Hợp đồng của huyện trồng rau xuất khẩu sang Liên Xô như một luồng gió mát thổi qua. Bà con tụm năm, tụm ba bàn tán và tràn trề hy vọng vào sự đổi đời. Xã nào cũng quy hoạch lại đất trồng lúa để dành đất cho trồng rau xuất khẩu.
Vốn là người nhạy bén, một hôm Nhàn bảo chồng;
- Cả huyện trồng rau đại trà chắc chắn cây giống sẽ thiếu nhiều lắm anh ạ. Đất của mình chẳng có bao nhiêu nên em hỏi thuê của các nhà khác nhưng họ đòi giá cao quá, có làm cũng chả lãi bao nhiêu. Anh xem các xã khác có ai cho thuê rẻ hơn không.
- Anh cũng đã nghĩ đến chuyện đó rồi, nhưng thuê chỉ có qua huyện khác chứ huyện mình xã nào cũng trồng rau hết ai người ta cho thuê. Anh đang nhắm đám đất rộng mấy héc-ta ở cánh đồng Vân Trang xã Duyên Thắng, không hiểu người ta có cho thuê hay không? Mà có thuê được chắc mất nhiều công cải tạo mới trồng được rau. Em có biết đám đất ấy không?
- Đồng đất của xã em còn lạ gì mà không biết. Nhưng anh có thuê cũng không làm nổi đâu. Ngày còn đánh Mỹ đám đất này là nơi chứa thượng vàng hạ cám từ bến phà Kiền đưa lên. Đó cũng là nguồn thu nhập của bà con xã em một thời. Xi măng, phân đạm, phân lân, dầu mỡ vào lấy thoải mái. Em cũng mấy lần ra đó thọc bao xi măng lấy một lúc mấy chục cân.
Đúng là đám đất ở cánh đồng Vân Trang mà Tâm có ý định thuê ngày chiến tranh người ta dùng để sơ tán vật tư của thành phố. Dầu mỡ, sắt thép, phân lân, phân đạm và các máy móc sản xuất nông nghiệp do Liên Xô viện trợ chưa có điều kiện để dùng cũng đem về chất đống ở đây. Do nhiều đơn vị gửi nên chẳng có ai quản lý, dân đi qua thấy thế ghé vào rạch bao lấy phân lân, xi măng, còn đục cả thùng phuy lấy dầu luyn, dầu ma dút về thắp đèn. Hết chiến tranh người ta chuyển hết vật tư đi còn trơ lại một đám đất hoang loang lổ dầu mỡ. Xi măng, phân lân vương vãi khắp nơi. Cây cỏ mọc um tùm. Hằng ngày Tâm thường đi qua đám đất này mỗi khi về nhà nhưng chưa một lần vào tận nơi để xem. Có lẽ chủ nhật này bỏ một buổi chui vào tận nơi xem sao.
Một sáng chủ nhật Tâm lấy xe đi đến đám đất ở cánh đồng Vân Trang như dự định. Đám đất này nằm trong lãnh địa của xã Duyên Thắng, cách con đường cái hằng ngày Tâm đi làm chừng vài trăm mét. Có lẽ đám đất vẫn còn sở hữu của thành phố nên không ai chạm đến thành ra hoang sơ, cây dại phủ kín như một đám rừng.
Tâm lần theo con đường vốn trước đây dùng cho ô tô chở các vật liệu vào để sơ tán. Con đường lâu ngày bị bỏ hoang nên cỏ mọc um tùm. Thỉnh thoảng xe máy lọt vào một ổ gà khiến Tâm loạng choạng. Vất vả lắm Tâm mới tiếp cận được với đám đất hoang. Tâm loay hoay tìm mãi mới có chỗ đất bằng phẳng để dựng xe, sau đó vạch cây cỏ lần lần đi sâu vào bên trong. Tâm nhìn thấy một đám đất trống rộng chừng năm, sáu chục mét vuông. Anh hơi ngạc nhiên đám đất không có một ngọn cỏ mọc. Trên đám đất ấy có mấy thùng phuy rách bươm rỉ nát. Anh tiến đến và nhìn kỹ. Có lẽ đây là khu vực để dầu ma dút hay dầu luyn. Tâm nhìn quanh, anh thấy một thanh sắt rỉ nhưng còn cứng liền cầm lấy đào lên rồi lấy một nắm đưa lên ngửi. Đúng là có mùi dầu xông lên mũi. Anh lấy làm lạ các thứ vật liệu sơ tán ở đây đã được chuyển đi sau ngày chiến tranh chấm dứt cách đây đã gần mười năm rồi mà cái mùi dầu hăng hắc vẫn còn phảng phất. Tâm cầm thanh sắt tiến sâu thêm một đoạn nữa. Anh gặp một đám cỏ tốt um. Dưới gốc đám cỏ là một lớp lá mục. Có lẽ nhờ lớp lá mục này mà đám cỏ vẫn giữ được màu xanh của nó chăng? Tâm lại thục thanh sắt xuống đất. Một lớp đất mùn màu sẫm mịn màng hiện ra trước mắt anh. Anh có cảm giác mình ngửi thấy mùi thơm của nó. Vượt qua khỏi đám cỏ tốt um tùm Tâm lại gặp ngay một đám đất trơ ra đang bốc mùi khen khét của nắng. Anh tiến đến và nhận ra một lớp xi măng đã đóng rêu. Tâm cầm thanh sát gõ lên đám xi măng. Nghe tiếng kêu bộp bộp, anh đoán lớp xi măng không dày lắm. Tuy thế khi dùng thanh sắt để cạy anh mới biết lớp xi măng đã liên kết với nhau không dễ gì phá nổi bằng cuốc. Tâm tiếp tục vạch cây đi sâu vào bên trong. Càng vào sâu càng thấy sự ngổn ngang. Thôi thì đủ cả. Từ thùng phuy bẹp dúm rỉ nát đến những vỏ bao xi măng, bao phân lân đã móc hết ruột, rồi cả một bãi mùn than rộng chừng năm, bảy chục mét vuông... Hết vạch cây rẽ ngang rồi rẽ dọc, Tâm dừng lại ở một khu đất được coi là “sạch sẽ” nhất. Cây cỏ ở đám đất này không đến nỗi cằn cỗi như ở những chỗ khác. Tâm thọc thanh sắt xuống đất rồi bẩy đất lên xem. Anh bốc một nắm để lên lòng bàn tay mình ngắm nghía. Sau đó anh vê mấy hạt cho vào lưỡi. Vốn là một kỹ sư nông nghiệp, Tâm chẳng khó khăn gì khi xác định chất đất bị nhiễm ở cái “bãi rác” khổng lồ này. Muốn cải tạo nó trở thành một đám đất trồng trọt phải đổ vào đây tiền triệu. Chưa yên tâm với cuộc khảo sát lần đầu, chủ nhật sau đó Tâm buộc cái xà beng và cây dao rựa sau xe máy quay trở lại đám đất ở Vân Trang. Phát cây dại, đào bới hết chỗ này sang chỗ khác gần hai tiếng đồng hồ, mồ hôi nhễ nhại, tay chân bị gai cào rớm máu.
Thấy chồng đi về mặt mày bơ phờ, áo quần xộc xệch, Nhàn hỏi:
- Anh đi đâu về mà nhìn người không ra người, ngợm không ra ngợm thế?
- Anh đi xuống khảo sát đám đất ở Vân Trang lần nữa xem có thể cải tạo làm rau giống được không.
- Có làm được không?
- Được nhưng mất nhiều công và khá nhiều tiền. Nếu người ta cho thuê lâu dài thì đầu tư vào đó vẫn sinh lợi vì cây rau giống. Nhưng nếu người ta cho thuê một vài năm chẳng bõ công cải tạo. Thế nào anh cũng đi tìm chủ nhân của đám đất này xem sao rồi tính.
Hôm sau đến cơ quan, Tâm đưa chuyện muốn cải tạo đám đất ở Vân Trang để gieo rau giống ra kể với mọi người. Nghe nói mọi người bảo anh là gàn và khuyên đừng tính chuyện cải tạo.
Buổi tối khi nằm bên vợ, Tâm lại đưa chuyện muốn thuê đám đất ở cánh đồng Vân Trang ra bàn.
Nhàn hỏi:
- Mất khoảng bao nhiêu tiền vừa thuê đất vừa cải tạo?
- Chắc không dưới ba triệu.
Nhàn ngồi nhổm dậy:
- Anh có điên không mà bỏ ra ba triệu cải tạo một đám đất hoang để gieo rau giống.
- Nằm xuống bình tĩnh nghe anh nói. Cả một buổi chiều nay anh suy nghĩ chán ra rồi. Việc trồng rau giống để bán cho các hợp tác xã không phải chỉ trong một vài năm mà là lâu dài.
- Nghe anh nói tưởng như sắp hốt tiền đến nơi.
- Anh tính bãi đất ấy nếu chẳng sử dụng thì mãi mãi bỏ hoang cho nên thế nào người ta cho thuê với cái giá bèo bọt. Mặt khác anh sẽ ra điều kiện sau khi cải tạo xong sẽ được dùng năm năm để gỡ vốn, đến năm thứ sáu mới trả tiền thuê đất.
- Ừ thì cứ cho như vậy đi nhưng anh đào đâu ra ba triệu?
- Đúng là tiền đâu đầu tiên. Vay ngân hàng thì nhà mình chẳng có gì để thế chấp. Có bán mấy chỉ vàng cũng chưa thấm vào đâu. Hơn nữa anh không muốn bán vàng vào lúc có thể còn xoay xở được.
- Anh định xoay xở kiểu nào?
- Thì cứ coi như đánh bạc, được cả ngả về không.
- Như vậy anh vẫn không hoàn toàn tin là thành công có đúng không?
- Đám đất này anh khảo sát khá kỹ rồi nên có thể hình dung được nó sẽ giúp mình kiếm được bao nhiêu tiền một vụ rau giống. Vấn đề còn lại là xem người ta cho mình thuê đám đất này bao nhiêu tiền một năm. Nếu thấy thu lợi không được bao nhiêu thì dại gì đâm đầu vào đó để vướng vào cảnh nợ nần. Để sáng mai anh tìm xem cơ quan nào đang quản lý đám đất này dò hỏi xem sao.
Hôm sau Tâm gọi điện cho Hoàng báo nghỉ buổi sáng rồi phóng xe đi hỏi mấy nơi. Cuối cùng Tâm tìm ra được chủ nhân quản lý đám đất này là Ban vật tư thành phố.
Hỏi được địa chỉ, Tâm tìm đến Ban vật tư thành phố. Trưởng ban là ông Dung, người thấp lùn, đầu hói, miệng rộng. Ông ta tiếp Tâm niềm nở mặc dù chưa biết Tâm gặp mình để làm gì.
Sau khi nghe Tâm trình bày, ông trưởng ban mắt lim dim cố hình dung lại cái địa điểm Vân Trang nghe quen quen nhưng không nhớ nó nằm ở xã nào, huyện nào.
Tâm nghĩ bụng lão này nghĩ đám đất ấy khó mà cải tạo được nên thế nào cũng cho thuê với một cái giá rất rẻ. Nghĩ vậy Tâm cười và bảo:
- Bí quá nên một liều, ba bảy cũng liều anh ạ.
- Đồng chí định thuê đám đất đó làm gì?
Tâm thật thà trả lời:
- Huyện tôi đang ký hợp đồng với ngoại thương trồng rau xuất khẩu sang Liên Xô. Vì làm rau đại trà nên khủng hoảng rau giống. Tôi định cải tạo đám đất đó để làm rau giống cung cấp cho bà con nông dân anh ạ.
Ông trưởng ban vật tư thành phố gõ gõ mấy ngón tay xuống bàn, mắt đăm chiêu giây lát rồi nói với Tâm:
- Đám đất ấy là của thành phố giao cho chúng tôi tập kết vật tư sơ tán thời chiến tranh. Hiện nay chúng tôi chẳng cần đến nó nữa. Nếu đồng chí có khả năng cải tạo thành đất trồng trọt để cung cấp rau giống cho bà con nông dân thì chúng tôi xin ủng hộ bà con đám đất đó.
Đúng là cái lão này to gan thật. Đất công mà đem cho người khác đơn giản giống cho miếng bánh vậy. Không nên đùa với những con người tùy hứng này. Bây giờ thấy nó là đám đất hoang khó gặm thì bảo là cho. Mai đây mình cải tạo lại ngon lành rồi viện mọi lý do để đòi lại thì coi như xôi hỏng bỏng không. Chi bằng cứ xin cái giấy cầm tay cho chắc ăn.
Tâm nói: - Tôi thành thật cảm ơn anh đã nghĩ đến nông dân nhưng đất đai là quyền sở hữu của tập thể. Vì vậy anh cho tôi xin cái giấy chứng nhận để có ai hỏi tôi còn có giấy tờ hợp pháp để giải thích.
- Chuyện ấy là dĩ nhiên.
Nói với Tâm xong, ông Dung bỏ đi qua phòng bên cạnh. Lát sau trở lại. Vừa ngồi chưa nóng chỗ ông Dung nói luôn:
- Thế này đồng chí Quyết Tâm nhé. Tôi cấp phép cho đồng chí sử dụng mảnh đất ở…
Tâm nhắc:
- Vân Trang ạ.
- Ừ, tôi cấp phép cho đồng chí sử dụng khu đất trong vòng năm năm không thu tiền. Đến năm thứ sáu thì đồng chí phải trả tiền hàng năm cho Ban vật tư thành phố theo giá thỏa thuận. Đồng chí rõ rồi chứ?
- Vâng. Tôi vô cùng cám ơn anh đã nghĩ đến bà con nông dân.
- Tôi cũng từ nông dân mà ra. Không nghĩ đến nông dân thì nghĩ đến ai.
Tâm tự nhiên có cảm tình với tác phong làm việc của ông Dung. Quyết đoán và không nói nhiều. Anh cầm tờ giấy hợp đồng và cám ơn rối rít. Anh không nghĩ mọi việc lại suôn sẻ như vậy.
Tâm không qua cơ quan mà đi luôn về nhà. Đang trong cơn phấn khích, thấy Nhàn đang cho đàn lợn con ăn, Tâm ôm lấy eo lưng vợ định nâng bổng lên. Nhàn đẩy chồng ra rồi chỉ vào bụng mình:
- Em có bầu nữa rồi!
- Có thật không?
Buổi chiều Tâm đến cơ quan xem công việc rồi qua ông Kiên. Vừa nhìn thấy Tâm, ông Kiên nói ngay:
- Tôi nghe anh em bàn tán anh định làm lính cảm tử lao đầu vào cái bãi rác Vân Trang phải không?
- Thủ trưởng biết rồi ạ!
- Cả cơ quan này ai chẳng biết tinh thần dũng cảm của cậu.
- Nếu không có người dám hy sinh thì làm sao có trận đánh thắng lợi được ạ.
Ông Kiên đưa chén nước lên nhấp một ngụm rồi hỏi:
- Cậu muốn tớ hỗ trợ chuyện gì? Có phải đứng ra bảo lãnh với ngân hàng huyện để vay tiền không?
- Sao thủ trưởng đoán tài thế ạ?
Ông Kiên cười:
- Nhưng tớ nói để cậu đừng nuôi hy vọng nhé. Tớ chẳng khi nào để cho cậu ôm cùng chìm xuống biển đâu.
Tâm chẳng còn lạ gì tính ông Kiên. Ông nói nghe mạnh mẽ vậy nhưng lại hay mủi lòng. Ai cần gì là ông giúp đến nơi đến chốn. Tâm biết ông Kiên chơi thân với ông Nhã, giám đốc ngân hàng huyện. Chỉ cần ông Kiên đứng ra bảo lãnh chắc chắn ông ấy không từ chối cho Tâm vay tiền.
- Thủ trưởng ơi! Em chỉ cần ngân hàng cho em vay một triệu rưỡi để cải tạo đám đất thôi. Còn công việc tiếp theo sau này em sẽ vay mượn của bạn bè. À quên, em chưa cho thủ trưởng xem cái này.
Tâm mở cặp lôi tờ hợp đồng giữa Tâm và Ban vật tư thành phố đưa cho ông Kiên xem.
Ông Kiên đọc chăm chú rồi kêu lên:
- Cái tay trưởng ban này liều thật. Đất công mà dám đặt bút phê cho sử dụng năm năm không thu tiền!
- Ông ấy cũng khôn chán thủ trưởng ạ. Ông ấy định nhờ tay em dọn dẹp đám đất cho ông ấy mà không phải tốn kém một xu. Nhưng em đã tính đâu vào đó cả rồi. Em chẳng dại gì mà đi dọn cả bãi. Em chỉ dọn trong phạm vi trên dưới một hécta trở lại. Dọn sạch bãi không tốn kém bao nhiêu. Vấn đề ở đây là làm sao biến đám đất này trở thành màu mỡ để gieo cây giống cung cấp cho toàn huyện mới là vấn đề. Em chỉ cần trên dưới năm triệu đồng là đủ.
Ông Kiên nhìn Tâm đăm đăm. Trong lòng ông dậy lên nỗi yêu mến và cảm phục người cán bộ vốn trước đây là cấp dưới của mình. Một con người có ý chí lúc nào cũng muốn vươn về phía trước.
- Cậu bảo đảm trả đúng kỳ hạn chứ?
- Chỉ cần thu hoạch một đợt rau giống là em thừa sức trả nợ cho ngân hàng.
- Thôi được rồi.
Tâm chợt nghĩ đến tờ giấy chứng nhận cho sử dụng đám đất ở Vân Trang liền bảo với ông Kiên:
- Hay là em đưa tờ giấy sử dụng đất ở Vân Trang làm vật thế chấp!
- Đám rác công nghiệp đó đem bán một trăm xem có ai mua không mà đòi đem thế chấp để vay một triệu rưỡi đồng.
- Chỉ cần nửa năm nữa thôi chán anh mơ có một đám rác công nghiệp như của em đấy thủ trưởng ạ.
- Thôi, như vậy là đủ rồi. Cậu với tớ đi qua chỗ tay Nhã. Cậu nhớ đưa tờ giấy chứng nhận sử dụng đất và trình bày với tay Nhã. Tớ đứng ra bảo lãnh. Còn cho vay hay không là quyền của hắn chứ tớ chẳng có quyền gì can thiệp.
Tâm tin chắc mình vay được tiền nên vui vẻ đi theo ông Kiên qua ngân hàng huyện.