Ăn cơm chiều ở nhà ông Hòa xong, Tâm muốn rủ Hạnh đi chơi buổi cuối cùng trước khi chia tay nhưng ngần ngại không biết nói thế nào. Rất may Hạnh lại là người gỡ sự ngần ngại cho Tâm.
Khi thấy Tâm đứng lên định chào bố mẹ mình để ra về, Hạnh bước đến nói một cách tự nhiên:
- Hạnh tiễn Tâm về nhé.
Hành động của Hạnh khiến Tâm bất ngờ. Anh nghĩ việc mình xin về Hải Phòng sẽ làm cho Hạnh thất vọng và tránh mặt mình, không ngờ Hạnh chủ động tiễn mình về coi như một buổi chia tay.
Tâm nhìn và nói vừa đủ cho Hạnh nghe:
- Anh cám ơn em!
Đây là lần đầu tiên Tâm xưng anh và gọi Hạnh là em, khác với mọi lần chỉ xưng tên với nhau. Hình như Hạnh cũng cảm động trước sự thay đổi cách xưng hô ấy.
Tâm chào từ biệt vợ chồng ông Hòa rồi cùng Hạnh dắt xe ra khỏi nhà. Ông bà Hòa tiễn Tâm ra tận ngõ, đứng quyến luyến nhìn theo bóng Hạnh và Tâm khuất vào góc phố.
Đi được một đoạn Tâm hỏi:
- Em muốn đi đâu bây giờ?
- Ngày mai anh đã xa Hà Nội rồi, em bận đi học không tiễn anh được nên coi buổi đi chơi hôm nay là buổi tiễn biệt anh về Hải Phòng.
- Vậy thì chúng mình đi lên cầu Long Biên hứng gió, sau đó về Bờ Hồ ăn kem Bốn Mùa và ngồi ghế đá ngắm mặt hồ cho đến sáng, em có chịu không?
- Chỉ sợ anh không làm được như lời anh nói thôi.
- Nếu anh làm được thì sao?
Hạnh cười:
- Thì anh ngồi ngắm mặt hồ một mình, còn em về đi ngủ.
- Biết ngay mà.
Cuối chiều, người đi lại trên cầu thưa thớt. Tâm và Hạnh đến đứng đúng cái chỗ hôm trước hai người đã đứng. Chiều tà, mặt sông lấp loáng ánh mặt trời như dát bạc.
- Em ở Hà Nội từ thủa bé đến giờ nhưng chưa khi nào em nhìn được cảnh mặt trời chiều chiếu xuống dòng sông Hồng lung linh như thế này. Anh thấy có đẹp không?
- Anh cũng lần đầu tiên nhìn thấy cảnh này. Đúng là quá đẹp!
Tâm quay qua nhìn Hạnh. Bỗng Tâm ngạc nhiên kêu lên:
- Khuôn mặt em tự nhiên được phủ lên mầu hồng phơn phớt rất đẹp.
Hạnh quay qua nhìn Tâm định bảo Tâm nịnh đầm, nhưng Hạnh cũng nhận ra cái màu hồng phơn phớt ấy hiện ra trên mặt Tâm. Hạnh kêu lên:
- Mặt anh cũng thế. Y như người được đánh phấn hồng vậy. Sao lại có hiện tượng lạ lùng như thế nhỉ?
Tâm ngẫm nghĩ một lát rồi bảo Hạnh:
- Có lẽ đây là hiện tượng phản quang. Giống như khi mình cầm đèn pin soi vào mặt gương, từ đó có một luồng ánh sáng ảo hắt lên chiếu thẳng vào vật khác. Ở đây sông Hồng tựa mặt gương bị ánh mặt trời rọi xuống và hắt ánh sáng ngược về phía anh và em. Em thấy anh giải thích thế có hợp lý không?
Hạnh im lặng giây lát rồi nói giọng buồn buồn:
- Ước gì ánh sáng ấy mãi mãi ở trên khuôn mặt anh và em nhỉ!
Biết câu nói của Hạnh mang khía cạnh ám chỉ nên Tâm nói:
- Chỉ khi nào mình mang khuôn mặt của mẹ cha cho mình thì mới bền. Còn tô son điểm phấn, kể cả ánh sáng phù sa của sông Hồng tô điểm cho ta thì vẫn chỉ là cái đẹp tạm thời. Nó sẽ phai mờ theo thời gian.
Hạnh cười:
- Em chịu cái triết lý của cụ non rồi.
Tâm và Hạnh đứng trên cầu Long Biên cho đến lúc mặt trời xuống sau chân núi Ba Vì mới thong dong đạp xe đi bên nhau về phía hồ Hoàn Kiếm.
Cuối thu, trời tối sớm và se lạnh. Những bóng đèn sợi đốt vàng bệch le lói trong các khóm lá ven hồ. Tâm và Hạnh ngồi trên một chiếc ghế đá quay ra mặt hồ. Cả hai im lặng ngắm làn sóng lăn tăn vệt sáng của bóng đèn điện. Mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Hạnh biết Tâm qua thư của bố. Bố kể có một chiến sĩ trên cả tuyệt vời. Chỉ bằng một ý chí tự học mà trong ba năm từ lớp tám đã học xong chương trình cấp ba. Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông sắp đến, sẽ bố trí cho anh chiến sĩ về Hà Nội để thi. Không có lá thư nào bố không khen Tâm về một chuyện gì đó. Trong một lá thư bố lại nói giá như trong tương lai Hạnh lấy được một người chồng như Tâm chắc sẽ hạnh phúc suốt đời. Cứ rỉ rả những lá thư như thế khiến Hạnh tự nhiên quan tâm đến cái anh chàng mà bố hết lời ca ngợi. Thế rồi bố tạo điều kiện cho Tâm về Hà Nội thi thật. Hạnh nhớ đến buổi gặp gỡ đầu tiên với Tâm ở nhà mình. Hôm ấy đi học về Hạnh thấy một anh chàng có dáng người thấp, mặc sắc phục công an ngồi ở nhà mình, Hạnh chào khách rồi vào phòng cất sách vở, sau đó xuống bếp hỏi mẹ người khách ngồi trên nhà là ai. Mẹ bảo anh ta ở chỗ bố về Hà Nội để dự thi. Thì ra là anh chàng mà bố thường nhắc đến trong những lá thư. Mẹ lúi húi lo cơm nước nên Hạnh phải ra tiếp. Dù Tâm không nói ra nhưng Hạnh biết anh quyết xin về Hải Phòng cho bằng được là để quên cảnh và người đã khiến cho Tâm đau khổ tuyệt vọng.
Thấy Hạnh ngồi trầm ngâm, Tâm hỏi:
- Em đang nghĩ gì mà có vẻ trầm tư thế?
- Em đang nhớ lại cái hôm em đem các thứ đến trạm khách nhờ anh chuyển cho bố em.
- Anh còn nhớ hôm ấy anh nói một cách quả quyết muốn cuỗm con gái của thủ trưởng. Em nhớ chứ?
- Em không quên bất kỳ chuyện gì liên quan đến anh.
Tâm cảm động trước câu nói của Hạnh.
- Anh cám ơn em. Anh xin về Hải Phòng khiến em buồn lắm phải không?
Hạnh không trả lời câu hỏi của Tâm mà hỏi lại:
- Về Hải Phòng rồi, anh có lên Hà Nội nữa không?
Tâm không biết trả lời Hạnh như thế nào. Ý nguyện Tâm xin về Hải Phòng ngoài việc gần nhà để còn giúp bố mẹ ra còn tránh phải chạm trán Oanh hằng ngày nếu như được bố trí làm việc ở cơ quan Bộ. Vì vậy Tâm tự hứa với mình là không khi nào đặt chân về Hà Nội. Bây giờ biết trả lời Hạnh thế nào đây?
Thấy Tâm không muốn trả lời câu hỏi của mình, Hạnh nói:
- Em biết vì sao anh không trả lời câu hỏi của em rồi. Nhưng anh trốn gặp con người đó ngoài đời chứ làm sao trốn được trong trái tim.
Tâm không ngờ Hạnh lại hiểu mình như vậy. Bỗng dưng Tâm thấy thương Hạnh. Một tình thương dịu ngọt của người anh trai dành cho đứa em gái bé bỏng. Tâm nắm lấy tay Hạnh:
- Em gái anh ngoan thế này làm sao mà anh không lên Hà Nội thăm em được.
Hạnh để nguyên bàn tay của mình trong tay Tâm:
- Cho em hôn anh một cái được không?
Tâm bất ngờ đến lúng túng trước lời đề nghị của Hạnh. Từ chối trước tình cảm chân thành và trong trắng của Hạnh ư? Như thế tội cho Hạnh quá! Nhưng để cho Hạnh hôn, biết đâu đó là cái hôn đầu đời của người con gái và để lại một tình yêu vô vọng có thể làm cho Hạnh vô cùng đau khổ. Mình đang đau khổ vì tình yêu lẽ nào lại kéo theo một tâm hồn trong trắng của một cô gái vương vào cái vòng đau khổ của mình.
Tâm định đưa bàn tay của Hạnh lên để hôn thì bất ngờ Hạnh ôm lấy Tâm và đặt đôi môi nóng bỏng của mình lên môi Tâm. Hạnh hôn say sưa đến nỗi Tâm không gỡ Hạnh ra được.
Hôn xong Hạnh đứng lên cầm lấy xe đạp dắt ra đường. Tâm cũng vội vàng đứng lên.
- Chờ anh tiễn em về.
- Không. Anh không được tiễn em. Nếu anh tiễn chắc em khóc mất.
- Thì em cứ khóc đi.
Bây giờ cả hai người mới để ý thấy đường phố đã vắng tanh.
Sương thu đang xuống.