Đức Thích Ca Mâu Ni nói:
Có khoái lạc và có an lạc
Hãy từ bỏ cái đầu tiên để đạt tới cái thứ hai.
Chúng ta cần hiểu biết và suy nghĩ về bốn từ này: một là khoái lạc, hai là hạnh phúc, ba là niềm vui và bốn là an lạc.
Khoái lạc thuộc về tâm sinh lý. Khoái lạc là một cái gì đó hời hợt nhất của đời sống con người; nó chỉ là một sự kích thích. Đó có thể là tình dục hay những cảm giác khác; nó có thể là nỗi ám ảnh về thức ăn, tất nhiên ngoại trừ nhu cầu tối thiểu cho cơ thể được duy trì. Cơ thể là bề ngoài của bạn, là cái viền quanh đời sống con người. Nó không phải là trung tâm. Sống trong chu vi cơ thể mình nghĩa là phó mặc cho tất cả mọi thứ đang xảy ra xung quanh bạn. Con người tìm kiếm khoái cảm nhưng lại phó mặc đời mình cho tai họa; giống như những đợt sóng ở đại dương suốt đời nhấp nhô theo gió. Khi biển nổi cuồng phong, những con sóng cũng dâng cao. Khi gió biến mất, những con sóng cũng tan đi. Những con sóng không bao giờ tồn tại độc lập, nó bị lệ thuộc mãi mãi; và bất kỳ ai lệ thuộc vào một cái gì đó ngoài bản thân mình cũng tất yếu đi đến cuộc sống nô lệ.
Khoái cảm là lệ thuộc vào một cái gì đó ngoài bản thân mình. Khi ta yêu một người phụ nữ, và nếu điều ấy mang đến cho ta lạc thú, thì người phụ nữ ta yêu chính là bà chủ của ta. Khi ta yêu một người đàn ông - nếu tình yêu ấy khiến ta vui thú và khi không còn yêu nữa, ta cảm thấy đau đớn - thì ta đã tạo ra một kẻ nô lệ trong ta. Ta đã tạo ra một tù nhân, và ta không còn tự do nữa. Nếu ta tìm kiếm tiền bạc và quyền lực, ta sẽ bị lệ thuộc vào tiền bạc và quyền lực. Với một người say mê tiền bạc, sự thật là càng nhiều tiền, càng thích thú, anh ta lại càng đau khổ - vì anh ta càng có nhiều tiền bao nhiêu, anh ta càng ham muốn có hơn thế; càng có nhiều tiền bao nhiêu, anh ta càng lo sợ mất nó bấy nhiêu.
Đó là con dao hai lưỡi: Ước muốn có nhiều hơn là lưỡi thứ nhất của con dao. Càng đặt ra nhiều tiêu chuẩn, càng hy vọng mong chờ, ta càng tự cảm thấy thiếu thốn một cái gì đó – ta càng cảm thấy trống rỗng, vô vị hơn, và ta hiện ra với chính mình bằng tất cả sự thiếu thốn ấy. Chiếc lưỡi thứ hai của con dao là: Khi ta càng đạt được nhiều thứ hơn, ta càng lo sợ mất nó hơn. Người khác có thể đánh cắp của ta. Một ngân hàng có thể bị tiêu tan khi một thể chế chính trị thay đổi…, có một ngàn lẻ một thứ làm xáo trộn những đồng tiền của ta. Những đồng tiền ấy không làm ta trở thành chủ nhân, mà ngược lại, khiến ta trở thành nô lệ.
Khoái cảm là ngoại biên; vậy nên nó bị giới hạn trong vòng chu vi nhỏ bé ấy. Nó hoàn toàn chỉ là sự kích động. Nếu thức ăn là khoái cảm thì điều gì thực sự là niềm vui cho ta? Chỉ là mùi vị - trong chốc lát, khi thức ăn để lại ít mùi vị tan ra trên đầu lưỡi, ta có cảm giác ta đang hình dung nó như một thú vui. Đó là cách giải thích của chúng ta. Lúc này nó có thể được xem là thú vui và ngày mai, nó không còn là thú vui nữa nếu chúng ta cứ ăn mãi một món hết ngày này sang ngày khác, mùi vị sẽ trở nên bão hòa. Rồi sớm muộn chúng ta cũng chán ngấy nó.
Điều này cho thấy vì sao con người trở nên chán nản – bạn đang chạy theo một người đàn ông hay một cô gái, rồi một ngày kia, bạn lại cố tìm cách chối bỏ những gì mình theo đuổi. Bạn đã chán ghét con người mà bạn từng yêu mến. Điều gì đã xảy ra vậy? Đơn giản vì toàn bộ niềm vui thú của bạn nằm ở sự khám phá những điều mới mẻ. Sau một thời gian gắn bó, bạn cảm thấy những người mình quý mến trở nên cũ kỹ, bạn đã quá quen thuộc với mảnh đất ấy. Bạn muốn làm quen với những người bạn mới, muốn khám phá bí mật của những đường cong, những cảm giác mới về thân xác. Tâm trí bạn khao khát một cái gì thật mới mẻ. Tâm lý ấy giải thích vì sao bạn cứ mong tưởng gắn kết với một cái gì đó trong tương lai. Bạn sống trong hy vọng, nhưng không bao giờ đạt tới cái hoàn thiện – bạn không thể đạt tới. Bạn chỉ có thể tạo ra niềm hy vọng mới, khao khát mới mà thôi.
Tâm trí bạn khao khát một cái gì thật mới mẻ. Tâm lý ấy giải thích vì sao bạn cứ mong tưởng gắn kết với một cái gì đó trong tương lai. Bạn sống trong hy vọng, nhưng không bao giờ đạt tới cái hoàn thiện.
Như chiếc lá lớn lên trên cây, khát khao và hy vọng lớn lên trong tâm trí. Bạn muốn một ngôi nhà mới và giờ đây bạn có nó. – Vậy, niềm vui sướng ở đâu? Chỉ là một khoảnh khắc khi bạn đạt tới mục đích của mình. Khi bạn đạt được những gì từng mong đợi, tâm trí bạn không còn quan tâm đến những mong đợi ấy nữa, nó lại bắt đầu xoay tròn trong tấm lưới kỳ vọng. Nó nghĩ về một ngôi nhà lớn hơn. Và bạn cứ mơ mộng như vậy với tất cả mọi thứ.
Khoái lạc khiến bạn rơi vào trạng thái rối loạn, căng thẳng, náo động. Quá nhiều khát vọng, và khát vọng nào cũng kêu gào, không thể dập tắt. Bạn sẽ hóa thành nạn nhân của một mớ những khát khao điên cuồng – gọi là điên cuồng vì chúng không bao giờ được thỏa mãn; chúng xô đẩy đời bạn vào những nẻo đường khác lạ. Bạn trở thành một khối mâu thuẫn. Khát khao này muốn bạn đi về hướng bên trái, nhưng một mong ước khác lại kéo bạn đi về phía bên phải, và bạn cùng lúc bồi đắp cả hai niềm khát khao ấy. Rồi bạn cảm thấy mình bị tách ra, bị chia đôi, bị xé ra làm nhiều phần. Rồi bạn cảm thấy như thể mình bị biến thành từng mảnh vụn. Bạn không được ai hỗ trợ và chính sự si dại của khoái lạc đầy vọng tưởng đã tạo ra tình huống oái oăm đó.
Thật là phức tạp. Bạn không phải là người duy nhất muốn tìm kiếm những niềm vui phù du; hàng tỉ người cũng đang cố chạy theo những khoái lạc giống như bạn. Vì vậy, thế giới mới có xung đột, bạo lực và chiến tranh. Con người trở thành kẻ thù của nhau vì tất cả đều lên đường tìm kiếm một mục đích chung – và không phải tất cả đều đạt được. Mọi người đều chiến đấu, bạn sẽ phải đối đầu với tất cả – vì một thứ không có thật, bởi khi bạn đạt được mục đích, bạn sẽ thấy thật ra mình chẳng đạt được gì cả. Cuộc đời chúng ta bị hoài phí cho cuộc đấu tranh đó. Cuộc đời – mà lẽ ra phải là một lễ hội của con người – lại trở thành một cuộc chiến vô bổ, kéo dài bất tận.
Khi bạn bị vây kín trong việc tìm kiếm những lạc thú xa vời, bạn không thể yêu, bởi lẽ khi bạn muốn tìm đến niềm vui nhất thời thì người khác chỉ là một phương tiện mà thôi. Xem người khác như một phương tiện là một trong những hành động vô đạo đức nhất. Mỗi sinh thể là một mục đích cho chính nó. Khi dùng người khác làm phương tiện để đạt tới mục đích của mình, bạn dễ trở nên xảo quyệt. Trong một cuộc chiến, nếu bạn không gian xảo, bạn sẽ bị lừa gạt. Trước khi để người khác gài bẫy, bạn phải lừa họ trước.
Machiavelli(2) từng nói: cách tốt nhất để phòng thủ là tấn công. Đừng bao giờ chờ người khác tấn công mới tìm cách đánh trả, bởi vì đến lúc ấy đã quá muộn. Hãy tấn công kẻ thù trước khi họ kịp ra đòn. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ mình. Cuộc sống diễn ra như thế, cho dù người ta có biết Machiavelli hay không. Có một điều thật kỳ lạ: người ta biết về Chúa Ki-tô, Đức Phật, đấng Mohammed, về Krishna nhưng người ta không theo các đấng ấy. Người ta không biết nhiều về Machiavelli, nhưng phần đông thế gian lại sống theo phương châm của ông – như thể Machiavelli ở trong trái tim của họ vậy. Bạn không cần đọc Machiavelli vì trên thực tế, có thể bạn đã là môn đệ của ông ấy từ lâu rồi. Toàn bộ xã hội con người dựa vào nguyên tắc của Machiavelli, trò chơi chính trị cũng giống như thế. Trước khi bị người khác giật lấy những gì quý giá, ta phải tranh lấy phần của họ trước, và luôn luôn phải ở trong tư thế canh chừng. Một cách tự nhiên, nếu thường xuyên đặt mình trong tâm thế cảnh giác, bạn sẽ sống trong hồi hộp, lo âu triền miên. Mọi người đều chống lại bạn và bạn cũng chống lại tất cả mọi người.
(2) Nicolo di Bernardo dei Machiavelli (1469 – 1527): Nhà ngoại giao, nhà triết học, nhà chính trị, nhạc gia, nhà soạn kịch người Ý. Ông là một nhân vật trung tâm của bộ máy chính trị nước Ý thời Phục hưng. Ông được biết đến với các luận thuyết về những thủ đoạn tranh giành quyền lực thống trị qua tác phẩm “The Prince”.
Người ta không biết nhiều về Machiavelli, nhưng phần đông thế gian lại sống theo phương châm của ông – như thể Machiavelli ở trong trái tim của họ vậy.
Vì thế, khoái lạc không phải và không thể là mục đích của cuộc sống.
Từ thứ hai mà chúng ta cần quan tâm là hạnh phúc (theo nghĩa là hạnh phúc tạm thời). Khoái lạc thiên về sinh lý, còn hạnh phúc mang tính tâm lý. Hạnh phúc là khi bạn cảm nhận một cái gì đó tốt lành hơn thực tại một chút, tinh tế hơn, cao đẹp hơn…, nhưng nó không khác khoái lạc là bao. Chúng ta có thể nói rằng khoái lạc là một mức độ hạnh phúc, và hạnh phúc là đỉnh cao của khoái lạc. Khoái lạc gần với bản năng hoang sơ của con người, còn hạnh phúc có tầm văn hóa hơn, mang tính người hơn, nhưng không phải lúc nào người ta cũng cảm nhận hạnh phúc giống nhau. Con người đều chịu sự quy định của các chức năng sinh lý, song chính những nhu cầu tâm lý mới đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, về cơ bản, đối với con người, vai trò của hai yếu tố này không khác nhau là mấy.
Khái niệm thứ ba là niềm vui. Niềm vui là trạng thái thuộc về tinh thần. Nó hoàn toàn khác với khoái lạc hay hạnh phúc ngắn ngủi. Niềm vui có ở trong ta, không phải đến từ bên ngoài hay người khác. Nó là của riêng ta. Nó không xuất hiện vì bị kích động. Niềm vui thuộc về thế giới bình an và tĩnh lặng – một trạng thái thiền định. Niềm vui ở trong tâm linh chúng ta.
Niềm vui là trạng thái thuộc về tinh thần. Nó hoàn toàn khác với khoái lạc hay hạnh phúc ngắn ngủi. Niềm vui có ở trong ta, không phải đến từ bên ngoài hay người khác.
Nhưng Đức Phật cũng không nói về niềm vui, bởi lẽ vẫn còn một cái gì đó vượt lên trên cả niềm vui. Đức Phật gọi đó là an lạc. An lạc là tối thượng. Nó không phải trạng thái sinh lý, tâm lý hay tinh thần. Nó không thể bị chia cắt, nó không có hình tướng. Một mặt, nó là có thật, mặt khác nó lại trừu tượng. Đức Phật chỉ dùng hai từ để nói về các trạng thái này. Từ thứ nhất là khoái lạc, bao gồm cả hạnh phúc. Từ thứ hai là an lạc, bao gồm cả niềm vui.
Cảm giác an lạc chỉ đến khi bạn đạt tới điểm sâu nhất của đời sống. Nó thuộc về chiều sâu vô biên của tâm hồn, khi mà cái tôi vĩnh viễn không còn nữa mà chỉ có sự tịch lặng mênh mông, như thể bạn biến mất hoàn toàn. Trong niềm vui, bạn vẫn cảm nhận sự tồn tại của mình. Nhưng với sự an lạc, bạn không có ở đó. Bản ngã đã tan biến trong một trạng thái gần như phi tồn tại.
Đức Phật gọi đó là “Niết Bàn”. Chấm dứt tồn tại chính là Niết Bàn; khi ấy, bạn hoàn toàn trống rỗng tựa như bầu trời. Ngay tại khoảnh khắc bạn đạt tới trạng thái vô tận đó, tâm hồn bạn tràn ngập ánh sáng của các vì sao; cuộc sống trở nên mới mẻ tuyệt vời. Bạn đã được sinh ra một lần nữa.
Khoái lạc rất ngắn ngủi, nó thuộc về thời gian, nó chỉ là “một khoảnh khắc sống”. An lạc mới là phi thời gian, nó là vô tận. Khoái lạc có bắt đầu và có kết thúc. Nhưng an lạc là vĩnh cửu. Khoái lạc đến rồi đi; an lạc đến mãi mãi, và cũng ra đi mãi mãi – nó là cái gì đó tồn tại từ rất lâu bên trong tâm hồn ta. Khoái lạc của bạn có thể bị người khác lấy đi mất; khi đó bạn trở nên giống như một kẻ cắp hay người ăn xin lúc nào cũng thèm muốn lạc thú. An lạc biến bạn thành người chủ của tâm hồn mình, cuộc đời mình.
Không phải chúng ta sáng tạo ra niềm an lạc, mà chính là chúng ta khám phá lại nó. An lạc là bản chất thẳm sâu của mỗi con người. Nó có thể đã từng nằm yên trong tâm hồn ta từ thuở sơ sinh, chỉ có điều ta không nhìn thấy nó mà thôi. Ta đã không nhìn vào bên trong nội tâm mình.
Nỗi đau khổ duy nhất của con người là mãi nhìn ra ngoài, mong đợi và kiếm tìm. Làm sao ta có thể tìm được cái gì đó bên ngoài, bởi đơn giản là nó không có ở đó.
Một chiều nọ, Rabiya – nhà thần bí thuộc giáo phái Sufi(3) nổi tiếng – đang tìm một cái gì đó trên con đường phía trước túp lều nhỏ của bà. Mặt trời đang chầm chậm di chuyển xuống phía sau đường chân trời. Bóng tối mỗi lúc thêm dày đặc. Một vài người tụ tập gần đó. Họ hỏi bà: “Bà đang tìm gì vậy? Bà đánh rơi vật gì à?”.
(3) Sufism có nguồn gốc từ tiếng Ba Tư (nay là Irắc). Đây là tên gọi của một giáo phái phổ biến ở các nước Trung Đông, được tạm dịch sang tiếng Việt là “Hồi giáo Mật tông”. Mục đích của giáo phái này là sự nhận thức chân lý tuyệt đối thông qua Tình yêu và sự hòa nhập với Thượng đế.
Bà trả lời: “Tôi đánh mất cây kim”.
Một trong số họ nói tiếp: “Bây giờ mặt trời đang xuống, tìm một cây kim rất khó. Chúng tôi sẽ giúp bà. Chính xác là cây kim bị rơi ở chỗ nào? Con đường thì lớn mà cây kim rất nhỏ. Nếu biết chính xác nó rơi ở đâu, chúng tôi sẽ tìm rất nhanh”.
Rabiya nói: “Tốt hơn hết là các bạn đừng hỏi tôi câu đó, vì cây kim bị rơi trong nhà chứ không phải rơi ngoài đường”.
Mọi người bắt đầu cười phá lên. Họ nói với bà: “Tôi quả quyết rằng bà không bình thường! Nếu cây kim rơi trong nhà, sao bà lại có thể tìm nó ở ngoài đường chứ?”.
Rabiya trả lời: “Chỉ là logic thôi, rất đơn giản: trong nhà không có ánh sáng, trong khi bên ngoài thì vẫn còn trông thấy được chút ít”.
Mọi người lại cười và bắt đầu giải tán. Rabiya gọi họ lại và nói: “Các bạn hãy nghe đây! Chuyện tìm cây kim của tôi cũng chính là những gì mà các bạn đang làm; tôi chỉ đưa ra một ví dụ vậy thôi. Các bạn tìm kiếm niềm vui bình an ở thế giới bên ngoài mà không đặt câu hỏi quan trọng và đầu tiên là: Bạn đã đánh mất nó ở đâu? Tôi nói rằng các bạn đã đánh mất nó từ bên trong. Các bạn cố gắng tìm kiếm nó ở bên ngoài vì theo suy luận thông thường là mọi cảm giác của bạn đều hướng ra bên ngoài chỉ vì nơi đó vẫn còn ánh sáng. Đôi mắt của bạn nhìn ra bên ngoài, đôi tai của bạn nghe ngóng âm thanh bên ngoài, bàn tay của bạn nắm lấy những cái ngoài bản thân bạn; đó là lý do tại sao bạn cứ vướng phải những cái nằm ngoài nội tâm mình. Ngược lại, bằng những trải nghiệm cá nhân, tôi nói thật, bạn có đánh mất cái gì ở bên ngoài mình đâu? Tôi cũng từng tìm kiếm mọi thứ ở bên ngoài rất nhiều; một ngày kia, tôi sửng sốt nhìn sâu vào nội tâm của mình. Không cần phải mong cầu điều gì cả; bản ngã thực sự luôn ngự trị bên trong con người chúng ta”.
Niềm an lạc nằm tận đáy tâm hồn ta. Rất có thể ta xin được khoái lạc ở người khác và trở thành nô lệ của họ. Trong khi đó, sự an định giúp ta làm chủ chính mình. An lạc không phải là cái xảy ra cho ta, mà là cái ta đã có từ lâu.
Đức Phật nói: Có khoái lạc và có an lạc – Hãy từ bỏ cái đầu tiên để đạt tới cái thứ hai. Hãy dừng lại việc nhìn ra bên ngoài. Ngược lại, hãy nhìn vào trong. Hãy lên đường tìm kiếm miền đất nội tâm sâu thẳm của bạn. An lạc không phải là thứ đang nằm ở đâu đó ngoài xa kia để con người phải mòn mỏi đợi chờ. An lạc hoàn toàn ở trong ý thức của bạn.
Người phương Đông thường định nghĩa sự thật tối thượng bằng từ Sat-Chit-Anand. Sat nghĩa là sự thật, chit là ý thức và anand nghĩa là an lạc. Đó là ba gương mặt của cùng một thực tại. Đó là quy tắc Tam Nhất chân thật nhất; tất nhiên không phải quy tắc mà ta thường nói đến của Thiên Chúa giáo là Cha-Con-Thánh Thần. Ba cái “tam nhất” ấy không bao giờ bị tách chia mà là một năng lượng được chuyển hóa qua ba trạng thái, một năng lượng với ba gương mặt. Vậy nên, ở phương Đông, người ta gọi Thượng Đế là trimurti – Đấng sáng thế có ba gương mặt. Đây là khuôn mặt đích thực, chứ không phải là Brahma, Vishnu và Mahesh – những tên gọi có lẽ dành cho trẻ em hay cho những người vẫn còn mộng mơ siêu hình về cõi tâm linh. Brahma, Vishnu, Mahesh; Cha, Con, Thánh Thần… đều là tên gọi cho những ai mới bắt đầu hành trình tâm linh.
Sự thật, ý thức, an lạc; ba điều ấy là chân lý tối thượng. Đầu tiên, ta bắt đầu nhận thức về bản ngã vĩnh hằng của chính ta, đó là sự thật – tức sat. Khi nghiền ngẫm sâu sắc hơn về bản chất thật sự của mình, đi sâu vào sự thật, bạn sẽ đạt tới sự thấu ngộ sâu sắc, rộng lớn – tức chit. Mọi việc đều được soi chiếu trong ánh sáng chứ không phải bóng tối. Tất cả đều được nhận thức rõ ràng, chứ không phải là sự ước đoán mịt mờ. Ở mọi nơi, bạn biến thành ánh đuốc trí tuệ, chứ không phải cái bóng nhạt nhòa của vô thức. Khi đạt tới trạng thái tinh thần sâu thẳm, hạt nhân tâm hồn bạn chính là niềm an lạc – tức anand.
Đức Phật nói: Hãy từ bỏ mọi thứ mà ngươi cho rằng nó rất có ý nghĩa từ trước đến giờ. Hãy hy sinh mọi điều trên đời cho sự thật tối thượng bởi lẽ chỉ duy nhất sự hy sinh ấy mới mang đến cho bạn sự bình an, mang đến sự hoàn thiện, mang đến mùa xuân vĩnh cửu cho cuộc đời bạn… Khi ấy, tâm hồn bạn nở thành trăm hoa ngát hương.
Khoái lạc dần biến chúng ta thành thanh gỗ mục trôi nổi… Khoái lạc nhào nặn ta ngày càng trở nên xảo quyệt hơn chứ không phải khôn ngoan hơn. Nó khiến ta ngày càng bị nô lệ hơn chứ không phải làm chủ đời ta. Nó khiến ta tính toán lợi dụng người khác nhiều hơn; nghĩa là ngày càng trở nên khôn khéo và thủ đoạn hơn. Khi đó, ta sẽ sử dụng người khác như một phương tiện – cách sống mà dường như cả thế giới đang theo đuổi.
Người chồng nói với vợ: “Anh yêu em”, nhưng trên thực tế, anh ta sử dụng cô ấy. Người vợ nói với chồng rằng cô yêu anh ấy, nhưng chỉ đơn giản là cô sử dụng anh. Người chồng sử dụng vợ như một đối tác tình dục và người vợ sử dụng người chồng như một sự đảm bảo về tiền của. Khoái lạc biến mọi người thành lừa dối và xảo trá. Trở thành xảo trá tức là đánh mất niềm an lạc của một tâm hồn trong sáng, là đánh mất niềm an lạc của một trẻ thơ.
Tiền bạc, quyền lực và danh tiếng – tất cả sẽ làm bạn trở nên thủ đoạn. Tìm kiếm khoái lạc khiến bạn đánh mất sự trong sáng của mình; đánh mất cái tâm trong sáng là đánh mất tất cả. Chúa Jesus nói: Chỉ khi trở thành trẻ thơ, con người mới có thể bước vào nước Thiên Chúa. Ngài đã đúng. Những ai thích tìm khoái lạc thì không bao giờ giữ được bản tính ngây thơ cả. Anh ta phải rất tinh ranh, xảo quyệt, thủ đoạn chỉ vì nhất quyết phải thắng trong cuộc đấu tranh sinh tồn với thế giới xung quanh. Mỗi người đều hòa đồng với người khác, trong khi ta lại không hề sống giữa những người bạn. Thế giới không thể hòa hợp nếu chúng ta không từ bỏ ý tưởng đấu tranh này.
Vậy mà, từ rất lâu rồi, chúng ta lại hủy hoại tâm hồn trong sáng của những đứa trẻ bằng ý tưởng chiếm hữu xấu xa. Ngay khi một sinh viên bước ra khỏi cổng trường đại học thì chất độc đã ngấm sâu vào con người cậu ta. Chúng ta có thể thôi miên người này bằng cách dạy cho anh ta rằng cần phải đấu tranh với kẻ khác, rằng cuộc sống là chuỗi tồn tại dành cho kẻ chiến thắng xứng đáng. Và như thế, cuộc sống không bao giờ có thể trở thành lễ hội của con người.
Nếu bạn vui sướng bao nhiêu khi bắt người khác trả giá cho hạnh phúc riêng của mình thì bạn sẽ bế tắc bấy nhiêu khi tìm kiếm niềm an lạc. Nếu bạn tìm thấy một người phụ nữ xinh đẹp và cố chinh phục nàng bằng cách nào đó thì nhất định bạn sẽ giành giật nàng từ tay người khác. Chúng ta luôn cố gắng biến một điều gì đó trở nên đẹp đẽ hơn, nhưng đó chỉ là sự chiến thắng trên bề mặt. Khi những người thua cuộc tức giận cuồng điên, họ sẽ chờ đợi một dịp nào đó để trả thù, và sớm hay muộn thì thời khắc báo thù ấy cũng đến.
Hãy tận dụng mọi thứ xảy ra với bạn trong khoảnh khắc sống này, nhưng đừng cố sở hữu nó. Đừng khư khư tuyên bố rằng nó là của riêng bạn. Không có gì là của bạn cả, tất cả đều thuộc về đời sống bao la.
Bất cứ điều gì mà bạn sở hữu được từ thế giới này đồng nghĩa với việc bạn lấy đi cơ hội của người khác; nó được đổi bằng giá trị lạc thú của người khác. Điều đó quá rõ ràng. Nếu bạn thực sự không muốn gây thù chuốc oán với bất kỳ ai trên thế giới, hãy từ bỏ ý định sở hữu cái gì đó. Hãy tận dụng mọi thứ xảy ra với bạn trong khoảnh khắc sống này, nhưng đừng cố sở hữu nó. Đừng khư khư tuyên bố rằng nó là của riêng bạn. Không có gì là của bạn cả, tất cả đều thuộc về đời sống bao la.