Bừng tỉnh khi những tiếng đạn pháo nổ dồn dập làm rung chuyển căn hầm, tôi bật dậy, chụp chiếc mũ tai bèo lên đầu, thu người ngồi trong góc hầm đúng lúc Hòa từ ngoài công sự chạy vào, nó vừa hổn hển thở vừa càm ràm chửi đổng:
- Mả cha lũ “ba que”, ông nội mày chưa kịp ăn sáng đã bắt ông phải súc miệng bằng đạn pháo hả? Cứ đợi đấy, vài ngày nữa các ông sẽ cho chúng mày biết tay.
Nghe thằng Hòa chửi, tôi không nhịn được, bật cười. Bình thường Hòa là đứa khá điềm tĩnh, nghiêm túc, chưa khi nào thấy nó nói bậy hay chửi tục, cũng ít khi nó nổi cáu. Những ngày chúng tôi còn ngồi trên giảng đường đại học, Hòa luôn là đứa đứng ra hòa giải những cuộc xô xát, cãi vã. Nó sống chuẩn mực, bao dung và rất hòa đồng nên bạn bè trong lớp đều nể trọng. Tiếng nói của nó được mọi người lắng nghe và làm theo, vậy mà bữa nay tự nhiên nó nổi đóa mới lạ. Thà nó nổi khùng chuyện gì chứ chuyện thằng địch bắn pháo có mà khùng cả ngày bởi ngày nào chúng chẳng bắn, đâu riêng hôm nay. Cái tụi tay sai ấy cứ nhận lệnh là bắn, không có lệnh của quan thầy, buồn cũng bắn, vui chúng cũng bắn có khác gì lũ điên! Thấy tôi cười nhăn nhở, Hòa quát:
- Mày cười cái gì, lo mà ngủ cho lại sức, nó bắn kệ cha nó!
- Tao buồn cười vì mày chửi thì mày nghe, tao nghe chứ tụi lính Sài Gòn có nghe đâu. Mà này, sau trận pháo liệu tụi bộ binh có tiến công không?
- Mày hỏi ngớ ngẩn quá, tao có ngồi trong đầu mấy thằng chỉ huy của địch đâu mà biết. Việc của mình là cảnh giác, luôn trong tư thế sẵn sàng nếu chúng tổ chức đánh tới thì mình tiếp đón nhiệt tình vậy thôi. À mà quên chưa báo cho mày, Bình và Kiên đã qua đây, trận địa của tụi nó bố trí sau công sự của Trung đội 2 ấy.
- Vậy hả? Thế thì tuyệt quá. Lát tao qua hầm chỉ huy báo cáo anh Thành rồi qua thăm tụi nó luôn. Mấy tháng không gặp tụi nó, nhớ quá. Hai đứa nó khỏe không?
- Khỏe và rắn rỏi, chỉ tội thằng nào cũng đen như mấy cha đốt than! Mà này, không chỉ cối 82 của tụi thằng Bình qua đâu nghe, tao thấy mấy bố lính già mang tên lửa B-72, pháo 85, dàn H-12 cả FR-71 nữa. Toàn thứ dữ không hà, thấy đã con mắt. Đồi Tử Thần phen này coi như đã được đưa lên “thớt” chỉ chờ ngày “đánh vảy và chiên” là xong.
- Chắc chắn là thế rồi, trước hôm về đây tao cũng nghe o du kích chuyên đưa đón cán bộ, bộ đội từ bờ Bắc qua kể cho nghe, cô ấy đã đưa mấy “cụ” ở ban tham mưu trung đoàn qua chốt. Có thể các “cụ” qua để chỉ đạo chiến dịch đấy. Nhưng đánh đồi Tử Thần cũng không dễ. Đã hai lần tao cùng lính trinh sát mò lên đấy. Trên đó, công sự hầm hào, bọn địch xây dựng vô cùng kiên cố, toàn bê tông cốt thép lại còn ba lớp rào kẽm gai vòng ngoài bảo vệ, vượt qua được là vô cùng khó khăn.
- Tới ba lớp hàng rào kẽm gai cơ à. Thảo nào các “cụ” điều cả FR-71 qua.
- FR-71 là đạn gì vậy, tao chưa thấy?
- Là tên lửa phá rào hiểu chửa!
- Tên lửa phá rào - Tôi tỏ ra rất ngạc nhiên - Mà phá kiểu gì?
- Hôm rồi tao đi ngang chỗ mấy cha lính già mới qua, thấy họ đang làm bệ phóng cho FR-71, nhìn quả đạn rất lạ, to hơn cái phích nước nhưng có cánh. Tò mò hỏi mới biết, FR-71 là tên lửa phá rào. Ở đuôi quả tên lửa có cố định một sợi dây cáp bằng ni lông đặc biệt, cách một đoạn của sợi cáp lại gắn một đầu nổ. Tên lửa bay đi sẽ kéo theo sợi dây cáp vắt qua các hàng rào, tên lửa nổ sẽ kích hoạt toàn bộ đầu nổ trên dây cáp phát nổ cùng lúc, mỗi đầu nổ có thể phá toang một đoạn rào rộng khoảng bốn đến sáu mét, đủ cho xe tăng vượt qua. Không những phá rào, đầu nổ còn kích nổ toàn bộ mìn gài dưới mặt đất sâu tới hai mét. Có nghĩa là, ba cái hàng rào mà mày nói trên đồi Tử Thần tụi mình có đánh lên cũng không phải dùng bộc phá, đã có tên lửa phá rào giải quyết. Quả là lợi hại…
Hai đứa tôi đang mải chuyện thì Tân mang cơm tới. Vừa thấy tôi, nó reo to:
- Ô Lão Trư về rồi hả? - Chợt nó đứng sững nhìn tôi như người xa lạ rồi buông lời nhận xét - Chà chà, mới rời khỏi chốt hai chục ngày mà trơn lông đỏ da gớm nhỉ. Cơm bên trinh sát chắc ngon hơn cơm chốt hả?
- Không những ngon mà còn được ngồi đàng hoàng ăn bằng bát đũa và bữa nào mấy o du kích cũng cho một tô canh, đôi khi cả món dế xào nữa. Ở đó khá yên tĩnh, an toàn. Lính trinh sát thường thì đêm đi, ngày ở hầm vẽ lại bản đồ, báo cáo đại trưởng, xong là ngủ. Nói chung là không phải trực suốt như lính chốt, không phải chịu những trận pháo bầy, pháo hạm cùng những đợt tiến công điên cuồng của tụi bộ binh, nhưng mỗi lần đi tuyến là một lần cảm tử. Chuyến đi vừa rồi, bọn mình mò lên đồi Tử Thần, khi về bị lộ, hy sinh mất hai. Hai cậu ấy đánh trả mấy chục thằng địch tới khi hết đạn thì dùng lựu đạn tự sát kéo theo mấy thằng địch chết chung nữa. Đúng với tinh thần của lính trinh sát, quyết hy sinh chứ nhất định không để địch bắt sống. Thương lắm!
Hòa ngồi nghe hai chúng tôi nói chuyện giờ mới xen ngang:
- Bộ binh hay trinh sát mỗi đơn vị đều có đặc thù riêng, cũng có lúc thoải mái cũng có lúc cực khổ, sự nguy hiểm, hy sinh thì ở đơn vị nào cũng như nhau. Đánh đổi lấy hòa bình, cái giá phải trả đắt lắm!
- Lại giọng lãnh đạo rồi - Thằng Tân cắt lời Hòa - Thôi ăn cơm đã ông tướng, tớ còn phải mang cơm qua các hầm khác. - Miệng nói tay Tân đưa Hòa vắt cơm bằng nắm tay to rồi quay qua tôi - Còn Hùng, không biết mày về nên ở đây không có suất của mày. Chờ tao đi chia hết ba lô cơm, mày qua hầm anh nuôi ăn với tao nghe.
- Ừ, tao cũng chưa thấy đói.
Không nghe tôi nói hết câu, Tân đã vọt ra khỏi cửa hầm với ba lô cơm của mình, một lát sau Tân quay trở lại, tôi theo nó qua hầm anh nuôi… Tân bới cho tôi một tô cơm, thêm hăng gô canh cá nấu với rau dền dại. Tôi ngạc nhiên buột miệng:
- Bữa nay xôm thế… có cả cá tươi?
Tân nhe răng cười rồi khoe:
- Để anh em ăn kham khổ quá lâu, bữa nào cũng cơm vắt muối rang, cực chẳng đã, hôm qua tụi tao đánh liều xách mìn ra suối tương ba trái vớt được mấy ký cá đủ loại. Vậy là cả đại đội có tí tươi.
- Không sợ các thủ trưởng la sao?
- Biết là không được phép nhưng… làm thằng anh nuôi, không lo được bữa cơm ngon lành, để anh em ăn kham khổ quá, mất sức chiến đấu, thương lắm nên làm liều. Các thủ trưởng cũng biết việc này nhưng anh Thành, anh An hiểu cảnh cực khổ của lính, thực phẩm từ bờ Bắc chuyển qua đâu dễ gì, phải đổi bằng máu thế nên, hai ông chỉ nhắc nhở phải cẩn thận. Tình hình mỗi ngày một căng, ngày nào cũng vài trận quần nhau với địch, sau mỗi trận đánh nhìn ai cũng bơ phờ, mệt mỏi nên tụi mình cố xoay xở. Bữa ăn không được đàng hoàng cũng đỡ một chút để bảo đảm sức khỏe cho mọi người. Không làm được vậy mình thấy có lỗi với đồng đội.
Nghe Tân nói tôi thấy cay cay nơi sống mũi và chợt nhận ra, hơn một năm học cùng nhau, chơi với nhau cho tới bây giờ tôi vẫn chưa hiểu hết về nó. Tính Tân vốn tếu táo thích chọc cười thiên hạ. Nó chẳng mấy lúc ngừng cái miệng khi mấy thằng chúng tôi ở với nhau. Cứ ngỡ nó vô tâm nhưng giờ thì tôi biết mình đã nghĩ sai về Tân. Nó trưởng thành, sâu sắc hơn tôi nghĩ rất nhiều đặc biệt từ ngày vào chiến trường. Phải chăng, khi đối đầu với cuộc chiến khốc liệt, sự hy sinh gian khổ của đồng đội đã đánh thức hết ý chí, tinh thần cách mạng, tình thương và trách nhiệm trong Tân. Giờ nó ít nói, mạnh mẽ và quyết đoán hơn. Tôi còn nhớ năm đầu bước chân vào trường đại học chúng tôi về nhà Tân chơi. Nhà Tân ở huyện Sóc Sơn, cách trung tâm Hà Nội hai lăm cây số, gần đền Sóc thờ thần Thánh Gióng. Ngồi trò chuyện cùng mẹ Tân, bà kể rằng, Tân là con thứ ba trong gia đình có bảy anh chị em. Trên Tân là một anh và chị đầu. Sáu người con của bà đều ít nói, riêng Tân cứ luôn mồm luôn miệng. Khuôn mặt và vóc dáng cũng khác anh chị và các em. “Thằng Tân có phải con của ông hay con “công đoàn” vậy, sao nó chẳng giống đứa nào”. “Không khéo lại nuôi gà rừng”... Không ít người trong làng hỏi bố Tân những câu hỏi như vậy. Cũng may, bố Tân không phải là người hay ghen. Năm Tân chín tuổi, cuộc sống của gia đình khi ấy quá đói kém, bà và bố Tân cố gắng tới mấy cũng không lo đủ miếng ăn cho bảy đứa con đang lớn. Bữa ăn chủ yếu là rau, khoai và sắn nhưng cũng chỉ được hai bữa, bữa sáng thường nhịn đói. Còn nhỏ nhưng Tân rất có ý thức, ngoài thời gian đi học, về nhà là lo chăn trâu cắt cỏ, tát nước, mò cua bắt ốc, đêm xuống lại xách đèn theo mấy anh lớn ra đồng soi cá tới khuya, thương lắm. Cuộc sống là vậy nhưng Tân học rất tốt và khi nào cũng vui vẻ, lạc quan, không bao giờ thấy nó buồn. Đói rét vất vả mấy cũng cười cười nói nói như con vẹt, tối ngày bông đùa, pha trò làm vui cho mọi người nên bà con cô bác trong làng ai cũng quý mến.
Có lần mẹ và bố Tân đi làm đồng về, đã mười hai giờ trưa, nhìn bốn đứa em Tân lau nhau từ ba đến bảy tuổi đang giành nhau củ sắn nướng. Thằng Út lăn đùng giữa sân giãy đành đạch khóc thét vì không được chia phần. Khổ vậy đấy. Ba đứa trên nó thì quát tháo cãi nhau ầm ĩ.
Chạy theo con trâu, cái cày từ hừng đông, cơn đói cháy ruột, sự mệt nhọc khiến bố Tân nổi điên liền quất cho mỗi đứa mấy roi. Chiếc roi đi cày hằn vết đỏ trên mông làm bốn đứa khóc thét. Thương con, giận mình, bố Tân ôm mặt than: “Trời ơi sao tôi khổ thế này”. Đúng lúc Tân đi học về, thấy bố than trời, hắn tưng tửng nhảy chân sáo vào sân, miệng đọc mấy câu thơ của cánh thợ cày trong thôn vẫn thường hay đọc trong lúc tán gẫu: Tại thích đẻ nhiều mới khổ nha/ Mỗi năm một bé cứ như gà/ Con chị vẫn đang còn tí mẹ/ Thằng em trong bụng đã tòi ra/ Chồng thì tiều tụy như ông lão/ Cô vợ nhăn nhúm tựa bà già/ Tại thích “cày đêm” nên mới khổ/ Đã sướng thằng “cu” khổ chớ la.
Thằng Tân đọc những câu ấy, không biết nó có hiểu hết ý nghĩa của bài thơ hay không nhưng đang bất lực, chán nản vì cuộc sống cơ cực mà giọng đọc của Tân cứ nhấm nhẳng như chọc tức bố nó, chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Rõ là bực. Vậy là ba máu sáu cơn, sẵn cây roi trên tay ông vút túi bụi. Thằng Tân vứt cặp sách nhảy tưng tưng chạy vòng vòng quanh mẹ, miệng hét toáng lên: “Cứu con mẹ ơi!”. Vừa kêu cứu nhưng miệng nó vẫn toe toét cười khiến bố nó cũng bật cười, vậy là hết đánh.
Bố mẹ Tân không thể xoay xở để đảm bảo cho chín miệng ăn, chị và anh của Tân, người học hết lớp năm, người lớp sáu thì nghỉ học phụ bố mẹ việc đồng áng. Các em của Tân cũng dừng việc học ở cấp hai. Riêng Tân, nó quyết theo đuổi nghiệp đèn sách mong có ngày đổi đời. Nhưng tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã thôi thúc Tân cùng chúng tôi tạm xa giảng đường đại học để có mặt trên chiến trường. Và giờ đây, sự khốc liệt của chiến trường đã hun đúc chàng trai ưa tếu táo bông đùa thành một người lính dày dặn, trách nhiệm và mạnh mẽ. Thật khó để tin.
Chia tay Tân, tôi qua hầm chỉ huy đại đội. Cậu liên lạc của anh Thành đón tôi với câu chào và nụ cười tươi:
- Anh Hùng về rồi hả? Các thủ trưởng đang trong đó, anh vào đi - Tôi bắt tay Vân, cậu liên lạc rồi bước vào hầm.
Trên chiếc bàn làm từ những thanh tre ghép lại là tấm bản đồ khổ lớn trải rộng. Anh An đứng khom người, hai tay chống xuống mép bàn, mắt dõi theo ngón trỏ của anh Thành đang chỉ vào một vị trí nào đó trên bản đồ.
- Em chào các thủ trưởng!
Nghe tiếng tôi chào, anh Thành, anh An cùng quay ra.
- Về rồi hả Hùng? - Anh An hỏi tôi với nét mặt rất tươi.
- Cậu về đúng lúc lắm - Anh Thành xen ngang - Bữa qua tớ gặp Năm Thắng trên trung đoàn, anh ấy rất hài lòng về cậu, còn muốn xin cậu qua bên trinh sát đấy. Nhưng chuyện đó nói sau. Cậu lại đây... đã thâm nhập thực tế, cậu nhìn trên bản đồ còn vị trí nào chưa đúng với những gì cậu đã quan sát. Bên trinh sát đã vẽ khá rõ ràng đầy đủ nhưng tớ vẫn muốn cậu kiểm tra lại, biết đâu có sơ suất. Cẩn tắc vô áy náy. Mình cẩn thận sẽ giảm thiểu tổn thất.
Tỉ mỉ chu đáo, yêu thương lính hết mực nhưng cũng rất nghiêm khắc là tính cách của đại đội trưởng. Nói tới anh Thành, lính của cả sư đoàn ai cũng biết.
Ngày tôi mới vào chốt đã nghe cánh lính già truyền tai nhau chuyện về đại đội trưởng, đó là những ngày đầu ta mở chiến dịch hồi tháng 3 năm bảy hai (1972) hay còn được biết đến với cái tên - mùa hè đỏ lửa. Chiến dịch Xuân - Hè là cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng do Bộ tổng tham mưu phát động, tổ chức bộ đội đồng loạt tiến công vào các căn cứ, mục tiêu quan trọng của địch nhằm đánh bại chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Chiến dịch được bắt đầu từ các hướng chính đó là: Quảng Trị - Thừa Thiên, Kon Tum, bắc Tây Nguyên, đồng bằng Khu 5 và miền Đông Nam Bộ...
Trên mặt trận Quảng Trị, bộ đội tổ chức đánh dữ dội vào các căn cứ của địch, quyết giải phóng Quảng Trị tạo thế trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Những trận đánh thời điểm đầu mở chiến dịch luôn diễn ra quyết liệt, giằng co giữa ta và địch trên các điểm cao, các chốt.
Bước qua đầu tháng tư, nhiều căn cứ của quân Sài Gòn trên địa bàn Quảng Trị đã bị bộ đội giải phóng tiêu diệt và làm chủ nên khí thế toàn quân nâng rất cao. Tình hình chiến trường ngày càng thuận lợi. Thừa thắng xốc tới, ta tiếp tục mở những cuộc tiến công đánh úp địch trên mọi mặt trận.
Một ngày tháng tư, anh Thành nhận lệnh đưa hai trung đội phối hợp với một toán đặc công bí mật luồn sâu áp sát một căn cứ của Mỹ và quân Sài Gòn đóng trên điểm cao 19xx. Ba giờ sáng, trinh sát đã đưa bộ đội áp sát căn cứ và bất ngờ nổ súng. B-40, B-41, thủ pháo, lựu đạn, AK đồng loạt khai hỏa. Bọn địch trong căn cứ vô cùng hoảng loạn, chống cự trong thế bất lợi.
Sau hai giờ chiến đấu, bộ đội đã làm chủ hoàn toàn điểm cao, tiêu diệt mấy chục tên địch, số còn lại hốt hoảng tháo chạy khỏi cứ điểm.
Với thằng địch, điểm cao 19xx vô cùng quan trọng. Mất 19xx đồng nghĩa với việc hai căn cứ của chúng gần đó sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nên chắc chắn chúng không dễ gì chịu khoanh tay chấp nhận, tổ chức phản công để lấy lại 19xx là điều chúng sẽ làm, chỉ là khi nào, sớm hay muộn mà thôi.
Từ nhận định ấy, ngay lập tức anh Thành triển khai tổ chức các chiến sĩ bắt tay xây dựng từng cụm chiến đấu với công sự, hầm hào được kết nối liên hoàn, động viên tinh thần chiến sĩ, sẵn sàng bẻ gãy các cuộc tiến công của đối phương.
Không nằm ngoài dự đoán của anh, sớm hôm sau, khi bình minh vừa ló rạng, những trái đạn pháo đã tới tấp giội xuống 19xx khiến mặt đất rung chuyển, cây cối gãy đổ, đất đá bay ào ào. Pháo vừa dứt, binh lực địch bắt đầu tràn lên. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa năm chục chiến sĩ dưới sự chỉ huy của anh Thành phải đương đầu với một tiểu đoàn thủy quân lục chiến được hỗ trợ xe tăng, xe bọc thép cùng nhiều loại hỏa lực mạnh như cối, pháo đại liên… bắt đầu.
Báo cáo về trung đoàn, anh Thành nhận được lệnh: Bằng mọi giá phải giữ cho được 19xx tạo bàn đạp, mở rộng vùng giải phóng. Cái khó cho anh cùng những chiến sĩ của mình, trên điểm cao không tìm ra nguồn nước mà nắng miền Trung thì như đổ lửa. Mặt trời đứng bóng, cái nóng bắt đầu thiêu đốt dữ dội. Ngồi trong công sự, mồ hôi vẫn túa ra như tắm. Khi vận động chiến đấu, quần áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Những chiếc bi đông nước ít ỏi được các chiến sĩ uống tằn tiện cũng đã cạn dần. Không biết khi nào mới nhận được chi viện từ trung đoàn. Những ngả đường lên 19xx đã bị địch phong tỏa khiến anh Thành rất lo. Số nước còn lại, ai quá khát mới uống mà cũng chỉ được uống một ngụm. Sức khỏe của các chiến sĩ suy giảm, trong khi thằng địch liên tục tổ chức tiến công. Hầu như ngày nào cũng từ ba đến năm lần chúng tràn lên. Đạn xe tăng, 12 ly 7 trên xe bọc thép, đạn thẳng của bọn bộ binh điên cuồng trút xuống khiến các chiến sĩ phải gồng mình đánh trả những đợt tiến công của địch hết đợt này tới đợt khác, không một chút thời gian nghỉ ngơi.
Bước sang ngày thứ năm, địch tổ chức tới năm trận tiến công, mỗi trận kéo dài đến ba giờ đồng hồ. Cả điểm cao, cây cối xác xơ, khói lửa bao trùm, mùi thuốc pháo, thuốc súng khét lẹt. Gần sáu giờ tối trận chiến mới kết thúc.
Sau ngày hôm ấy, hai mươi chiến sĩ đã hy sinh, chỉ còn hai ba tay súng. Anh Thành bị đạn xuyên qua bả vai, một viên sượt đỉnh đầu, máu chảy bết tóc thành tảng, khô đen. Sau trận đánh, những chiến sĩ còn lại ai nấy bơ phờ mệt mỏi. Gạo sấy, lương khô còn nhiều nhưng phải nhịn đói không ai dám ăn. Nước không còn một giọt, ăn lương khô, gạo sấy khi ấy chẳng khác nào tự sát. Nhịn đói một vài ngày với các anh có thể chịu được nhưng nhịn khát thì không thể. Cơn khát cháy cổ buộc các chiến sĩ phải tận dụng mọi khả năng của mình. Khốn nạn, nhịn khát lâu, nước tiểu cũng chẳng có bao nhiêu, đỏ sẫm như nước trà đặc, mặn chát, khai mù. Tình hình trở nên quá tồi tệ. “Cứ kiểu này, không có tiếp tế, mình không chết vì đạn của thằng địch nhưng chết vì khát thì nhục lắm”. “Phải có cách gì kiếm ra nước chứ?”. “Mày giỏi thì nghĩ cách đi”… Đã có những chiến sĩ không giữ được bình tĩnh, to tiếng với nhau. Anh Thành nghĩ nát óc cũng chưa có phương án gì khả thi, thôi thì tối đến có bao nhiêu áo đi mưa, tăng, võng đem trải hết trên công sự, sáng dậy sớm gom lại, có đêm thu được chừng một lít nước, khi khát mỗi người chỉ được uống một ngụm.
Trong thời khắc khó khăn cực độ, anh Thành động viên từng chiến sĩ: “Chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng sớm muộn gì cũng sẽ nhận được chi viện từ trung đoàn, các đồng chí hãy giữ vững ý chí chiến đấu. Chúng ta không thể để mất điểm cao này, không thể để đồng đội đã hy sinh xương máu vô ích. Nhất định chúng ta sẽ vượt qua khó khăn”.
Mỗi ngày trôi qua, lực lượng lại hao hụt, đơn vị lại mất thêm vài chiến sĩ, sức chiến đấu càng suy giảm.
Sẽ rất nguy hiểm nếu thằng địch phát hiện ra điểm yếu của ta, chúng sẽ tổ chức tràn ngập cao điểm.
Phải tìm cách lừa thằng địch, không để chúng nhận ra lực lượng của mình còn quá mỏng lại suy giảm sức chiến đấu vì thiếu nước. Lợi dụng địa hình địa vật, anh Thành bố trí những mũi chiến đấu giả bằng cách, úp những chiếc mũ của đồng đội hy sinh lên những mô đất, tảng đá, bên cạnh đặt sẵn lựu đạn, súng AK, những khẩu B-40, B-41 lắp sẵn đạn. Địch tiến công, đợi chúng vào tầm mười đến mười lăm mét, anh mới phát lệnh nổ súng. Khi nổ súng, mỗi chiến sĩ phải linh hoạt, bắn quả B-40 ở điểm này, ngay lập tức vận động đến khẩu AK, điểm xả mấy loạt, nhanh chóng di chuyển qua vị trí ném lựu đạn... cứ như vậy, mỗi chiến sĩ phụ trách một mũi với mấy loại vũ khí, tất cả phối hợp nhịp nhàng tạo ra một vòng cung đủ lớn, bẻ gẫy những đợt tiến công của tụi thủy quân lục chiến.
Dưới sự chỉ huy tài tình của đại đội trưởng cùng cách đánh đầy biến hóa, chỉ với một lực lượng ít ỏi, các chiến sĩ đã kiên cường đánh trả, tiêu hao rất nhiều sinh lực địch. Bước sang ngày thứ mười, các anh chỉ còn mười tay súng trong khi bọn địch điều thêm một đại đội lính dù, chúng thay nhau tổ chức tiến công. Các chiến sĩ đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, giữ vững được trận địa.
Qua ngày thứ mười hai, năm mươi tay súng của đại đội tăng cường đã vượt qua sự kiềm tỏa của địch vào chi viện.
Nhìn những đồng đội của mình quần áo tả tơi, lấm lem khói bụi, tóc tai dựng ngược, má tóp lại, mắt trũng sâu, cánh lính tăng cường ôm chầm lấy anh Thành cùng các chiến sĩ mừng mừng tủi tủi không nói nên lời. Những giọt nước mắt lặng lẽ lăn dài trên má. Với năm mươi tay súng tăng cường, những trận đánh của bộ đội đã trở nên mạnh mẽ khiến thằng địch quá bất ngờ, chúng không dám tiến sát lên trận địa như những ngày trước đó.
Vây, đánh tới ngày thứ mười ba, lực lượng bị tiêu hao quá nhiều buộc thằng địch phải rút quân và từ bỏ ý định tái chiếm điểm cao 19xx.
Trải qua mười ba ngày với bốn tám đợt tiến công điên cuồng của tụi thủy quân lục chiến, anh Thành cùng những chiến sĩ của mình đã tiêu diệt gần ba trăm tên địch, trong đó có mười hai tên Mỹ, phá hủy sáu xe tăng, bảy xe bọc thép và nhiều phương tiện chiến tranh khác của địch.
Sau trận đánh ấy, cách đánh vận động, xây dựng tuyến phòng thủ liên hoàn được áp dụng trong toàn sư đoàn và anh Thành mất mấy ngày bận rộn tiếp cánh phóng viên chiến trường phỏng vấn, viết bài.
Trở lại với tấm bản đồ, tôi quan sát kỹ, chỉ cho anh Thành, anh An những vị trí các anh chưa rõ.
Cầm cây bút đánh dấu mấy điểm trên bản đồ xong, anh Thành nói với tôi:
- Đã có quyết định đề bạt cậu làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3 kể từ hôm nay. Hòa đã chuyển lên trung đội thay cậu Trung đội trưởng Trung đội 2 mới hy sinh - Anh vỗ vai tôi cười rất tươi - Thế nào, làm được chứ đồng chí tiểu đội trưởng?
- Báo cáo thủ trưởng, em sẽ cố gắng hết khả năng của mình. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua… hì hì. Giờ xin phép thủ trưởng cho em qua Đại đội cối 82 thăm thằng đồng hương chút.
- Có đồng hương bên cối hả? Đồng ý nhưng đi mau rồi về nghe bởi đối phương có thể tiến công bất cứ lúc nào.
- Rõ, thưa thủ trưởng.
Men theo công sự, hướng về phía trận địa cối, đi hết đoạn công sự cuối cùng tôi vọt lên mặt đất, luồn qua những bụi tre gai bị pháo phạt nham nhở chỉ còn phần gốc, cháy đen thui cao ngang ngực, vừa đi vừa ngó nghiêng tìm trận địa cối.
- Đứng lại! Người của đơn vị nào, đi đâu? - Tiếng quát đột ngột, sắc lạnh ngay sau lưng làm tôi giật bắn người. Quay nhanh lại, trước mặt, một người lính tầm ba mươi tuổi, khẩu AK trong tay hướng vào tôi.
- Tôi, Hùng Tiểu đội 3, Đại đội bộ binh.
- Có đúng không - Vẫn giọng lạnh lùng - Qua đây làm gì?
- Báo cáo anh, tôi qua thăm thằng bạn, nó ở Khẩu đội cối 82, tên Bình.
- Bình! Có phải Bình người Hà Nội, dân Đại học Sư phạm?
- Dạ đúng, cả thằng Kiên nữa.
- Vậy mà tớ cứ tưởng... tụi biệt kích bữa nay cũng ma mãnh lắm, thi thoảng chúng giả bộ đội, đột nhập vào trận địa dò la tin tức nên phải hết sức cảnh giác. Tớ là Miên, Đại đội trưởng Đại đội cối. Khẩu đội của Bình ngay đây thôi, theo tớ.
Nói rồi anh Miên xăm xăm bước rất nhanh. Hai chúng tôi đi thêm chừng năm phút, lòng vòng qua mấy bụi tre, ngược lên một khu đất cao, phía trước tôi, lố nhố những cái bóng áo xanh lá rừng đang vây quanh khẩu cối 82. Anh Miên chỉ tay về hướng khẩu đội cối nói với tôi:
- Tụi nó đó. - Anh khum tay đưa lên miệng làm loa gọi to - Bình!... Ra mà đón đồng hương - Dứt lời, anh quay người đi liền không cho tôi kịp nói lời cảm ơn.
Nghe tiếng anh Miên gọi, cả khẩu đội cối quay ra. Vừa thấy tôi, thằng Bình thằng Kiên ào tới. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau nhảy vòng vòng như hồi còn ở sân trường đại học. Cười đấy nói đấy nhưng mắt thằng nào cũng ngân ngấn rưng rưng. Ôm nhau hồi lâu chúng tôi mới buông ra, giọng thằng Bình hồ hởi:
- Bữa mới qua đây, tao và Kiên đến hầm của mày, thằng Hòa nói mày sang Đại đội trinh sát, cứ ngỡ không gặp được.
- Tao cũng nghĩ khó mà gặp hai đứa mày, nhưng quả là trái đất tròn.
- Mừng nhất là cả sáu thằng tụi mình vẫn còn đầy đủ - Kiên xen ngang - Tao mong rằng cả sáu đứa mình sẽ có mặt ở Sài Gòn ngày giải phóng…
Chúng tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe của nhau, nói chuyện chiến sự đang diễn ra, động viên nhau chiến đấu. Câu chuyện mỗi lúc trở nên càng rôm rả. Mấy cậu trong khẩu đội của Bình cũng vây quanh cùng trò chuyện.
Đang vui bỗng thằng Bình trở nên trầm ngâm, một hồi sau nó đột ngột hỏi tôi:
- Bên các cậu đã phổ biến gì về nhiệm vụ nhổ “cái gai” trên đồi Tử Thần chưa?
- Tao vừa ở hầm chỉ huy đại đội, trên sa bàn, đồi Tử Thần được quan tâm đặc biệt. Những vị trí như: hầm chỉ huy, trận địa pháo, sân đỗ trực thăng, công sự, hầm hào đều được các thủ trưởng cắm cờ đỏ sao vàng. Đã thống nhất phương án, ngày giờ nổ súng. Giờ khai tử Tử Thần đã được xác định. Bên hỏa lực của các cậu cũng có người qua họp, nội dung cuộc họp thế nào chắc các thủ trưởng sẽ phổ biến.
- Tụi tao được điều qua đây để hỗ trợ cho bộ binh nhưng tao thấy lo quá!
- Mày lo cái gì - Tôi cắt ngang lời thằng Bình - khi đánh, bọn mày cứ bắn thật lực không cho thằng địch ngóc đầu lên là được. Tụi mày ngừng bắn là tụi tao xông lên.
- Mày chưa hiểu gì về cối 82 nên nói vậy. Đâu phải dễ như ném trái bóng vào cái rổ trước mặt. Phải lập đài quan sát, tính toán độ cao, cự ly của mục tiêu, tính toán phần tử bắn rồi mới chỉnh góc bắn. Không lập được đài quan sát, tính toán kỹ mấy đôi khi bắn vẫn trật, mà trật vài loạt có thể lộ vị trí, bị phản pháo ngay lập tức biết không? Mấy hôm rồi bọn tao phải làm mỗi khẩu đội từ hai đến ba trận địa dự phòng nếu bị phản pháo phải chuyển địa điểm mới. Cái khó cho tụi tao là ở đây không có bất cứ điểm cao nào có thể quan sát được đồi Tử Thần. Giá có cây cao cũng đỡ. Khốn nạn... cây cối bị pháo, bom phạt sạch, đành phải tính toán cự ly mà bắn, vậy mới lo chứ. Mà quên, từ nãy mải nói chuyện giờ mới nhớ, mày có thư đấy. Bữa hôm ở bờ Bắc, cậu bưu tá mang thư tới, thấy thư của mày tao nhận luôn.
Vừa nghe nói đến thư tôi mừng quá hối thằng Bình:
- Thật không? Thư đâu đưa cho tao. Mấy tháng rồi không nhận được lá thư nào, không biết tình hình gia đình ra sao, tao lo quá.
- Phải có gì hối lộ tao mới đưa - Thằng Kiên xí xớn xen vào - Không những thư của gia đình mày mà cả thư của em Quỳnh học cùng khóa với mình nữa nhá. Thằng này tầm ngầm mà đấm chết voi. Khai mau, hai chúng mày hẹn hò hồi nào mà tụi tao không biết?
- Hẹn hồi nào đâu - Tôi thanh minh - Tao với Quỳnh chỉ là người cùng phố, đi học cùng đường, thi thoảng về cùng vậy thôi. Mày cầm thư hả, mang ngay cho tao.
Kiên vào trong hầm, lát sau nó quay ra, tay giơ cao hai phong thư miệng tía lia:
- Thư đây, thư đây! Mày còn dám nói là bạn hả? Bạn gì mà lời lẽ ướt át mùi mẫn như khi Thị Nở bê cháo cho Chí Phèo thế. Tao đọc cho mày nghe nha.
- Trời đánh thánh vật mày, dám đọc trước cả tao hả? Cầu trời khấn phật vật mày méo mồm đi.
Mặc cho tôi cáu, thằng Kiên vẫn cười nhăn nhở rồi ê a đọc: “Anh chỉ thích cởi áo em/ Cởi rồi anh ngắm không thèm chớp mi/ Chỉ ngắm mà chẳng làm gì/ Để em thổn thức làm chi… Thật buồn…”.
Thằng Kiên chưa đọc hết, cả khẩu đội cối đã bò lăn ra cười ngặt nghẽo vì biết nó phịa ra đọc láo để chọc cười. Tôi nhào tới giật lá thư trên tay Kiên nhưng nó nhanh quá, lách người vùng chạy, cười khanh khách rồi mặc cả:
- Phải có hối lộ nếu không còn lâu mới lấy được thư biết chưa hi hi.
Tôi đã quá hiểu tính thằng Kiên, nó là đứa hay đùa và thường đùa rất dai, bực quá tôi quát to:
- Mày vẫn giữ mãi cái tính bầy hầy không sao thay đổi được vậy…
Với lính chiến, nhất là lính chốt, một lá thư từ hậu phương quý hơn vàng. Mỗi lá thư thường chứa đầy tình cảm của người thân, tình hình sức khỏe của gia đình, những tin tức ngoài Bắc mà cánh lính rất chờ đợi. Cuộc sống nơi chiến trường thiếu thốn đủ thứ, song lính chiến luôn biết cách khắc phục vượt qua, chỉ nỗi nhớ nhà nhớ người thân thì đành chịu đựng không dễ gì khắc phục. Thư là sợi dây liên kết duy nhất để biết về gia đình. Khổ nỗi, mỗi lá thư từ hậu phương vào tới chiến trường đôi khi thấm cả máu. Bất kể ai đó trong đơn vị nhận được thư, dù không phải của mình song tất cả lính ai cũng muốn đọc, đặc biệt là thư tình. Những lá thư được chuyền tay nhau hết người này đến người khác, nhàu nát mới thôi.
Thằng Kiên cầm lá thư đứng cách tôi vài mét cứ huơ huơ trước mặt chọc tức. Không có cách gì lấy được, sực nhớ nó vốn rất nghiện thuốc, tôi còn mấy đồng từ khi nhập ngũ các chị, các cô cho vẫn chưa tiêu liền mang ra trao đổi:
- Thôi được, tao còn mấy đồng, ở chốt cũng chẳng tiêu đến, tao cho mày mua thuốc được chưa?
- Ha ha có thế chứ! - Thằng Kiên cười đắc ý, nó nhăn nhở mang lá thư lại cho tôi.
Vừa cầm thư từ tay Kiên, tôi chưa kịp đọc thì pháo trên đồi Tử Thần lại bắn tới tấp vào chốt. Nghe đạn pháo rít lên, thằng Bình lệnh cho những chiến sĩ trong khẩu đội cối của nó vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.
- Tao phải về, hẹn gặp lại sau. - Tôi chỉ kịp nói với Bình và Kiên có vậy rồi mau chóng rời trận địa cối, cắm đầu chạy về chốt.