Buổi sáng Tâm thường đi làm rất sớm, cu Tiến ngủ chưa dậy nên anh chỉ còn biết thơm con một cái rồi đạp xe xuống huyện. Chiều đến chỉ mong hết giờ để về chơi với con. Đôi lần bận họp về đến nơi thì con đã ngủ nên chỉ biết ngồi ngắm con. Cu Tiến chỉ quấn bố với ông nội. Ông nội cũng vậy. Từ khi có anh chàng đích tôn ông chỉ biết có cháu. Ông dạy cháu theo cách của ông. Đi đứng, nói năng ông đều uốn nắn từng ly từng tí. Đôi lần Nhàn chiều con quá mức là ông uốn nắn ngay. Ông thường bảo uốn tre phải uốn lúc tre còn non. Uốn già đôi khi làm cho tre gẫy. Cu Tiến cũng đã quen cách dạy dỗ của ông nên răm rắp nghe theo.
Một hôm Tâm bảo vợ:
- Em cho anh xin một chỉ vàng nhé.
- Anh lấy vàng để làm gì?
- Anh định mua một chiếc xe máy cà tàng đi làm thay vì gò lưng đạp xe.
- Đã mua phải mua một cái xe tử tế mà đi. Có mấy đồng gửi tiết kiệm lấy mà mua chứ lấy vàng làm gì.
Tâm định nhờ Khôi tư vấn cho chuyện mua xe nhưng sợ cậu ta tìm cách biếu mình nên thôi. Cuối cùng Tâm tìm được cái xe Mô-kích mới chạy được ba ngàn cây số với giá hai mươi đồng. Khi Tâm đưa xe máy đến khoe với Khôi, Khôi kêu lên:
- Sao cậu mua xe máy không nói với tớ để tớ tìm cho cái xe Honda năm mươi. Đi cái thằng xe này vừa khói, vừa hay giở chứng. Ông sợ tớ lấy lãi chứ gì?
- Nói thật là lúc đầu tớ định nhờ cậu mua. Nhưng nghĩ thế nào cậu cũng tìm cách biếu nên tớ tự đi tìm lấy.
- Tớ bảo cậu nhé. Ai mua cái xe này cậu bán lại đi. Lỗ vốn cũng được. Tớ mua cho cậu một chiếc Honda năm mươi nồi đồng cối đá, lại rất tiết kiệm xăng. Nếu cậu lo tớ tìm cách biếu thì tự tay trả tiền.
Tâm đâm ra hoang mang trước câu nói của Khôi. Đúng là người ta đang ca ngợi xe bãi rác của Nhật vừa rẻ vừa bền. Tâm cũng để ý tìm nhưng không gặp. Thấy cái Mô-kích nước sơn còn mới, tiếng nổ còn giòn, giá lại hợp với túi tiền của mình nên Tâm đồng ý mua ngay. Giờ chẳng biết tính sao trước những lời lẽ của Khôi.
- Cậu lấy tạm cái xe Honda của tớ mà đi, để xe kích tớ đi rồi tìm cách bán cho cậu. Sau đó tớ mua hộ cậu một chiếc Honda giá không đắt hơn bao nhiêu. Cậu có tiền thì bù vào, không tiền tớ cho mượn rồi trả sau.
Tâm chẳng nỡ nào từ chối lòng tốt của Khôi. Cuối cùng Tâm giao chiếc kích cho Khôi và lấy chiếc Honda 50 của Khôi đi tạm.
Khi thấy Tâm không đi xe kích về nhà mà thay vào đó là chiếc Honda, Nhàn ngạc nhiên hỏi:
- Anh lại đổi xe rồi à?
Tâm kể lại sự việc cho vợ nghe, Nhàn cười:
- Làm cán bộ nhà nước mười anh ngố mất tám anh. Anh nằm trong số tám người đó.
- Anh công nhận đi cái xe Honda sướng hẳn so với xe kích. Mớm ga một chút là nó vụt lao lên luôn mà mình không biết lại đi rước cái kích chạy như trâu già.
- Anh có mới nới cũ. Hôm mua cái xe kích về khen lấy khen để. Bây giờ lại chê. À chẳng biết có chuyện gì mà chú Hải đi tìm anh đấy.
- Chú không nói tìm anh có việc gì à?
- Không. Nhưng hình như chú ấy phản đối chú Trí đề nghị phá một số ruộng lúa chuẩn bị cho việc trồng bắp cải xuất khẩu sang Liên Xô theo chủ trương của huyện.
- Chủ trương phá những ruộng lúa không cho năng suất cao chuyển qua trồng su hào bắp cải để xuất khẩu sang Liên Xô là chủ trương của huyện chứ có phải của Trí đâu mà phản đối.
- Anh còn lạ gì tính chú Hải xưa nay muốn mọi người phải tôn trọng ý kiến của mình. Anh không biết đâu, chú ấy coi thường chú Trí ra mặt.
- Anh mời chú ấy làm cố vấn tưởng nói vui, không ngờ chú ấy nhận lời. Đúng là chẳng có cái dại nào giống cái dại nào đâm ra khổ cậu Trí.
- Em nghĩ chú Hải chẳng làm gì được cậu Trí đâu mà lo. Chú ấy còn trẻ nhưng làm việc rất chắc chắn, với lại chú ấy biết đoàn kết trong ban quản trị nên công việc bao giờ cũng thông đồng bén giọt.
- Có khi anh đi xuống đó xem tình hình ra sao.
- Khi về anh ghé qua nhà trẻ xem con ra sao. Sáng nay cu cậu có vẻ khật khừ em lo con ốm quá.
- Có phải đón con về không?
- Anh hỏi cô giáo. Nếu thấy con khật khừ thì xin cho đón con về.
Tâm xuống đến trụ sở thì thấy Trí đang to tiếng với ông Hải. Vừa nhìn thấy anh, Trí mừng rỡ:
- May quá có anh đây rồi! Anh vào xử cái vụ này cho em với.
- Có chuyện gì thế?
- Anh hỏi bác Hải ấy.
Tâm quay sang hỏi ông Hải:
- Có chuyện gì vậy chú?
Đang cơn cáu giận, ông Hải nói luôn:
- Chuyện ông huyện về quê. Kéo theo hòn dái lê thê dọc đường. Tôi hỏi anh ruộng vừa mới cấy chưa bén rễ đã đòi nhổ lúa để chuẩn bị trồng su hào bắp cải. Chủ trương gì mà lạ thế?
Tâm hỏi:
- Có đúng thế không Trí?
- Đúng thế đấy ạ. Nhưng những thửa ruộng em định cho nhổ lúa để trồng rau là loại ruộng không cho năng suất. Trong khi đó diện tích trồng rau xuất khẩu lại thiếu hụt trầm trọng. Em đã tính cho bác ấy nghe một sào lúa có năng suất thấp với một sào rau xuất khẩu thu tiền về nếu đem đong thóc thì sẽ gấp ba lần trồng lúa nhưng bác ấy bảo từ xưa đến giờ chưa thấy ai đi nhổ lúa vừa cấy xuống để trồng rau. Bác ấy bảo làm như vậy là vô đạo đức.
- Tôi hỏi anh từ xưa đến nay có ai đang tâm nhổ cây lúa vừa bén rễ không? - Ông Hải vẫn nói oang oang.
Tâm bước đến đưa tay đặt lên vai ông Hải:
- Chú bớt nóng để nghe cháu nói đây. Do huyện đã ký với ngoại thương trồng rau xuất khẩu sang Liên Xô với khối lượng rất lớn nên để bảo đảm đúng hợp đồng số lượng đã ký, huyện chủ trương mở rộng diện tích trồng rau của các hợp tác xã trong huyện bằng cách sẽ phá những ruộng lúa không cho năng suất cao để trồng rau thay vào đó. Như thế chủ trương này là của huyện chứ không phải của hợp tác xã đâu, chú đừng trách oan cho cậu Trí. Cháu cũng nói thêm để chú rõ. Giá trị thóc của mình rất thấp, trong khi đó giá rau xuất khẩu rất cao. Đây là thời cơ tốt nhất để nông dân thu được tiền, có đồng ra đồng vào để sắm sửa các thứ trong gia đình. Bỏ lỡ thời cơ này rất tiếc. Chú hiểu ý cháu không?
- Ừ thì chú thấy nhổ lúa đang bén rễ chú xót ruột nên nói vậy chứ chú có trách mắng gì ông chủ nhiệm hợp tác xã đâu.
Tâm hỏi Trí:
- Dự kiến Duyên Nam nhổ mất bao nhiêu diện tích lúa?
- Em chưa tính được vì chưa có chỉ tiêu huyện khoán cho hợp tác xã Duyên Nam mấy trăm tấn su hào và bắp cải.
- Huyện sẽ gửi chỉ tiêu cho các xã sau. Nhưng chỉ tiêu sẽ cao đấy vì bên ngoại thương họ hợp đồng yêu cầu ta cung cấp một khối lượng su hào, bắp cải hơn tám trăm tấn một năm. Trước mắt cậu cứ cho phá hết lúa ở những thửa ruộng xếp loại ba là loại năng suất thấp để trồng rau. Tình hình rau giống thế nào?
- Mở rộng diện tích như thế này chắc chắn nhu cầu rau giống cũng tăng. Vào vụ em sẽ cho người sang bên Kim Thành, Hải Dương liên hệ để mua thêm rau giống.
- Thế này thì gay nhỉ?
- Anh yên tâm, em tính rồi. Nhập rau giống về rẻ hơn mình tự gieo.
- Nhưng mình không nắm được chất lượng. Thôi được rồi, cứ thế rồi tính sau.
Làm việc với Hợp tác xã Duyên Nam xong, Tâm phóng xe qua nhà trẻ của xã để xem con ốm đau ra sao. Vừa nhìn thấy bố, cu Tiến bỏ luôn bạn bè đang chơi với mình chạy ra ôm lấy chân bố. Tâm bế xốc cu Tiến lên, đưa tay sờ vào trán. Thấy trán con hâm hấp nóng, Tâm bế con vào hỏi cô giáo…
Được bố xin cho nghỉ học, cu Tiến mừng rỡ nhảy phốc lên xe. Trên đường đi, cu Tiến hỏi bố hết chuyện này sang chuyện khác.
Vừa đặt chân xuống sân cu Tiến đã hỏi mẹ:
- Ông đâu rồi mẹ?
- Ông mệt nằm ở trong nhà.
Nghe mẹ bảo ông mệt, cu Tiến chạy vào luôn.
Tâm đi vào chỗ bố. Cu Tiến đang nằm cạnh ông thủ thỉ:
- Hôm nay cô giáo khen cháu ngoan và vẽ đẹp ông ạ. Ông thấy cháu có giỏi không?
- Cháu ông giỏi lắm.
Tâm muốn để cho ông cháu nói chuyện với nhau nên anh chỉ đứng nhìn.
Sáng hôm sau Tâm nhờ điện thoại của hợp tác xã gọi báo cho Hoàng, phó phòng biết mình nghỉ để đưa bố đi khám bệnh, sau đó trở về chở bố xuống Bệnh viện Việt Tiệp.
Sau khi làm các xét nghiệm, chụp X quang và điện tim, các bác sĩ kết luận tim của ông cụ đang có vấn đề. Nên để ông cụ nghỉ ngơi, không làm việc nặng và hàng tháng xuống bệnh việc để kiểm tra.
Ông Phúc nhập viện được hai hôm thì Tâm xuống thăm. Anh đi vào phòng bác sĩ trực để hỏi tình hình bệnh trạng của bố. Bác sĩ nói với Tâm:
- Tình trạng bệnh của cụ không như chúng tôi tưởng như ban đầu…
Tâm hốt hoảng cắt ngang:
- Bác sĩ nói thế ý là sao ạ?
- Hôm qua chúng tôi đã kiểm tra kỹ tim của cụ lần nữa, phát hiện ra tâm thất có một khối u nhỏ. Hiện tượng cụ hay mệt mỏi và khó thở khi làm việc hơi gắng sức hoặc tức ngực, hay ho khan về đêm đều do cái u này gây nên.
Tâm không ngờ bố mình lại vướng vào trọng bệnh như vậy. Anh thực sự lo lắng và thương bố vô cùng. Sinh ra trong một gia đình nghèo cho nên gần như cả cuộc đời ông lăn lộn trên đồng ruộng để kiếm sống. Đã phấn đấu lên đến cái chức trưởng phòng hợp tác xã của huyện nhưng do đồng lương quá thấp không đủ chi tiêu trong gia đình và nuôi tám đứa con cho chúng ăn học nên đành xin nghỉ để về sản xuất nông nghiệp. Hết giờ của hợp tác xã lại lăn lưng trên mảnh đất phần trăm thế mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Hơn sáu mươi tuổi nhưng ít khi được một bữa ăn ngon, ngoại trừ những lúc hợp tác tổ chức liên hoan. Biết vậy nên từ khi được chuyển về công tác gần nhà, Tâm đã quan tâm đến bữa ăn thường ngày của bố. Anh cũng không cho bố lao động quá sức. Không ngờ bố lại rơi vào thứ bệnh mà anh biết lành ít dữ nhiều.
Về nhà Tâm không nói cho ai biết bệnh tình của bố. Cái gì đến rồi sẽ đến để cả nhà lo lắng chẳng ích gì.