Ông Bành Thế Đoàn không phải là một nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp, không phải là một nhà văn hay nhà thơ chuyên nghiệp, càng không phải là một nhà phiên dịch, nhưng trên thực tế, trình độ nhiếp ảnh, dịch thuật cũng như việc sáng tác thơ của ông đã đủ để sánh vai với nhiều người trong nghề. Thậm chí đôi khi ông còn hơn cả chuyên nghiệp. Bởi vì, ngoài kỹ thuật nhiếp ảnh, ông còn là một người dồi dào chất văn học, văn hóa nghệ thuật, giàu kinh nghiệm cuộc sống, có tầm nhìn xa trông rộng.
Thơ của ông Bành Thế Đoàn với đề tài hết sức phong phú đa dạng, không chỉ bó hẹp ở một phạm vi nhất định, vừa có cảnh quan về đất nước, thành phố, vừa liên quan tới văn hóa, văn học nghệ thuật, đôi lúc lại kể về tình cảm đối với ngọn cây, bông hoa, chiếc lá, ghi nhận một sự việc nho nhỏ hoặc một khoảnh khắc nào đó, nhớ lại những niềm vui nỗi buồn trong mùa xuân và ngày thu, ngâm gió ngợi trăng, than về chim hót sâu kêu, còn có những bài tả về cảnh cầu suối bến đò, nhà người dân, quảng trường hoặc đường phố, vừa quan tâm tới những mối tình dân gian như tình thân tình bạn tình yêu, vừa lại quan tâm tới cuộc sống của dân thường và những chuyện vật lặt vặt... Với ông, chẳng có gì không thể đưa vào thơ và nên thơ.
Những tên bài thơ trong tập thơ này, chất phác và thuần túy, đơn giản và rõ ràng, khiến người đọc sẽ không cảm thấy huyền ảo mơ hồ mà không biết bài thơ đang nói về gì.
Những câu thơ, toát nên vẻ hồn nhiên, sống động, như được làm ra hết sức tùy ý nhưng đó lại là sự thể hiện mọi kiến thức, tu dưỡng và trải nghiệm cuộc sống của tác giả. Chúng được đan xen, hòa nhập, lên men, tôi luyện trong nhiều năm. Không mang tính thuyết giáo, không ngượng nghịu, không chìm đắm, không rườm rà, không hư vô huyền ảo, không khóc gió than mưa, không cố tình giả tạo huyền bí, không bắt chước mô phỏng. Cái quan trọng nhất là, phần lớn những câu thơ với ý tích cực, sáng sủa, hướng thiện, thấm nhuần một sự ấm áp, sôi nổi và bừng bừng sức sống. Trong lúc bạn chưa kịp ý thức được, dù là những cảnh âm u mưa gió liên miên hay là nắng chiều rọi xuống, dù là nỗi niềm đau xót thất vọng hay là oán giận buồn sầu, cũng sẽ có một ngày tương lai tốt đẹp và sáng sủa.
Chúng ta không thiếu gì nghệ sĩ nhiếp ảnh, cũng không thiếu thi sĩ và nhà dịch thuật, nhưng hiếm những người trí thức “ba trong một” hoặc “nhiều trong một” như ông Bành Thế Đoàn. Nói một cách thẳng thắn, không ai ép ông ấy làm, nhưng ông ấy đã làm, thậm chí còn kiên trì trong nhiều năm, và đã đạt được trình độ nhất định, quả thật là đáng quý và khó có nhiều người như vậy. Đó mới là lý do chính làm cho tôi xúc động mỗi khi giở tập sách này.
Người có trình độ nhiếp ảnh cao, có khả năng sáng tác thơ, vừa dịch Trung-Việt hay như ông Bành Thế Đoàn, tôi không dám nói là duy nhất, nhưng tôi dám chắc là không nhiều. Nói khiêm tốn là chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Tôi mạnh dạn nói rằng, tập thơ song ngữ Việt-Trung này không chỉ là một tập thơ với ý nghĩa đơn thuần, mà còn là một tác phẩm hiếm có về giao lưu văn hóa Việt-Trung.
Tập thơ là một tác phẩm mang tính tham khảo đáng quý để người dân Trung Quốc tìm hiểu về Việt Nam, hiểu thêm và hiểu sâu về Việt Nam. Như vậy, không xét về nghề nghiệp và địa vị của ông, ông Bành Thế Đoàn đã và hẳn là vị sứ giả giao lưu văn hóa Việt-Trung, là vị đại sứ văn hóa hiếm có.
CÁT KIẾN PHƯƠNG
(phóng viên, biên tập viên, họa sĩ truyện tranh, hội viên Hội nhà văn Trung Quốc)