân, phụ cấp một tháng mấy đồng như Tâm làm sao mà đối chọi được với Tú. Vì thế việc Oanh ngã vào vòng tay của Tú là điều dễ hiểu.
Tâm vẫn không tin là Oanh phản bội mình cho đến khi Tâm nhận được lá thư cuối cùng của Oanh. Lá thư khá dài. Trong thư Oanh bảo đã trằn trọc suy nghĩ nhiều đêm khi quyết định viết lá thư cuối cùng cho Tâm. Oanh bảo xét qua nhiều mặt có những điểm giữa Tâm và Oanh không hợp. Mà trong tình yêu đã không hợp thì không bao giờ có hạnh phúc. Oanh bảo cô rất đau khổ khi nói ra những điều này. Nhưng thà chịu một lần còn hơn khi cuộc sống vợ chồng không có hạnh phúc thì đau khổ suốt đời.
Bây giờ thì Tâm tin chắc là Oanh đã phản bội mình rồi. Ai đã một lần bị tan vỡ mối tình đầu mới thấu hiểu nỗi đau khổ của Tâm như thế nào. Nó giống như có ai đó đưa bàn tay bóp vào trái tim Tâm, làm trái tim vỡ ra từng mảnh. Tâm quằn quại mấy đêm liền. Bạn bè trong phòng nhận ra vẻ mặt bơ phờ của Tâm.
- Lại bị người yêu đá hả?