C
ha tôi là một người đàn ông điển trai, cao lớn, vạm vỡ. Điểm nổi bật nhất trên khuôn mặt ông là mái tóc đen nhánh và đôi mắt nâu dịu hiền. Ông là một nghệ sĩ. Từ hình dáng bên ngoài cho đến tính cách, tâm hồn ông đều nói lên điều đó. Vào những ngày nghỉ, cha tôi thường đưa anh chị em chúng tôi đi câu trên một chiếc thuyền ở giữa hồ hay trên con sông gần nhà - đó là niềm đam mê và yêu thích nhất của ông. Vào thời đó, những họa sĩ như cha tôi không thể nuôi cả gia đình chỉ bằng cây cọ của mình được, thế là ông mở một cửa tiệm bán dụng cụ thể thao ở trung tâm Manhattan. Mấy năm đầu, cửa hàng làm ăn không đến nỗi tồi, nhưng sau đó, công việc cứ trì trệ dần. Để có thể kiếm đủ tiền sinh sống, cha tôi đã bán đi những bức tranh tuyệt đẹp của mình với cái giá mà tôi biết là không tương xứng với công sức của ông một chút nào.
Lúc còn nhỏ, tôi thường ngồi hàng giờ trong căn phòng vẽ bé tí, mải mê nhìn cha vẽ. Những phút giây hạnh phúc đó đến bây giờ vẫn còn sống động trong tâm trí tôi. Tôi đã tưởng tượng bàn tay cha tạo nên phép mầu khi nhìn ông biến những viên màu thô cứng thành những bức tranh tuyệt đẹp về cuộc sống và phong cảnh yên bình. Một trong những bức tranh mà tôi thích nhất là bức tranh về vũ hội ba lê do một người bạn của cha tôi nhờ ông vẽ giúp để làm quà tặng vợ nhân kỷ niệm ngày cưới. Trong suốt nhiều năm, bức tranh đó được treo trang trọng ở phòng khách trong căn nhà tao nhã của họ ở NewYork. Mỗi khi được cùng cha đến thăm nhà họ, tôi như bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của bức tranh. Dù chưa đủ lớn để có thể hiểu được vẻ đẹp nghệ thuật, nhưng tôi cảm nhận được những cô vũ công duyên dáng trong tranh như đang thật sự di chuyển trên những bước nhảy thanh thoát. Nhưng rồi vào một ngày, gia đình người bạn của cha tôi chuyển đi nơi khác và chúng tôi cũng mất liên lạc với họ từ đó. Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng bức tranh cha tôi vẽ treo trên tường phòng khách căn nhà ấy vẫn in đậm trong tâm trí tôi.
Những tháng ngày êm đẹp nhất trong cuộc đời tôi lúc nào cũng có cha bên cạnh. Cha tôi không phải là một người giàu có nhưng cũng không đến nỗi quá túng thiếu. Đặc biệt, ông rất hào phóng với con cái. Cha không ngại ngần mua cho tôi những bộ áo đầm đẹp nhất, những cô búp bê lộng lẫy nhất khiến hết thảy bọn bạn tôi đều phải ghen tỵ, và ông cũng thường đưa tôi đi ăn kem vào những ngày hè oi bức. Khi tôi khóc nức nở vì con chó cưng bị chết, ông ôm tôi và vỗ về. Khi tôi nằm liệt giường vì bị bệnh cúm, ông ngày đêm chăm sóc tôi. Trong ngày cưới của mình, tôi cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi được có cha đi bên cạnh trong nhà thờ. Rồi cha trở thành ông ngoại kính yêu của ba đứa con tôi, David, Binnie và Tracy. Có một lần, Tracy, khi đó mới ba tuổi, đã vẽ hình ông ngoại của mình. Cha tôi rất vui. Ông cất bức tranh đó vào ví vì muốn luôn mang nó theo bên mình. Ông tiên đoán: “Thằng bé này sẽ trở thành một họa sĩ thực thụ, con cứ đợi mà xem”.
Khi cha qua đời, tôi vừa bước qua tuổi ba mươi - độ tuổi không phải là quá trẻ để cần có sự bảo bọc, dạy dỗ của cha từng ngày, nhưng cũng không đủ vững vàng để có thể vượt qua nỗi đau đó. Trong suốt ba mươi năm, tôi đã quen với cuộc sống luôn có cha bên cạnh, nên khi ông ra đi, tôi cảm thấy mình trở nên thật sự cô đơn và mất phương hướng. Vào đêm chuẩn bị đưa cha vào nghĩa trang, tôi đã khóc với mẹ: “Con chưa sẵn sàng cho việc cha ra đi...”.
Tôi nhớ cha nhiều lắm! Trong cuộc đời này vẫn còn nhiều thứ mà tôi ao ước có thể chia sẻ với ông. Tôi ước gì cha có mặt bên tôi trong ngày tôi quay lại trường và trở thành một giảng viên tiếng Anh. Đó vẫn là điều ông mong muốn. Và tôi chắc ông cũng sẽ vui mừng khi biết David đã trở thành một nha sĩ, Binnie ra mắt tác phẩm văn học đầu tiên viết về trẻ em, và đặc biệt Tracy đã trở thành một họa sĩ thành công đúng như lời ông ngoại đã tiên đoán.
Mọi người trong gia đình và bạn bè luôn nói rằng cha tôi vẫn luôn dõi theo và bảo vệ tôi từ trên thiên đường, và dù đó cũng là ước mong cháy bỏng của tôi, tôi cũng phải thừa nhận là hoàn toàn tôi không cảm thấy điều đó. Cha tôi đã ở một nơi rất xa tôi... Đã nhiều năm trôi qua, tôi chưa một lần có được cảm giác về sự hiện diện của cha. Thậm chí ngay cả khi tôi lôi những cuốn album ảnh ra nghiền ngẫm lại từng tấm hình thì những gì mà cha hiện hữu trong tôi cũng chỉ là những ký ức đẹp đẽ. Tôi buồn bã hiểu rằng ông đã ra đi thật rồi.
Rồi một bi kịch khác đến với tôi. Một hôm, tôi cảm thấy đau âm ỉ ở vùng xương chậu. Cơn đau tăng lên từng ngày nên tôi phải thu xếp mọi việc để đi khám bác sĩ. Chẩn đoán ban đầu cũng như các xét nghiệm sau đó đã giáng vào tôi một đòn trí mạng, tôi bị ung thư tử cung.
Các bác sĩ phẫu thuật đã cắt bỏ phần lớn các khối u nhưng không loại bỏ hết hoàn toàn được. Họ đã thật lòng nói với tôi: “Chị sẽ phải tiến hành hóa trị trong vài tháng tới nhưng thậm chí sau đó, chúng tôi cũng không dám hứa điều gì”.
Trong hoàn cảnh bi đát như vậy, gia đình đã che chở cho tôi bằng tình yêu và sự quan tâm giúp đỡ. Barney - chồng tôi – không ngừng động viên, khích lệ: “Đừng quá lo lắng, em yêu. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua hoàn cảnh này”. Quá trình hóa trị làm tôi kiệt sức, hầu như phải luôn nằm dài trên giường. Tôi yếu đến nỗi phải cố gắng lắm mới tự mình lê được vào phòng tắm. Công việc của tôi ở trường tất nhiên phải nhờ đến một giáo viên khác dạy thay, ít nhất là cho đến hết năm học.
Mỗi lần rời bệnh viện sau khi đã được tiêm hóa chất điều trị ung thư, tôi lại tuyệt vọng và trầm cảm đến mức có ý định quyên sinh để khỏi phải chịu những cơn đau đớn thêm nữa. Trong những tháng ngày điều trị dai dẳng đó, điều mà tôi khao khát nhất là lại được một lần nằm ngủ trong vòng tay ấm áp, bình yên của cha như những ngày còn bé dại. Nhưng dù đau đớn và kiệt sức đến thế nào đi nữa, tôi vẫn sống sau giai đoạn hóa trị. Tuy vậy, tôi vẫn không thể nào chợp mắt được vào buổi tối vì lo lắng không biết liệu mình có thể thoát khỏi căn bệnh ung thư quái ác này không. Vài tuần trước lễ Tạ ơn, tôi đến bệnh viện làm các xét nghiệm cần thiết để có cơ sở kết luận về bệnh trạng của mình rồi trở về nhà chờ đợi kết quả trong sự lo lắng và hồi hộp vô cùng. Hôm trước ngày có kết quả, tôi nhận được điện thoại của anh trai tôi, Robert. Robert nói với tôi trong niềm hứng khởi: “Em sẽ không thể tin chuyện gì đã xảy ra với anh hôm nay đâu!”. Khi anh ấy kết thúc câu chuyện lạ kỳ của mình cũng là lúc những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má tôi.
Vào Chủ nhật hàng tuần, Robert thường ghé đến khu chợ đồ cổ ngoài trời ở làng Greenwich để tìm thêm những cổ vật bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Anh ấy nói với tôi qua điện thoại: “Cả ngày hôm nay, lúc nào anh cũng nghĩ đến em, nhưng anh mong muốn mình có thể làm điều gì hơn thế nữa cho em”. Khi đang đi dạo trong chợ, Robert tình cờ trông thấy một bức tranh rất quen thuộc với mình. Nó quen thuộc đến nỗi dù đã hơn hai mươi lăm năm trôi qua và anh ấy thậm chí không cần phải nhìn chữ ký cũng nhận ra được ngay đó là bức tranh “Vũ hội ba lê” của cha. Anh nói với tôi: “Anh luôn nhớ là em rất thích bức tranh đó. Anh đã mua nó ngay và anh không thể nào đợi được tới khi đem nó về nhà nên liền gọi cho em”. Khi Robert chấm dứt câu chuyện, một cảm giác ấm áp tràn ngập tâm hồn tôi.
Thế là lần đầu tiên kể từ khi cha qua đời, tôi đã cảm nhận được sự hiện diện của ông, rất gần bên tôi. Tôi nghẹn ngào: “Cha ơi! Đúng là cha lúc nào cũng dõi theo con từ trên cao và bây giờ, cha đã trở về để làm một vị thần hộ mệnh che chở cho con”.
“Không thể có sự trùng hợp đến như vậy khi anh Robert tìm thấy bức tranh đó vào đúng hôm nay”, tôi lau những giọt nước mắt, hạnh phúc nói với chồng.
Ôm tôi trong vòng tay, anh ấy dịu dàng: “Cha luôn biết em cần ông đến mức nào và rồi ông đã tìm ra một cách thật đặc biệt để giúp em tin rằng ông luôn ở bên em, rằng tất cả mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp”.
“Tất nhiên là em tin, anh ạ. Căn bệnh của em rồi sẽ biến mất hoàn toàn!”
Sáng hôm sau, tôi gọi điện đến bệnh viện để nghe kết quả xét nghiệm.
“Chúng tôi không thể nào tin được. Các xét nghiệm cho thấy những khối u đã biến mất hoàn toàn!”, cô y tá như reo lên.
“Thế ạ?”, tôi đáp gọn.
“Chị không thấy ngạc nhiên ư?”
“Vị thần hộ mệnh của tôi đã cho biết trước rồi”, tôi hạnh phúc thông báo.
Giờ đây, mỗi khi ngước nhìn bức tranh tuyệt đẹp của cha, tôi biết mình yêu ông đến nhường nào. Kể từ khi cha qua đời, lúc nào tôi cũng ước rằng có ông bên cạnh để chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của mình. Nhưng đến nay, tôi đã có niềm tin rằng chưa bao giờ cha rời bỏ tôi. Ông sẽ luôn bên cạnh tôi suốt những năm tháng còn lại và sẽ luôn chăm sóc, bảo vệ tôi trước bất cứ tai họa nào.