Tôi muốn qua tạm biệt Dung, nhưng đi một mình thì không dám nên rủ Trường.
- Trường, đi với tớ qua hầm o Dung được không? Một mình tớ qua bên đó ngại lắm.
Nghe tôi hỏi, Trường phá lên cười khanh khách, xổ một tràng:
- Ô hay cái cậu này, đi gặp “đối tượng đặc biệt” mà rủ tớ theo không sợ kỳ đà cản mũi hả? Luồn vào căn cứ của thằng địch cũng lì lợm dữ, vậy mà đi gặp con gái lại… nhát như cáy! Đúng là hâm tỉ độ! Tớ không đi, cậu đi một mình đi. Qua đó cậu nói chuyện với người ta để tớ ngồi hóng hả? Không đi, tớ ngủ đây.
- Thôi nào… đi với tớ một chút. Cậu luôn là bạn tốt mà, năn nỉ đấy.
- Bữa nay cũng biết phỉnh cơ đấy! Kể ra không giúp cậu cũng thấy tội. Thôi đành vậy, đã thương đành thương cho trót, nhưng sau vụ này phải có gì đền ơn đáp nghĩa nghe. Cậu còn một chị gái rất xinh đúng không? Nếu giải phóng hai thằng may mắn cùng trở về, cậu làm mai chị cậu cho tớ nghe!
- Chị tớ không những xinh mà còn giỏi giang, thuộc tốp đẹp người đẹp nết. Tớ sẵn sàng làm cầu nối cho hai người. Được cậu làm anh rể, tớ giơ cả hai tay.
- Vậy là thỏa thuận rồi nha, hi hi. Nếu có ngày đó thì tuyệt nhỉ.
Nói rồi Trường chỉnh trang lại quần áo, cẩn thận vuốt mái tóc bù xù cho tôi… Hai chúng tôi qua hầm o Dung. Vừa tới cửa hầm, thoảng nghe trong không khí mùi thơm man mát của bồ kết khiến tôi chợt nhớ mẹ và các chị. Mẹ và các chị tôi thường hay gội đầu bằng bồ kết với lá bưởi. Mùa xuân, khi hoa bưởi bắt đầu bung nở mẹ lại hái những chùm hoa bỏ vào nồi nước bồ kết. Mẹ nói: “Tinh dầu bưởi và bồ kết giúp tóc óng mượt, đen và mềm mại hơn”.
Ngay từ khi còn nhỏ mẹ thường gội đầu cho các chị tôi bằng nước bồ kết và lá bưởi. Không biết có phải vì thế mà tóc của các chị tôi luôn đen nhánh và óng mượt, dài chấm hông. Khi bốn, năm tuổi gì đó, ngồi bên mẹ tôi hay rúc đầu vào mái tóc của mẹ, thích thú hít hà mùi bồ kết quyện cùng hương bưởi. Thi thoảng tôi cũng được mẹ gội đầu nước bồ kết. Mỗi lần gội đầu cho tôi, mẹ thường mắng: “Suốt ngày chạy nắng chạy gió, tóc thì đỏ quạch cứng như rễ tre”. Lần nào mẹ cũng nói câu ấy. Có lần tôi cãi lại: “Con có chạy nắng đâu, tại tóc con nó vậy”. “Cha bố anh”. Mẹ lại mắng. “Đúng là nòi nào giống ấy, giống bố như đúc, ương như ổi, chỉ cãi mẹ là giỏi…”.
Tôi cố hình dung nụ cười hiền hậu bao dung của mẹ khi ấy và thầm ước: giá lúc này tôi có thể chạy về bên mẹ, được mẹ quở trách, la mắng như hồi còn nhỏ.
Hiếu động nghịch ngợm, thích đày nắng gió vốn là sở trường của những đứa trẻ, tôi cũng không ngoại lệ. Những năm học cấp hai, sau mỗi buổi học, mấy thằng con trai chúng tôi lại rủ nhau ra Hồ Tây, quần áo sách vở bỏ bừa trên bờ, lông nhông trần truồng thỏa sức vùng vẫy dưới hồ, thi nhau bơi, trèo lên những cây lớn ngả ra mặt hồ búng người nhảy ùm ùm xuống làm nước bắn tung tóe đầy thích thú. Nhưng vui nhất là trò tạt nước vào mặt nhau, tiếng hò hét hòa cùng tiếng cười vang khắp mặt hồ. Nhiều bữa tôi bị tụi bạn tập trung té hội đồng, nước tấp vào mặt xối xả không thể thở bằng mũi phải há hốc miệng để lấy không khí, vậy là uống no nước hồ.
Bước vào kỳ nghỉ hè khi những trái sấu đã chín vàng, lũ nhóc chúng tôi vùng vẫy dưới nước chán thì lên bờ mặc vội áo quần, chạy dọc những con phố tìm sấu chín. Sau khoảng nửa giờ đồng hồ leo trèo, chiến lợi phẩm thu được đôi khi đựng đầy cặp sách những trái sấu vàng ươm. Cả bọn cười cười nói nói nhồm nhoàm ăn ngấu nghiến. Mặc dù sấu đã chín nhưng vẫn chua lắm nên mặt đứa nào cũng nhăn như khỉ ăn mắm tôm. Ăn đẫy một bụng sấu, cả bọn mới chịu chia tay đứa nào về nhà ấy.
- Hùng! Cậu tương tư gì mà thần người ra thế?
Nghe Trường hỏi, tôi giật mình thoát ra khỏi những hồi ức, cùng lúc đó, tiếng o Tuyết vừa cười khúc khích vừa chọc:
- Mần răng anh Hùng bị o Dung bắt mất hồn mau rứa anh Trường hè?
- Đồ quỷ! Nói tùm lum không hà - Tiếng Dung cự lại, theo đó là tiếng đấm lưng thùm thụp của hai o… lại cười khúc khích…
Trường đẩy tôi vào hầm, hai tay hắn đè vai ấn tôi ngồi xuống chiếc thùng đạn cạnh Dung rồi quay qua nói với o Tuyết:
- O Tuyết, ra ngoài công sự tôi nhờ chút. - Hiểu ý của Trường, o Tuyết nháy mắt với Dung, ngúng nguẩy chạy ra khỏi hầm. Họ cố tình nhường không gian cho chúng tôi. Tôi đoán vậy.
Chỉ còn hai người với nhau nhưng đầu tôi bỗng trở nên mít đặc, miệng muốn nói mà không biết phải bắt đầu từ đâu. Như đoán biết được tâm trạng của tôi, Dung cười, nụ cười rất đẹp rồi hỏi:
- Hình như anh Hùng muốn nói gì với Dung?
Nghe Dung đổi cách xưng hô, không xưng tui như hai lần gặp trước trong lòng thấy vui vui. Sực nhớ mục đích qua gặp Dung, ngập ngừng một chút tôi trả lời:
- Ừ... cũng không có gì, chỉ là tôi muốn qua chào Dung, tối nay tôi về lại chốt.
- Ủa! Răng anh Hùng không ở bên trinh sát - Dung tỏ ra ngạc nhiên.
- Tôi chỉ qua phối hợp với trinh sát ít bữa, nay phải trở về đại đội của mình.
- Rứa là anh Hùng đi ngay tối nay?
- Tôi sẽ rất nhớ những ngày ngắn ngủi ở đây, nhớ những đồng đội mới, o Tuyết và Dung nữa.
Im lặng một lúc Dung lên tiếng:
- Anh Hùng về bên ấy lo giữ sức khỏe nha. Dung nghe mấy chú nói, từ nay ta sẽ đánh dữ vì Hội nghị Paris gì đó đang căng lắm. Hôm rồi Dung có đón mấy chú từ trung đoàn qua bến vượt và khá đông bộ đội lên chốt, chắc mình sẽ đánh lớn…
Nghe Dung nói tôi mừng lắm. Cánh lính chúng tôi luôn muốn tiến công, không muốn cứ mãi phòng thủ. Nhưng đánh thế nào, mở chiến dịch ở đâu, là anh lính binh nhì, tôi chẳng hiểu gì để nói nên chỉ biết ngồi nghe Dung kể chuyện.
Trong khi trò chuyện, hương bồ kết vẫn phảng phất rất dễ chịu, tôi buột miệng:
- Có phải Dung gội đầu bằng bồ kết?
- Anh Hùng đoán trúng đó. Hôm bữa Dung về thăm nhà, mạ rờ tóc thì kêu trời: “Mô phật! Tóc tai mi mần răng cứng như ri…”. Khi Dung đi, mạ bọc cho mớ bồ kết, ít hoa bưởi khô, mạ nói: “Ráng nấu nước mà gội, con gái chi mà tóc cứng như cỏ khô, khó ưa lắm nghe”. Nhớ lời mạ nhưng mấy bữa ni Dung đi miết chừ mới có thời gian nấu để gội. Không riêng Dung, cả trung đội du kích toàn con gái, tóc tai đứa mô cũng rứa. Bồ kết với con gái rất quý nhưng ở đây không dễ kiếm mô.
Hai chúng tôi cứ miên man hết chuyện này qua chuyện khác, nhiều khi câu chuyện không có đầu cũng chẳng có kết thúc. Nhá nhem tối, tôi trở về hầm.
*
Bữa cơm chia tay với cánh lính trinh sát có Trường, Đoan, Quân, Học và Quý. O Tuyết và Dung mang qua một tô canh rau lang nấu với mắm ruốc, một đĩa dế xào.
Với tôi, đó là bữa cơm đầy ắp tình đồng đội. Dung luôn miệng dặn tôi đi đường phải hết sức cẩn trọng đề phòng tụi biệt kích bởi tôi chưa quen đường. Bữa đi cùng anh Năm Thắng, anh đi quá nhanh, trời thì tối, nhiều đoạn tôi phải chạy để bám theo, không kịp quan sát nên cũng hơi lo.
Đã tới lúc phải chia tay những người đồng đội mà chúng tôi đã sống như một gia đình dù thời gian ở với nhau rất ngắn. Cuộc chia tay nào cũng đem đến cho tôi nỗi buồn. Những vòng tay ôm, cái bắt tay siết chặt, những ánh mắt yêu thương như níu chân tôi ở lại cũng như khi tôi chia tay gia đình, bà con cùng phố và bạn bè, thầy cô ngày tôi lên đường nhập ngũ. Song, dù quyến luyến đến mấy tôi cũng phải chia tay mọi người. Trường cầm chiếc ba lô tự tay đeo cho tôi, đưa tôi khẩu AK. Sự chu đáo của Trường khiến tôi nghĩ tới mẹ. Mỗi khi bố hoặc các chị tôi đi đâu xa, bao giờ mẹ cũng tự tay chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo.
Đeo xong cho tôi khẩu súng trước ngực, giọng Trường buồn buồn:
- Chúc đi đường mọi sự tốt lành, bình an nghe đồng hương, hẹn gặp lại trong chiến dịch đồi Tử Thần!
Tôi ôm Trường thật chặt, thấy sống mũi cay cay…
Mười giờ tối tôi bắt đầu lên đường. Dung đưa tôi qua khu rừng tre. Ra khỏi rừng tre, chúng tôi dừng lại. Một chút ngập ngừng, tôi vòng tay qua lưng Dung kéo nhanh về phía mình. Lần đầu trong đời tôi cảm nhận mùi con gái gần đến vậy. Tim đập mạnh, người run lên nóng ran, bản năng đàn ông trỗi dậy khiến toàn thân căng cứng. Tôi cúi xuống hôn lên môi Dung.
- Anh Hùng! Đừng làm rứa! Chúng mình mới quen mà.
Vừa nói, Dung vừa cố đẩy tôi ra nhưng không thể bởi đôi tay như hai gọng kìm của tôi đã ghì chặt Dung vào lòng. Hơi thở dồn, gấp gáp của Dung phả nóng vào ngực làm tôi càng rạo rực. Bỗng tiếng pháo cầm canh của địch dội lên, tôi giật mình cắt ngang dòng cảm xúc. Hình ảnh những trận đánh lại hiện về khiến đầu óc tỉnh táo trở lại. Cuộc chiến đấu ngày càng khốc liệt, tôi có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Nghĩ tới đó, cố kìm bản năng thằng đàn ông trong tôi đang trỗi dậy mãnh liệt, từ từ buông tấm lưng mềm mại, nóng ấm, tôi nắm bàn tay Dung, hai đứa cứ đứng vậy hồi lâu, Dung mới nhè nhẹ rút đôi tay mình ra, giục tôi:
- Anh Hùng đi mau kẻo về khuya sương lạnh lắm. Dung chỉ mong chiến tranh sớm kết thúc, Dung sẽ được cùng anh về thăm Hà Nội… Tạm biệt anh!
Nói dứt câu, Dung quay người bước nhanh trở lại rừng tre. Trong tôi, cảm giác bâng khuâng bịn rịn thật khó tả. Tôi biết, trái tim mình đã thực sự rung động, là lần đầu tiên trong đời tôi nhận thấy điều này khi đứng trước người con gái mạnh mẽ, rất đáng yêu nơi chiến trường ác liệt dù thời gian chúng tôi gặp gỡ chưa nhiều. Tôi thầm ước, giá tôi có thể gặp Dung mỗi ngày nhưng điều ước tưởng chừng giản dị ấy cũng chẳng dễ gì thực hiện giữa cuộc chiến khốc liệt, mặc dù chúng tôi ở cùng chiến tuyến nhưng những trận đánh luôn xảy ra và mỗi chúng tôi, ai cũng phải lo hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đôi khi mới gặp nhau đấy nhưng ngày mai… biết ai còn ai mất.
Đứng bần thần một hồi, nhìn lại lần cuối khu mật cứ, tôi cúi thấp người băng qua trảng cát. Qua khỏi trảng cát, ngước nhìn bầu trời đầy sao. Ánh sáng nhờ nhờ của những vì sao đủ để nhận biết đường đi. Tôi cắt ngang cánh đồng hoang, phía trước chỉ thấy một màu đen sẫm. Đi một đoạn lại đứng nghe ngóng, không thấy động tĩnh gì mới tiếp tục bước. Vượt qua cánh đồng rậm rì cỏ, người ướt đẫm sương đêm, tôi đã tới những vạt đồi thấp. Những ụ mối, lùm cây cứ lù lù đen đen như bóng người đứng bất động khiến tôi hơi run. Bữa đi cùng anh Năm Thắng tôi không để ý điều này vì đã có anh dẫn đường. Tôi cố hình dung trong đầu những đoạn cua, rẽ trái rẽ phải mà mình đã đi qua. Hít một hơi thật sâu lấy lại tự tin, căng hết các giác quan nghe ngóng mọi động tĩnh phía trước. Khắp khu vực đồi thấp chỉ là tiếng côn trùng rỉ rả, nhiều nhất là tiếng dế mèn, cứ ri ri khắp nơi nghe buồn thảm. Tôi tự hỏi, không hiểu sao ở khu vực này dế mèn nhiều đến thế? Bữa cơm của mấy o du kích thường ngày rất hay có món dế mèn xào.
Khóa chốt an toàn khẩu AK đề phòng cây bụi vướng vào sẽ cướp cò, tôi bắt đầu dấn bước. Đi một đoạn chợt nhận ra, bước chân của tôi tới đâu lũ dế bỗng im bặt. Phát hiện ra điều thú vị ấy khiến tôi thấy yên tâm. Dựa vào tiếng dế, có thể phán đoán được những chuyển động của con người nếu có ở phía trước.
Đi được chừng một phần ba quãng đường, lúc này đã gần mười hai giờ đêm. Sương mỗi lúc xuống càng nhiều hơn làm giảm tầm nhìn, người bắt đầu thấm lạnh. Bữa vượt qua khu vực này với anh Năm Thắng, chúng tôi đi rất nhanh bởi anh Năm Thắng quá rành đường lại dày dạn kinh nghiệm phát hiện những hiểm họa tiềm ẩn phía trước. Với tôi, điều quan trọng là về chốt an toàn dù có phải đi hết đêm nay. Cảm thấy hơi mệt, tôi quyết định nghỉ một lát. Luồn vào một bụi cây rậm rạp, vừa gạt đám cỏ tính ngồi xuống bỗng giật thót người, một bóng đen lao ra từ lùm cây rẽ cỏ ào ào cắt qua đường mòn rồi mất hút. Bật nhanh chốt an toàn khẩu AK, tôi chợt nhận ra một con chó hoang. Thở phào nhẹ nhõm, tôi khóa chốt an toàn nép mình trong bụi cây ngồi nghỉ. Ngồi vài phút, cơn buồn ngủ thật khó cưỡng ập đến làm hai mắt cứ ríu lại. Không thể để cơn buồn ngủ đánh gục, tôi vuốt mặt cỏ ướt đẫm sương xoa lên mặt. Cái lạnh của sương làm tỉnh táo hơn. Đứng dậy tính đi tiếp thì nghe một tiếng cạch khô khốc phía trước. Tiếng ri ri của bầy dế mèn cũng in bặt. Vội ngồi thụp xuống, trong đầu thoáng nghĩ - có người, chỉ không rõ là ta hay địch. Cơn buồn ngủ hoàn toàn biến mất. Ngồi thật im, tay khẽ vạch đám lá căng mắt theo dõi. Một lát sau, tiếng bước chân rõ hơn và mỗi lúc một gần. Tôi nhận được tiếng đế giày nện xuống mặt sỏi. Chắc chắn là tụi biệt kích. Tiếng cạch tôi nghe được trước đó có lẽ do chúng để súng chạm nhau. Nhẹ nhàng bật chốt an toàn khẩu AK, kiểm tra ba quả lựu đạn, trong đầu đặt ra những tình huống có thể đến. Nếu bị phát hiện, tôi quyết sống chết với chúng và sẽ dành cho mình quả lựu đạn cuối cùng như Nhâm và Hóa, nhưng tôi vẫn hy vọng, bọn biệt kích sẽ không phát hiện ra mình. Nơi tôi nấp cách đường mòn chừng bốn mét, bụi cây khá um tùm, bốn xung quanh cỏ mọc dày, cao ngang bụng. Tôi thầm nghĩ, có lẽ số tôi chưa thể chết. Lần trên đồi Tử Thần, thằng lính đi tuần đứng trước mặt, đái ngay đầu tôi vẫn thoát êm, rồi mấy ngày lạc rừng nữa, vẫn bình an trở về. Có lẽ số tôi được tổ tiên phù hộ nên mới may mắn đến vậy. Tối nay cũng thế, nếu không nghỉ mệt chắc tôi đã đụng tụi biệt kích giữa đường và khi ấy, chỉ có trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Tôi dừng suy nghĩ vì những bóng đen đã ngay trước mặt. Mặc dù sương đêm xuống rất dày như màn khói mù nhưng tôi vẫn nhận ra những cái bóng đen lù lù đang lầm lũi tiến về phía trảng cát. Bỗng hai cái bóng đi sau cùng dừng lại, ngồi xuống, chụm đầu vào nhau. Không lẽ chúng phát hiện ra điều gì. Tim đập thình thịch, tôi cố giữ bình tĩnh, thở thật nhẹ. Nếu chúng phát hiện ra mình, một đấu sáu tôi khó có cơ hội sống sót. Đặt tay vào cò súng tính bóp nhưng lại thôi. Có thể diệt hai thằng ngồi trước mặt nhưng bốn thằng phía trước sẽ quay lại, liệu tôi có thể hạ gục hết? Với tụi biệt kích, chúng cũng được huấn luyện bài bản nên phản ứng rất nhanh. Lần đầu tiên đụng mặt với chúng nhưng nghe Trường nói về chúng như vậy, tôi quyết định ngồi im chịu trận xem tụi biệt kích làm gì. Bỗng ánh lửa lòe lên giữa hai chiếc mũ sắt, tiếp đến là hai đốm nhỏ lập lòe. Thì ra chúng hút thuốc. Hai cái bóng đen ngồi hút thuốc, không nói với nhau dù chỉ một lời. Đúng lúc ấy, tôi bị con gì đó chích vào cổ đau nhói, cố cắn răng chịu. Một tiếng động dù nhỏ nhất phát ra lúc này lập tức thân phận tôi bại lộ.
Lũ côn trùng lại rền rĩ kêu. Tiếng pháo cầm canh nổ xa xa đâu đó. Tôi nín lặng dõi theo hai cái bóng đen đang ngồi trước mặt, trong bụng thầm rủa: Mả cha chúng mày, nếu cả sáu thằng ngồi tụm với nhau ông sẽ cho chúng mày ăn nguyên một băng, tiễn chúng mày về chầu ông vải!
Hai thằng biệt kích đột ngột đứng dậy, quăng đốm thuốc còn đỏ vào đám cỏ, chúng rảo bước theo đồng bọn. Lúc này tôi chợt nghĩ, không nổ súng, chúng sẽ mò vào sâu hơn. Nếu chúng phát hiện ra khu mật cứ thì thật tai hại, hậu quả là khôn lường! Sẽ có những trận càn, máy bay giội bom và pháo bầy chụp xuống, khi ấy cả khu mật cứ trở thành chiến trường khốc liệt và những người đồng đội, những người bạn của tôi sẽ ra sao? Không! Nhất định không cho chúng tiến thêm, phải tiêu diệt tụi biệt kích dù tôi có hy sinh! Có thể không diệt hết cả sáu tên nhưng chắc chắn sẽ ngăn được chúng tiến vào mật cứ. Nghĩ tới đó, tôi quyết định rất nhanh. Nâng khẩu AK, rê mũi súng vào hai bóng đen gần nhất - Đoàng đoàng, đoàng đoàng. Hai loạt điểm xạ đanh gọn, hai tên biệt kích rú lên đổ ập xuống. Tôi lao mình ra khỏi chỗ nấp, lộn thêm mấy vòng vào sâu bên trong cùng lúc tiếng AR-15 đồng loạt rít trên đầu. Những dây đạn đỏ lừ nối nhau lao vào nơi tôi ẩn nấp ban đầu làm bụi cây nát bươm. Tung tiếp hai trái lựu đạn vào tốp bốn thằng còn lại. Tiếng một thằng hét lên đau đớn. Quạt thêm một tràng AK, tôi quăng người nhiều vòng rời xa nơi ẩn nấp, lăn vào cạnh một ụ đất khá lớn. Mấy khẩu AR-15 lại xả đạn liên thanh về phía tôi vài giây rồi im bặt kèm theo đó là tiếng rên nho nhỏ. Nhẹ nhàng trườn người băng ngang quả đồi, khi đã cách tụi biệt kích chừng bốn chục mét, tôi cắt lại đường, tìm lối mòn. Ra tới nơi, tôi bước thật nhanh nhưng mắt vẫn căng ra, tập trung toàn bộ thị giác, thính giác, nhận biết những nguy hiểm có thể rình rập phía trước. Thoát khỏi cuộc đụng độ không mong muốn, tôi vượt qua những dãy đồi thấp an toàn bắt đầu đi vào khu làng bỏ hoang. Thi thoảng bắt gặp vài con mèo chạy ào trước mặt lại phải ém mình, đầu óc căng như dây đàn nghe ngóng động tĩnh, biết chắc an toàn mới đi tiếp.
Về tới chốt đã gần bốn giờ sáng. Tới cách lớp công sự đầu tiên chừng mười mét liền tụt xuống một hố pháo, thò đầu lên quan sát, thấy ai thì báo động nếu không, sẽ ăn đạn của chính đồng đội mình. Chờ lâu đến sốt ruột cuối cùng cũng có người xuất hiện. Một cái bóng từ dưới công sự vọt lên. Tôi liền gọi nhỏ:
- Cậu nào đấy... đừng bắn nghe, Hùng, Tiểu đội 3 đây.
- Hùng Trư Bát Giới phải không, cậu về rồi hả?
Tôi nhận ra tiếng thằng Dũng liền vọt lên khỏi hố pháo chạy ào lại với nó. Dũng ôm chầm lấy tôi hỏi dồn:
- Sao mày về muộn thế? Tao không mắc tiểu chắc mày còn phải nằm dưới đó đúng không?
Tôi và Dũng về hầm của Hòa. Nghe tiếng tôi, thằng Hòa, Thái bật cả dậy. Chúng ôm lấy tôi nhảy tưng tưng, hỏi đủ thứ chuyện. Nói chuyện một hồi tôi phải nói với mấy đứa là tôi rất mệt, muốn ngủ, sáng mai sẽ kể cho chúng nghe chúng mới chịu buông tha. Tôi vào góc hầm, nằm xuống và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.