Kể từ khi Nhâm và Hóa hy sinh, cánh trinh sát hầu như vắng tiếng cười. Hằn rõ trên từng gương mặt là sự đau buồn. Với lính chiến chúng tôi, chứng kiến đồng đội hy sinh từng giờ từng ngày, bất cứ đồng đội nào mất đi đều để lại niềm tiếc thương đau xót, nhưng xót xa hơn cả là những đồng đội hy sinh ngay trước mắt mà không thể lấy được thi thể, không thể đắp cho đồng đội một nấm mộ dù chỉ là vài mẩu xương, thịt. Với Nhâm và Hóa, thi thể không còn nguyên vẹn, địch sẽ xử lý thế nào với thân thể đồng đội của tôi. Có thể, chúng sẽ vùi lấp qua loa hoặc quăng xuống sông, suối đâu đó. Sau này đất nước được giải phóng liệu chúng tôi có thể tìm thấy đồng đội của mình. Nghĩ tới những điều tệ hại sẽ đến với linh hồn của đồng đội, không ai trong chúng tôi có thể cười nhưng phía trước, cuộc chiến đấu đánh đuổi đế quốc Mỹ và bọn tay sai vẫn còn cam go khốc liệt, tất cả chúng tôi lại gạt nước mắt, nén nỗi đau vào tim để thực hiện công việc của mình.
Trường và tôi cắm cúi hoàn thiện tấm sơ đồ những gì đã thu thập, quan sát được đêm qua để báo cáo cho thủ trưởng. Sau khi tấm sơ đồ đã được hoàn thiện, chúng tôi qua hầm chỉ huy.
Trong hầm chỉ có một mình đại đội trưởng, anh đang ngồi trầm ngâm im lặng. Khi chúng tôi cất tiếng chào, anh mới giật mình quay lại cố nở nụ cười nhưng tôi hiểu, anh đang rất buồn. Cả Nhâm và Hóa đã hai năm sát cánh cùng đại đội trưởng và cả đại đội ai cũng biết, thủ trưởng dành tình thương cho Hóa rất nhiều.
Tôi mới về đại đội trinh sát được hơn mười ngày, mặc dù thời gian ăn ở sinh hoạt cùng lính trinh sát chưa nhiều. Song, tình đồng đội cùng chung chiến hào, cùng một ý chí mau chóng gắn kết chúng tôi thành những người bạn, sẵn sàng chia sẻ vui buồn riêng tư, những kinh nghiệm, khó khăn. Hỗ trợ nhau khi làm nhiệm vụ và thương yêu nhau như ruột thịt, tất cả một lòng chiến đấu vì Tổ quốc thân yêu. Chính vì sự thương yêu nhau, sống vô tư đúng chất lính nên chuyện riêng tư của bất cứ cá nhân nào cũng là chuyện chung. Mỗi khi có được chút thời gian ít ỏi nghỉ ngơi sau mỗi trận đánh, cánh lính chiến chúng tôi lại mang chuyện của đồng đội ra bàn luận sôi nổi. Tỷ như cậu A yêu cô B. Cậu C mới nhận thư của người yêu hoặc gia đình, xuất thân không may mắn của một chiến sĩ nào đó... tất cả đều được đám đông tếu táo kể hết như chuyện của chính mình. Dù chuyện đời tư của bất cứ thành viên nào trong đại đội cũng được cánh lính truyền tai nhau nên ai cũng biết hết.
Chuyện Đại đội trưởng Năm Thắng luôn dành tình cảm đặc biệt cho Hóa cũng vậy. Ngoài tình cảm thủ trưởng với cấp dưới, anh Năm Thắng luôn quan tâm, yêu thương Hóa như người em, thậm chí như một người cha dành cho con mình.
Hoàn cảnh của Hóa cũng rất đặc biệt. Là người dân tộc Pa Cô ở A Ngo - Đắk Rông, Hóa mang họ Hồ nhưng mọi người quen gọi là A Hóa. Riêng với cánh lính chúng tôi thì cứ réo mỗi cái tên Hóa mà gọi.
A Hóa được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm ba mươi (1930) khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ông nội của A Hóa đã tham gia vào phong trào đấu tranh của bà con các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều chống lại thực dân Pháp bắt người đồng bào dân tộc đi lính, đi phu. Vận động đồng bào không nộp thuế cho Pháp, ông còn nuôi giấu và bảo vệ cán bộ cách mạng…
Tháng 8 năm bốn lăm (1945), ông cùng bà con đồng bào tham gia đấu tranh giành chính quyền trên địa bàn Đắk Rông, cùng đội du kích hỗ trợ bộ đội Quảng Trị chặn đánh, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ mũi tiến công của giặc Pháp từ nước bạn Lào sang. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông nội dìu dắt bố A Hóa cùng tham gia đội du kích của người Pa Cô, Vân Kiều kiên cường đánh trả các trận càn của Mỹ và quân đội Sài Gòn, tổ chức xây dựng nhiều địa điểm tại xã A Ngo thành nơi giấu quân, hàng hóa nhu yếu phẩm của bộ đội 559 đóng trên đường mòn Hồ Chí Minh.
Năm năm chín (1959), dưới chế độ của Ngô Đình Diệm với khẩu hiệu: “Giết nhầm hơn bỏ sót”, chính quyền Sài Gòn tổ chức nhiều trận càn vào huyện Đắk Rông. Xã A Ngo là nơi quân địch thường xuyên càn quét, lùng sục bắt bớ, cướp bóc và đốt phá. Trong một đợt đi càn, tụi lính phát hiện hầm bí mật của ông nội và bố A Hóa. Gọi hàng không được, chúng thả lựu đạn xuống. Cả ông nội và bố A Hóa đều hy sinh. Dân trong buôn bị tụi chúng gom hết lại, từ người già, phụ nữ, trẻ em, xả súng giết sạch. A Hóa khi ấy mới chín tuổi là người duy nhất trong gia đình may mắn sống sót.
Khi ông mặt trời vừa thức dậy, A Hóa đã chạy ra rừng gỡ bẫy. Nghe súng nổ phía buôn làng, A Hóa chạy ra khỏi rừng. Trời ơi, từng ngôi nhà sàn đang bị những cột lửa khổng lồ nuốt dần, khói bốc đen trời.
Quá hoảng sợ, A Hóa chạy trở vào rừng tìm đội du kích. Khi trận càn của quân địch kết thúc, cùng đội du kích trở về buôn, trước mắt A Hóa và đội du kích là những xác chết nằm ngổn ngang, trong đó có mẹ, chị và em gái A Hóa. Chạy ra sau vườn, ông nội và cha chết gục dưới hầm, máu loang thành vũng. A Hóa không biết phải làm gì bên xác cha và ông nội khóc không thành tiếng.
Những ngày sau đó, A Hóa sống vất vưởng trong rừng như con ma đói rồi được một người chú bà con trong đội du kích đưa về nuôi dưỡng.
Năm mười ba tuổi, A Hóa theo chú nuôi cùng đội du kích của buôn đi chống càn, đánh bốt. A Hóa nhỏ con nhưng nhanh nhẹn, luồn lách trong rừng như con nai con hoẵng, là tai mắt của đội du kích khi địch mở những trận càn đột ngột.
Năm mười lăm tuổi, bộ đội chính quy về tổ chức đánh vào căn cứ của địch trên địa bàn Đắk Rông, A Hóa được giao nhiệm vụ dẫn đường. Với sự thông thạo địa bàn của mình, A Hóa đưa bộ đội đi bằng con đường ngắn và bất ngờ nhất đến căn cứ của địch. Trong khi trận đánh diễn ra, A Hóa như con sóc vận chuyển đạn, tải thương binh…
Trận đánh kết thúc thắng lợi, ta làm chủ hoàn toàn căn cứ của địch, lúc này các chú bộ đội mới vây quanh A Hóa hỏi chuyện… A Hóa một mực xin các chú cho đi theo. Thấy A Hóa còn nhỏ, các chú khuyên nên về nhà khi đủ tuổi hãy nhập ngũ, A Hóa không nghe. Những ngày sau đó, dù các chú nói thế nào A Hóa cũng không chịu rời đơn vị bộ đội. Chuyện đến tai chính trị viên tiểu đoàn, ông liền xuống gặp A Hóa. Sau một cuộc trò chuyện kéo dài, ông quyết định nhận A Hóa làm con nuôi và cho theo ông từ đó. A Hóa được bố nuôi cho làm liên lạc.
Cách đây hai năm, Đại đội trinh sát cần bổ sung người, đồng chí chính trị viên tiểu đoàn đưa A Hóa về đại đội của Năm Thắng và dặn hãy chăm lo cho A Hóa. Đó là lý do vì sao anh Năm Thắng luôn dành tình cảm đặc biệt cho A Hóa.
Nay A Hóa hy sinh, thân xác cũng không thể lấy, sao Đại đội trưởng có thể vui.
Trường giao tấm sơ đồ thực địa cho thủ trưởng, anh Năm Thắng nhìn rất kỹ, hỏi tỉ mỉ những điểm chưa rõ, đánh dấu bằng chì đỏ vài điểm trên bản đồ, buông chiếc bút, anh khen:
- Các cậu rất cừ. Với đồi Tử Thần, nhiệm vụ của trinh sát đến đây coi như đã hoàn thành - Giọng anh bỗng chùng xuống - Chỉ tiếc, nếu Nhâm và Hóa không hy sinh thì trọn vẹn biết mấy, nhưng chúng ta rất tự hào về các cậu ấy. Chiến thắng nào cũng phải trả giá. Các cậu hãy trân trọng từng phút từng giây được sống, được chiến đấu để không hổ thẹn với lớp lớp cha ông đi trước. Với Hùng - Anh đột ngột quay sang tôi - Cậu làm rất tốt nhiệm vụ được giao. Nhiệm vụ phối hợp với trinh sát của cậu đã hoàn thành. Mục đích đưa cậu qua đây phòng khi ta mở chiến dịch tiến công đồi Tử Thần, bên trinh sát có thể không đủ người dẫn đường, khi ấy, cậu sẽ là người chịu trách nhiệm hướng dẫn mũi tiến công của đơn vị mình như một trinh sát thực thụ. Tối nay sẽ là bữa cơm chia tay với Đại đội trinh sát. Sau bữa cơm, ngay lập tức cậu sẽ trở lại chốt.
- Em không thể ở lại đây sao thủ trưởng?
Năm Thắng cười thật hiền, nhìn vào mắt tôi rồi nói:
- Đây là nhiệm vụ. Trong chiến đấu có những thứ ta muốn mà không được làm, tất cả phải vì mục đích cuối cùng là chiến thắng. Sau chiến dịch này nếu cậu muốn, tớ sẽ xin anh Thành cho chuyển qua trinh sát luôn, đồng ý không? - Anh cười rất thoải mái rồi nói tiếp - Giờ thì hai cậu có thể về hầm của mình nghỉ ngơi cho lại sức. Cố mà ngủ bù cả đêm qua thức trắng nghe.
Tôi và Trường quay về, một nỗi buồn man mác mơ hồ xâm chiếm. Bước vào môi trường mới, những đồng đội mới vừa trở nên thân quen lại phải chia tay. Thật lòng tôi không muốn rời đi. Chỉ với hơn mười ngày bên nhau nhưng tôi và Trường đã thân thiết. Trường tận tình hướng dẫn cho tôi những kỹ năng trinh sát, cậu ấy còn lo cho tôi từng bữa ăn, quan tâm sức khỏe của tôi kể cả chuyện tôi có tình cảm với o Dung. Vẻ bề ngoài, Trường cứ tưng tửng xem tôi cũng như những đồng đội khác nhưng với sự nhạy cảm của mình, tôi cảm nhận được sự quan tâm của Trường.
Với lính chiến khi vào chiến trường, chúng tôi thường tìm kiếm đồng hương. Thứ nhất cùng thôn cùng xã, thứ hai cùng huyện cùng tỉnh thì luôn dành cho nhau tình cảm yêu thương đặc biệt hơn. Tôi với Trường cùng dân Hà Nội. Trường ở phố Hàng Chiếu, vào chiến trường trước tôi một năm, là lính trinh sát nên rất dày dạn kinh nghiệm đối đầu trực tiếp với địch.
Về đến hầm, nhận thấy tôi không vui Trường hỏi:
- Sắp chia tay buồn hả?
Tôi gật đầu xác nhận. Trường cười tươi động viên:
- Thôi nào đồng hương, mình còn gặp nhau mà, miễn là cậu đừng có chết nhé… Mà cậu có tính qua chia tay với o Dung không? Tớ nghĩ nên qua một chút. O Dung có vẻ thích cậu, là mẫu phụ nữ tuyệt vời đấy. Rất thông minh mạnh mẽ, không phải ai o cũng thích đâu. Tớ biết o Dung một năm rồi nên hiểu điều đó.
- Ừ ừ, để coi đã.
- Còn coi cái gì nữa. Lúc này mấy o chắc cũng trên chốt về rồi, cậu không quyết đoán là mất cơ hội đấy!
- Tớ biết rồi… từ từ tính. Giờ cậu kể chuyện về mình đi. Từ bữa qua đây tớ chẳng nghe cậu nói về cá nhân gì cả.
- Ha ha cái cậu hâm này, tớ thì có gì mà nói. Sinh viên đại học như cậu mới có nhiều chuyện để nói, còn tớ, học dốt đặc, cố hết được cấp hai thì nghỉ về nhà bán chiếu, đủ tuổi nhập ngũ là đi lính vậy thôi có gì để nói đâu. Bên trinh sát tụi mình có nhiều hoàn cảnh xuất thân éo le tội lắm nhưng tinh thần chiến đấu thì gan dạ dũng cảm mới đáng nói chứ, như A Hóa chẳng hạn. Nhưng chuyện đời tư của A Hóa thì cả Sư đã biết, còn Nhâm, hoàn cảnh gia đình cậu ấy cũng rất cơ cực, có điều cậu ấy kín tiếng ít tâm sự nên… chỉ thủ trưởng và tớ biết. Sở dĩ tớ biết là do một đêm hai thằng bị lạc rừng. Bữa ấy tụi tớ luồn vào một điểm cao của địch bên Hòn Vượn. Vào, ra êm ru nhưng trên đường về thì gặp tụi thám báo, khoảng sáu bảy thằng gì đó. Chúng cũng đi “ăn sương” như tụi tớ. Bình thường bọn thám báo và dân trinh sát vô tình đụng nhau cũng tìm cách tránh, ít khi xảy ra đấu súng bởi nhiệm vụ của thám báo và trinh sát quan trọng hơn nhưng bữa đó tớ buộc phải nổ súng vì đụng nhau quá gần.
- Có chuyện vậy sao, cậu kể nghe xem.
- Chuyện là vầy, bữa đó trên đường về, hai thằng tớ đang lặng lẽ men theo mép đường tăng, đêm rừng thì tối như hũ nút, bất ngờ phát hiện ra tụi thám báo thì khoảng cách đã quá gần, chỉ còn chừng bốn hoặc năm mét gì đó. Không thể quay đầu để tránh, tớ buộc phải nổ súng. Tụi thám báo bị bất ngờ nhưng cũng phản ứng rất nhanh, bắn trả dữ dội. Tớ nằm ép người sát mặt đường, bắn gần hết băng đạn. Thằng thám báo trúng đạn rú lên, tớ lăn mấy vòng vào rừng. Tiếng AK của Nhâm cũng kéo liên thanh…
Chừng nửa phút, tất cả lại im lặng, nghe rõ tiếng lá rừng xào xạc. Tớ biết bọn thám báo rất sợ đụng đầu với trinh sát nên cũng nằm im thăm dò. Nếu mình đánh tới, chúng mới nổ súng, không thì cũng thôi. Chúng lo giữ mạng sống mà. Biết ý tứ của chúng, tớ và Nhâm nhẹ nhàng trườn vào rừng.
Không thể quay ra đường tăng, hai đứa mò mẫm cắt rừng mà đi, càng đi rừng càng rậm rì dày đặc. Biết đã bị lạc, hai thằng quyết định nghỉ tại chỗ. Lúc ấy đã hai rưỡi sáng. Khốn thật, buồn ngủ nhưng muỗi nhiều như lá rừng sao ngủ được. Hai thằng nằm, mỗi tay một chùm lá liên tục quạt bởi lũ muỗi đói thi nhau tiến công như ném trấu vào người mà tụi mình thì chỉ mỗi quần xà lỏn cậu biết rồi. Nằm đuổi muỗi chờ trời sáng mới tìm được đường ra, tớ gợi chuyện về đời tư của Nhâm, cuối cùng hắn cũng chịu kể về gia đình hắn.
Nghe Trường kể chuyện về Nhâm tôi mới thấy mình còn hạnh phúc chán. Cũng chịu chung cảnh nghèo đói khi đất nước bị chiến tranh tàn phá, nhưng tôi có đầy đủ bố mẹ, anh chị. Với Nhâm, cuộc sống không những phải vật lộn với khốn khó cơ cực lại mang thêm nỗi đau mất người thân ruột thịt.
Trường kể rằng, gia đình Nhâm, ở một làng chài nghèo xơ xác thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Bố và ba người anh của Nhâm bữa nào cũng ra biển từ sớm tinh mơ trên con thuyền rách nát, trong khoang thuyền chất đầy lưới, những cuộn dây chão cùng mùi tanh nồng của cá và tiếng sóng ầm ào đặc trưng của biển. Quần thảo cùng sóng biển hung dữ giữa mênh mông trời nước, giăng lưới, thả câu tới tối mịt mới trở về. Cực nhọc vất vả cũng có hôm bố và các anh rất vui khi gặp trúng luồng cá, thuyền về đầy khoang. Song, cũng nhiều ngày trở về tay trắng, mặt mũi nhợt nhạt bơ phờ. Nhâm khi ấy còn nhỏ chỉ loanh quanh giúp mẹ vá lưới, chiều chiều chạy ra bờ biển đón bố.
Bố và các anh tối ngày quần quật trần mình trên biển nhưng thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu bởi phương tiện đánh bắt thô sơ, lạc hậu, thuyền vừa nhỏ vừa cũ nên cuộc sống vẫn cứ nghèo túng.
Không riêng gia đình Nhâm, cả làng chài đều vậy. Nếu không ra biển đánh bắt cá thì làm muối nhưng làm muối chỉ được vài tháng nắng, ráo mồ hôi cũng hết tiền. Không nhà nào có ruộng đất để trồng cấy đành bám biển sống qua ngày. Những ngày biển êm thì không sao, những ngày biển động, mẹ Nhâm cứ thẫn thờ đứng lặng nhìn mấy chục chiếc thuyền neo đậu sát nhau, chiếc nào cũng tả tơi. Trước mũi mỗi con thuyền, những lá cờ đỏ bay phần phật rách te tua vì gió xé. Có lần mẹ Nhâm nói với bố: “Mấy bố con không đi biển nữa, tôi thấy bất an quá”. Bố Nhâm ngồi trầm ngâm rít thuốc lào một hồi rồi hỏi mẹ: “Không đi biển làm gì để sống?”.
Không trả lời được câu hỏi của bố, giọng mẹ Nhâm buồn buồn: “Biển thì hung dữ, con thuyền chẳng khác con kiến giữa biển khơi, tôi lo lắm…”. Thế rồi sự lo lắng của mẹ Nhâm đã trở thành sự thật.
Một cơn bão biển với sức gió giật cấp mười hai bất thần đổ vào trong khi bố và các anh vẫn đang ngoài biển. Cả vùng biển rộng lớn cứ cuộn lên từng lớp sóng cao như mái nhà rồi ầm ầm đổ xuống hết lớp này tới lớp khác. Mặt biển sôi sùng sục, những chiếc thuyền cá nhỏ bé cứ nhao lên trên ngọn sóng rồi mất hút, lại nhao lên vỡ tan. Có những chiếc bị sóng đánh chìm chỉ còn phần mũi nhấp nhô theo con sóng.
Những người bà, người mẹ, người chị đứng chết lặng trên bãi biển mặc gió bão tấp vào da thịt. Ai nấy gương mặt héo hon hằn sâu những nếp nhăn khắc khổ, trong đó có mẹ Nhâm. Bà cố nhướng cặp mắt đầy âu lo mặc cho mưa bão quất vào mắt cay rát, cố dõi theo những chiếc thuyền đánh cá mong manh như chiếc lá đang bị cơn cuồng phong của biển dập vùi giữa đại dương. Những con sóng mỗi lúc càng hung dữ, cứ chồm lên muốn nuốt chửng những con thuyền bé nhỏ...
Màn đêm đen đặc ập xuống, cơn cuồng phong của biển vẫn chưa thôi. Mẹ cùng những người đàn bà thất thểu quay về nhà chờ đợi trong tuyệt vọng. Mẹ Nhâm ngồi trên giường cùng cây đèn dầu thức chong chong chờ sáng.
Mưa vẫn xối xả trút nước, gió vẫn rít lên từng hồi quật những cành cây gẫy răng rắc. Ngoài trời, cơn bão biển điên cuồng quần đảo, trong mẹ, cơn bão lòng cũng đang vặn xoắn, bóp nghẹt trái tim yếu ớt khiến bà cứ run lên từng chập. Mẹ Nhâm ngồi ôm gối, gục mặt trên vòng tay mặc cho nước mắt cứ thế trào ra.
Sớm hôm sau, cơn bão đã qua đi nhưng bố và các anh của Nhâm thì mãi mãi không trở về...
Mất chồng, mất con, mẹ Nhâm quyết định từ bỏ tất cả, rời khỏi làng chài dẫn theo Nhâm cùng một em trai và em gái út về tá túc nhờ nhà một người chú bên ngoại. Từ đó, mấy mẹ con lầm lũi làm thuê cuốc mướn nuôi nhau. Nhâm cứ vậy lớn lên trong điều kiện cuộc sống gia đình vô vàn cơ cực.
Nghe hết câu chuyện Trường kể về Nhâm, tôi thấy cay cay nơi sống mũi và cứ miên man với suy nghĩ, giá như không có chiến tranh… giá như đất nước hòa bình, giàu có. Giá mỗi người chúng ta đều có thể làm những gì mình muốn… Giá như…