Chúng ta đã đến thế giới này với hai bàn tay trắng và cũng sẽ ra đi với hai bàn tay trắng, vậy điều gì khiến ta đòi hỏi nhiều đến thế? Cuộc sống thế gian dạy chúng ta biết cách sở hữu, thống trị, thâu tóm mọi thứ. Lợi dụng người khác hay không để người khác lợi dụng, bài học này đã được ngầm đưa vào ý thức chúng ta từ thuở lọt lòng. Mỗi mái trường trung học, cao đẳng, đại học ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới này cũng đều khơi dậy ý thức cạnh tranh trong mỗi chúng ta.
Một nền giáo dục đích thực không dạy cho con người tranh đấu hay giành giật; nó dạy người ta cách sống hòa hợp và sáng tạo; nó mở ra cho con người lòng yêu thương, niềm an lạc tự tại và không bao giờ vướng bận so sánh bản thân mình với người khác. Nền giáo dục ấy không dạy bạn rằng ai đến trước sẽ có hạnh phúc – vì điều này hầu như vô nghĩa. Ta không thể nào có được hạnh phúc chỉ vì giành được ngôi thứ nhất; và trong hành trình nỗ lực chiến thắng người khác, ta sẽ thấm thía nỗi đau khổ mà ngay trước khi về đích ta đã phải nếm trải.
Sau khi trở thành tổng thống hoặc thủ tướng của một quốc gia, bạn cũng sẽ chịu đựng nỗi khổ mà rồi đây nó sẽ trở thành bản chất thứ hai của bạn. Bạn không còn cách nào khác để tồn tại; bạn ôm giữ mãi một nỗi khổ. Sự căng thẳng ngày càng ăn sâu vào tâm hồn bạn; nỗi lo lắng trở thành một cách sống của bạn. Bạn không biết phải sống khác đi như thế nào. Đó là phương thức tồn tại riêng của bạn. Vậy nên, cho dù bạn có đến trước chăng nữa, bạn vẫn phải cẩn trọng, lo âu và sợ hãi. Toàn bộ điều này không hề thay đổi phẩm chất bên trong của bạn một chút nào.
Một nền giáo dục đích thực không dạy bạn tranh giành ngôi thứ mà mời gọi bạn tận hưởng mọi thứ bạn đang làm, không màng đến kết quả, chỉ quan tâm đến hành động, tựa như một họa sĩ, một diễn viên múa hay một nhạc sĩ…
Bạn có thể vẽ một bức tranh theo hai cách: một là ra sức cạnh tranh với các họa sĩ khác vì bạn muốn trở thành họa sĩ vĩ đại nhất thế giới, muốn trở thành Picasso hay Van Gogh. Thế rồi bức tranh của bạn được xếp loại thứ hai, bởi lẽ tâm trí của bạn không hề tập trung vào tác phẩm; bạn chỉ chăm chú tới mục đích trở thành họa sĩ cừ khôi nhất, vĩ đại nhất thế giới. Bạn không tiếp tục đi sâu vào nghệ thuật vẽ tranh. Bạn không tận hưởng nó, bạn chỉ sử dụng nó như một thứ bàn đạp. Bạn đang miệt mài với cái tôi to lớn. Vấn đề nằm ở chỗ để thực sự trở thành một họa sĩ, bạn phải bỏ lại hoàn toàn cái tôi của mình. Để thực sự trở thành một họa sĩ, cái tôi phải bị đặt sang một bên, và chỉ có sự tồn tại âm thầm của đời sống trôi trong nét vẽ của bạn. Chỉ có đôi tay, ngón tay và chiếc cọ đang hoạt động. Chỉ khi ấy, cái đẹp thực sự mới hiện hình.
Cái đẹp đích thực không phải do bạn tạo ra. Cái đẹp ấy thông qua bạn mà hiển hiện. Cuộc sống trôi chảy và bạn trở thành một thông điệp từ dòng chảy bất tận đó. Bạn cho phép thông điệp ấy xuất hiện; bạn không cố tình cản trở nó. Chỉ đơn giản như thế.
Nhưng nếu chúng ta quá quan tâm đến kết quả, một kết quả tuyệt đối – chẳng hạn như nhất định bạn phải trở nên nổi tiếng, phải trở thành một họa sĩ vĩ đại nhất thế giới, phải chiến thắng tất cả mọi danh họa cổ kim – thì điều hiển nhiên là chúng ta không hề quan tâm đến hội họa đích thực; hội họa lúc này chỉ là thứ yếu. Và đương nhiên, với mối quan tâm đầy tính toán về những bức tranh, chúng ta không bao giờ sáng tạo được một họa phẩm độc đáo mà chỉ sở hữu những bức tranh tầm thường.
Cái tôi thuần túy không thể mang bất kỳ điều gì đặc biệt vào thế giới; điều đặc biệt chỉ đến khi không còn cái tôi nữa. Nếu soi vào trường hợp các nhạc sĩ, nhà thơ, nghệ sĩ múa thì bạn sẽ thấy điều này hoàn toàn đúng. Và tất cả chúng ta cũng sẽ như vậy.
Cái tôi thuần túy không thể mang bất kỳ điều gì đặc biệt vào thế giới; điều đặc biệt chỉ đến khi không còn cái tôi nữa.
Trong kiệt tác Bhagavad Gita(4), thần Krishna nói: “Đừng nghĩ gì về kết quả. Hãy xem vạn vật hiện hữu như thông điệp tuyệt diệu của cái hoàn mỹ, giá trị và sự thật. Đừng nghĩ gì về kết quả. Chỉ hành động bằng tất cả sức lực và ý chí. Đừng cố “trở thành” – hãy để năng lượng sáng tạo của con trôi chảy”. Đó là lý do Ngài đã khuyên nhủ Arjuna: “Đừng trốn tránh chiến tranh… bởi lẽ sự trốn tránh ấy là một hành trình ích kỷ. Cách mà con trốn chạy chỉ là một sự tính toán, con nghĩ rằng từ bỏ chiến tranh là con có thể trở thành một vị thánh vĩ đại. Con chọn cách tôn thờ bản ngã của mình còn hơn là phải tham chiến và chống lại tất cả. Con hành động như thể nếu không có con thì không có chiến tranh vậy”.
(4) Bhagavad Gita: Một văn bản cổ bằng tiếng Phạn bao gồm 700 câu trích dẫn từ trường ca Mahabharata của Ấn Độ.
Krishna nói với Arjuna rằng: “Hãy an trú trong sự buông xả. Hãy nói về hiện tại. Hãy tuân theo hiện tại tối cao”. Bạn phải luôn sẵn sàng, sẵn sàng vô điều kiện. Dù bất kỳ điều gì xảy ra, bạn phải làm chủ bản thân mình một cách tuyệt đối. Ý chí càng mãnh liệt, tinh thần của bạn càng sâu sắc. Và năng lượng vĩnh cửu đó sẽ tác động lên mọi thứ trong cuộc đời của bạn.
Chúa Jesus dạy rằng: Hãy nhớ, những người đứng đầu ở trần gian sẽ là những người đứng cuối trong nước Chúa, và những người xếp cuối cùng sẽ lên đứng đầu. Đức Jesus đã đưa ra một định luật cơ bản - một định luật vĩnh cửu: đừng cố gắng trở thành người đứng đầu nhưng hãy trở thành một cái gì đó trong khả năng vô tận của mình. Nhưng hãy nhớ một điều - điều này rất thường gặp trong cuộc sống – rằng trí óc con người xảo quyệt lắm, nó có thể bóp méo sự thật. Bạn có thể bắt đầu đặt ra cho mình mục tiêu cố gắng trở thành người đứng sau cùng – nhưng sau đó bạn lại quên rằng tất cả mọi người cũng sẽ có suy nghĩ như bạn. Một cuộc chiến khác nảy sinh: “Nhất định tôi phải là người đứng cuối” – và nếu ai đó nói: “Tôi mới là người cuối cùng”, thì lập tức chiến tranh, xung đột lại tiếp diễn.
Tôi nghe một câu chuyện của người Hồi giáo như thế này:
Hoàng đế Nadirshah vĩ đại đang cầu nguyện. Đó là một buổi sáng sớm, mặt trời vẫn chưa mọc, bóng tối còn giăng khắp nơi. Nadirshah chuẩn bị cho một cuộc chinh phục mới; ông cầu nguyện Thượng Đế ban phúc lành thắng trận. Ông nói với Thượng Đế rằng “Con không là ai cả, con chỉ là một nô lệ - nô lệ của những nô lệ của Người. Xin Người hãy phù hộ cho con. Con xin được nhân danh Người, chiến thắng này là của Người. Xin Người hãy nhớ con không là ai cả. Con chỉ là nô lệ của những nô lệ của Người”.
Vị thầy tu đứng bên cạnh, giúp ông cầu nguyện, trong vai trò người trung gian kết nối ông với Thượng Đế. Thình lình, họ nghe một giọng nói khác trong bóng tối; một người ăn xin trong thị trấn đang cầu nguyện với Thượng Đế rằng “Con không là ai cả. Con chỉ là nô lệ của những nô lệ của Người”.
Vị hoàng đế nói: “Hãy nhìn người ăn xin kia! Ông ấy là một người ăn xin và nói với Thượng Đế rằng ông ta không là ai cả. Phải chấm dứt ngay sự ngớ ngẩn này đi! Nó là ai mà dám nói rằng mình không là ai cả? Ta mới không là ai cả, không một ai khác được quyền tuyên bố “không là gì” giống như ta. Ta mới là nô lệ của những người nô lệ của Thượng Đế - nó là ai mà dám xưng mình là nô lệ của mọi nô lệ?”.
Chúng ta hiểu được gì qua câu chuyện trên? Cuộc chiến tâm hồn vẫn còn đó, giống như mọi cuộc chiến khác, cũng với những lý do hết sức ngớ ngẩn. Không có gì thay đổi cả. Vẫn một kiểu tính toán: “Ta phải trở thành người cuối cùng. Không ai được phép làm người đứng cuối”. Tâm trí của chúng ta sẽ bị trượt vào một trò chơi như vậy nếu chúng ta không nỗ lực hiểu biết tường tận và sâu sắc vấn đề này.
Đừng bao giờ cố gắng hạnh phúc bằng cách đánh đổi hạnh phúc của người khác. Đó là sự tàn bạo và vô nhân đạo. Đó thực sự là bạo lực. Nếu ai đó nghĩ rằng họ sẽ trở thành một vị thánh bằng cách lên án kẻ khác như là một tội đồ, sự cao cả của họ thật ra chỉ đơn giản là một cuộc phiêu lưu mới của lòng tự kỷ. Họ trượt dần vào sự khoác lác và tự thần thánh hóa bản thân mình. Hãy lắng nghe tiếng nói thiên lương vốn có trong bạn và nhìn thấu bản chất của những kẻ đạo đức giả kia – những kẻ vẫn tiếp tục phô trương cái sự hiền đức của họ. Họ nói rằng bạn sắp rơi xuống địa ngục mất rồi, và họ sẽ tiếp tục kết tội những người khác. Và đương nhiên, bạn sẽ im lặng, cố lắng nghe những lời quy kết của họ, vì bạn biết rằng bạn đã mắc rất nhiều sai lầm trong cuộc sống. Họ kết tội tất cả mọi thứ - ngay cả khi đó là những điều sẽ khiến cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn. Bạn thích ăn, họ nói như thế là có tội. Bạn thức dậy muộn, họ nói bạn thật tội lỗi. Bạn đi ngủ muộn, họ nói bạn là kẻ có tội. Họ đã sắp xếp mọi thứ sao cho bạn “thật khó mà không có tội”.
Vâng, hết thảy họ lại không phải là người có tội. Họ đi ngủ sớm và thức dậy sớm… Thực ra, có lẽ họ chẳng biết làm gì nên mới rảnh rỗi như thế. Họ không bao giờ phạm lỗi bởi họ không làm bất kỳ điều gì. Họ chỉ ngồi cho đến chết. Nếu bạn sống thật sự, dám hành động, làm sao bạn có thể trở thành thánh nhân được? Vì vậy, hàng bao nhiêu thế kỷ, những thánh nhân đã từ bỏ thế giới và giải thoát mình vĩnh viễn khỏi cuộc đời này, bởi lẽ sống ở cõi trần này mà trở thành thánh là điều không thể.
Điều quan trọng tôi muốn chia sẻ với các bạn ở đây là, trừ khi bạn không có mặt trong thế giới này, còn nếu bạn đến với cuộc đời với tư tưởng muốn làm thánh nhân thì điều đó thật vô nghĩa. Hãy sống bình thường trong đời và trở thành thánh! Chúng ta phải định nghĩa thánh nhân ở một góc độ khác. Đừng sống bằng cách đánh cắp hạnh phúc của người khác – đó là thánh. Đừng dẫm đạp lên hạnh phúc của người khác mà hãy giúp họ hạnh phúc – đó là thánh. Hãy tạo ra một bầu khí quyển mà nơi đó tất cả mọi người đều được dự phần vui vẻ tốt lành.