Sau một tháng nghỉ phép, Tâm trở lại cơ quan để nhận công việc.
Trung tá Hải niềm nở:
- Nghỉ phép một tháng có gì vui không? Đã có cô nàng nào lọt vào mắt chưa?
- Nghỉ được một tháng ngày nào cũng vác cuốc ra đồng cùng với bố mẹ thủ trưởng ạ. Đang vào vụ gieo rau giống nên tối mắt tối mũi làm đất cho kịp vụ, vất lắm. Có tham gia lao động mới biết thương bố mẹ và các em.
- Quê đồng chí làm rau giống à?
- Vâng. Xã Duyên Nam của tôi nổi tiếng rau giống ở Hải Phòng. Đến vụ trồng rau khắp các chợ trong vùng đều do vùng tôi bày bán. Cũng có nhiều nơi làm rau giống nhưng người ta vẫn thích rau giống Duyên Nam. Tôi cũng định sớm đi tối về để có điều kiện giúp đỡ bố mẹ.
- Từ đây về quê đồng chí chỉ hơn mười cây số. Đạp xe đạp chỉ trên dưới một tiếng đồng hồ nên việc giúp gia đình chắc không có gì trở ngại lắm.
- Nguyện vọng xin về huyện của tôi có được trên xét không ạ?
- Đảng ủy cơ quan có xem xét nguyện vọng của đồng chí nhưng tình hình của cơ quan hiện đang thiếu hụt quân số nghiêm trọng vì cấp trên rút một số đồng chí cán bộ của Hải Phòng tăng cường cho một số tỉnh miền núi phía Bắc. Có phòng như Phòng Công tác đảng và công tác quần chúng chỉ còn sáu đồng chí nên việc xuống cơ sở rất hạn chế. Phòng Điều tra tội phạm kinh tế công việc rất nhiều cũng chỉ có sáu đồng chí, trước đây do đồng chí Đang làm Trưởng phòng. Nhưng đồng chí Đang đi học dài hạn ở Học viện Quốc phòng nên giao lại cho đồng chí Cự, Thiếu tá Phó phòng phụ trách. Đồng chí Cự lại đau ốm thường xuyên nên công việc của phòng chủ yếu do đồng chí Sản, đại úy làm. Định điều dưới huyện bổ sung nhưng họ kêu nếu rút người lên thành phố thì huyện không còn người làm việc. Tôi nói qua như vậy để đồng chí biết. Đồng chí thông cảm với lãnh đạo.
Thực ra đoạn đường từ thành phố về nhà Tâm và xuống huyện khoảng cách không chênh lệch bao nhiêu. Thậm chí từ nhà xuống huyện còn trở ngại hơn là phải qua phà. Nhưng Tâm vẫn muốn mình được về công tác. Tâm cũng chưa lý giải được vì sao. Có lẽ về làm công an ở huyện ít áp lực hơn ở thành phố. Và cũng có thể sống với anh em cùng huyện dễ chan hòa hơn.
Tâm quay sang hỏi Trung tá Hải:
- Tôi được bố trí về phòng nào đây ạ?
- Tội phạm kinh tế ở thành phố ta đang có chiều hướng gia tăng. Phòng Điều tra tội phạm kinh tế công việc rất nhiều nhưng hiện chỉ có đồng chí Sản và sáu người khác. Đảng ủy bố trí thêm đồng chí về Phòng Điều tra tội phạm kinh tế. Hiện đồng chí Cự đang đi nằm viện. Sau này đồng chí tìm hiểu thêm công việc của phòng. Bây giờ tôi sẽ dẫn đồng chí xuống đó giới thiệu đồng chí với đồng chí Sản, sau đó đồng chí làm quen với công việc. À đồng chí định ăn cơm tập thể hay ăn cơm gia đình để xuống báo cơm với quản lý luôn?
- Từ đây về nhà tôi đạp xe chỉ một tiếng đồng hồ nên tôi về ăn cơm nhà anh ạ. Với lại tôi muốn dành nhiều thời giờ để giúp gia đình nên đi về ăn cơm nhà chủ động thời gian hơn.
Lần đầu gặp đồng chí Sản có khuôn mặt khắc khổ khiến những người mới tiếp xúc lần đầu cứ nghĩ đây là một người khó tính, hóa ra Sản sống rất cởi mở. Tâm mới ngồi chưa nóng chỗ, Sản hỏi thăm hoàn cảnh gia đình đồng thời cũng kể hết chuyện gia đình mình cho Tâm nghe. Sản hơn Tâm đúng hai mươi tuổi. Lên đại úy được ba năm. Nếu ông Cự được đẩy lên Trưởng phòng thì Phó phòng chắc chắn nằm trong tay tớ - Sản nói một cách tự tin - Sản đã có vợ và ba con - Tớ bị cảnh cáo vì vỡ kế hoạch sinh con thứ ba đấy cậu ạ. Thậm chí suýt nữa mất cả Đảng. Nhưng đổi lại tớ được một thằng con trai thông minh cực kỳ. Học từ cấp một đến cấp ba năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Năm vừa rồi thi hai trường đại học đỗ cả hai. Ông nghĩ có sướng cái đời thằng mục không. Vợ Sản hơn hai tuổi. Sản bảo lấy vợ già cũng có cái hay là lúc nào cũng được vợ chiều chuộng hết sảy vì sợ chồng chê già rồi léng phéng. Thú thật với ông đôi khi gặp những cô gái đẹp mình cũng thấy thèm thèm. Cậu có vợ chưa?
Tâm đáp:
- Chưa.
- Tớ chưa xem lý lịch của cậu nên chưa biết cậu bao nhiêu tuổi.
- Tôi năm nay hai sáu tuổi.
- Còn trẻ chán. Nói qua một chút công việc của Phòng để cậu nắm được nhé. Gọi là Phòng điều tra về tội phạm kinh tế nên cậu đã hình dung ra vất vả như thế nào rồi. Phải xuống cơ sở thường xuyên để nắm tình hình. Có đơn tố cáo chỗ này, chỗ kia có hiện tượng bất thường là phải bám liên tục. Làm việc chẳng có giờ giấc như ngồi ở cơ quan.
Tâm cười:
- Tính tôi hiếu động nên làm việc gì cứ ngồi một chỗ là thấy bức bối khó chịu nên có khi công tác cơ động như vậy thích hợp với tôi. Có điều tôi chưa qua đào tạo làm công tác điều tra bao giờ nên không biết có làm được không.
- Cái đất nước mình ấy mà. Mười thằng làm việc thì chỉ có ba thằng được đào tạo cơ bản, còn lại bảy thằng thì cứ tay không bắt giặc. Thông minh một chút, gan dạ một chút và đừng có ham tiền, ham vàng, ham gái là làm được tất. Như tớ đây quyền Phó phòng nhưng có được đào tạo ngày nào đâu. Cứ làm phăng đi rồi đâu sẽ vào đó hết.
Nhìn thấy bộ cặp lồng bằng nhôm để ở góc bàn, Tâm hỏi:
- Anh đem cơm ăn trưa à?
Sản có ý ngượng:
- Nó tiện là hết giờ làm việc ăn xong kềnh ra ngủ luôn chứ chẳng phải chờ kẻng, chờ còi gì.
Tâm nói để Sản yên tâm vì thấy có bạn đồng hành.
- Có lẽ tôi cũng học tập anh thôi. Bữa sáng chén một bụng thật no rồi xách theo lưng bát cơm và mấy miếng đậu phụ kho là xong bữa trưa.
- Thú thực với cậu là nhiều khi cũng ngượng với anh em trong cơ quan. Sợ người ta cho mình keo kiệt. Nhưng họ có biết đâu lương đại úy của tớ, lương giáo viên cấp một của vợ mà phải chi cho năm người. Ăn, mặc, học hành, thuốc thang khi đau ốm. Rồi còn chuyện thăm hỏi, cưới xin, giỗ chạp, thứ gì cũng xén vào đồng tiền lương. Lúc nào cậu có gia đình, cậu sẽ hiểu. Này, nếu cậu không ăn cơm tập thể thì xuống báo với hậu cần để người ta làm kế hoạch cấp tem phiếu hàng tháng cho cậu. Nhiều thứ ra phết. Lại được mua giá cung cấp nên ăn uống không thâm hụt vào đồng lương bao nhiêu. Bây giờ cậu xuống hậu cần đi. Công việc chiều sẽ trao đổi sau.
Buổi chiều sau tiếng kẻng báo giờ làm việc của cơ quan, Sản mở tủ lôi ra bốn, năm cặp hồ sơ để trong những cái cặp làm bằng bìa các tông buộc dây vải đặt xuống bàn bảo Tâm:
- Đây là toàn bộ tài liệu của phòng đưa cậu đọc tham khảo để nắm được công việc của mình. Nói chung địa bàn thành phố chúng ta khá phức tạp. Nó là thành phố cảng, tàu bè ra vào thường xuyên. Phản động, ma túy, buôn lậu cũng theo con đường này xâm nhập vào thành phố. Vì vậy phải dựa vào lực lượng quần chúng mới phần nào làm trong sạch địa bàn của thành phố được. Này, tớ còn cái phiếu thịt và phiếu đường sắp hết hạn rồi, tớ nhoàng ra phố một lát. Nếu có ai hỏi cứ bảo tớ đang đi tiếp xúc với đối tượng nhé.
Suýt nữa thì Tâm cười thành tiếng.
Đọc các tài liệu để trong tủ, phát hiện ra tại xã Duyên Trường vấn đề buôn lậu diễn biến khá phức tạp nên Tâm báo cáo với Sản cho mình bám Duyên Trường mấy hôm để tìm hiểu tình hình xem sao.
Tuy cùng huyện nhưng Duyên Trường ở cuối cùng, gần thị trấn. Còn xã Duyên Nam của Tâm ở đầu huyện nên từ bé đến giờ Tâm chưa một lần đặt chân tới Duyên Trường. Tâm mang máng hình như thằng Khôi, bạn học trường huyện thời phổ thông ở xã này một thời sơ tán về quê Tâm thì phải. Tâm nhớ giữa năm lớp tám thằng Khôi bám cái Phượng ở thành phố cũng sơ tán về giống như đỉa đói nhưng cái Phượng chẳng hề để mắt tới. Hôm bọn con gái thành phố sơ tán trở về lại Hải Phòng, thằng Khôi đứng chết cứng như tượng nhìn theo Phượng. Còn Tâm thì lẽo đẽo tiễn Mai đến cuối đường làng. Mai hứa lấy hứa để là trở lại thăm Tâm nhưng rồi mất hút con mẹ hàng lươn. Có lẽ cùng tâm trạng nên tự nhiên Tâm và Khôi hay chuyện trò với nhau và trở nên thân. Dạo tuyển nghĩa vụ Tâm cứ chờ thằng Khôi đến khám nhưng chẳng thấy nó đâu. Không hiểu sau khi mình vào lực lượng công an thằng Khôi có đi bộ đội không? Mấy năm ấy vét lính đến kinh khủng chắc thằng Khôi cũng khó thoát.
Từ ngoài đồng về, Tâm rửa ráy đâu vào đó, ăn vội bát cơm nguội với lạc rang dầm nước mắm, món khoái khẩu nhất của Tâm, sau đó lên xe đi xuống công an huyện. Sau khi đưa giấy giới thiệu của công an thành phố và trình bày qua nhiệm vụ của mình, Tâm xin giấy giới thiệu của công an huyện xuống làm việc với xã Duyên Trường. Tưởng từ thị trấn xuống Duyên Trường còn xa hóa ra qua thị trấn chừng nửa cây số là đến. Không phải thị trấn nhưng Duyên Trường nằm sát bờ sông Văn Úc, tấp nập trên bến dưới thuyền nên chẳng thua kém gì thị trấn.
Đảng ủy và Ủy ban xã Duyên Trường ở ngay trung tâm xã.
Tâm dắt xe đạp, nói qua với bảo vệ rồi đi thẳng vào văn phòng ủy ban đưa giấy giới thiệu và bảo mình xuống làm việc với bí thư và chủ tịch xã. Cô nhân viên văn phòng bảo bí thư lên họp ở huyện, chỉ có chủ tịch ở nhà. Cô nhân viên văn phòng mời Tâm ngồi rồi cầm giấy giới thiệu đi lên tầng hai. Lát sau có một người to cao, mặc sơ mi trắng cộc tay thắt cà vạt màu tím đi về phía Tâm. Không nói không rằng, người đàn ông bước nhanh đến và ôm lấy Tâm kêu lên mừng rỡ:
- Đọc thấy tên trong giấy giới thiệu tớ chắc mẩm là cậu chứ chẳng ai có cái tên như vậy. Lặn một mạch dễ đến mười mấy năm đấy nhỉ. Cậu có nhận ra tớ không? Tớ là Khôi đây mà. Đúng là quả đất tròn.
Tính Tâm không sôi nổi nên hơi ngỡ ngàng với thái độ thái quá của Khôi.
- Ngày còn học cấp ba cậu gầy như con cò hương. Bây giờ to béo phốp pháp như tây thế này làm sao mà tớ nhận ra được.
- Do trời phú cả cậu ạ. Cậu chẳng khác ngày xưa là bao. Thôi, lên phòng tớ hàn huyên cho thoải mái.
Nói xong, Khôi quay sang bảo với cô nhân viên văn phòng:
- Em lấy mấy chai bia Trúc Bạch đưa lên phòng làm việc của anh nhé - Nói xong Khôi cầm tay Tâm kéo đi.
Tâm nhìn lướt qua phòng làm việc của Khôi một lượt rồi hỏi:
- Cậu có đi bộ đội năm nào không?
- Không. Bạn bè, tớ mới nói để cậu biết. Tớ cũng có danh sách đi nghĩa vụ nhưng nhờ bác làm trưởng phòng ngoại thương thành phố xin cho miễn nhập ngũ. Bác bảo tớ thỉnh thoảng lên cơn động kinh, thế là thoát nạn.
Nói xong Khôi cười sảng khoái, còn Tâm thì thấy hơi khó chịu.
Khôi nói tiếp:
- Sau khi thoát được đi lính, bác tớ sắp xếp cho đi tàu Vốt-cô. Đi mấy năm kiếm đủ, hơn nữa đang ở giai đoạn các vị ghen ăn tức ở hôm nay kiểm tra, ngày mai kiểm soát nên tớ rời khỏi tàu nhảy lên bờ mở một cửa hàng chuyên bán hàng Nhật đã qua sử dụng giao cho vợ trông coi, còn tớ lo khâu chạy hàng. Tớ nghĩ không có ông bác của tớ làm trưởng phòng ngoại thương mà phải vào lính là coi như toi đời rồi.
Tâm muốn chấm dứt sự khoe khoang của Khôi nên hỏi:
- Cậu lấy vợ năm nào?
- Trong thời gian tớ đi tàu Vốt-cô. Cậu có nhớ con bé Phượng ở thành phố sơ tán về làng Đình Đông của cậu học cùng lớp tám với bọn mình không? Vợ tớ đấy.
Tâm ngạc nhiên:
- Nếu tớ nhớ không nhầm thì ngày cùng học với nhau cái Phượng ghét cậu lắm kia mà?
- Ghét của nào trời trao của ấy. Các cụ đã nói thế rồi mà.
Tâm lơ đãng nhìn khắp phòng làm việc của Khôi rồi dừng lại ở bức tượng Di Lặc mạ vàng lấp lánh đặt trên chiếc tủ đóng bằng gỗ gõ bóng loáng.
- Cậu đang nghĩ gì thế? - Thấy Tâm nhìn lơ đãng Khôi hỏi.
Tâm hơi giật mình:
- Tớ đang thắc mắc vì sao gia đình cậu ở thành phố mà cậu lại làm Chủ tịch xã Duyên Trường?
- Nhà trên phố tớ mua để buôn bán làm ăn thôi chứ hộ khẩu của tớ vẫn ở chung với hai cụ ở Duyên Trường. Mọi sinh hoạt đoàn thể tớ cũng tham gia ở địa phương.
- Cái Mai bây giờ ở đâu cậu có gặp không?
- Mai nào? Có phải Mai cậu trêu nó bằng cách nhét con châu chấu vào trong tay không?
- Đúng. Nhưng tớ có trêu đâu. Tớ bắt và cho Mai thật mà. Mai bây giờ còn ở Hải Phòng không?
- Nó ở phố Lạch Tray. Chồng nó cùng đi tàu Vốt-cô với tớ. Không biết gặp cậu Mai còn nhận ra không. Vợ chồng tớ cũng thỉnh thoảng đến chơi với vợ chồng Mai. Lúc nào tớ đưa cậu đến gặp vợ chồng nó.
- Cậu cứ cho tớ biết số nhà của Mai, rỗi lúc nào tớ tìm đến lúc ấy cho chủ động.
- Phố Lạch Tray dài dằng dặc, tớ chỉ nhớ nhà chứ không nhớ số. Chết chửa lâu lắm gặp nhau hết chuyện này sang chuyện kia vui quá nên quên cả khui bia mời cậu.
Khôi cầm lên một chai bia Trúc Bạch mở nắp rồi rót đều hai cốc. Khôi cầm cốc bia đưa lên:
- Nào, chúc mừng cuộc hội ngộ sau bao nhiêu năm.
Uống cạn cốc bia, Khôi hỏi:
- Cậu đang công tác tại công an thành phố à?
- Ừ. Tớ công tác ở công an thành phố.
- Ở phòng nào?
Tâm nhanh trí đáp:
- Tớ ở Phòng Môi trường.
Khôi cười:
- Sao không chọn phòng điều tra tội phạm ma túy hay kinh tế có phải kiếm được tiền không mà đi chọn cái anh môi trường?
Tâm cười:
- Mình là con trai độc nhất, lại chưa vợ chưa con nên sợ đi tù không ai chăm sóc bố mẹ.
- Làm không bị đi tù mới giỏi chứ làm mà đi tù thì nói làm gì.
Tâm đùa:
- Làm cách nào không phải đi tù, cậu hướng dẫn cho tớ với.
- Đùa với cậu cho vui thôi chứ cái món ấy tớ cũng chịu. Hôm nay ông tìm đến làm việc với xã tôi về chuyện gì thế?
- Việc chuyên môn của mình thôi. Mình muốn nghe xã báo cáo về tình hình tội phạm môi trường trong xã xem có vấn đề gì không.
Khôi tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Tớ tưởng huyện trực tiếp làm việc với xã rồi báo cáo lên thành phố chứ sao thành phố lại xuống trực tiếp làm với xã?
- Thường thì như vậy. Thành phố nắm tình hình qua báo cáo của huyện. Nhưng để xem báo cáo có chính xác hay không đôi khi thành phố cũng phải trực tiếp kiểm tra lại.
- Tớ hiểu rồi. Hôm nay ông định làm việc với xã những vấn đề gì?
- Ông đã biết rồi đấy. Xã của ông kinh tế đang phát triển nên việc xây dựng nhà cửa ngày càng nhiều. Theo dư luận quần chúng thì phần lớn rác thải xây dựng đều đổ xuống sông Văn Úc, không biết có phải thế không?
- Chuyện ấy thì ông cứ yên tâm đi. Bọn tớ kiểm soát rất chặt chẽ.
- Mình muốn nghe các ông báo cáo cụ thể để còn về trình với trên.
- Chiều sẽ có báo cáo ngay với ông. Được chưa?
- Thế thì còn gì bằng - Rồi làm như vô tình Tâm hỏi - Xã Duyên Trường tấp nập trên bến dưới thuyền thế này chắc nạn buôn lậu cũng phát triển đúng không?
- Thời buổi người khôn của khó như hiện nay làm sao mà tránh được buôn lậu. Với lại nói cho cùng đã buôn bán thì làm sao mà thật thà được. Ông có nghe các cụ nói không? Các cụ ta bảo con buôn nói ngay bằng đi cày nói dối à. Ông định làm việc với xã mấy hôm?
- Lệ thuộc vào báo cáo của các ông. Cũng nói trước để ông biết việc ăn uống, ngủ nghỉ tớ đã đăng ký với công an huyện rồi. Các ông không phải lo ăn ở cho tớ.
- Nếu ông ăn ở tại xã thì bọn tớ cũng lo chu đáo. Bây giờ ông cứ ngồi đây uống nước, tớ xuống dưới nhà có chút việc rồi lên ngay.
Nói xong Khôi đứng lên ra khỏi phòng để Tâm ngồi một mình. Chừng năm phút sau Khôi đi lên nói giọng vui vẻ:
- Tớ đã cho thư ký gửi giấy mời các vị chủ chốt của xã chiều nay làm việc với ông rồi, ông yên tâm. Bây giờ ông đi với tôi ra thị trấn chén thịt chó đã. Ở thị trấn có một cửa hàng thịt chó sánh ngang hàng với các cửa hàng thịt chó nổi tiếng trên toàn quốc. Tú Béo, Tú Gầy gì đó ở Hà Nội phải tôn thằng “Nhất nhật đế vương” làm sư phụ.
- Nội quy của ngành khi làm việc không được rượu chè, ông thông cảm.
- Ông ngồi cách cơ quan gần hai chục cây số thì ai biết.
- Cậu không thấy tớ đang khoác bộ sắc phục công an trong người hay sao. Với lại tự mình làm chủ mình chứ cơ quan làm sao quản nổi mấy trăm con người.
- Thôi, không nói lôi thôi. Lột áo ra, tớ cho mượn cái sơ mi mặc vào, thế là xong.
Nghĩ mình quá cứng nhắc có khi hỏng việc nên Tâm bảo Khôi:
- Thôi, thế này nhé. Mình đồng ý đi với cậu ra thị trấn nhưng không ăn thịt chó và uống rượu mà tìm một cái quán cà phê nào đó ngồi uống và hàn huyên với nhau cũng được.
Khôi nói ngay:
- Đồng ý.
Khôi chở Tâm đi lòng vòng qua mấy ngõ phố rồi dừng xe Honda trước một quán thịt chó có cái tên khác người “Nhất nhật đế vương”.
Thấy quán thịt chó Tâm kêu lên:
- Tớ bảo cậu đi uống cà phê sao lại đưa tới hàng thịt chó? Cậu cho tớ về lại cơ quan đi.
- Tớ đã cho thư ký ra đặt một mâm để đãi khách rồi. Không phải chỉ có cậu với tớ mà có cả ông Hoan, Bí thư Đảng ủy; cậu Toàn, Phó chủ tịch xã và ông Ấm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân nữa. Đáng ra có cả cậu Nông, Trưởng Công an xã nhưng cậu ấy lại bận lên thành phố có chút việc riêng. Tớ đã cho nhân viên đi mời mấy lão này rồi. Cậu mà về thì ai thanh toán cho bữa thịt chó đãi khách này đây? Mặt khác, cậu muốn nắm tình hình của xã thì bữa thịt chó hôm nay tha hồ tìm hiểu tình hình. Rượu vào lời ra. Ông có nghe các cụ nói thế bao giờ chưa?
Tâm không ngờ Khôi đưa mình vào một tình huống khó xử như thế này. Có lẽ khi nãy Khôi bỏ xuống nhà là nhằm chuẩn bị cho bữa thịt chó này. Như vậy những người lãnh đạo chủ chốt của xã đều có mặt. Mình khăng khăng từ chối cũng khó. Nghĩ vậy Tâm bảo:
- Thôi được rồi, tôi thua ông. Nhưng tôi giao hẹn các ông không được ép tôi uống rượu đâu đấy.
- Tửu bất khả ép. Ông nghe câu các cụ nói bao giờ chưa.
Tâm và Khôi ngồi ở bàn uống nước độ nửa tiếng thì những người được mời lần lượt có mặt. Mọi người bắt tay Tâm một cách hoan hỉ. Tâm nghĩ bụng nếu không phải đến để chén thịt chó thì liệu những người này có vẻ mặt hân hoan khi bắt tay mình không?