Lâu lắm rồi mới được ngủ trọn một đêm, cảm thấy người tràn đầy năng lượng, tôi bật dậy ra khỏi hầm. Phía đông đường chân trời, ánh bình minh đã ửng hồng. Gió sớm miên man xô những chiếc lá xào xạc. Mấy chú chim sâu lích rích bên đám cây bụi thoắt ẩn thoắt hiện, cái đầu nhỏ xíu nghiêng ngó tìm mồi. Đứng giữa cuộc chiến khốc liệt bất chợt gặp khung cảnh thật thanh bình hiếm hoi khiến lòng tôi chùng lại, trong đầu thầm ước, giá như không có chiến tranh! Mấy bữa nay trên toàn mặt trận, những thay đổi bất thường đang âm thầm diễn ra. Binh lực Sài Gòn không tổ chức những trận càn hoặc những trận đánh lớn, chỉ còn những cuộc đụng độ lẻ tẻ cấp trung đội. Một điều lạ là máy bay ném bom, phi pháo của Mỹ và quân đội Sài Gòn không hề hoạt động. Đơn vị tôi cũng không nhận lệnh tiến công chỉ củng cố lực lượng, hầm hào công sự chuẩn bị sẵn sàng. Khu làng nơi đơn vị tôi đóng quân đã có những hộ dân quay về sửa chữa nhà cửa sau thời gian dài chạy giặc.
Tôi cứ bâng khuâng giữa khung cảnh không gian yên tĩnh, hít căng lồng ngực thứ không khí tinh khôi của buổi sớm không mùi bom đạn rồi tự hỏi: Phải chăng hòa bình đã đến rất gần?
- Nghĩ gì mà trầm tư thế?
Câu hỏi đột ngột của Đại đội trưởng Nguyễn Hoàng làm tôi giật mình quay lại, bắt gặp nụ cười tươi rói của anh, tôi cao hứng:
- Thủ trưởng không thấy sáng nay không gian yên tĩnh thanh bình đến lạ lùng? Nhưng em có cảm giác, sự yên tĩnh này báo hiệu cho một trận bão lớn.
- Cậu nghĩ vậy sao? Tớ mới trên sư đoàn về, Hiệp định Paris đã ấn định ngày ký, không phải hòa bình đã rất gần?
- Không hiểu sao em vẫn có linh cảm, sự yên tĩnh này ẩn chứa điều gì không bình thường thủ trưởng ạ.
- Ha ha, cậu nhạy cảm quá đấy! Nhưng phải thừa nhận tớ cũng chung suy nghĩ với cậu. Thiệu, Kỳ không dễ gì chịu buông súng nên chúng ta luôn phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối phó với mọi thủ đoạn của chúng.
- Em cũng nghĩ vậy anh ạ.
- Mà này, cậu vào chiến trường từ khi nào?
- Em vào cuối tháng tư năm bảy hai, tính ra mới chín tháng mà em thấy dài như chín năm vậy.
- Đúng thế. Con người ta khi xa gia đình thường mong ngày trở về, sự chờ đợi làm cho người ta cảm thấy rất lâu. Tớ thì đã sáu năm rồi. Cũng vào đúng ngày này cách đây sáu năm, khi hành quân vào chiến trường thì ở nhà vợ sinh con gái. Mấy ngày nay luôn nghĩ tới ngày hòa bình được trở về với gia đình, được ôm vợ và con. Tớ không biết có ngày trở về để thấy mặt con hay không? Hôm nay đã là ngày ông Công, ông Táo về trời, lại thêm một cái tết nữa ở chiến trường.
Nói tới đó, anh Hoàng dừng lại hướng đôi mắt buồn buồn về phương Bắc. Nhìn anh trầm tư im lặng khiến lòng tôi thấy nao nao.
Là người giàu kinh nghiệm trận mạc, vào trận thì quyết đoán, quyết liệt nhưng tính anh Hoàng lại đa cảm, sống nội tâm và thương lính như em út của mình. Trầm ngâm một hồi anh quay lại hỏi tôi:
- Hùng đã lập gia đình chưa?
- Người yêu em còn chưa có thủ trưởng ơi.
- Vậy cũng tốt, hàng ngày đối mặt với bom đạn, cái chết luôn rình rập treo lơ lửng trên đầu, chưa lập gia đình sẽ nhẹ lòng hơn. Như tớ đây, cứ sau mỗi trận đánh lại nghĩ tới vợ và con thật khó mà vô tư được, đó thật sự là nỗi khổ! Tớ còn bố mẹ già và bốn em nhỏ, không biết tết nhất có được tươm tất. Đất nước mình nghèo quá, đa phần người dân quanh năm ăn sắn ăn khoai mà vẫn không đủ. Cậu có biết nguyên nhân nghèo đói xuất phát từ đâu không?
- Vì đất nước ta trải qua quá nhiều chiến tranh.
- Cậu nói đúng nhưng chưa đủ. Chiến tranh chỉ là một phần của nguyên nhân. Điều quan trọng là do dân trí thấp. Như địa phương của tớ, một ông chủ nhiệm hợp tác xã mà trình độ lớp bốn xóa mù thì làm sao khá được. Ông ta làm việc luôn thụ động, cấp trên nói sao làm vậy, không có đổi mới đột phá gì cả, lại quan liêu cửa quyền. Còn nguyên nhân nữa, làm việc tập thể cha chung không ai khóc nên năng suất lao động quá thấp mà không ai chịu trách nhiệm, rồi cả việc ngăn sông cấm chợ cũng là nguyên nhân dẫn tới đói nghèo. Tớ hy vọng sau khi đất nước thống nhất, cung cách làm việc sẽ được thay đổi, người nắm giữ những vị trí lãnh đạo từ cấp xã trở lên phải đủ cả tài lẫn đức, khi ấy đất nước sẽ phát triển, cái nghèo sẽ được đẩy lùi...
Anh Hoàng đang say sưa vẽ ra viễn cảnh đất nước sau giải phóng, chợt nghe ồn ào phía đầu đường. Một đoàn khoảng ba chục người cả nam lẫn nữ đủ lứa tuổi và mấy đứa trẻ đang gồng gánh, tay xách nách mang tiến về phía chúng tôi.
Tôi và anh Hoàng đi tới, thấy chúng tôi, đoàn người dừng lại. Những đứa bé nhìn chúng tôi với ánh mắt sợ sệt, mấy cô gái tỏ ra rụt rè. Người lớn tuổi tự tin hơn, họ mạnh dạn bước tới.
- Chào bà con - Anh Hoàng lên tiếng - Bà con đi đâu vậy ạ?
Một ông lão chừng sáu mươi tuổi, khuôn mặt hốc hác đen sạm, bộ râu dài bạc trắng tiến tới trước mặt anh Hoàng:
- Chào chú bộ đội, chúng tôi là dân ở đây, mấy tháng trước lũ giặc về lập căn cứ, chúng cướp bóc, đốt phá, ai chống lại chúng bắn bỏ. Quá sợ hãi chúng tôi phải dắt nhau chạy khỏi làng, nay nghe tin bộ đội Giải phóng về nên dân làng mới dám trở lại.
- Thưa cụ, toàn bộ khu vực này đã được bộ đội Giải phóng làm chủ, bà con có thể về sửa chữa lại nhà cửa và yên tâm làm ăn, có gì khó khăn cụ cứ nói, bộ đội sẽ giúp đỡ cụ và bà con.
- Mô phật, cảm ơn các chú - Giọng một bà cụ xen vào - rứa mà tụi địa phương quân nói rằng, bộ đội Giải phóng khô khan độc ác, bậy bạ quá!
- Mụ nghe lũ giặc tuyên truyền chi - Cụ ông gắt - Nếu bộ đội Giải phóng xấu sao làng mình nhiều người theo bộ đội vậy. Hồ đồ quá.
Nghe chúng tôi nói chuyện với người dân, mấy cậu lính trẻ ở hầm gần đó cũng ùa ra. Thấy hai cô gái nhìn như dán vào mấy cậu lính, nói gì đó với nhau rồi tủm tỉm cười, tôi liền hỏi:
- Hai cô thấy bộ đội Giải phóng thế nào?
- Bộ đội Giải phóng toàn anh đẹp trai dữ ha?
Nghe cô gái nói, một cậu chiến sĩ tếu táo: “Toàn lính Hà Nội đó, em có muốn lấy chồng bộ đội không, anh tình nguyện làm rể Quảng Trị”. Một cậu khác cướp lời: “Thằng đó đen và xấu trai nhất đại đội của anh đó, lấy anh đi, anh đẹp trai hơn - cậu ta quay qua bà cụ - Mạ ơi, hai cô gái là con mạ hả, gả cho con nghe”.
Bà cụ cười móm mém trả lời: “Nếu chúng ưng mạ gả liền”. Cậu ta lại tấn công: “Mạ đồng ý rồi đó nghe, lấy anh đi”. Hai cô gái đỏ mặt cười khúc khích, quay đi tránh cái nhìn của các anh quân Giải phóng.
Mấy đứa bé khi hồi còn sợ sệt giờ chúng cũng thoải mái hơn, chạy tới với mấy chú bộ đội. Một cậu bế thằng bé tung lên cao rồi đỡ nó nằm gọn trong cánh tay, thằng nhỏ thích thú cười ré lên.
Thấy cuộc nói chuyện có thể kéo dài, anh Hoàng giục mọi người:
- Bọ, mạ và bà con nên về nhà đã, tụ tập đông như vầy nhỡ pháo của quân đội Sài Gòn bắn tới lại khổ.
Nghe anh Hoàng nói, ông cụ quay qua nói to với đoàn người:
- Mọi người về nhà thôi, tụ tập đông người pháo nó bắn đó!
Nghe cụ ông kêu gọi, đoàn người lục tục kéo đi. Trước khi đi cùng đoàn người, cụ ông cảm ơn anh Hoàng và chúng tôi, cụ chỉ nhà và mời anh Hoàng cùng các chú bộ đội khi nào rảnh thì qua chơi.
Đoàn người trước vừa rời đi, lại một đoàn khác trở về. Tiếng chào hỏi giữa những người dân và bộ đội nghe thân thiết ấm cúng khiến tôi cứ bâng khuâng một niềm vui khó tả.
Kể từ ngày tôi cùng đồng đội vượt sông Thạch Hãn lên chốt, vùng đất nơi chúng tôi chiến đấu được mệnh danh là “chảo lửa” bởi sự khốc liệt của những trận đánh giữa ta và địch. Suốt những tháng tôi ở đây, không ngày nào ngớt tiếng bom đạn, những trận đánh cứ nối nhau kéo dài, lửa khói phủ kín một vùng, đất đai đảo lộn hết lần này tới lần khác. Hố bom hố pháo chồng lên nhau không biết bao lần. Những người lính thường chỉ được nghỉ tranh thủ khi trận đánh tạm dừng trong chốc lát. Nhưng hôm nay, quả là một ngày hiếm hoi tôi cảm nhận sự bình yên đến kỳ lạ, trong lòng không một chút lo âu.
Không riêng tôi, hình như tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều có chung tâm trạng như vậy. Từng tốp các chiến sĩ tụ tập ở góc vườn, dưới công sự, trong hầm, chỗ nào cũng râm ran, chuyện nổ như ngô rang.
Bên kia sông Nhùng, chỉ cách chúng tôi chừng bốn, năm mươi mét là các căn cứ của binh lực Sài Gòn, tất cả cũng im lìm án binh bất động. Phía Thành cổ Quảng Trị cũng không hề nghe tiếng súng. Hình như cả ta và địch đang chờ đợi một điều gì đó to lớn sắp diễn ra.