Cái lạnh của mùa đông còn hiện hữu đậm nét trên những hàng cây khẳng khiu trụi lá. Trong sân trường Đại học Sư phạm, đám sinh viên chúng tôi sau mỗi buổi học lại túm năm tụm ba, đứa nào cũng thu mình trong chiếc áo bông lụ khụ nhưng vẫn không ngừng trò chuyện rôm rả. Với cánh con trai, chủ đề chính của câu chuyện luôn xoay quanh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thông qua các chương trình thời sự trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và báo chí, chúng tôi biết, cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên mọi mặt trận, từ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam Bộ cho tới đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra vô cùng căng thẳng, ác liệt, gây ra những tổn hại to lớn về người và của cho cả ta và địch.
Để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, lớp lớp thanh niên miền Bắc đã hăng hái tòng quân lên đường đánh giặc. Sinh viên trong các trường đại học trên toàn miền Bắc nô nức viết đơn tình nguyện nhập ngũ, trong đó có những lá đơn viết bằng máu. Ở trường tôi, lớp sinh viên khóa trên chúng tôi, rất nhiều các anh, các chị đã xếp bút nghiên ra mặt trận. Khóa tôi bước vào năm thứ hai, ngồi trên giảng đường nhưng tâm tư phần lớn nam sinh viên các khoa đều hướng ra tiền tuyến và hầu hết đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào chiến trường đánh giặc.
Như một thói quen hằng ngày, nhóm bạn thân của tôi gồm: Hòa, Tân, Dũng, Bình, Kiên, toàn dân Hà Nội gốc, sau giờ học lại tụ tập ở sân trường và vẫn xoay quanh cái chủ đề muôn thuở đó là - sự nóng bỏng của chiến trường miền Nam.
Tiếp tục học hay ra trận luôn là chủ đề được bàn tán sôi nổi và Bình luôn hào hứng khơi mào chuyện nhập ngũ đầu tiên. Hôm nay cũng vậy, nó bắt đầu với thái độ hết sức nghiêm túc: “Tao đã quyết định rồi, tao sẽ viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Làm trai thời loạn, không biết tới hòn tên mũi đạn thì hèn quá. Mình cứ ung dung ngồi đây, trong khi ngoài chiến trường cha, anh chúng ta cùng nhân dân miền Nam đang ngày đêm chịu bao gian khổ, đối mặt với kẻ thù tàn bạo, mất mát hy sinh, máu chảy xương tan. Phải đi thôi. Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực. Cái sự học là lâu dài, khi hết giặc trở về học vẫn chưa muộn. Chúng mày có thấy, tin chiến thắng trên khắp các chiến trường hàng ngày dồn dập bay về… Tao rất tin, cứ đà này thì chỉ vài năm nữa thôi, cái chính quyền bù nhìn Sài Gòn sẽ sụp đổ, miền Nam sẽ hoàn toàn giải phóng và biết đâu đấy… nếu may mắn được đứng giữa thành phố Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông trong giờ phút thiêng liêng ấy… Ôi… tự hào biết bao”. Ngừng một lát Bình nói tiếp: “Chúng mày biết không, sẽ rất hối tiếc nếu chúng ta không được góp mặt trong ngày chiến thắng. Phải đi thôi, không thể ngồi yên được nữa”. Nói tới đó, thằng Bình đột ngột hỏi: “Chúng mày trả lời đi, tiếp tục học hay vào chiến trường?”.
Im lặng một hồi, mấy thằng chúng tôi nhìn nhau, không đứa nào bảo đứa nào, bất chợt đồng thanh cùng hô: “Vào chiến trường!”.
Đưa mắt nhìn hết lượt từng thằng, mặt Bình đanh lại, chìa nắm đấm về phía trước, mấy đứa chúng tôi cùng nắm tay chồng lên tay nó. Thằng Bình hô to: “Quyết tâm vào chiến trường”. Sáu thằng chúng tôi đồng loạt vung mạnh tay lên trời, miệng đồng thanh hét: “Quyết tâm!”.
Sau buổi nói chuyện hôm ấy, Bình viết một lá đơn tình nguyện nhập ngũ tập thể, cả sáu thằng chúng tôi cùng ký tên rồi gửi lên Bộ Chỉ huy Thành đội Hà Nội. Đơn tình nguyện gửi đi, chúng tôi hồi hộp chờ đợi. Thế rồi cái ngày mong chờ cũng đến.
Cầm tờ giấy báo nhập ngũ, cả nhóm nhảy lên sung sướng. Bình gấp tờ giấy báo nhập ngũ cẩn thận bỏ vào túi áo trước ngực, nó chắp tay ngước mặt lên trời lầm rầm một lúc rồi cúi xuống chớp mắt liên hồi! Tôi tò mò hỏi nó nói gì, nó nhìn tôi chỉ cười không chịu cho tôi biết…
Cái tết Nguyên đán năm ấy với tôi thật vui, cả khu phố ai nấy đều chúc mừng tôi sắp trở thành anh bộ đội. Riêng mẹ tôi thì buồn lắm, bố trầm ngâm ít nói bởi tôi là con trai duy nhất. Hai chị tôi đã về nhà chồng, chỉ còn một chị ở cùng bố mẹ.
Sau tết mười ngày, tôi chính thức lên đường nhập ngũ. Buổi chia tay thầy cô, bạn bè ở trường thật xúc động. Mấy đứa con gái gom tiền mua một bó hoa lớn cùng bánh kẹo, thuốc lá để liên hoan chia tay chúng tôi. Mỗi đứa chúng tôi được tặng một cuốn sổ, một cây bút máy, cả tem thư nữa. Riêng thằng Bình còn được người yêu tặng chiếc khăn mùi soa thêu hình trái tim và đôi bồ câu chụm mỏ vào nhau.
Buổi liên hoan chia tay kết thúc khi đơn vị cho xe tới đón. Sáu thằng chúng tôi gọn gàng trong bộ quân phục mới toanh, ba lô trên lưng. Khi bước lên xe, không đứa nào kìm được nước mắt bởi dưới cổng trường, đám con gái khóc thút thít, những cánh tay của thầy cô, bạn bè cứ vẫy mãi khi chiếc xe mỗi lúc một xa. Tôi nhìn những cánh tay khuất dần, những lời chúc của thầy cô, các bạn vẫn văng vẳng bên tai: “Hãy xứng đáng là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh nghe các em”. “Chúc các bạn đi chân cứng đá mềm”. “Hẹn gặp lại khi đất nước thống nhất”…
*
Bước vào huấn luyện, tôi cùng thằng Hòa, Tân và thằng Dũng ở chung đại đội, Bình và Kiên được phân về Đại đội hỏa lực cối 82.
Sau hơn ba tháng miệt mài gian khổ trên thao trường, cuối tháng tư năm bảy hai (1972) chúng tôi nhận lệnh vào chiến trường.
Trước đó hai mươi ngày, đại đội hỏa lực của Bình và Kiên đã đi. Gần tới giờ hành quân, Bình ghé qua chia tay bốn đứa chúng tôi, giọng nó đầy tự hào: “Giờ thì ước mơ mới thực sự toại nguyện, hai thằng tao đi trước, hẹn gặp bốn đứa mày ngoài mặt trận…”.
Bình và Kiên đã đi, mấy đứa bọn tôi sốt ruột lắm, mong sớm được lên đường. Thế rồi cũng đến lượt chúng tôi. Khi nhận lệnh hành quân, tôi rất háo hức nhưng trong lòng nghĩ nhiều tới bố mẹ nên niềm vui, nỗi buồn cứ đan xen.
Lệnh hành quân được thông báo xuống các đơn vị lúc mười chín giờ khi tụi tôi vừa mới ăn tối. Không thằng nào được gặp người thân, gia đình để chia tay dù có đứa nhà chỉ cách nơi đóng quân chừng mười cây số.
Tối ấy, đứa nào cũng cắm cúi viết thư cho gia đình, người yêu để sáng hôm sau nhờ người dân mang ra thùng thư bưu điện bỏ giùm.
Tôi cũng tranh thủ viết mấy dòng cho bố mẹ. Viết xong, tôi đoán thế nào thằng Đình cũng viết thư cho cô vợ mới cưới nên lặng lẽ ra sau lưng đứng xem nó viết gì.
Tôi với Đình ở cùng tiểu đội lại ngủ chung giường trong suốt thời gian huấn luyện nên khá thân thiết. Đọc lướt qua mấy dòng đầu, toàn những lời lẽ yêu thương nhung nhớ, tôi buột miệng:
- Chu cha, đúng là viết thư cho vợ mới có khác.
Nghe tôi nói, thằng Đình quay lại, thấy tôi đang cười nhăn nhở liền vung tay… “Hự!”. Tôi lãnh nguyên một cú đấm đau điếng. Gấp lá thư viết dở, mặt hằm hằm, thằng Đình bước nhanh ra ngoài hiên khiến tôi vừa tức vừa buồn cười.
Tôi lên giường nằm, một lúc sau, Đình vào. Nhưng không viết tiếp thư, nó cất giấy bút vào ba lô rồi nằm xuống cạnh tôi, im lặng.
Cố nhắm mắt mà không sao ngủ được cứ miên man nghĩ tới giờ lên đường. Thằng Đình cũng không ngủ, liên tục trở mình qua lại, thở dài thườn thượt.
Tiếng gà gáy sang canh vang lên, tôi xoay qua hỏi nó:
- Không ngủ được hả, nhớ vợ đúng không? Kể chuyện đêm tân hôn đi. Mày nói đêm đó say bí tỉ ngủ tít đến sáng tao không tin.
Thực lòng tôi chỉ muốn hỏi cho có chuyện để nói nhưng không ngờ thằng Đình cũng thực thà, giọng buồn buồn:
- Đêm ấy vui quá, đám trai làng ở lại rất khuya, hát hò rồi ép nhau uống. Vừa là chú rể vừa là lính về phép nên chẳng mấy khi được gặp nhau. Tụi bạn nói vậy nên cũng khó từ chối. Khổ nỗi cái khoản rượu mình rất kém, chỉ vài li là say mèm. Khi tụi bạn về hết, mình vào buồng, thấy vợ quay mặt vào tường nằm im re, mình nghĩ cô ấy ngủ say nên rón rén nằm xuống cạnh giường nhưng người cứ rạo rực… thò tay tính khều mấy lần nhưng không dám lại rụt tay rồi thiếp đi khi nào không hay, ngủ một mạch tới sáng bạch mới tỉnh, mình ra khỏi buồng đã thấy cô ấy đang dọn nhà cửa, thế là mất toi đêm tân hôn! Khi ăn sáng, hai đứa cũng chẳng nói chuyện, thấy vậy mẹ mới hỏi: “Tối qua các con có hạnh phúc không”. Giọng vợ mình tỏ ra hờn dỗi: “Mẹ đi mà hỏi anh ấy”. Nghe vợ nói, mình gãi đầu thanh minh: “Tại con uống nhiều rượu nên ngủ một mạch có biết gì đâu”. Mẹ mình nghe chỉ biết lắc đầu tủm tỉm cười rồi mắng: “Cha bố anh, đoảng đến thế là cùng!”. Chuyện đám cưới của mình cũng do một tay mẹ sắp xếp hết. Mẹ biết sớm muộn gì mình cũng đi B vậy là bà đã dạm hỏi cô hàng xóm vốn thân thiết với mình từ trước và cô ấy cũng đồng ý. Khi được về phép, mẹ đặt vấn đề cưới vợ, mình tưng tửng: Cưới thì cưới! Vậy là đám cưới ngay lập tức được tổ chức.
Tôi và thằng Đình đang trò chuyện thì nghe lệnh tập trung, lúc ấy là ba rưỡi sáng. Vài phút sau, toàn bộ đơn vị đã có mặt đông đủ. Chúng tôi được lệnh hành quân ra ga tàu. Trên đường ra ga, gặp bất cứ ai trên đường, cánh lính cũng đưa những lá thư nhờ gửi giùm vào thùng thư bưu điện. Tảng sáng, tàu bắt đầu rời sân ga.
Di chuyển bằng tàu hỏa tới Thanh Hóa, chúng tôi được chuyển qua xe ô tô, đi thêm một ngày bắt đầu hành quân bộ. Lần đầu tiên trong đời tôi phải lội bộ suốt hơn mười ngày đêm, nhiều lúc đôi chân rã rời không muốn bước. Khốn khổ, khi hành quân lại gặp cơn bão, mưa rả rích suốt ngày đêm khiến đường trơn như đổ mỡ. Đoàn quân kéo dài cả cây số, đi theo hàng đôi lầm lũi bước trong tư thế cúi gập người về phía trước bởi sau lưng là chiếc ba lô quân tư trang nặng gần ba mươi cân, vai đeo ruột tượng gạo, khẩu AK trước ngực. Thi thoảng nghe tiếng “oạch”, lại có chiến sĩ trượt chân té ngã. Những đoạn băng qua các thôn, xóm vào ban đêm, mặc dù trời tối nhưng người dân vẫn đổ ra hai bên đường rất đông, họ tung rơm, rạ kể cả cỏ khô làm thức ăn dự trữ cho trâu bò xuống mặt đường giúp bộ đội đi dễ dàng hơn.
Ròng rã gần hai mươi ngày hành quân, chúng tôi đến điểm tập kết ở bờ Bắc sông Thạch Hãn. Ở bờ Bắc mấy ngày, đại đội tôi được lệnh bí mật vượt sông vào ban đêm qua bờ Nam.
Chúng tôi vượt sông theo từng trung đội, chia làm nhiều nhóm. Quần áo quân tư trang gói gọn trong ni lông, chỉ bận quần đùi. Mấy tiểu đội đi trước đã vượt sông an toàn, tới lượt tiểu đội tôi, vừa chuẩn bị trườn xuống nước thì bất ngờ một loạt pháo sáng của địch bắn lên treo lơ lửng sáng trắng toàn bộ khu vực bến vượt, mọi hoạt động của toàn đơn vị phải tạm ngừng. Tôi ôm bọc ni lông quân trang lò dò qua ngồi bên cạnh thằng Đình thì thầm vào tai nó:
- Cái khoản sông nước tao kém lắm, mày bơi sát có gì giúp tao với.
- Biết rồi ông tướng - Thằng Đình nói giọng gắt gỏng - Chỉ được cái to xác! Qua sông kiểu này lành ít dữ nhiều không nói trước được điều gì. Sau này hết chiến tranh, về được cả hai thì tốt, nếu chỉ còn một thằng phải luôn nhớ tới ngày giỗ của nhau, nhớ thắp cho nhau cây nhang nghe chưa! - Nói rồi nó ôm tôi, cả hai ngồi im chờ đợi.
Nhìn nước sông chảy cuồn cuộn đỏ ngầu khiến tôi khẽ rùng mình, thi thoảng những tràng đại liên lại vạch từng dây đỏ lừ lao xuống nhắm vào mấy đám lục bình mồ côi trôi nổi trên sông. Tiếng đạn nổ ầm ầm làm bùng lên những cột nước cao vút. Sau này tôi mới được mấy tay đặc công kể cho nghe, do tụi ngụy Sài Gòn rất sợ lính đặc công lẩn vào những đám lục bình để vượt sông nên cứ thấy những đám lục bình lặng lờ trôi là chúng nã đại liên xuống.
Nói đến đặc công thì tụi nó chỉ nghe đã ướt đũng quần. Nhiều điểm chốt của chúng có đến một trung đội, nuôi cả ngỗng bảo vệ, đèn pha công suất lớn sáng trắng, chó săn tuần tra suốt đêm vậy mà sáng ra chúng phải xanh mắt kinh hãi không thể tin vào mắt mình bởi lính chết, ngỗng, chó cũng chết, đặc công còn khoắng sạch cả đồ hộp của chúng. Thế mới tài!
Bến vượt hôm nay, cánh công binh nối một sợi dây to như cổ tay từ bờ này qua bờ kia, những ai không biết bơi cứ lần theo dây mà qua sông.
Pháo sáng vừa tắt, từng tốp của Trung đội 2 đã qua sông êm ru, tới lượt trung đội mình, tôi lặng lẽ bám theo thằng Đình trườn xuống nước, qua được ba phần tư sông thì pháo bầy bất ngờ chụp xuống khiến nước sông sôi sùng sục. Tiếng đại liên của địch bên bờ Nam cũng bắt đầu nổ khùng khục vạch lửa đỏ lừ nối nhau lao xuống, tiếng đạn găm xuống nước rít xeo xéo, cả mặt sông chớp nhoang nhoáng. Có tiếng kêu nho nhỏ giữa sông: “Tạo ơi cứu tao…”. “Cứu… cứu…”. “Anh Hòa ơi…”.
Những tiếng kêu yếu ớt nhòe lẫn trong tiếng pháo rồi tắt lịm. Muốn cứu nhưng không thể, quá đau đớn. Qua ánh chớp của đạn pháo, những chiếc mũ cối trôi dập dềnh trên mặt nước khiến người tôi run nên, nước mắt trào ra hòa cùng nước sông Thạch Hãn.
Cắm đầu cố bơi thật nhanh, tôi và Đình vừa lên được bờ, thở không ra, mệt muốn đứt hơi lại nghe tiếng kêu: “Cứu tao với…”. Tiếng kêu ngay sát bờ, thằng Đình quay lại lao xuống. Đêm tối mịt mùng nhưng mặt sông vẫn ánh lên nhấp nhoáng. Lần mò một hồi, Đình cũng túm được thằng Toàn dìu vào bờ. Tôi phụ kéo Toàn lên, nó ôm chặt bụng, giọng đứt quãng: Tao… đau…”.
Tôi sờ khắp người, tới bụng nó, một lỗ to như nắm tay, tôi gọi nhỏ:
- Có y tá ở đây không?... - Im lặng, không ai đáp lời. Một lát sau, Toàn gục chết ngay trên tay tôi. Nghiến chặt hàm răng, tôi cố kìm nước mắt đang lăn vào miệng mặn chát…
Chúng tôi lặng lẽ đi theo o du kích dẫn đường rời bờ sông về điểm tập kết. Tôi đi bên cạnh, người vẫn còn run, phần vì lạnh, phần vì sự khủng khiếp tàn khốc của chiến tranh lần đầu tận mắt chứng kiến. Hai o du kích khác cáng thằng Toàn vượt lên, một o nói với o đi cạnh tôi: “Mất hết mười sáu người đó Dung”.
Vậy là o du kích đi bên tôi tên Dung. Nghe giọng Quảng Trị của o Dung nói với hai người bạn của mình nho nhỏ: “Rứa là may hè. Chúng phát hiện trễ đó, nếu không không biết sẽ còn mất thêm bao nhiêu người”.
Trước khi vượt sông, tôi có nghe mấy anh trinh sát nói rằng, đã vài lần bộ đội vượt sông bị lộ, pháo địch dập tơi bời đi hết cả trung đội chẳng còn ai.
Trên đường về điểm tập kết, tôi cứ miên man suy nghĩ về sự khốc liệt của cuộc chiến. Chưa trực tiếp cầm súng đối mặt với kẻ thù vậy mà đại đội tôi đã tổn thất gần hai chục tay súng. Máu của những người bạn, những đồng đội của tôi, toàn lính mới trẻ măng tuổi chỉ mười tám đôi mươi đã nhuộm đỏ nước sông Thạch Hãn. Sự ra đi của đồng đội ngay trước mắt, biết mà không thể cứu khiến tôi đau xót vô cùng, là cú sốc kinh hoàng với tôi. Sự mất mát to lớn ấy thổi bùng trong tôi lòng căm thù bọn đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai đến cực độ. Tôi tự hứa với lòng, sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để trả thù cho đồng đội của tôi, những người bạn của tôi khi xác thân họ mãi mãi nằm lại dưới lòng sông hôm nay. Trong tôi, những khuôn mặt thân quen cứ mờ ảo hiện về. Mới hôm nào chúng tôi còn đùa cười, chọc ghẹo nhau nơi thao trường huấn luyện. Vậy mà, chỉ chưa đầy ba mươi phút đồng hồ, những khuôn mặt thân yêu của tôi đã ra đi tức tưởi. Sự mất mát này là quá lớn với những người còn sống và với chính tôi.
Tới điểm tập kết chừng hơn bốn giờ sáng, chúng tôi được bổ sung ngay về các đơn vị chiến đấu trên chốt. Tôi và thằng Hòa được một chiến sĩ hướng dẫn đi theo những đường hào dài đào theo hình chữ chi tới một căn hầm nửa nổi nửa chìm, cánh lính chốt gọi là nhà âm, anh chỉ tay nói ngắn gọn: “Căn hầm này là chỗ ngủ nghỉ và cũng là nơi tránh bom, pháo, các cậu tranh thủ nghỉ lấy sức, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào” - Nói rồi anh quay lưng đi ngay, không cho hai đứa chúng tôi kịp hỏi bất cứ điều gì.
Tôi và Hòa trải tấm ni lông xuống nền hầm tính chợp mắt một chút bỗng đạn pháo bắn tới tấp, những tiếng nổ ùng oàng liên hồi rất gần làm căn hầm rung lên bần bật. Hai đứa bật dậy vơ vội khẩu súng, Hòa nói với tôi:
- Vậy là tụi mình đã thực sự bước vào chiến trường lửa, cuộc chiến đã bắt đầu, sẵn sàng thôi - Không trả lời Hòa nhưng tôi hiểu, chúng tôi đã thực sự trở thành những người lính chiến ngay từ giờ phút này.