Chỉ mới gần hai năm mà bộ mặt của Hợp tác xã Duyên Nam thay đổi một cách khác thường. Sáu lò vôi ngày ngày tỏa khói giống như một khu công nghiệp. Hai xe ô tô luân phiên nhau chở nguyên liệu từ khu mỏ đá Tràng Kênh về. Năm chiếc xe công nông chỉ dùng chở vôi cho khách hàng. Cuộc sống của bà con nông dân khấm khá nên việc xây dựng nhà cửa cũng phát triển, nhu cầu vôi càng lớn. Vôi của Duyên Nam có chất lượng thành ra một đồn mười, mười đồn trăm nên tận Thái Bình, Hải Dương cũng tìm đến Duyên Nam để mua. Mua nhiều, hợp tác xã cho ô tô chở đến tận nhà. Chỉ riêng chuyện ấy cũng đã thu hút khách hàng rồi. Có tiền thu từ khu lò vôi cộng với việc huy động vốn ở trong dân, hợp tác xã xây dựng một cửa hàng mua bán khang trang chẳng kém bao nhiêu so với một số cửa hàng mậu dịch ở phố huyện. Cửa hàng không thiếu mặt hàng gì. Từ cái kim sợi chỉ cho đến chén bát, vải vóc, giấy bút học sinh. Ai có nhu cầu gì ra cửa hàng hợp tác là có chứ không phải lên phố huyện như trước đây. Cửa hàng do Hoa làm cửa hàng trưởng. Điện thoại cũng được nối từ ủy ban về văn phòng hợp tác xã, khu lò vôi và cửa hàng mua bán nữa. Như vậy có chuyện gì cần nói, cần bàn với huyện, với thành phố là không phải cong đít đạp xe đạp từ xã lên huyện như mọi khi. Nông nghiệp do thay đổi cách khoán nên năng suất cao chưa từng thấy. Thừa ăn dân bắt đầu tính đến chuyện làm nhà. Làng nào cũng đua nhau làm nhà mới khiến bộ mặt nông thôn ở Duyên Nam thay đổi từng ngày. Tiếng lành đồn xa và đến tai báo chí. Lúc đầu là báo của thành phố, tiếp đến là các tờ báo ở trung ương. Việc gì đến tự nhiên đến. Duyên Nam được công nhận là lá cờ đầu của thành phố. Niềm tự hào chưa nguôi thì vấn nạn khách khứa ập đến như bão. Khách trung ương, khách các tỉnh lân cận, khách các phòng, ban ở thành phố… Dẫn đi tham quan, giới thiệu rồi tiếp đãi ăn uống nhất nhất đều có mặt Tâm. Muốn kéo Lâm chủ tịch xã và Hà bí thư đảng ủy gánh đỡ cho Tâm phần tiếp khách nhưng cả hai đều né tránh. Đôi khi muốn nghỉ ngơi để chơi đùa với thằng con trai đang bập bẹ tập nói quá dễ thương nhưng không còn thì giờ. Không muốn uống nhưng rồi phải uống sau những lời ca ngợi có cánh vây quanh. Đến khi tiễn khách ra về người Tâm bã ra. Nói chuyện với con câu được câu mất sau đó nằm lăn ra ngủ vùi như chết. Một lần sau khi thấy Tâm tỉnh rượu bố anh căn dặn: “Bố sợ anh say rượu thì ít mà say những lời người ta ca ngợi anh thì nhiều. Phải cảnh giác với bản thân con ạ. Nhiều người hư hỏng vì tham ô, hủ hóa nhưng không ít người hư hỏng vì những lời khen ngợi”. Ông Phúc là vậy. Ông ít nói nhưng khi những điều ông nói ra đều là do ông đang trăn trở rồi buột ra thành lời. Đúng là những gì Tâm làm được đều đọng lại trong lòng người dân Duyên Nam. Cứ ngồi nói chuyện với nhau về những thay đổi tuyệt vời của làng xóm cuối cùng bao giờ cũng nhắc đến Tâm. Không phải Tâm không cảnh giác với những lời ca ngợi đang bủa vây anh nhưng trong thâm tâm đôi khi cũng thấy thích thú và tự hào những gì mình đã làm được cho quê hương. Công bằng mà nói từ năng suất lúa trên các cánh đồng đến cụm lò vôi và cửa hàng mua bán đều in đậm dấu ấn của Tâm. Không có suy nghĩ và quyết tâm của Tâm thì giờ đây chắc chắn Duyên Nam cũng như các xã khác trong huyện.
Có lẽ do những gì Tâm làm được cho Duyên Nam nên huyện ủy định đưa anh về lại công tác ở phòng nông nghiệp thay ông trưởng phòng đang đến tuổi nghỉ hưu. Khi nghe ông Kỷ, Bí thư Huyện ủy gợi ý Tâm giẫy lên:
- Tôi vùng vẫy đến tuột cả da đầu mới thoát ra khỏi phòng nông nghiệp, giờ đây bí thư lại định nhốt tôi lần nữa hay sao?
Ông Kỷ bảo:
- Anh có còn đảng viên không? Nếu còn đảng viên thì sao anh từ chối. Huyện ủy điều anh trở về vị trí trưởng phòng một mặt thay đồng chí Thỉnh nghỉ hưu. Nhưng quan trọng hơn là huyện ủy muốn huyện có nhiều Duyên Nam và đưa huyện thành lá cờ đầu của thành phố.
Thì ra thế. Chẳng hiểu cái ông này nghĩ như thế nào mà bảo mình đưa huyện trở thành lá cờ đầu của thành phố? Chỉ đưa một xã Duyên Nam trở thành lá cờ đầu của huyện thôi mà đã nhiều đêm mất ngủ, nghĩ nát cả óc mới thay da đổi thịt cả một xã. Đằng này huyện có những mười hai xã. Mỗi xã lại có một đặc điểm riêng. Có thánh mới đưa mười một xã còn lại đi lên giống như Duyên Nam. Nghĩ thế Tâm nói với ông Kỷ:
- Bí thư ơi, tôi là người chứ có phải phù thủy đâu mà úm ba la một cái là cả huyện biến ngay thành lá cờ đầu của thành phố?
- Cứ lên huyện rồi bàn tính sau.
Tất nhiên là Tâm không thể chống lại sự sắp xếp của tổ chức. Vậy là cái nghiệp quan chức lại buộc vào cổ của Tâm. Sau một chầu liên hoan chia tay với ban quản trị hợp tác xã Duyên Nam, Tâm lên huyện ngồi vào cái ghế Trưởng phòng Nông nghiệp. Chức chủ nhiệm hợp tác xã giao cho Trí.