Chuẩn bị tư tưởng trước khi thay đổi
Hãy xác định tư tưởng trước khi bạn muốn thay đổi cuộc sống.
Khi còn nhỏ tôi có mơ ước trở thành nhà văn. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã đi theo con đường nhà giáo. Tôi thấy nghề này cũng tốt và đã đầu tư nhiều tâm huyết cho sự nghiệp.
Tôi tranh thủ viết văn ngoài giờ lên lớp và vào dịp nghỉ hè, và ngày càng say mê. Sau 9 năm làm nghề tay trái này tôi đã có nhiều tiến bộ và đạt được một số thành công nhất định. Công việc đó cũng đem lại cho tôi một khoản thu nhập kha khá. Ước muốn làm nhà văn cứ ngày càng lớn dần. Tuy nhiên có một điều gì đó trong bản thân tôi chưa thật sự ngả theo hướng đi mới. Những năm tháng giảng dạy làm tôi rất gắn bó với các em học sinh.
Những mong ước của bạn sẽ làm nảy sinh những tình cảnh bất ngờ.
Tôi đam mê những bài giảng để hướng các em tới một cuộc sống tốt đẹp. Không chỉ hạnh phúc vì được chia sẻ, đó còn là một trong những giá trị cao nhất của tôi. Thật là vô cùng tệ nếu sau kỳ nghỉ hè làm nhà văn, tôi quay lại năm học mới trong tư thế chưa chuẩn bị sẵn sàng để toàn tâm toàn ý cho công việc giảng dạy. nhưng sự việc lại diễn ra đúng như vậy đấy!
Tôi cảm thấy rất bối rối. Thật hổ thẹn khi phải đấu tranh lấy lại lòng nhiệt tình của người thầy. Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ bỏ nghề dạy học. Thật may mắn là tôi đủ tỉnh táo để biết rằng không thể có lựa chọn đúng đắn nếu chỉ xét qua loa những hướng đi khác nhau.
Tại sao lại xảy ra tình trạng như thế? Tôi đã bị mắc kẹt giữa hai công việc, không biết phải từ chối và theo đuổi việc gì. Trong tình trạng đó, những tình cảm tiêu cực ngày càng tăng lên.
Năm học mới đã bắt đầu rồi mà tôi vẫn còn băn khoăn. Ước mơ làm nhà văn, mặc dù có thể chỉ là một hy vọng thoáng qua, vẫn cứ đeo đẳng tôi. Cuộc sống đang cần một quyết định trong lúc tâm trí tôi rối lên nhiều câu hỏi:
• Một nhà văn chuyên nghiệp sẽ làm gì ngoài việc viết lách?
• Nếu bỏ công việc hiện tại thì cuộc sống sẽ như thế nào?
• Với tính thích giao tiếp rộng rãi, làm sao tôi thỏa mãn nhu cầu đó khi làm nhà văn?
• Một nhà văn có thể thỏa mãn nhu cầu khám phá và phát triển những mặt tích cực của con người?
• Tôi không còn được tiếp xúc với những con người trẻ tuổi, hăng hái và lạc quan như các sinh viên ở trường?
Danh sách câu hỏi còn kéo dài mãi. Nhiều câu chỉ có thể giải đáp bằng sự trải nghiệm. Làm sao tôi thoát khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan? Có một cách: hãy tưởng tượng bạn đang ở trong hoàn cảnh mới. Hãy để tâm trí kết hợp vai trò mới của bạn vào cuộc sống hiện tại. Việc làm này đem lại kết quả rất tốt. Tôi cũng áp dụng điều đó khi dạy học. Tôi thường đánh giá lại kết quả mỗi bài giảng để nghĩ cách làm khác đi cho bài học tới.
Khi đó tôi tưởng tượng mình đã nghỉ công việc dạy học. Tôi tự nghĩ ra những việc viết lách mới sẽ làm. Nếu đó không phải là thời điểm thích hợp để thay đổi? Làm sao biết thời điểm thích hợp? Cứ tiếp tục để tâm trí đưa bạn vào hoàn cảnh mới, trực giác sẽ mách bảo có thích hợp hay không.
Một số thay đổi sẽ xảy ra. Những gì bạn đã đầu tư nhiều thời gian có thể không cần thiết nữa. Có thể bạn phải tỏ ra cứng rắn hơn, hòa hợp hơn và kỷ luật hơn. Dù cho có thay đổi gì, hãy để vai trò mới diễn ra trong tâm trí bạn trước khi thực hiện chúng.
Đừng lo lắng khi bạn thường lâm vào cảnh tiền hậu bất nhất. Đó chỉ là dấu hiệu của sự thay đổi. Đừng chống đối lại khi mong ước bấy lâu của bạn đang dần trở thành hiện thực. Hãy để điều đó diễn ra tự nhiên, bắt đầu trong tâm trí trước. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện.
Hãy suy nghĩ trước khi hành động.
Thay đổi hành động hay thay đổi niềm tin?
Chỉ có hai chọn lựa: thay đổi hành động hoặc là thay đổi niềm tin.
Hãy sống đúng với những gì bạn tin tưởng!
Qua những phần trước, bạn đã nhận diện lòng tin và những giá trị của bản thân. Có một nguyên tắc đúng đắn: hãy sống đúng với những gì bạn tin tưởng. Điều này nghe thật đơn giản phải không? Thậm chí đơn giản đến mức hiển nhiên. Điều khó hiểu là nhiều người trong chúng ta không thống nhất giữa hành động và suy nghĩ. Khi đó trí óc chúng ta và những người xung quanh nhận được những thông điệp lẫn lộn. Thành công đòi hỏi bạn phải đặt ra mục đích rõ ràng và tin tưởng vào bản thân.
Bạn có thêm nhiều kinh nghiệm và trưởng thành qua những hoạt động xã hội. Mâu thuẫn xảy ra khi một phần con người bạn vẫn giữ lại những tư tưởng cũ kỹ. Khi còn nhỏ có thể bạn không nhận ra cha bạn thường ở với gia đình hơn là bạn bè. Ông ấy làm việc 6 ngày một tuần. Chủ nhật là thời gian duy nhất dành cho gia đình. Là một đứa trẻ, bạn rất thích những buổi đi chơi cùng với cha mẹ. Lớn hơn một chút, bạn bắt đầu ý thức rằng cha rất quan tâm đến gia đình, con cái. Vậy là bạn có một hình ảnh về người cha tốt. Đó chính là một niềm tin. Giống như những giá trị khác, nó đã hình thành từ thời thơ ấu và ẩn sâu trong tiềm thức của bạn.
Thay đổi giá trị là một dấu hiệu rõ ràng nhất chứng tỏ bạn đang trưởng thành.
Giờ đây đã lớn, bạn có người yêu. Những buổi họp mặt vui vẻ bên bè bạn cũ ít đi. Có lúc bạn chỉ muốn ở một mình để suy nghĩ. Bạn muốn có những khoảng thời gian đó - với người yêu, với bạn bè và với bản thân. Nhưng không dễ dàng như vậy. Trong sâu thẳm ý thức đang gióng lên một hồi chuông. Nó nhắc nhở bạn phải dành thời gian cho người yêu nhiều hơn, cũng giống như cha đã dành cho mẹ bạn.
Cảm giác tội lỗi cứ bám theo và chen ngang cuộc vui. Cảm giác đó do bạn tạo ra. Đó là dấu hiệu bạn đang hành động không đúng giá trị bạn tin tưởng. Hành động của cha bạn là giá trị của ông ấy. Đó là điều tốt lành cho gia đình nhưng có thể không phù hợp với bạn.
Cha bạn đã trải qua những kỷ niệm với gia đình và người thân. Ông ấy đã xây dựng niềm tin và làm theo điều đó. Bạn phải xem hành động của bạn có phù hợp với những giá trị bạn đánh giá cao không? Nếu đúng, nó sẽ đem lại niềm vui và sức mạnh tinh thần. Còn nếu không? Thông thường thay đổi hành động là giải pháp đầu tiên giúp thay đổi tình thế. Nhưng điều đó không đúng bản chất. Dù cho hành động khác, theo một cách khác, ta vẫn cảm thấy tội lỗi, ích kỷ... Cảm giác khó chịu ngày càng tăng. Trừ khi ta chuyển hướng: thay đổi niềm tin.
Liệu các giá trị của bạn có giới hạn khả năng của bạn không?
Thành công đòi hỏi bạn phải đặt ra mục đích rõ ràng và tin tưởng vào bản thân.
Ý tưởng thay đổi giá trị của bản thân nghe đáng sợ! Chúng ta sợ rằng bị mất phương hướng hoặc đang trở nên thực dụng hơn. Thực ra thay đổi giá trị mới là một dấu hiệu rõ ràng nhất chứng tỏ bạn đang trưởng thành.
Khi hành vi và niềm tin không phù hợp, bạn sẽ cảm thấy không thoải mái. Cảm giác đó có thể phát triển thành một cảm giác xem mình như có tội. Hãy xem kỹ hành động của bạn không tuân theo những niềm tin nào. Sau đó bạn phải lựa chọn. Cách an toàn và thường gặp là thay đổi hành động. Bạn sẽ trưởng thành nhiều hơn nếu thay đổi được niềm tin. Bạn hoàn toàn có quyền làm điều đó. Vì vậy, hãy cẩn thận chọn con đường phù hợp nhất.
Một người đã tâm sự:
Có lúc bạn buộc phải thực hiện một chọn lựa dũng cảm. Tôi đã ở trong trường hợp đó. Một hôm người bạn gái thân nhất đã chỉ cho tôi xem cái gã đang lạm dụng tình dục với cô ấy. Nếu tôi nói cho ai biết thì xem như tình bạn chấm dứt. Tôi không biết phải làm gì. Chúng tôi là bạn thân và tôi rất lo cho sự an toàn của cô ấy. Cuối cùng tôi đã thông báo cho cô giáo chủ nhiệm. Việc đó quả thật khó khăn nhưng tôi biết mình đã làm đúng. Tôi đã chứng minh cho cô ấy thấy rằng một người bạn thực sự phải như thế nào.
Mara C. học sinh trung học
Những câu hỏi dành cho bạn:
1. Kể ra một hành động bạn cảm thấy áy náy.
_____________________
_____________________
2. Giá trị nào đã bị coi thường khi bạn thực hiện hành động đó?
_____________________
_____________________
3. Điều gì làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn: thay đổi hành vi hay thay đổi giá trị gắn liền với hành vi đó?
_____________________
_____________________
4. Hãy chọn lựa, sau đó thử thực hiện điều đó.
_____________________
_____________________
Thay thế “nếu lỡ ” bằng “làm cách nào”
Hãy vượt qua nỗi sợ hãi bằng cách tìm giải pháp cho các vấn đề bạn gặp phải.
Nỗi sợ hãi và sức ỳ là hai trở ngại lớn trên đường đến thành công
Một hôm đang thảo luận với một anh bạn, tôi vô tình nói vài câu “Nếu lỡ...”. Khi ấy chúng tôi đang tìm cách giải quyết một vướng mắc. Không để tôi bắt đầu một danh sách dài những câu “Nếu lỡ...” (danh sách đó thường là vô tận) anh bạn đã ngắt lời “Và lỡ trời sập nữa phải không, thỏ đế?”
Anh bạn làm tôi bật cười với chính mình. Từ lúc nào tôi đã sở hữu một kiểu tư duy tiêu cực có thể gây ra nỗi sợ hãi và sức ỳ. Đó chính là hai vật cản trên đường tới thành công. Từ đó tôi đã cố gắng thay đổi suy nghĩ theo hướng khác đi.
Đầu tiên phải nhận ra thời điểm bắt đầu câu “Nếu lỡ...”. Bạn đang lập kế hoạch công việc. Khi cảm thấy lo lắng, đó là lúc tâm trí đang chuyển hướng tới suy nghĩ “Nếu lỡ...”. Để quay trở lại, bạn phải đặt những câu hỏi “Làm cách nào?”. Tự hỏi thầm trong đầu hoặc có thể viết ra giấy, đặc biệt khi lần đầu tiên làm điều này.
Ví dụ, bạn định mời một cô gái đi chơi. Những câu “Nếu lỡ...” sẽ bắt đầu. Lỡ cô ấy nói “Không”? Lỡ mình tự nhiên bị quíu lưỡi và tỏ ra ngốc nghếch? Lỡ cô ấy kể lại cho người khác nghe về mình? Lỡ họ nhận ra mình không phải là người tự tin có năng lực như họ nghĩ? Lỡ họ cho mình là kẻ lừa gạt? Lỡ điều này lặp lại khi mình làm việc gì quan trọng, như xin học bổng hay xin việc? Lỡ mình không xin được học bổng hay thi rớt hoặc không xin được việc? Lỡ cuối cùng mình hoàn toàn thất bại, cô đơn, không bằng cấp và thất nghiệp?...
Không cần chờ đợi lâu! Từ một ý tưởng rất nhỏ và hơi rủi ro thôi bây giờ đã thành một vấn đề cực kỳ hệ trọng. Bạn đang mời bạn gái đi chơi! Đâu phải mời cả thế giới! Để giữ vững tinh thần, bạn thử đọc những câu hỏi dưới đây xem:
1. Làm cách nào để biết cô ấy thích gì để mình lập kế hoạch cuộc hẹn?
2. Làm cách nào để cô ấy cởi mở và chịu nhận lời đi chơi?
3. Làm cách nào để có một câu trả lời tốt nhất của cô ấy?
4. Làm cách nào để tỏ ra tự tin và vui vẻ khi trò chuyện với cô ấy?
Nếu bạn đặt nhiều kỳ vọng lạc quan thì bạn sẽ có kết quả như mong đợi.
Chú ý là những câu hỏi ở trên hướng về sự lạc quan. Nếu chỉ chăm chăm vào mặt bi quan, tâm trí chúng ta sẽ hướng đến một dạng tiêu cực mới thôi. Trong công việc cũng vậy. Nếu bạn đặt nhiều kỳ vọng lạc quan thì bạn sẽ có kết quả như mong đợi. Giả sử thực tế không có lối thoát nào, bạn phải tỏ ra can đảm. Hãy nhận lãnh rủi ro, rút ra bài học cho lần sau.
Kỳ vọng lạc quan, nhất quán rõ ràng sẽ giúp bạn có điều bạn muốn. Nếu bạn không khuất phục được chúng, chúng sẽ quay lại khuất phục bạn. Đến lúc đó xem như chấm hết. Tùy bạn chọn thôi.
Những câu hỏi dành cho bạn:
1. Kể ra một mục tiêu bạn ham thích nhưng vẫn còn lo sợ?
____________________
____________________
2. Bây giờ bạn có cảm giác nào khi theo đuổi mục tiêu đó?
____________________
____________________
3. Hãy tự đặt 4 câu hỏi “Làm cách nào” để bạn đạt tới mục tiêu đã đề ra.
____________________
____________________
Vận dụng sức mạnh của âm nhạc
Hãy chọn cho mình một bài hát có giai điệu làm trỗi dậy sức mạnh tinh thần, với lời ca khơi gợi cảm hứng về mục đích sống.
Tất cả mọi người đều đồng ý rằng trên thế gian không gì làm con tim rung động bằng một bản nhạc hay. Không gì có thể dễ dàng làm sống lại tình cảm và lắng đọng thời gian như những lời ca đẹp.
Những đôi lứa yêu nhau thường có một bài hát chung cả hai đều thích. Điều đó thật dễ thương phải không? Thực ra nó đã mang lại sức mạnh to lớn cho tình yêu. Một ca khúc như một ngôn ngữ chung sẽ làm hai con tim cùng rung động trong một tình cảm đặc biệt. Khi hai người chia sẻ kỷ niệm đó tức là bài hát đã kết nối họ lại với nhau. Thời gian trôi qua sẽ tô đậm thêm những tình cảm tốt đẹp.
Một bài hát riêng của bạn có thể đem lại tác dụng tương tự. Bắt đầu dấn thân vào chuyến đi, hi vọng đang dâng cao với những kế hoạch mới. Năng lực dồi dào và tinh thần phấn khích. Tuy nhiên mọi việc không phải đều có màu hồng. Theo thời gian, bạn bắt đầu cảm thấy gánh nặng của những thời hạn. Kế hoạch thay đổi và những trở ngại khó lường. Điều cần thiết là chúng ta phải giữ vững tinh thần và một trạng thái cầu tiến.
Âm nhạc có thể khơi dậy ngọn lửa nhiệt tình và động lực trong tâm hồn bạn.
Chính ở chỗ đó, âm nhạc có thể khơi dậy ngọn lửa nhiệt tình trong bạn. Âm nhạc có khả năng kêu gọi động lực. Nó nhắc nhở vì sao bạn phải theo đuổi ước mơ của mình. Nó củng cố tinh thần dũng cảm để bạn tiếp tục hướng về mục tiêu phía trước.
Không có gì làm con tim rung động bằng một bản nhạc hay.
Dưới đây là những bài hát có chủ đề về những ước mơ. Bạn có thể chọn những bài hát khác theo thể loại yêu thích. Hãy chọn những bài thể hiện được tinh thần và ước mơ của bạn. Nó có thể đem lại niềm hy vọng khi bạn cảm thấy mệt mỏi.
Being Alive – sáng tác: Sondheim, biểu diễn: Jerry Roberts;
Brave Faith – sáng tác: Stanfield, biểu diễn: Jana Stanfield;
Don’t Worry, Be Happy – sáng tác McFerrin, biểu diễn: Bobby McFerrin;
Embrace It – sáng tác: Zavada, biểu diễn: Kathy Zavada;
Everything’s Coming up Roses – sáng tác: Styne, Sondheim, biểu diễn: Cast;
Fame – sáng tác: Gore, Pitchford, biểu diễn: Irene Cara;...
Khẳng định lòng can đảm
Hồi tưởng những kinh nghiệm bạn đã trải qua để thấy rằng lòng can đảm đã giúp bạn đạt được kết quả như hiện tại.
Thông thường chúng ta không thấy hoặc ít khi thừa nhận sự can đảm của chính mình trong cuộc sống hằng ngày. Quan niệm cổ điển đã dạy rằng phải tham gia những cuộc tranh đấu một mất một còn mới là người can đảm. Tuy nhiên những cuộc khảo sát ý kiến đã cho thấy một điều thú vị. Cái chết chỉ đứng thứ hai trong những nỗi sợ hãi của con người, sau việc diễn thuyết trước công chúng. Như vậy là chúng ta thà chịu chết còn hơn đứng lên nói chuyện trước một đám đông!
Không, ở đây tôi không khuyên bạn phải đi diễn thuyết. Nhưng can đảm không liên quan đến sự sống và cái chết. Có lẽ chính bạn đang thể hiện một lòng can đảm tuyệt vời đấy. Phải chăng nó đã trở nên hiển nhiên quá đến nỗi bạn không nhận ra?
Phần lớn mọi người nghĩ rằng can đảm chỉ xuất hiện trong những sự kiện lớn lao, những bi kịch. Chúng ta vô tình xem can đảm có mối liên hệ với nỗi đau và sự sợ hãi. Dòng suy nghĩ đó đã đưa đến một khái niệm lệch lạc về “can đảm”.
Theo tôi, có một từ đồng nghĩa với can đảm là “nghị lực”. Nghị lực liên quan đến sức mạnh, trí khôn, khả năng dẫn dắt, hiểu biết. Nghị lực là sức mạnh tinh thần để đối mặt với những thách thức của cuộc sống.
Đó là những thách thức gì? Hãy bắt đầu bằng việc thức dậy buổi sáng. Chẳng phải có lúc bạn không thể rời khỏi giường mà không có lời kêu gọi của cha mẹ hay anh chị? Nếu bạn có thể quyết định việc gì một cách độc lập không cần ai chỉ bảo, chắc chắn bạn đã từng trải qua giai đoạn lệ thuộc, nói cách khác là ỷ lại. Để là người độc lập không dễ, bạn phải chứng tỏ và vượt qua chính mình. Hiện tại bạn thấy dễ dàng và thoải mái với công việc quen thuộc phải không? Tuy nhiên những lần đầu tiên luôn đòi hỏi sự cố gắng và can đảm để thực hiện trọn vẹn. Mỗi lần lặp lại hành động đó, bạn đã thể hiện rằng bạn đang sống và làm việc với lòng can đảm.
Từ đồng nghĩa tốt nhất với CAN ĐẢM là NGHỊ LỰC.
Theo dõi hoạt động trong một ngày của bạn - từ bữa ăn tới thời gian đi lại, tới những người bạn tiếp xúc. Mọi người thường cảm thấy rụt rè với người lạ. Để trò chuyện và hiểu họ, bạn phải có sự can đảm. Bạn đã từng bày tỏ tình cảm yêu thương bằng lời nói hoặc hành động với bạn bè và người thân? Khi cởi mở tấm lòng, dù là người cho hay người nhận, bạn phải chịu rủi ro bị từ chối. Đó chính là lòng can đảm!
Lòng can đảm là sức mạnh tinh thần để đối mặt với những thách thức của cuộc sống.
Bạn có thể là cảnh sát truy bắt tội phạm hay chiến sĩ nơi sa trường hoặc một nhà hoạt động xã hội kêu gọi thay đổi thế giới. Trong những vai trò đó, lòng can đảm cho bạn đủ dũng khí để hoàn thành những công việc khó khăn. Tuy nhiên không thành vấn đề nếu lĩnh vực của bạn không nằm trong số đó. Thế giới này không luôn luôn đòi hỏi lòng can đảm phải thể hiện như vậy. Đơn giản hãy làm tốt vai trò bạn đang làm – một đứa con, một người bạn, một nhân viên, vận động viên, sinh viên, giáo viên... Trừ khi là một ẩn sĩ, bạn sẽ luôn luôn là một phần của xã hội, bất chấp con đường đời như thế nào. Ở mọi hoàn cảnh, hãy nhận thức và trân trọng sự can đảm của bạn.
Sau đây là hướng dẫn cách thực hành phần này:
1. Hãy liệt kê 10 hoạt động mà bạn tham gia ngày hôm qua. Chú ý là bất kỳ hoạt động nào.
_____________________
_____________________
2. Sau đó hãy chỉ ra bạn đã phải can đảm làm điều gì trong mỗi hoạt động đó.
_____________________
_____________________
Dám chấp nhận rủi ro
Hãy thực hiện điều đã khiến bạn sợ hãi nhưng thực sự rất muốn làm hay cần phải làm. Hãy dũng cảm thực hiện những điều như vậy để đạt được mục tiêu của bạn.
Trong bộ phim “Thời trai trẻ của cha Eddie”, Dolly Daly đóng vai cô nàng Montana vụng về cố gắng lấy can đảm bằng cách làm theo bài “Tám quy tắc vàng để có sự tự tin”.
Hãy luyện tinh thần chấp nhận rủi ro của bạn bằng cách thử một việc mới mà bạn không giỏi.
“Quy tắc 1:” nàng Montana trích dẫn, “Hãy cởi mở”. Sau đó nàng giải thích, “Mỗi ngày tôi phải làm một việc gây cho tôi sự e ngại, nhưng tôi rất muốn làm.” Tính cách đã tạo cho nàng nét lôi cuốn không thể cưỡng được là sự thách thức chính mình, ngay cả trong một việc nhỏ như chụp hình quảng cáo cà vạt. Điều quan trọng ở đây không phải là nội dung công việc nàng làm, quan trọng là nàng đã dám thử làm những công việc có khả năng thất bại cao. Thực tế là trong cuộc sống hàng ngày chúng ta ít khi đối diện với những điều như vậy. Tuy nhiên, hãy chú ý chờ đợi cơ hội xuất hiện, bạn sẽ thấy cuộc sống có nhiều thách thức thường xuyên diễn ra.
Khi một cơ hội đến và ý nghĩ thực hiện nó khiến bạn có cảm giác e ngại, đó chính là dấu hiệu cho thấy bạn cần thực hiện nó để tiến lên một bước tiếp theo trong quá trình phát triển bản thân. Người xưa có câu “Hãy làm những gì không thể!”. Hoặc cùng một ý như vậy là câu nói “Hãy nhận ra nỗi sợ hãi và sau đó bắt tay vào làm bằng bất cứ giá nào.”
Chấp nhận rủi ro một cách khôn ngoan sẽ tạo ra những giây phút đáng nhớ nhất trong cuộc đời.
Ở đây tôi không khuyến khích và cũng không có ý nói đến sự rủi ro mang tính liều mạng. Nếu bạn nghi ngờ một rủi ro là lành mạnh hay liều mạng, hãy lắng nghe trực giác. Nó sẽ khuyến khích bạn nếu đó là rủi ro lành mạnh và khiến bạn cảnh giác trong trường hợp rủi ro liều mạng. Hãy biết suy xét. Trực giác là người giám sát tốt nhất. Tuy nhiên, rủi ro là cần thiết. Khi bạn theo đuổi mục đích sống, bạn sẽ phải thường xuyên chấp nhận rủi ro để được học thêm những điều mới.
Chấp nhận rủi ro một cách khôn ngoan sẽ tạo ra những giây phút đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Hãy khắc phục nỗi sợ hãi, nắm lấy những cơ hội quan trọng, bạn sẽ đắm mình trong niềm vui khôn tả của cuộc sống.
Những câu chỉ dẫn cách thực hành phần này:
1. Hãy viết ra một mục tiêu bạn thực sự muốn đạt được.
________________
________________
2. Quyết định một nhiệm vụ bạn cần phải làm để tiến gần mục tiêu trên.
________________
________________
3. Những rủi ro nào bạn cần chấp nhận để hoàn thành nhiệm vụ?
________________
________________
Cân bằng lý trí và tình cảm
Hãy thay đổi thái độ thay vì thay đổi hành động!
Văn hóa người Mỹ là một nền văn hóa dựa trên hành động là chính. Đối chiếu các vùng đất trên thế giới, ta thấy làm việc chăm chỉ đồng nghĩa với người Bắc Mỹ, nồng nhiệt là người Nam Mỹ, mạnh mẽ là người châu Âu, phẩm giá là người châu Phi và thông thái là người châu Á. Trong xã hội Mỹ, người ta luôn luôn muốn mọi việc phải được hoàn thành trọn vẹn. tuy nhiên đó không phải lúc nào cũng là cách hiệu quả nhất để giải quyết khó khăn.
Tại nơi làm việc chúng ta có khẩu hiệu “Làm việc thông minh hơn là chăm chỉ”, nhưng nhiều người vẫn chưa thấu hiểu triết lý đó có sức mạnh như thế nào nếu đem áp dụng cho con tim. Đối với tuổi trẻ, nếu ai đó xúc phạm bạn, ngay lập tức bạn sẽ phản ứng: la lối, rút lui, thể hiện sự giận dữ, trả đũa. Sau đó, khi đã hiểu sự tình và động cơ của người khác, bạn trở nên bình tĩnh hơn và xử lý khôn ngoan hơn.
Mọi vật đều có sự cân bằng
Những phản ứng bao giờ cũng mang lại kết quả tức thì: la lối làm bạn bị nhức đầu, giận dữ khiến bạn làm hỏng món đồ yêu thích, trả đũa làm bạn có cảm giác mình thật hèn nhát. Không tốt hơn sao nếu bạn có thể bỏ qua tất cả những thứ lộn xộn đó và có sự khôn ngoan ngay từ đầu?
Để làm điều đó bạn phải khởi đầu bằng việc tỏ ra thật khách quan. Khi cảm xúc đang nổi dậy do bị xúc phạm, thất vọng hay ghen tức, đầu tiên hãy để cho tâm trí cân bằng.
Mọi vật đều có sự cân bằng. Nhà thơ William Blake đã khẳng định như vậy trong tác phẩm Lý thuyết về sự đối nghịch. Đó là lý do tại sao bạn vừa có một trái tim vừa có một cái đầu.
Khi đối diện với một hoàn cảnh thử thách, ĐỪNG bao giờ làm điều gì ngay lập tức. Đầu tiên hãy tạo ra sự cân bằng, tiếp theo hãy nhìn lại một cách khách quan. Nếu hướng ngay về phía trái tim, bạn sẽ phản ứng lại hoàn cảnh. Còn nếu suy nghĩ quá nhiều sẽ làm bạn thêm bối rối.
Có lần tôi đã giúp một người quen. Đáp lại, tôi không nhận được lời công nhận hay cảm ơn nào. Cảm thấy bị xúc phạm, ngay lập tức tôi trở nên phán xét “Mọi người khác đều nói cảm ơn, tại sao anh ta lại không? Chẳng lẽ chỉ một tiếng cảm ơn cũng khó vậy sao? Tại sao mình lại đi tốn thời gian làm ơn cho một người đã lợi dụng mình?”.
Một người bạn của tôi đã gọi điều này là hội chứng “Tránh né”. Khi chúng ta không muốn nhìn vào khuyết điểm của mình, chúng ta hay chỉ vào người khác và la lên “Lỗi của anh” và chuyển qua tấn công người ấy. Trong lúc tức giận tôi đã dựng lên một kế hoạch gặp anh ta để hỏi cho ra nhẽ. Nhưng trí khôn xuất hiện đúng lúc đã ngăn tôi lại. Ngay lúc ấy tôi tự hỏi tại sao tôi lại có cảm giác đó?
Sự khôn ngoan đích thực là biết cân bằng giữa lý trí và tình cảm.
Cuối cùng tôi nhận ra quả cân đã bị đẩy hoàn toàn sang con đường tình cảm. Sau đó tôi thử đưa nó quay lại trạng thái cân bằng với những câu hỏi. Thực sự tôi muốn gì từ việc đó? Có phải việc anh ta không thể hiện sự biết ơn đã hủy hoại cảm tình của tôi chăng? Có phải tôi làm điều đó chỉ vì muốn được khen ngợi? Hay chỉ do tôi thích làm? Tình cảm ban đầu của tôi hoàn toàn là một tình cảm thân thiện. Tuy nhiên, phản ứng của tôi đối với việc anh ta không đáp lại đã biến cảm tình thành tính nhỏ nhen. Đó không phải là lỗi anh ta, đó là do tôi.
Tôi đã làm một điều tốt đẹp cho anh ấy. Tôi mong có sự đáp lại. Điều đó không xảy ra. Nhưng tôi biết sự tử tế của tôi đã được anh ấy chấp nhận khi tôi thực hiện hành động. Vì vậy hành động của tôi xem như đã hoàn thành. Nếu tôi đi gặp anh ta để trách móc, có lẽ tôi đã chuyển cảm tình của tôi thành một xung đột không đáng có. Trong đời, nhiều lần tôi đã tránh được những lỗi lầm như thế bằng cách cân bằng tình cảm và suy nghĩ. Bạn hãy thử công thức sau, nó thực sự có thể giúp bạn đấy!
Tâm sự của một người:
“Tôi luôn luôn biết được khi nào tôi cần phải xem lại mình. Bạn biết bằng cách nào không? Đó là khi tôi bắt đầu để ý những điểm không hay ở người khác. Một lần, tôi đi dọc theo hành lang trường học, gặp người nào tôi cũng nghĩ, “Trời ơi, con nhỏ đó ăn mặc sao mà gớm thế?”. Vậy mà ngay khi tôi bước vào lớp, bạn tôi đã nói, “Hôm nay cậu không kịp chuẩn bị hay sao thế? Trông cậu lôi thôi quá!” Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra hôm đó tôi trông thật là tệ. Kể từ đó, bất kỳ khi nào tôi bắt đầu muốn chê bai gì ở người khác, tôi biết đó là lúc tôi phải nhìn lại chính mình về điểm đó.”
- Becca J. học sinh trung học
Mối quan hệ của bạn với cuộc sống
Chúng ta sống bên nhau để giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Mỗi người đi theo một con đường riêng trong cuộc sống. Dù bạn theo con đường nào, bạn hãy cứ tin tưởng vào cuộc sống. Chỉ cần bạn học cách lắng nghe tiếng nói từ tiềm thức của mình, và công nhận mọi thứ, vâng, MỌI THỨ, đã diễn ra trong cuộc đời và đã làm nên bạn hôm nay. Bạn càng nhận ra những điều tốt đẹp, bạn càng cảm nhận được niềm vui. Nhờ đó, bạn sẽ thấy mạnh mẽ và tự tin hơn về những gì bạn và cuộc sống đã cùng nhau tạo dựng.
Cuộc sống không có khả năng cản trở bạn, nhưng nó cũng không tạo dựng đời sống thay cho bạn.
Để “hợp tác” tốt với cuộc sống, bạn cần phải xem cuộc sống như một người bạn, có thể giúp bạn học hỏi được nhiều điều.
Cuộc sống không có khả năng cản trở bạn, nhưng nó cũng không tạo dựng đời sống thay cho bạn. Giống như mọi mối quan hệ khác, những trao đổi giữa bạn và cuộc sống là yếu tố quyết định bạn có đạt những gì bạn muốn và trở thành người bạn ao ước hay không. Chỉ bằng cách làm việc cùng với cuộc sống, học hỏi những kinh nghiệm, từ điều bình thường cho đến những điều lớn lao, bạn sẽ làm hiện rõ dần những ước mơ của chính mình.
Loài người tôn thờ chủ nghĩa anh hùng. Anh hùng là những con người đã đối điện với những tình cảnh khó khăn bằng lòng can đảm và danh dự. Tương tự như vậy, mỗi con người chúng ta, phải vượt qua hoàn cảnh của mình nếu không muốn tự biến mình thành nạn nhân của hoàn cảnh. Nhiều người nổi tiếng, như Helen Keller và Stephen Hawkings, đã đối diện, chấp nhận và học hỏi, sau đó đã đứng lên từ những nghịch cảnh tưởng như không thể vượt qua. Chúng ta học được gì từ những con người vĩ đại đó?
Nếu bạn thực hiện điều gì vì một mục tiêu cao cả và tốt đẹp, bạn sẽ nhận được một nguồn năng lượng đặc biệt phát sinh từ tấm lòng vị tha đó. Một khi bạn đã hòa mình vào bức tranh lớn của cuộc sống để giúp đỡ nhiều người, bất kỳ (vâng, bất kỳ) điều gì bạn mơ ước đều có thể trở thành hiện thực.
Sau đây là một số chỉ dẫn để thực hành:
1. Miêu tả một hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống của bạn.
____________________
____________________
2. Liệt kê ba kết quả khả quan đáng lẽ bạn đã đạt được trong hoàn cảnh trên.
____________________
____________________
3. Hãy chọn một kết quả bạn mong muốn nhất trong ba kết quả trên. Sau đó, hãy suy nghĩ xem, bạn có thể đạt được kết quả đó bằng cách nào?
____________________
____________________
Từ bỏ thói quen chỉ trích
Bất kỳ lúc nào bạn thấy mình có ý muốn chỉ trích, hãy cố gắng thay thế ý muốn đó bằng sự thông hiểu.
trong bất kỳ tình huống nào, sự chỉ trích cũng làm tổn thương tình cảm của người khác. những người ưa chỉ trích đã sai lầm khi tin rằng họ hoàn toàn đúng. Sự thật là họ chỉ đang thể hiện nỗi lo lắng về một điều họ không hiểu, hoặc đang chống lại một người rất tự tin nhưng không cùng sở thích.
Phát hiện và khẳng định chân giá trị mới là điều đáng quý. Khi chỉ trích, chúng ta chỉ tập trung vào con người làm ta lo sợ để cố gắng phá hủy niềm tin của họ. Nó chỉ gây hao tổn năng lượng, tinh thần mệt mỏi và làm giảm hiệu suất làm việc.
Trong bất kỳ tình huống nào, sự chỉ trích cũng làm tổn thương tình cảm của người khác.
Nhận chân giá trị có tác dụng khích lệ và nâng đỡ. Chỉ trích chỉ nhằm hạn chế. Hãy xem những con người tiêu biểu về năng lực, phẩm giá, thông thái, tình yêu và thành công. Họ không bao giờ lãng phí thời gian để chỉ trích và lo lắng xem người khác có sống đúng theo tiêu chuẩn của họ hay không.
Để loại bỏ sự chỉ trích, bạn phải chấp nhận rằng mọi người đều có một đời sống tinh thần riêng. Việc lo lắng người ta có sống theo cách của bạn hay không hoàn toàn vô nghĩa. Nhà triết học Thereau đã nói “Mỗi người trong chúng ta đang tiến bước theo những nhịp điệu khác nhau”. Những người có đời sống tinh thần giống bạn sẽ hành động tương tự như bạn, những người khác sẽ hành động khác. Đơn giản là như vậy. Chấm hết, không phải bàn thêm về điều đó.
Nếu muốn có mối quan hệ tốt với mọi người, bạn đừng buộc người khác phải sống giống như bạn.
Khi chỉ trích, ta đã đặt một áp lực lên chính bản thân. Áp lực đó là phải tìm hiểu điều gì có lợi nhất cho người khác. Làm được điều đó cho bản thân đã là cả một việc khó. Ngoài ra, thái độ chỉ trích chắc chắn sẽ làm bạn đánh mất sự tin tưởng của người khác. Nếu muốn có mối quan hệ tốt với mọi người, bạn đừng buộc mọi người phải sống giống như bạn. Ai cũng có những quy tắc riêng, bạn hãy ghi nhớ và tôn trọng điều đó.
Hãy tránh xa sự chỉ trích. Cứ để yên cho người khác khám phá cuộc sống theo cách riêng của họ. Tuân theo điều đó bạn sẽ tìm thấy nhiều sức mạnh để tiến nhanh và mạnh hơn trên con đường của mình.
Sau đây là một số chỉ dẫn để thực hành:
1. Hãy kể ra một trường hợp bạn đã chỉ trích ai đó.
______________________
______________________
2. Sau đó, thử loại bỏ nó bằng cách chấp nhận những người khác có những quy tắc sống không giống bạn. Ghi lại cảm nghĩ của bạn khi thực hiện điều này.
______________________
______________________
3. Kể ra hai trường hợp bạn đã thoát khỏi gánh nặng của sự chỉ trích.
______________________
______________________
4. Hãy ghi lại những cải thiện trong mối quan hệ của bạn với những người bạn đã chỉ trích trước đây.
______________________
______________________
Nghỉ giải lao
Bây giờ bạn có thể đặt sách xuống và tạm ngưng những hoạt động một thời gian.
Cho dù có đam mê một sở thích đến mấy, hay đang tràn đầy nhiệt huyết về công việc, cũng đến lúc bạn cần phải nghỉ ngơi. Đến giờ giải lao rồi!
Tất cả việc bạn phải làm là định ra cụ thể thời điểm quay lại những hoạt động đề ra trong sách, ghi một ngày cụ thể. Hãy nghỉ ngơi vài ngày, có thể là một hoặc hai tuần. Bỏ cuốn sách này qua một bên và ngưng làm những bài thực hành. Nếu bạn đã làm theo những chỉ dẫn nghĩa là bạn đã làm rất tốt. Bạn xứng đáng hưởng một kỳ nghỉ giải lao.
Từ bây giờ cho đến lúc quay lại là thời gian để bồi dưỡng bản thân. Hãy đầu tư vào tài khoản tình cảm và thưởng thức cảm giác tiến bộ đang đến với bạn từng ngày.