Tạo nên bức tranh cuộc đời
Xin giới thiệu với bạn một hoạt động rất thú vị! Bạn hãy thu thập hình ảnh, câu trích dẫn từ các album hình, tạp chí, báo và các trang web. Sau đó xếp đặt chúng lên một tấm bảng lớn. Mục đích là có một cách trình bày sinh động cuộc đời của bạn.
Thú thật lần đầu nghe nói về hoạt động này tôi cho là quá đơn giản nên không để ý. Sau đó một năm, có một bài giới thiệu về nó như một phương pháp giảng dạy. Tôi quyết định áp dụng cho lớp học của mình như một bài tập thực hành. Theo lệ thường đối với một bài tập giao cho học sinh, tôi cũng tự mình làm bài tập đó. Khi làm công việc này, tôi đã thấy được lợi ích thực sự của nó.
Việc này rất dễ hiểu và dễ làm. Chỉ cần mua một tấm bảng cỡ trung, để bạn có thể gắn nhiều thứ lên tấm bảng đó. Cứ tự do đặt bất kỳ thứ gì có kỷ niệm, bất kỳ vật gì bạn thích, dưới đây là một số gợi ý:
• Một bức tranh yêu thích hoặc một tấm ảnh gia đình.
• Các đề mục, bài báo hay trích dẫn từ báo và tạp chí mô tả đúng con người hay sở thích của bạn.
• Một bản photocopy của bản hợp đồng công việc đầu tiên.
• Một mục quảng cáo giới thiệu nơi nghỉ yêu thích.
• Một hình ảnh hay một câu chuyện về nhà hàng xóm quen thân, nhà thờ vào những buổi đi lễ, hoặc lớp học ngoại khóa có ấn tượng.
• Bản in bài thơ yêu thích hoặc một trích đoạn từ cuốn sách bạn từng say mê đọc.
• Một cảnh trong một bộ phim có ấn tượng sâu sắc.
• Hình ảnh các nhân vật bạn yêu thích.
• Những bằng khen, giấy khen từ các cuộc thi.
Cố gắng tìm kiếm và thu thập càng nhiều thứ càng tốt. Khi làm xong tức là bạn đã gói gọn cuộc đời vào một tấm bảng, rất gọn và sinh động. Khi đã có khá nhiều đồ vật, hãy tìm cách sắp xếp tất cả lên tấm bảng. Ở đây hãy thử sáng tạo một chút, trang hoàng thêm cho tấm bảng, thử làm theo ý riêng và hãy cầu kỳ một chút nhé! Học trò của tôi đã cắt tấm bảng thành hình trái tim, hoặc khắc những chữ cái đầu của tên họ lên đó.
Bạn hãy sắp xếp tấm bảng theo tính cách của mình. Trong trường hợp của tôi, vì là người thích trật tự nên tôi chọn sắp hình ảnh lên bảng dựa trên mức độ quan trọng. Những giá trị tinh thần như tình yêu, tình bạn... có một giá trị rất lớn nên tôi đã đặt chúng ngay chính giữa tấm bảng. Rồi bên trên, tôi đặt các tấm ảnh về gia đình. Theo chiều kim đồng hồ vòng quanh tấm bảng là những mục tiêu chính trong đời, tiếp theo là sở thích, những cuốn sách yêu thích, những bộ phim, các chương trình truyền hình, hình ca sĩ, các kỷ niệm thuở nhỏ và cuối cùng các ước mơ trong đời.
Nếu có thời gian, bạn nên sáng tạo bức tranh bằng nghệ thuật cắt dán hay một nguyên tắc nào đó, ví dụ theo nguyên tắc không gian ba chiều. Tôi đã thấy vô số cách trình bày. Một số người phân chia đồ vật vào những vòng cung khác nhau của bảy sắc cầu vồng, hoặc vào các đỉnh của một ngôi sao hoặc theo chữ cái đầu của tên. Một số khác đơn giản chỉ sắp theo thứ tự từ trái qua phải trên một đường thẳng. Số nữa lại thích trình bày theo một đường quỹ đạo. có người đã tạo nét độc đáo khi đặt chúng thành một hình xoắn ốc với tâm điểm chính là bức hình của họ.
Bức tranh cuộc đời là một tác phẩm đặc biệt, một tấm gương phản chiếu bạn đã từng là ai, bây giờ bạn là ai và ước mơ của bạn đang diễn ra như thế nào.
Sau khi hoàn thành, bạn có thể lùi ra xa một chút và ngắm nhìn nó. Đó chính là toàn cảnh về cuộc sống của bạn. Hãy để ý những bước đi trong đời được thể hiện trên bức tranh. Những bước đầu tiên, rồi tiếp theo và cứ thế tiếp nối nhau. Nên nhớ đó hoàn toàn là sự lựa chọn của bạn, những bước đi của bạn chứ không phải ai khác.
Xin chúc mừng những gì bạn đã hoàn thành! Đó đúng là một việc làm rất hay. hãy nhìn vào bức tranh bất cứ khi nào bạn cảm thấy nản lòng. Có thể nói đây là một trong những công cụ tốt nhất để lấy lại sự tự tin và cảm giác thăng bằng trong cuộc sống.
Hãy cập nhật bức tranh để thể hiện những sự kiện tiếp theo trong đời. Tôi thường để nguyên bức tranh ban đầu và tạo một bức tranh mới vào những cột mốc quan trọng. Tuy nhiên có người lại thích thêm vào hoặc bớt đi một số đồ vật trên bức tranh. Làm vậy tức là bức tranh đã đồng hành với quá trình trưởng thành của bạn.
Hãy trân trọng tác phẩm bạn đã thể hiện! Đó là một tác phẩm vô cùng có ích đấy! Lâu lâu chiêm ngưỡng lại bức tranh bạn sẽ nảy ra nhiều ý tưởng hay. Việc này cũng giống như đọc sách. Chắc hẳn bạn từng đọc lại một cuốn sách mà trước đó rất lâu bạn đã yêu thích. Chắc hẳn bạn từng nhận ra ở lần đọc sau nhiều điều mà cách đó nhiều năm một độc giả trẻ tuổi như bạn chưa nắm bắt hết ý nghĩa. Những lần đọc sau giúp bạn được sống lại cảm giác trước đây, ngoài ra còn mang lại những góc nhìn mới mẻ hơn.
Nhiều năm dạy môn Văn khiến tôi nhận ra tình cảm con người không dễ bị xóa nhòa theo thời gian. Đối với tôi, có những quyển sách mang lại cảm xúc đặc biệt. Cảm xúc đó vẫn nguyên vẹn mặc dù tôi đã bình giảng hàng chục lần. Mỗi năm học mới, các em học sinh mới lại được xem bức tranh cuộc đời của tôi. Mỗi lần nhìn bức tranh để giải thích, tôi đều thấy xúc động. Những câu trích dẫn, những hình ảnh trên bức tranh vẫn có sức mạnh rung động như khi tôi tạo ra chúng.
Giống như tôi, bạn sẽ thấy việc xem lại bức tranh cuộc đời mang lại nhiều tình cảm hơn cả thú đọc sách. Đó là vì bức tranh cuộc đời là một tác phẩm đặc biệt, một tấm gương phản chiếu bạn đã từng là ai, bây giờ bạn là ai và ước mơ của bạn đang diễn ra như thế nào.
Một số câu hỏi và hướng dẫn để thực hiện hoạt động này:
1. Khi bạn đã hoàn thành bức tranh cuộc đời, hãy ghi lại những phát hiện mới của bạn về bản thân.
______________________
______________________
2. Những lĩnh vực nào trong cuộc sống bạn đã xếp đặt lên bức tranh? Những lĩnh vực nào bạn muốn dành nhiều thời gian hơn, hoặc dành ít thời gian hơn?
______________________
______________________
3. Những gì chưa có trên bức tranh cuộc đời mà trong vòng 6 tháng tới bạn sẽ đặt vào?
______________________
______________________
4. Qua việc quan sát bức tranh, những gì khiến bạn hài lòng tại thời điểm này?
______________________
______________________
Xác định mục đích sống
Qua những hoạt động đề ra trong những phần trước, bạn đã thấy được phần nào sở thích của mình và điều gì có thể lôi cuốn tình cảm, làm thay đổi hành động của bạn. Có một động cơ tiềm ẩn khiến bạn thực hiện các hoạt động đó theo một cách riêng. Đó là những lợi ích mà bạn theo đuổi và sẽ cảm thấy mãn nguyện nếu đạt được. Chúng hé mở về con người bạn, nhưng đó mới chỉ là một thể hiện nhỏ của bức tranh rộng lớn hơn mà bạn sẽ tiếp tục khám phá.
Con người có ước mơ và hy vọng bắt nguồn từ thực tế họ đã trải qua.
Bây giờ là thời điểm thích hợp để đào sâu vào khả năng hiện tại. Hãy chú ý những tố chất đã mang lại thành công, những niềm vui đã tạo nên cuộc sống khiến bạn hài lòng. Hãy tìm các mối liên hệ. Bạn sẽ ngạc nhiên thấy có sự liên quan giữa cuộc sống trong quá khứ và cuộc sống hiện tại. Trong quá khứ có nhiều lúc bạn cảm thấy rất hài lòng đấy chứ, còn hiện tại thì không chẳng hạn. Hãy so sánh và sẽ thấy có một mẫu lặp đi lặp lại thể hiện sự khác nhau giữa quá khứ và hiện tại. Dù sao chăng nữa, tự đánh giá bản thân là một hoạt động tốt sẽ mang lại nhiều thông tin quý giá.
Phần này có một số câu hỏi mang tính mở hơn. Bạn hãy trả lời càng nhanh càng tốt. Hãy đo thời gian, chỉ dành từ 3 đến 5 phút cho một câu hỏi. Ghi ra bất kỳ câu trả lời nào bật ra trong đầu. Chú ý đừng bị sa vào cái bẫy “những điều nên làm” nếu ngừng quá lâu ở một câu hỏi - bạn sẽ chọn cách trả lời theo sách vở chứ không còn thể hiện bản thân. Suy nghĩ và trả lời với tinh thần trung thực, nhanh chóng và chính xác. Bất kỳ ý tưởng nào xuất hiện trong đầu, dù đang nghĩ thầm “Thật kỳ cục”, bạn cũng nên ghi ra. Câu chuyện “Eureka” của nhà bác học cổ đại
Ac-si-met cho thấy ý tưởng bất ngờ có khi là ý tưởng hay nhất. Hãy cởi mở với bản thân, đừng gò bó vào khuôn phép nào.
Dưới đây là một số câu hỏi dành cho bạn:
1. Bạn yêu thích ai, điều gì, công việc gì?
_____________________
_____________________
2. Bạn tỏ ra vượt trội trong công việc và hoạt động nào?
_____________________
_____________________
3. Thời gian trôi qua thật quý giá, bạn biết điều đó và bạn muốn sử dụng thời gian để làm việc gì?
_____________________
_____________________
4. Hãy nghiên cứu kết quả những câu trả lời trên và suy nghĩ điều này: Bạn muốn theo đuổi việc gì trong suốt cuộc đời?
_____________________
_____________________
Ghi nhớ 10 mục tiêu quan trọng
Bạn hãy liệt kê 10 mục tiêu quan trọng lên một tấm thẻ giấy có kích thước 3x5cm. Giữ nó cẩn thận! Sau này bạn phải dò lại thường xuyên để đánh dấu mục tiêu nào đã hoàn thành.
Để thực hiện mục đích sống, bạn phải biết cụ thể cần làm những gì.
Khi bạn đã xác định mục đích sống, trí óc bạn sẽ ngay lập tức tạo ra vô số ý tưởng để thực hiện.
Trí não con người làm việc liên tục, và thường xuyên chịu thử thách. Những thất bại sẽ khiến con người dễ chán nản. Tập trung không đúng vào điều bạn muốn tức là không cho trí óc những món ăn thích hợp. Có một câu ngạn ngữ hay: “Nếu bạn không biết mình đang đi đâu thì đi theo con đường nào cũng như nhau”. Bạn có thể chọn phải con đường đầy chông gai khi không biết mục tiêu và hãy nhớ, có những con đường bạn hoàn toàn nên tránh xa.
Tuy nhiên, biết được mục đích sống không phải là tất cả. bạn cần xác định mình phải làm những gì tiếp theo. Trí óc bạn sẽ ngay lập tức tạo ra nhiều cách thức thực hiện. Bạn sẽ rất bận rộn nhưng không gì vui bằng cảm giác khám phá ra mục đích và thử nghiệm nhiều cách để hoàn thành chúng.
Hãy ghi những mục tiêu quan trọng lên một tấm thẻ 3x5cm. Cần ghi thật ngắn gọn, rõ ràng. Chỉ nên dùng một tấm thẻ giấy thật nhỏ, cỡ 3x5cm là đủ để bạn mang theo bất cứ lúc nào.
Hằng ngày nhớ xem lại tấm thẻ. Bạn có thể mang nó theo bên mình hoặc gắn nó ở chỗ thường nhìn thấy, ví dụ: dán nó lên tấm gương. Xem lại mục tiêu thường xuyên tức là bạn đang luyện tập cho trí óc nhận diện những cơ hội. Dần dần những mục tiêu đó trở thành một phản xạ tự động. Chúng trở thành một phần tự nhiên của bạn, giống như việc thức dậy mỗi buổi sáng.
Mục tiêu rõ ràng là chia khóa dẫn đến sự thành công
Không cần định giới hạn thời gian để đạt mục tiêu. Chỉ cần xem lại mỗi ngày. Bạn sẽ ngạc nhiên về sự tiến bộ của mình.
Một điều cuối cùng, đừng ép buộc bản thân phải tìm cách thực hiện tối ưu. Bất kỳ cách nào cũng đều tốt. Điều then chốt cần nhớ là: Bạn đang ở đâu, và bạn muốn đến đâu. Việc còn lại sau đó là hãy để cho cuộc sống dẫn dắt bạn một cách tự nhiên. Bạn chỉ việc thưởng thức chuyến đi đó!
Sau đây là một số bước hướng dẫn bạn cách ghi lại các mục tiêu:
1. Xác định 10 mục tiêu bạn muốn đạt được.
2. Ghi các mục tiêu đó lên một tấm thẻ giấy kích thước 3x5 cm. Nhớ giữ tấm thẻ đó ở nơi bạn dễ nhìn thấy.
3. Hàng ngày đọc lại tấm thẻ để giữ cho trí óc luôn tập trung vào những cơ hội đang đến với bạn mỗi ngày.
Hãy để óc sáng tạo dẫn dắt và hãy thưởng thức chuyến đi này.
Phấn đấu hết mình
Ở đây không có câu hỏi hay hoạt động nào, nhưng tôi muốn bạn ghi nhớ một ý rất quan trọng: Khi tham gia bất kỳ hoạt động nào, bạn nên tham gia hết mình, hết khả năng.
Chất lượng công việc quyết định tài năng, số lượng chỉ là thứ yếu. Một người sẽ không bao giờ thông thạo kỹ năng ở mức cao nếu họ chưa cố gắng ở mức thấp. Trong trường học, học giỏi ở một lớp tức là đã chuẩn bị tốt để học giỏi ở lớp tiếp theo. Kiến thức cơ bản là sự chuẩn bị cần thiết để học những khái niệm cao hơn. Ví dụ: bạn áp dụng bài học môn đại số để hiểu các định lý của môn hình học, hình học giúp bạn học tiếp môn lượng giác. Tiếp theo và không phải ngẫu nhiên, bạn sẽ học những lĩnh vực cao hơn, như môn vật lý học cao cấp.
Tất cả những bài học đều có quan hệ với nhau.
Tất cả bài học đều có quan hệ với nhau, không bao giờ có điều gì đạt được mà không dựa trên nền tảng nào. Vấn đề ở đây là biết kết hợp những điều mới với vốn kiến thức bạn đã tích lũy.
Khi bạn đã đạt mức xuất sắc, ngay lập tức bạn đã vượt qua ngưỡng tầm thường và tiến vào thế giới của các nghệ sĩ. Công việc bây giờ không còn thuần túy là công việc, mà là một tác phẩm. Một tác phẩm vô cùng sống động vì khi nhìn vào, mọi người có thể nhận ra cá tính sáng tạo của bạn.
Sự xuất sắc sẽ mở đường cho nhiều cơ hội xảy ra.
Trong mọi công việc, đặc biệt là những hoạt động có liên quan đến mục đích sống, hãy phấn đấu hết sức mình. Thật đơn giản: biết đó là điều gì, sau đó cố gắng có được nó, rồi tiếp tục ở mức độ cao hơn. tất cả đều có thể đạt được bằng sự phấn đấu đạt mức xuất sắc. Ngay khi có cảm giác đầu tiên của sự xuất sắc, bạn đã trở thành một nghệ sĩ. Đối với nghệ sĩ, không có gì là không thể đạt được.
Bạn có thể làm được nhiều thứ khi phấn đấu hết mình.
Phân bổ thời gian
Bạn cần phải loại bỏ những công việc không còn cần thiết trong cuộc sống và thay chúng bằng những việc thích hợp hơn.
Rào cản lớn nhất trên chuyến đi không phải là nỗi sợ thất bại, áp lực hay sự đảo lộn cuộc sống. Trở ngại thường gặp nhất chính là làm sao có đủ thời gian.
Chúng ta thường có quá nhiều việc phải làm. Bài tập, những cuộc họp, công việc nhà, rồi việc làm thêm. Hơn nữa, còn phải chăm lo đến đời sống tinh thần, phải cập nhật những hiểu biết xã hội, phải quan tâm đến điểm số trong trường, v.v.
bản thân cuộc sống vốn dĩ là thế nhưng chính bạn mới là người quyết định cuộc đời bạn diễn ra như thế nào.
Làm cách nào con người có được thời gian dành cho những hoạt động hấp dẫn nằm ngoài thời gian biểu? Rất tự nhiên, họ sẽ gạt công việc này, đẩy công việc khác qua một bên để tìm thời gian cần thiết. Con người thật tham lam và rất lãng phí, dường như họ cho rằng có quá nhiều giờ trong một ngày, quá nhiều ngày trong một tuần và có quá nhiều năm trong cuộc đời. Thế là họ ôm đồm rất nhiều thứ và muốn hoàn thành tất tần tật một lúc.
Bạn có sử dụng thời gian theo kiểu ngẫu hứng không? Đừng để cuộc sống đùn đẩy cho bạn công việc phải làm. Hãy chọn và tự quyết định lấy.
Điều đó cho thấy, để xây dựng cuộc sống, bạn phải tỏ ra sáng tạo và có chọn lọc. Thế nào là có chọn lọc? Trước hết hãy xem xét cụ thể cách bạn đang sử dụng thời gian. Lập một lịch trình thể hiện được thời gian trong ngày đang trôi qua như thế nào. Lược qua một tuần, từng ngày từng ngày một, bạn sẽ thấy: Bạn mất bao nhiêu thời gian buổi sáng để chuẩn bị đi học hoặc đi làm - tắm rửa, cạo râu, đánh răng, chải tóc, trang điểm, ăn sáng? Từ nhà tới trường mất bao lâu? Khi bạn làm việc và học tập ở nhà so với ở trường, ở công ty, chỗ nào hiệu quả hơn? Chỉ có bạn mới biết điều đó. Hãy điểm qua từng ngày, từng phút, tập ý thức rằng thời gian đang dần dần trôi qua đấy, từng giây từng giây.
Sau khi khảo sát, bây giờ đến phần phải sáng tạo trong việc sử dụng thời gian. Hãy tự đặt ra những câu hỏi. Những hoạt động nào không cần thiết nữa? Những công việc nào phục vụ một nhu cầu ở một giai đoạn nào đó và bây giờ không còn cần nữa? Có những việc vẫn phải làm nhưng bạn không còn ham thích nữa, suy nghĩ xem có cách nào thay đổi không?
Lập thứ tự ưu tiên sẽ cho bạn thấy mọi điều được đơn giản đến không ngờ.
Một ngày nọ, một anh bạn vui tính của tôi đã có một câu triết lý tuyệt diệu. Hồi đó tôi gần như ngập đầu trong một đống việc. Nhiều công việc mới xuất hiện trong khi những công việc cũ vẫn còn nằm đó. Bỏ công việc cũ không được vì một số chưa hoàn thành. Tôi đem chuyện ấy hỏi anh bạn:
- Nếu không làm bây giờ thì khi nào? Nếu tôi không làm thì ai làm?
Anh ấy liền trả lời:
- Nếu không làm bây giờ thì sau này làm. Nếu anh không làm thì người khác làm.
Anh ấy đã thấy được điều hiển nhiên mà tôi không thấy. Điều anh nói thật hết sức đơn giản mà vô cùng chí lý.
Lập thứ tự ưu tiên sẽ cho bạn thấy mọi điều được đơn giản đến không ngờ. Bằng việc trút bỏ áp lực khỏi bản thân, bạn sẽ cảm thấy yêu thích công việc hơn. Cái gì không giúp ích sẽ từ từ biến mất, thậm chí bạn cũng không để ý chúng đã biến mất khi nào.
Kỹ năng quản lý thời gian là biết cách chọn việc gì để xếp vào và việc gì sẽ bị loại ra khỏi cuộc sống của bạn.
Giống như một thùng chứa đã đầy, bỏ thêm đồ vào đương nhiên một thứ gì đó sẽ tràn ra ngoài. Kỹ năng quản lý thời gian là biết cách chọn việc gì để xếp vào và việc gì sẽ bị loại ra khỏi cuộc sống của bạn. Bỏ đi việc không quan trọng để dành thời gian cho những việc quan trọng hơn – theo đuổi mục đích sống.
Bạn thử làm theo những câu hỏi hướng dẫn dưới đây:
1. Trên một tờ giấy, hãy ghi lại chi tiết lộ trình hoạt động trong một tuần của bạn.
____________________
____________________
2. Xem lại lộ trình trên và chọn ra 3 hoạt động bạn thấy có thể dễ dàng loại bỏ.
____________________
____________________
3. Hãy quyết định và ghi ra cụ thể bạn sẽ sử dụng thời gian trống có được vào việc gì?
____________________
____________________
Sử dụng thời gian
Khi có thời gian trống, bạn thường làm gì? Tôi nói thời gian “trống” với ý chỉ những lúc ta không biết dùng thời gian vào việc gì cho tốt. Ở đây tôi sẽ bàn về cách lấp những khoảng trống đó bằng những hoạt động có ý nghĩa.
Phải linh động và uyển chuyển để tạo cho cuộc sống nhiều điều mới mẻ.
Ở phần trước, trong khi lập lịch trình để quan sát cách sử dụng thời gian, bạn đã thấy cuộc sống vô cùng bận rộn và hối hả. Bận rộn như thế làm sao chúng ta có thể lập kế hoạch, tính toán và thưởng thức bằng một thời gian biểu cứng nhắc! Phải linh động và uyển chuyển để tạo cho cuộc sống nhiều điều mới mẻ.
Thời đi học, thầy cô giáo là người phân công hoạt động cho sinh viên trong lớp. Nhưng thường xuyên sẽ có những khoảng thời gian “chết” ở trường hoặc sau giờ học. Chúng ta có thể sử dụng chúng để làm điều gì đó có ích.
Thời gian di chuyển là một trong những khoảng thời gian “chết” dài nhất hay gặp. Đã bao giờ bạn mắc kẹt trong một vụ kẹt xe kéo dài nhiều giờ liền chưa? Bạn có tỏ ra bực bội, cáu gắt như những người khác không? Mỗi lần bị kẹt xe như thế, tôi thường mở radio nghe, hoặc ghi lại những ý tưởng thú vị, ngẫu hứng, hoặc nhẩm lời một bài hát quen thuộc. Tôi luôn có một hoạt động nào đó để giữ tâm trạng cân bằng cho đến khi nạn kẹt xe chấm dứt.
Hãy luôn mang theo bạn những cơ hội thay vì để gặp chuyện rồi mới đi tìm.
Bạn có thể làm gì trong thời gian “chết”? Hãy mang theo bạn những cơ hội thay vì để gặp chuyện rồi mới đi tìm. Chúng ta phải sử dụng thời gian một cách khôn ngoan. Ví dụ khi đang bị kẹt trong một đám đông, hiển nhiên đó không phải lúc lấy nhạc cụ ra chơi hoặc lộn ngược đầu tập trồng cây chuối. Hoàn toàn có thể chọn một việc để làm mà không làm kinh động đến mọi người xung quanh. Nếu không nghĩ ra việc gì thì cứ lấy một tờ giấy, một cây viết và ghi chú những công việc phải làm để đạt mục tiêu đặt ra.
Hãy luôn luôn mang theo bên mình một việc gì có liên quan đến mục tiêu của bạn để làm trong thời gian rảnh.
Hãy luôn luôn mang theo bên mình một việc gì có liên quan đến mục tiêu của bạn để làm trong thời gian rảnh. Bất kỳ việc gì. Ví dụ bạn có một danh sách 10 mục tiêu cần đạt, hãy mang nó theo để khi rảnh lấy ra xem và chỉnh sửa lại. Hãy tưởng tượng trong khi mọi người xung quanh đang ca cẩm, phàn nàn và tự làm khổ mình, bạn vẫn tiếp tục tiến bước về phía mục tiêu và giúp thời gian trôi qua nhanh hơn.
Tôi chưa bao giờ đi đâu mà không đem theo tập bản thảo để tiếp tục biên tập. Nhờ thế, tôi không bao giờ càu nhàu và thở dài bực bội khi phải chờ đợi. Cuối cùng tôi cũng đến nơi phải đến và bắt đầu lại công việc trước đó. Luôn luôn, thay vì phải chờ đợi để quay lại làm việc tiếp, tôi mang theo công việc bên mình.
Cuộc sống là một chuyến hành trình với những mục tiêu đã được bạn hoạch định trước.
Thời gian chính là một tài sản quý giá nhất nên bạn không được lãng phí. Hãy ở tư thế sẵn sàng. Luôn luôn mang theo những hoạt động để tiến gần hơn đến mục tiêu.
Câu hỏi dành cho bạn:
1. Hãy nghĩ xem hoạt động nào giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu mà bạn lại có thể mang theo bên mình?
______________________
______________________
2. Bạn cần dụng cụ gì cho công việc bạn mang theo?
______________________
______________________
3. Bạn cất những dụng cụ đó chỗ nào để khi cần có thể dễ dàng lấy ra?
______________________
______________________
Biết yêu quý bản thân
Tôi đã từng phải trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn trong sự nghiệp của mình. Sau này mỗi khi nhìn lại, tôi thấy tất cả là do chính bản thân tôi tự tạo ra những khó khăn ấy. Năm đó, tôi được phân công giảng dạy đến sáu ngày một tuần, trong khi vẫn đang phụ trách một lớp học. Lúc đầu mọi việc cũng khá trôi chảy. Cảm giác bận rộn làm tôi thấy vui. Nhưng một thời gian sau, tôi cảm thấy vô cùng căng thẳng. Dù làm việc nhiều hơn nhưng tôi không bằng lòng với kết quả đạt được. Tôi trở nên nghiêm khắc với bản thân và bi quan với cuộc sống. Lúc đó dường như tôi đã bước vào guồng máy làm việc nên dù không hài lòng tôi cũng không thể dừng lại được.
Hãy đối xử tử tế với bản thân.
Tôi luôn phải sống trong một tâm trạng bực bội. Một ngày nọ, một việc xảy ra đã làm tôi phải suy nghĩ lại. Một em học sinh trong lớp đã vi phạm nội quy trầm trọng. Thay vì buộc cậu ấy phải ra khỏi lớp, tôi chỉ khuyên bảo vài câu rồi cho qua. Từ lâu tôi đã tự hứa phải luôn luôn tin tưởng vào học sinh của mình, tôi muốn đối xử với các em một cách công bằng và đầy tình thương. Tôi chợt nhận ra tại sao tôi không đối xử tử tế với bản thân mình như đã tử tế với em học sinh đó nhỉ?
Những người thành công và hạnh phúc nhất là những người luôn luôn hành động vì động cơ nội tại.
Tôi thường lấy hình ảnh một tài khoản ngân hàng để so sánh với tình cảm của con người. Bạn chỉ có thể rút tiền từ tài khoản ngân hàng liên tục một thời gian, sau đó nếu bạn không gởi tiền vào, bạn sẽ không thể rút tiền được nữa. Cũng như vậy, bằng cách thường xuyên nuôi dưỡng, quan tâm đến bản thân, bạn đã đầu tư vào tài khoản tình cảm. Điều này sẽ bảo đảm sự cân bằng, ổn định cho cuộc sống của bạn và tránh những sai phạm do tài khoản bị rút quá nhiều.
Bạn cần phải làm gì để đầu tư vào tài khoản tình cảm? Để làm được, bạn cần phải có động cơ nội tại. Động cơ nội tại nghĩa là sự khao khát học hỏi hoặc thực hiện điều gì vì niềm vui chứ không phải vì phần thưởng công việc đó mang lại. Bạn thực hiện công việc với tất cả sự nhiệt tình, đam mê của bạn. Bạn có biết những người thành công và hạnh phúc nhất là những người luôn luôn hành động vì động cơ nội tại? Họ sẵn sàng dành toàn bộ cuộc đời để theo đuổi mục tiêu đến cùng.
Chăm sóc bản thân là một việc KHÔNG ích kỷ chút nào.
Bạn có thể tự mình tạo ra những hoạt động bạn yêu thích. Có thể là một việc lớn như lập kế hoạch cho chuyến đi nghỉ xa hoặc đơn giản chỉ là chơi trò đố chữ trên các tờ nhật báo. Hoặc mua một cuốn tạp chí và nằm đọc thoải mái trên giường mà không bị ai quấy rầy. Bạn cũng có thể đạp xe một mình trong khu rừng yên tĩnh.
Bồi dưỡng bản thân sẽ giúp bạn có đủ sức mạnh để giúp người khác.
Quan tâm, yêu quý bản thân không phải là ích kỷ. Nghe có vẻ mâu thuẫn phải không? Nhưng đúng là như vậy đấy. Bạn đã bao giờ đi máy bay chưa? Khi máy bay sắp cất cánh, người tiếp viên sẽ hướng dẫn cách hành động trong trường hợp nguy cấp. Người lớn được dặn dò phải đeo mặt nạ thở vào đầu tiên, sau đó họ mới được quay sang giúp đỡ đứa con nhỏ. Đó mới là cách xử lý đúng. Bạn thấy chưa, nguyên tắc đó hoàn toàn có thể áp dụng cho cuộc sống thường ngày.
Những câu hỏi dành cho bạn:
1. Hãy kể ra 10 hoạt động đơn giản có thể làm cho bạn cảm thấy vui.
__________________
__________________
2. Hãy chọn 1 trong 10 hoạt động trên và thực hiện trong ngày hôm nay.
__________________
__________________
3. Hãy chọn ra ít nhất 1 hoạt động và thực hiện trong 5 ngày kế tiếp.
__________________
__________________
4. Sau khi hoàn thành 5 hoạt động đầu tiên, hãy ghi nhận những ích lợi chúng đã đem lại cho bạn.
__________________
__________________
Hãy sống trung thực
Có một triết lý rất ngắn gọn nhưng hiệu quả: Hãy làm những gì bạn nói!
Tôi để ý thấy điều này, đôi khi những lời khuyên ta đưa ra cho người khác lại phản ánh những phẩm chất mà ta đang cần phải xem lại ở mình. Nói một cách dễ hiểu là ”nói dễ, làm khó”. Người ta thường khó có thể làm đúng như những điều mình đã nói.
Hãy tỏ ra khoan dung với bản thân như bạn hay làm với người khác
Nhiều lần tôi thường tỏ ra không khoan dung với bản thân như tôi hay làm với người khác. Từ lâu tôi đã tự hứa với mình là phải tỏ ra thông cảm với học trò và luôn cho họ một cơ hội để làm lại. Tuy nhiên, tôi đã tỏ ra rất nghiêm khắc với bản thân và không dễ dàng tha thứ những lỗi tự mình gây ra. tôi đã không dành cho bản thân mình một tình thương như tôi thường làm đối với học trò.
Hãy sống đúng với những gì bạn khuyên bảo người khác và hãy tỏ ra khoan dung với bản thân. Bạn có để ý là đối với người thân hay bạn bè, bạn thường sẵn sàng tha thứ? Hãy làm như vậy với chính mình, đó là một bài học rất đáng giá đấy.
Bạn thử thực hành theo những chỉ dẫn sau:
1. bạn hãy ghi lại lời khuyên bạn đã dành cho một người nào đó.
___________________
___________________
2. Sau đó, tự hỏi mình xem bạn có đang làm đúng những gì bạn đã nói với người khác không. Đúng như thế nào?
___________________
___________________
3. Nếu đúng, hãy tự chúc mừng mình đi. Còn không thì hãy tìm xem tại sao lại xảy ra điều đó.
___________________
___________________
Một vật kỷ niệm
Hãy giữ bên mình một vật nào đó gợi cho bạn về một kỷ niệm vui.
Cuộc sống có những khoảnh khắc mang lại một niềm vui nho nhỏ khiến ta bất giác mỉm cười một mình. Chắc bạn cũng đã từng như vậy rồi chứ?
Hãy tưởng tượng một trường hợp thế này. Bạn thức dậy, cảm thấy uể oải nhưng sáng đó phải đi làm. Mở tủ bếp ra thấy món ăn hơi có mùi. Vào phòng tắm, vòi nước lặng thinh không một giọt. Đeo túi xách lên phát hiện dây đeo đã bị đứt. Một ngày mới bắt đầu thật là xui xẻo. Sau đó bạn leo lên xe đi đến nơi làm việc. Theo thói quen bạn bật radio lên. Con đường chẳng có gì đáng chú ý. Vẫn con đường đó, những tòa nhà xám, đèn giao thông nhấp nháy. Đi cạnh bạn vẫn là những người đang vội vã, một gã trai đang lắc lư nghe headphone, một phụ nữ đi chợ. Tự nhiên những người này làm bạn hơi bực mình. Đột nhiên, một cảm giác nhẹ nhàng thoáng qua, bạn thấy trong lòng vui vui nhẹ nhõm lạ. Khuôn mặt bạn dãn ra và bất giác mỉm cười. Cái gì thế nhỉ? A, thì ra đó là bài hát đang vang lên từ chiếc radio. Bài hát về một thời trong quá khứ, một khoảng thời gian thật là tươi đẹp. Đúng rồi, trí nhớ bạn trong khoảnh khắc đã quay lại những tình cảm trong sáng. Bạn không thể quay ngược thời gian trở lại quá khứ nhưng bạn có thể quay lại những tình cảm tươi đẹp lúc đó.
Trí nhớ của con người có tính khắc họa rất cao. Chúng ta có xu hướng nhớ lại quá khứ đẹp y như trước đây bằng cách loại bỏ những chi tiết tiêu cực. Điều ngược lại cũng hay xảy ra, người hối lỗi thường loại những tình cảm tích cực để chỉ nhớ lại những nỗi đau buồn. Điều đó giúp họ không lặp lại lỗi lầm nữa.
Hãy tạo một vật gợi nhớ với một người rất thân với bạn.
Hãy lắng nghe tâm sự của một người về một kỷ vật gắn bó với cô:
Khi lên năm tuổi tôi bị bệnh suyễn. Chị Hai đã tới thăm và cho tôi một con voi đồ chơi màu hồng. Tôi rất thích và đã chơi với nó rất lâu, lúc nào cũng cầm bên mình, đến nỗi một tai của con voi đã bị sứt ra. Sau đó một năm nhà tôi bị lụt. Con voi đồ chơi bị mất nhưng tôi tìm lại được cái tai sứt. Bây giờ mỗi lần nhìn cái tai tôi lại nhớ đến chị Hai. Chị rất thương tôi. Điều đó làm tôi cảm thấy vui và quên đi những chuyện buồn trong ngày.
Li, C., sinh viên năm nhất
Một cách hay để tìm lại niềm vui là hãy đặt một vật gì đó giúp gợi lại những tình cảm tốt đẹp. Mùa xuân vừa rồi tôi có tham gia một khóa học nâng cao năng lực tinh thần gọi là “Những cuộc phiêu lưu bằng niềm tin”. Mỗi tuần, mỗi học viên được phát một dải băng màu khác nhau tượng trưng cho sáu chủ đề. Tôi tham gia rất chăm chỉ và học được nhiều điều hay. Kết thúc khóa học, tôi thấy tinh thần rất sảng khoái và hăng hái. Mỗi tuần trôi qua mang lại một niềm tự tin mới.
Tinh thần đó truyền vào những hoạt động khác một cách tự nhiên. Những bài viết của tôi tốt hơn. Bài giảng của tôi đạt kết quả đáng khích lệ. Chuyện gia đình trở nên dễ đồng cảm hơn. Vậy thì tôi phải làm gì để duy trì tinh thần này chứ!
Bạn không thể quay lại quá khứ, nhưng bạn có thể sống lại tình cảm trong quá khứ.
Tôi quyết định phải tạo một vật kỷ niệm. Mỗi tuần tôi lấy một dải băng và cột nó vào chìa khóa xe. Sau 6 tuần tôi đã có một vật trang trí nhiều màu giúp thư giãn khi tôi đi lại trên đường. Mỗi lần nhìn nó, tôi gặp lại cảm giác tuyệt vời đã trải qua trong lớp học.
Vật trang trí đó đã mang lại cho tôi một tình cảm tích cực suốt ba tháng sau khóa học. Tới tận hôm nay tôi vẫn còn giữ những dải băng nhiều màu đó. Mặc dù đã lâu tôi không còn để ý chúng nữa, nhưng mỗi lần vô tình nhìn lại tôi vẫn nhớ về khóa học tuyệt vời đó.
Vật gợi nhớ nên đơn giản, liên quan đến cá nhân và chứa nhiều tình cảm.
Vật gợi nhớ có thể giúp tìm lại những cảm xúc rất xa trong quá khứ. Đó có thể là một cánh hoa khô trong ngày đầu tiên làm mẹ, một vé xem bóng đá khi còn nhỏ, hoặc là một mảnh chăn nhỏ bạn đã đắp khi tới chơi nhà ông bà. Vật gợi nhớ nên đơn giản, liên quan đến cá nhân và chứa nhiều tình cảm.
Khi vật gợi nhớ trở nên nhàm, không còn sức mạnh khơi gợi nữa, bạn hãy cất nó đi. Tuy nhiên, đừng vứt bỏ mà chỉ cất tạm thôi. Ở đó nó sẽ dần dần lấy lại sức sống và lại có thể giúp bạn vào một ngày nào đó. Con tim bạn ít khi nào quên hẳn điều gì. Hãy ghi nhớ, điều gì đã đem lại cho bạn niềm vui sẽ quay lại lần nữa đấy.
Bạn hãy thử làm theo những chỉ dẫn sau:
1. Nhớ lại một kỷ niệm yêu thích, hoặc một khoảng thời gian yêu thích.
_____________________
_____________________
2. Hãy tìm một vật nào đó có thể gợi lại kỷ niệm ấy.
_____________________
_____________________
3. Chọn một nơi đặt vật gợi nhớ để bạn có thể thấy nó thường xuyên.
_____________________
_____________________
4. Hãy sử dụng vật gợi nhớ và thử xem nó giúp ích gì cho bạn nhé.
_____________________
_____________________
Gieo trồng hạt mầm may mắn
Bạn hãy lấy một tấm thẻ giấy, viết dòng chữ này lên: “Đây là thẻ may mắn. Hãy đem nó theo và đợi xem điều kỳ diệu xảy đến với bạn”. Sau đó bạn cài vào đó một đồng bạc và tặng nó cho một người mà bạn quý mến.
Những điều tốt lành đến với chúng ta mỗi ngày.
Tặng cho ai đó một món quà, dù nhỏ nhặt, đã thể hiện bạn là người sâu sắc và rộng lượng. Hành động đó còn giúp bạn củng cố lòng tin về bản thân mình như là một người tử tế và chu đáo với mọi người. Càng tạo được hình ảnh tốt, càng có cơ hội thành công. Đơn giản bởi vì mọi người thích bạn. Người ta sẽ nhớ đến một con người tử tế khi có cơ hội mới. Quan trọng nhất, bạn là người hạnh phúc và sẽ cảm thấy thoải mái khi nghĩ về điều đó.
Khi chúng ta quen với việc cho đi nghĩa là chúng ta luôn ở tư thế sẵn sàng đón nhận.
Thật kỳ diệu! Một hành động đơn giản vậy thôi cũng đem lại rất nhiều cho một người. Người nhận cảm thấy vui và biết ơn bạn vì điều đó. Đương nhiên tấm thẻ không có sức mạnh gì bí mật. Theo tôi không bao giờ có việc gì xảy ra mà lại không có nguyên do. Mọi việc đều có logic. Những điều tốt lành đến với chúng ta hàng ngày, tất cả đều có lý của nó. Điều quan trọng ở đây là chúng ta nhận ra và hưởng ứng điều đó.
Đồng bạc là một vật rất ý nghĩa bởi vì người ta thường kết hợp tiền với tài sản – cho dù đồng bạc chỉ là một đồng xu có giá trị rất nhỏ. Cho đi một đồng bạc nghĩa là bạn đã chia sẻ sự giàu có. Một đồng bạc thực là quá nhỏ so với tài sản vô tận của thế giới, nhưng điều đó không quan trọng. Khi chúng ta quen với việc cho đi nghĩa là chúng ta luôn ở tư thế sẵn sàng đón nhận. Một tấm thẻ và một đồng bạc đã đem lại rất nhiều là như vậy đó.
Những câu hỏi dành cho bạn:
1. Khi chia sẻ một vận may nào đó của bạn với mọi người, bạn cảm thấy thế nào?
__________________
__________________
2. Bạn muốn tiếp tục cảm giác đó hay là muốn thay đổi?
__________________
__________________
3. Phản ứng của người đã nhận sự chia sẻ của bạn như thế nào, ngay lúc đó và trong thời gian sau này?
__________________
__________________