Cuộc họp bàn phương án tiến công đồi Tử Thần diễn ra với sự góp mặt của tiểu đoàn trưởng, ban tham mưu tiểu đoàn, các đại đội trưởng, trinh sát có Năm Thắng và Đại đội trưởng hỏa lực. Trên mặt bàn lớn đặt giữa căn nhà âm là sa bàn thực địa đồi Tử Thần được mô phỏng rất chi tiết. Mọi ánh mắt đổ dồn theo chiếc đầu gậy trên tay Năm Thắng. Chiếc gậy nhỏ chỉ vào vị trí nào, Năm Thắng phân tích kỹ vị trí đó, bắt đầu từ hầm chỉ huy tới trận địa pháo, vị trí những khẩu đại liên, công sự cách hàng rào mấy mét, các boong ke...
Cuộc họp trở nên sôi nổi khi thảo luận phương án tiến công. Ban tham mưu tiểu đoàn đề xuất hai phương án. Một - tiến nhanh. Hai - đánh lấn dũi.
Tiểu đoàn phó Vũ Văn Huy là người phát biểu đầu tiên:
- Thưa các đồng chí, từ trước tới giờ ta chỉ lo giữ chốt, lực lượng thì khá hạn chế và luôn trong tình thế lép vế trước quân Sài Gòn, chính vì vậy chúng không nghĩ ta có thể tiến công đồi Tử Thần, đó là yếu tố bất ngờ nên theo tôi, không nhất thiết phải dùng phương án lấn dũi. Phương án lấn dũi làm chiến sĩ mất rất nhiều sức lực để đào đường hầm. Chọn cách đánh nhanh thì chỉ cần ém quân kỹ, khi hỏa lực làm tê liệt sức kháng cự của sinh lực địch, ngay lập tức bộ đội xung phong.
- Đồng chí Huy nói cũng có lý nhưng tôi lại nghĩ khác - Anh Thành cắt ngang lời tiểu đoàn phó - Với một căn cứ kiên cố như Tử Thần, tiến nhanh sẽ rất khó. Tôi đồng ý, đối phương sẽ bất ngờ khi hỏa lực của ta đánh tới. Song, dù cố thủ trong boong ke hầm hào, chúng cũng đủ thời gian chuẩn bị và đợi ta xông lên. Chúng ta cũng phải tính tới đoạn đường từ chân đồi tới hàng rào đầu tiên của Tử Thần. Sẽ mất bao thời gian để ta áp sát… khi ấy đối phương đã đủ thời gian triển khai phương án đánh trả? Nếu ta quyết đánh có thể vẫn giành chiến thắng nhưng tôi nghĩ, sẽ hao tổn lực lượng rất lớn, vậy có nên chọn cách tiến nhanh?
- Tôi đồng ý với ý kiến của đồng chí tiểu đoàn phó - Đại đội trưởng Đại đội 3 lên tiếng - Ta nên chọn phương án đánh nhanh. Đánh lấn dũi chắc gì đã giảm số lượng thương vong mà còn mất rất nhiều sức lực của chiến sĩ. Không còn sức, có khi thương vong còn nhiều hơn ấy chứ.
- Tôi vẫn phản đối cách tiến nhanh - Giọng anh Thành cương quyết - Thay vì ém quân đợi giờ nổ súng, ngay từ chập tối, ta bắt tay vào đào đường hầm. Nếu ta đào từ lưng chừng đồi, chiều dài đường hầm sẽ chưa đầy hai mươi mét, đất ở đây đa phần pha cát nên khi đào không khó khăn lắm. Mỗi tiểu đội chịu trách nhiệm đào một đường hầm, các chiến sĩ sẽ thay nhau đào, chậm lắm cũng tám đến mười tiếng đồng hồ là có thể tiếp cận hàng rào đầu tiên, thời gian cũng chỉ gói gọn trong một đêm.
Ai đó trong ban tham mưu đặt câu hỏi:
- Có nhất thiết phải để chiến sĩ vất vả đào đường hầm không?…
Qua nửa giờ thảo luận, đồng chí Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Khắc Tiệp đứng lên phân tích tình hình rồi cho biểu quyết. Có sáu trên mười đồng chí chọn phương án đánh nhanh. Cuối cùng tiểu đoàn trưởng đã quyết định theo số đông và lấy giờ G là giờ nổ súng mở màn trận đánh. Lực lượng tham gia trận đánh gồm Đại đội 1 và Đại đội 2. Sáu trung đội sẽ chia làm sáu mũi, các đồng chí phổ biến rõ cho các trung đội phối hợp thật nhịp nhàng, luôn sẵn sàng khi có lệnh xung phong…
*
Tôi đổi gác khi cuộc họp kết thúc, chợt nghe anh Năm Thắng gọi. Vừa quay lại đã thấy anh trước mặt. Bắt tay tôi lắc mạnh, anh cười tươi hỏi, giọng thân mật:
- Bữa hôm về chốt, trên đường có gặp khó khăn gì không?
- Báo cáo thủ trưởng, đường đi thì không khó nhưng em đụng sáu thằng biệt kích, buộc phải nổ súng!
- Vậy hả, ở đoạn nào?
- Ngay dải đồi thấp gần trảng cát ấy thủ trưởng.
- Tụi nó mò vào tới đó hả?
- Dạ, thưa thủ trưởng. Cũng may, lúc đó em vừa chui vào bụi cây nghỉ mệt thì phát hiện ra chúng… nếu không…
- Hôm nay tớ đã không còn gặp được cậu đúng không?
- Đúng vậy thủ trưởng hì hì. Khi ấy em đã tính tránh đụng độ với chúng nhưng sợ chúng mò vào, phát hiện được khu mật cứ thì nguy, thế là em liều mình đánh tới. Hai loạt đạn đầu hạ gục hai thằng gần nhất, tung thêm hai trái lựu đạn vào tốp bốn thằng. Sau tiếng nổ của lựu đạn, em nghe những tiếng rên nho nhỏ. Xả thêm một băng AK, em quăng người “biến” vào sâu trong đồi thế là thoát.
- Vậy sao! Cậu dám đánh với sáu thằng! Không những dám đánh mà còn không hề hấn gì! Giỏi, giỏi thật! Cậu rất có tố chất của lính trinh sát. Sau trận đồi Tử Thần, về bên trinh sát nghe? Nhất định tớ sẽ xin cậu qua với trinh sát. Có điều, trận đồi Tử Thần chắc chắn rất khó khăn khốc liệt, cậu phải không được chết đấy.
- Thủ trưởng yên tâm, em cao số lắm chưa chết được đâu. Thủ trưởng không thấy hai lần đụng đầu với cái chết tới chín chín phần trăm em vẫn thoát hiểm ngoạn mục đó sao? Rồi cả lần lạc rừng nữa. Em có quý nhân phù trợ mà. Em rất muốn được làm lính trinh sát, được qua bên đó với thủ trưởng.
- Ha ha… cái cậu này, tớ rất thích tính cách tự tin của cậu và tớ cũng tin mình sẽ giải quyết Tử Thần nhanh thôi. Sau trận này nhất định tớ cho cậu qua bên trinh sát đấy. Tớ đã nói với anh Thành xin cậu rồi. Mà này hỏi thật nhé, cậu muốn qua làm lính trinh sát thật hay còn vì lý do nào khác? Bữa cậu trở về chốt tớ nghe phong thanh cậu đã “cảm nắng” o Dung đúng không?
- Hì hì… làm gì có chuyện đó thủ trưởng em với Dung tình cờ gặp nhau mấy lần, cũng chuyện trò như đồng đội cùng chiến hào thôi mà.
- Không phải tình yêu “sét đánh” đấy chứ? Cuộc chiến đấu của chúng ta đang bước vào giai đoạn cam go nhất, mọi tình cảm riêng tư tạm gác lại nghe.
- Em hiểu mà thủ trưởng.
- Thôi, giờ cậu về nghỉ, tớ cũng phải đi cho kịp kẻo trời sáng...
Tôi về hầm nhưng không tài nào ngủ được, trong đầu miên man nghĩ về trận tiến công đồi Tử Thần. Không riêng tôi, tất cả anh em của đại đội đều mong được đánh tới. Cứ ngồi trong chốt để thằng địch tự tung tự tác thích đánh mình lúc nào là đánh tức lắm. Nhổ được “cái gai” trên đồi Tử Thần đồng nghĩa với việc ta đã chọc mù con mắt của thằng địch, mở rộng vùng giải phóng, mọi hoạt động di chuyển của ta sẽ trở nên dễ dàng thuận lợi hơn rất nhiều, đặc biệt là con đường tiếp tế quân lương vào Thành cổ Quảng Trị và chuyển thương binh ra. Mất đồi Tử Thần, địch sẽ mất rất nhiều lợi thế trên chiến trường. Hiểu rõ điều đó nên chúng sẽ quyết giữ Tử Thần bằng mọi giá và trận đánh đã báo trước sự khốc liệt giữa ta và địch.
Tiếng pháo cầm canh nổ ì ùng cắt ngang dòng suy nghĩ, tiếp đến là tiếng pháo sáng nghe bụp bụp.
Cánh chiến sĩ chốt rất thích dù pháo sáng. Khi có pháo sáng, chúng tôi thường theo dõi dù rớt chỗ nào và tìm cách lấy bằng được, nó như một thứ kỷ niệm chiến trường, đôi khi làm quà tặng người thân ở hậu phương.
Tôi bật dậy chạy ra khỏi cửa hầm, hai trái pháo sáng vẫn lơ lửng cách khá xa nơi tôi đứng. Lững thững trở vào, chợt nhớ lá thư của Quỳnh, mở ba lô lấy lá thư ra. Mặc dù đã đọc mấy lần gần như thuộc lòng nhưng tôi vẫn bật đèn pin mở thư, những hàng chữ nghiêng nghiêng như nhảy múa trước mặt:
“Hà Nội ngày… tháng… năm...
Hùng thân! Nhận được thư của Quỳnh chắc Hùng ngạc nhiên lắm đúng không? Hôm rồi đi ngang nhà Hùng, Quỳnh ghé thăm hai bác, thấy chị Hương viết thư cho Hùng, Quỳnh xin chị hòm thư…
Vậy mà đã chín tháng Hùng, Hòa, Bình, Tân, Kiên và Dũng rời xa Hà Nội. Cả lớp ai cũng mong nhớ, chờ thư các bạn. Hà Nội đã vào cuối thu, những cây bàng trong sân trường lá bắt đầu đổ vàng, vài chiếc chuyển màu đỏ sẫm rời cành chao liệng nhẹ nhàng đáp xuống sân trường, tự nhiên Quỳnh liên tưởng cảnh chia ly khiến lòng man mác buồn. Ở khoa của mình, đợt này các bạn trai nộp đơn tình nguyện nhập ngũ đông lắm. Đầu năm tới họ sẽ lên đường. Quỳnh vẫn miệt mài học tập nhưng mỗi khi lên lớp, sự trống vắng các bạn trai ngày một lớn, thế vào chỗ của các bạn nay toàn con gái, Quỳnh thấy lòng trống trải quá. Nghe đài phát thanh, những bài báo viết về đại đội nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, thậm chí cả tiểu đội lái xe là con gái khiến Quỳnh háo hức quá. Quỳnh cũng muốn ra mặt trận. Quỳnh sẽ viết đơn tình nguyện. Biết đâu một ngày nào đó, Quỳnh có thể gặp Hùng ngoài chiến trường. Quỳnh muốn viết nhiều, nói nhiều với Hùng nhưng thôi, hẹn thư sau”.
Đọc xong lá thư tôi cứ tự vấn mình rằng, sao khi ấy quá vô tư ngờ nghệch, không nhận ra Quỳnh đã quan tâm đến mình. Không hiểu giờ này Quỳnh đang nghĩ gì về tôi. Câu hỏi cứ xoay tròn trong đầu khiến tôi luôn thấy không yên.
Gấp lá thư bỏ vào túi ngực nằm ngả đầu lên ba lô, tôi nhắm mắt cố hình dung khuôn mặt Quỳnh. Một khuôn mặt tròn, làn da trắng mịn, đôi mắt đen sâu thẳm với hai lúm đồng tiền rất duyên mỗi khi cười. Vốn ở cùng phố, những buổi tan học tôi và Quỳnh thi thoảng lại cùng về, nhiều bữa hai đứa không về nhà ngay cứ lang thang trên phố. Tôi nhớ rõ lần cuối tôi và Quỳnh lang thang trên phố cũng đúng thời điểm này năm ngoái khi đã cuối thu, cái lạnh của mùa đông đã ngấp nghé gõ cửa. Bắt gặp chiếc lá vàng rời cành đáp nhẹ xuống mặt đường, Quỳnh nhặt chiếc lá, lật qua lật lại, ngắm nghía một hồi rồi đột ngột hỏi: “Hùng! Sao chiếc lá lại không ở với cây mẹ mãi mãi, tại sao phải rời vòng tay mẹ để ra đi?”. Suy nghĩ một hồi, tôi trả lời: “ Quỳnh nghĩ, những chiếc lá già cứ ở mãi cùng cây mẹ sẽ tốt? Hùng không nghĩ thế. Cuộc sống hàng ngày luôn chuyển động, luôn thay đổi nhằm hướng tới những điều mới mẻ, tốt đẹp hơn. Muốn có những thay đổi tốt hơn thì sự già cỗi, lạc hậu tất yếu phải ra đi, nhường chỗ cho một thế hệ mới. Cũng như chúng ta, lớp trẻ sẽ dần phải gánh vác trọng trách giải phóng và phát triển đất nước thay cho thế hệ ông, cha. Một con trâu già không đủ sức kéo cày thì cần cho nghỉ. Một người lãnh đạo lớn tuổi không còn sức lực sẽ phải rời vị trí nhường chỗ cho lớp trẻ có đủ tài, đức và sức lực thay thế thì đất nước mới phát triển. Đó cũng là quy luật tự nhiên đúng không?”. “Biết là vậy nhưng sao Quỳnh vẫn thấy buồn! Cũng như chúng ta, dù thân thiết, yêu thương nhau đến đâu cũng có lúc phải chia xa và không thể hẹn ngày trở lại, khi ấy Hùng có thấy buồn không?”. “Khi phải chia tay người mình yêu thương ai không buồn! Nhưng cuộc sống là vậy, luôn chuyển động, luôn thay đổi và mình phải thích ứng với những thay đổi ấy”.
Nghe tôi nói vậy, không nói thêm lời nào, Quỳnh lặng lẽ bước cho tới khi chúng tôi chia tay. Ngước đôi mắt buồn sâu thẳm nhìn tôi hồi lâu khiến tôi bối rối, Quỳnh mới chậm rãi bước vào nhà.
Hôm rồi tôi cho Hòa đọc thư của Quỳnh, đọc xong thằng Hòa phán: “Vậy là Quỳnh có tình cảm với mày nhưng mày quá vô tâm, không nhận ra!”.
Tôi kể cho Hòa nghe buổi chiều cuối cùng chúng tôi lang thang trên phố và những câu Quỳnh hỏi tôi, thằng Hòa khẳng định như đinh đóng cột rằng: “Chắc chắn Quỳnh đã yêu nhưng con gái thường kín đáo, đâu dám bộc lộ tình cảm quá rõ, cũng có thể sợ mang tiếng cọc đi tìm trâu. Khốn nạn! Cái hủ tục phong kiến lạc hậu còn trói buộc sự tự do chọn lựa, tự do làm những gì mình muốn của phụ nữ hiểu chửa? Mày đúng là số đào hoa mà không biết hưởng. Tao cũng rất mến Quỳnh, một người con gái thông minh, kín đáo và đẹp. Sau này đất nước thống nhất nếu trở về, hãy tìm Quỳnh mà tạ lỗi biết chưa? Bây giờ viết thư trả lời Quỳnh đi nếu mày cũng có tình cảm với cô ấy”.
Có nên viết thư cho Quỳnh? Không! Tôi sẽ không trả lời Quỳnh khi chiến tranh chưa kết thúc!
Cứ miên man với những suy nghĩ, nghe bước chân thậm thịch ngoài cửa hầm, tôi chợt nhận ra, trời đã sáng trắng.