T
ôi biết cu Nam (cách tôi vẫn thường gọi Nhật Nam một cách thân mật) từ khá lâu, bắt đầu từ khi cu cậu làm chương trình Chúc bé ngủ ngon. Lúc ấy, tôi chưa có ấn tượng nhiều về Nam, chỉ biết đó là một cậu nhóc già đời, có cái giọng ngồ ngộ và rất dễ thương. Chỉ vậy thôi. Tôi thật sự thân thiết và yêu mến Nam kể từ khi tôi mời cậu đến nói chuyện với sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ nơi tôi giảng dạy. Hôm ấy cu cậu mặc quần sooc, tay cầm quả bóng, tung tẩy bước vào giảng đường. Và trước hàng trăm anh chị sinh viên, cu cậu thao thao nói về phương pháp học tiếng Anh, về tầm quan trọng của việc đọc sách, về cách lên kế hoạch, về cách tư duy... Cả giảng đường đi từ thú vị đến ngạc nhiên và khâm phục. Tình bạn hai bác cháu bắt đầu từ đó.
Chơi với cậu nhóc rồi, tôi mới thấy Nam thông minh nhưng đáng yêu và hồn nhiên hết sức. Khác hẳn với những gì người ta thường nghĩ về Nam.
Và tôi mê cu cậu. Mê thơ mê văn của cu cậu, một cách không cưỡng lại được.
Khi Nam ra tập thơ Đường xa con hát, tôi coi đó là cuốn sách “gối đầu giường” của mình. Cứ trước khi đi ngủ tôi lại mang ra đọc, lẩm nhẩm đến thuộc lòng. Và khi giảng dạy ở bất kì lớp học nào, tôi cũng có mục đọc thơ cu Nam. Tôi mong muốn sinh viên của mình biết sống sâu sắc, nhân văn và có tâm hồn như cu cậu.
Nhưng tôi cũng “ghét” thơ Nam. Có lần tôi comment dưới bài thơ của Nam là: Nam “ác” quá, cứ làm bác khóc mỗi khi đọc thơ con. Có nhiều bài, tôi chỉ đọc được đến nửa chừng vì nước mắt ướt cả màn hình. Những rung động sâu xa từ những con chữ giản dị khiến tôi nghĩ, bất cứ người đọc nào cũng xúc động rưng rưng.
1. Thơ Nam là những câu chuyện giản dị và rất đỗi thân thương về bố mẹ: Nam du học xa nhà, nỗi nhớ thương bố mẹ được cất lên thành những vần thơ. Mà bố Thảo và mẹ Điệp thì tỉ mỉ lắm, khéo léo lắm, biết cách coi Nam như bạn nên Nam dễ dàng bộc bạch tình cảm của mình. Nam viết về bố với tất cả lòng biết ơn, yêu kính trân trọng. Đôi lúc có chút trách lẫy dịu dàng như trong Những điều con không thích bố. Nhưng trách chỉ để mà yêu, để thấy nỗi nhớ da diết trong lòng. Thật tuyệt vời, một cu con 14 tuổi lại có thể viết về bố như viết về một người bạn tri âm tri kỉ. Xem chừng bố cũng có nhiều “lỗi lầm”, ví như bố là người cả lo cả nghĩ, đa đoan, mau nước mắt, rồi “ga lăng” đến bực mình... Dưới con mắt của Nam, bố luôn là chỗ dựa tinh thần tuyệt vời cho cả hai mẹ con. Tôi đoán ông bố nào khi đọc những dòng thơ Nam viết về bố cũng có chút “gato” và sau đó là xem lại chính mình, để làm bạn với con tốt hơn. Để mỗi chiều, sau giờ làm, chúng ta sẽ ít thấy những ông bố sà vào quán nhậu. Để có nhiều thêm những ông bố biết chăm chút cho đời sống tinh thần của con, cho con vui chơi, cho con mở mang hiểu biết và tích lũy kĩ năng sống, rèn cho con đường ăn nhẽ ở từng chút, từng chút... Đấy! Thơ Nam cứ “nhẹ như không” mà có sức lan tỏa trong cộng đồng như thế.
Đọc thơ Nam, tôi mới càng hiểu những đúc kết về vai trò của người bố và người mẹ trong nhận định: Mẹ như cây cỏ nhánh thấp cành gần cho các con xúm xít vây quanh, bố như cây cổ thụ, xòe tán rộng nhánh cao chở che cho những đứa con. Bởi vậy mỗi đứa con khi nghĩ về bố, luôn thấy chan chứa lòng biết ơn và yêu thương vô hạn. Bố của Nam quả đúng là người mau nước mắt. Nhiều khi đọc bài thơ mới của Nam, gọi điện cho “bác Hoa bếu” nói câu trước câu sau đã thấy giàn giụa nước mắt. Nam đáng yêu đâu có biết mình đã “vô tình gây thương nhớ” nhiều đến thế nên con cứ làm thơ về bố bằng trái tim trong sáng thánh thiện mà không kém phần sâu sắc tinh tế. Và người đọc cũng vì thế mà cứ yêu Nam, yêu cái gia đình nhỏ bé ấm áp của Nam...
Với mẹ thì khỏi nói, Nam “dành cho mẹ một vị trí đặc biệt”. Cách Nam viết thơ về mẹ cũng rất khác so với viết cho bố. Có gì đó dịu dàng, tha thiết. Có gì đó ân cần, chia sẻ. Nam thương yêu mẹ bằng trái tim của người đàn ông dung dị và sâu sắc. Trước ngày trở lại Mỹ, Nam viết thơ Dặn mẹ: Ngày mai em đi xa/ Mẹ đừng buồn mẹ nhé/ Chín tháng nhanh như mây/ Trôi lang thang ngoài ngõ... Những câu thơ cứ thế từ tâm hồn Nam tràn ra đầu ngọn bút. Quả thực đó là những lời “dặn mẹ” vì chỉ có những người con biết lo toan, thấu cảm và thương mẹ đến tận cùng mới dặn dò mẹ tỉ mỉ và chi tiết đến thế: Mẹ đừng rơi nước mắt/ Đừng khóc lúc chiều buông/ Đừng quên ngàn câu hát/ Cho thềm nhà nở hoa.
Những hình ảnh Nam chọn lọc để viết về mẹ cũng đẹp, cũng trong sáng đến không ngờ. Nam ví giọng mẹ là giọt sương lăn tròn long lanh như giọt nước. Nam nhìn những dòng nước mắt mẹ tựa ánh sao trên bầu trời New York. Xúc cảm về mẹ dồi dào khiến những dòng thơ nhẹ như “ánh mặt trời, như ánh trăng đêm”. Và tôi tin, mỗi bà mẹ khi đọc thơ Nam đều tìm thấy hình ảnh mình trong đó. Và rồi ai cũng thấy mình yêu con mình thêm, yêu cuộc sống này thêm, yêu thiên chức cao quý tuyệt vời mà tạo hóa đã dành cho mình. Thơ Nam “bếu” tuyệt vời ở chỗ đó.
2. Thơ Nam là góc nhìn đa chiều sâu sắc về cuộc đời.
Thơ Nam viết những gì con cảm nhận về cuộc sống sâu sắc đến không ngờ. Hãy đọc những bài thơ con viết về vụ khủng bố ở Paris, về em bé tị nạn Syria... sẽ thấy rõ điều này. Từng vần thơ chất chứa niềm cảm thông, đau xót, sự sẻ chia đến tận cùng. Có những câu thơ đầy ám ảnh: Em nằm xuống chôn hận thù chôn chua xót/ Nước Pháp ôm em liệm khúc ru tình/ Thôi tim nhé xin ngàn lần tha thứ/ Vì em là một phần của nước Pháp hào hoa. Những ngày Nam viết bài thơ ấy cũng là lúc Paris “đang cuộn trào máu và nước mắt”. Nam thẫn thờ buồn, con thay avatar liên tục hình lá cờ nước Pháp. Con buồn đến mức không muốn nhắn tin cho bố mẹ, điều ít thấy ở Nam. Và cứ thế bài thơ ra đời. Nam khắc họa hình ảnh Paris trong trận khủng bố đầy đau xót nhưng vẫn là một “nước Pháp hào hoa”, một nước Pháp biết mở rộng lòng ôm ấp những nạn nhân trong cuộc khủng bố để “liệm khúc ru tình”. Thật khó có thể hình dung những suy nghĩ chín chắn nhân văn đến vậy lại ở một cậu bé 14 tuổi!
Nam cũng biết trải lòng với những gì mà con bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày. Nhìn những ông bố bà mẹ đưa con đi thi đại học trong cái nắng cháy da, Nam “nhập vai” để hiểu, cảm thông và chia sẻ. Rồi con trăn trở day dứt: “Thương biết bao giọt nước mắt những người cha/ Và xót xa giọt mồ hôi những mẹ quê lam lũ/ Tìm ra lối đi nào cho cuộc đời thôi vần vũ/ Hay cứ phải cược ‘số phận’ mình... trong những cuộc thi?”.
Nam dành không ít những vần thơ để viết về những người thân yêu quanh mình. Con viết về Kiệt, “cậu bé dị nhân” mà Nam yêu thương như em trai. Và cả về tôi, bác Hoa Bếu của con: “... Trong tâm hồn như có giọt sương tan/ Bác hay mủi lòng, hay rơi nước mắt/ Gặp những cảnh đời khó khăn lòng hay the thắt/ Bác Hoa ‘cồng kềnh’ mà run rẩy quá đi thôi”. Khi đọc bài thơ này, bạn bè thân thiết của tôi đều nói: Thơ Nam miêu tả quá chính xác và chân thực về hình dáng và tính tình của bác Hoa. Cái tài của Nam là thế, chỉ bằng vài dòng thơ mộc mạc con đã có thể dựng lại chân dung những người mình yêu thương một cách thật kì tài. Bởi con viết bằng trái tim và từ trái tim con yêu thương tha thiết...
Tôi viết những lời giới thiệu cho tập thơ của “cu Nam” bằng cảm xúc, bằng tình cảm của một người bác, một người bạn vong niên. Với tôi, “cu Nam” thật đặc biệt bởi trí thông minh cảm xúc tuyệt vời. Nguồn trí tuệ xúc cảm ấy lại được bố Thảo, mẹ Điệp dày công nuôi dưỡng vun đắp. Và thơ Nam chỉ là sự kết tinh của quá trình nuôi dưỡng tràn đầy lòng từ ái đó mà thôi.
Để tạo nên những viên ngọc trai lấp lánh, mỗi con trai đều mang trong mình một vết cứa. Mặc đau đớn, loài trai luôn biết tự tiết ra một loại chất đặc biệt bọc lấy chỗ vết thương và lâu dần tạo thành viên ngọc quý. Từ sự hoài thai của viên ngọc trai, tôi chợt nghĩ về quá trình trưởng thành của Nam. Cũng có nhiều khó khăn, sóng gió, nhưng bằng nghị lực, bằng niềm yêu thương, chở che và nâng đỡ vô bờ của bố mẹ, bằng trái tim đầy ắp niềm lạc quan, niềm vui sống, Nam đã tạo được những “viên ngọc” lấp lánh. Và tập thơ Hát cùng những vì sao là một trong những viên ngọc của chuỗi hạt yêu thương mà Nhật Nam mang đến cho đời.
Nhớ về Nam, trong tôi tràn ngập niềm yêu thương và cả khâm phục. Nam đang lan tỏa khát vọng, Nam đang truyền thông điệp yêu thương đến với các bạn cùng tuổi, đến với nhiều bậc phụ huynh và cả cộng đồng. Đừng băn khoăn sau này Nam sẽ trở thành ai. Chỉ cần trong mỗi bước đi trên hành trình của mình, Nam luôn nhắn nhủ đến mỗi người về lòng đam mê học vấn, sự giàu có của tâm hồn và niềm khao khát trưởng thành. Đó là ý nghĩa của những gì mà Nam đã và đang đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng.
Bạn cầm Hát cùng những vì sao trên tay và tôi tin bạn sẽ nghe thấy những tiếng hát như khúc nhạc hoan ca của đất trời, của lòng người cất lên tự trái tim mình!
PGS. TS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA