Đ
ó là một ngày đặc biệt của năm 1963, là ngày đã xảy ra một sự kiện gay go đối với tôi. Đó không phải là chuyện tôi bị những đứa trẻ trong khu phố bắt nạt, cũng không phải chuyện cô bạn hàng xóm đã từ chối đeo chiếc nhẫn rẻ tiền tôi mua tặng. Chính xác, đó là ngày xảy ra một sự kiện đã làm cho một cậu bé, một vùng tỉnh lẻ và cả một quốc gia không khỏi bàng hoàng, là bài học đầu tiên trong đời tôi về cách tìm nguồn an ủi từ chính gia đình và những người xung quanh mình. Những ký ức ít ỏi về ngày hôm ấy vẫn còn nằm trong trí nhớ của tôi. Chính nó đã giúp tôi vượt qua được những chặng đường chông gai trong cuộc sống sau này. Nếu một lúc nào đó xảy ra biến cố, tôi cũng đã có kim chỉ nam của riêng mình để có thể vượt qua.
Hôm ấy là ngày 22 tháng 11 năm 1963. Tôi nhận thấy trong mắt của mọi người xung quanh những ánh nhìn rất khó hiểu, và điều đó làm tôi rất đỗi sợ hãi. Chiều hôm đó, nhà trường cho học sinh nghỉ sớm. Tôi bước về nhà trong một thế giới khác lạ, thế giới đã mất đi sự yên bình vốn có, và một đất nước dường như đang dừng lại tại những vết xe đổ của nó. Lúc ấy, trên đài vang lên những điệu nhạc buồn thảm thay vì phát thanh chương trình “Bốn mùa và những chàng trai miền biển” như mọi hôm. Còn trên ti-vi, mặc dù đang là giờ phát sóng chương trình truyền hình vui nhộn “Tôi yêu Lucy” - một chương trình rất được ưa chuộng - thì thay vào đó, cô phát thanh viên, với nét mặt nghiêm trang, đang thông báo những tin tức cuối cùng về vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Toàn thể dân chúng, cũng như ba mẹ tôi và tôi, dường như đều rơi vào một tình cảnh chới với, tìm kiếm một điều gì đó để tựa vào.
Chiều đó, cha tôi chủ động bảo: “Sport này, con có muốn ra phố với ba không?”. Vậy là hai cha con tôi cùng dạo bước trên đường Main nằm trong thị trấn Radolph, bang Massachusetts. Thời ấy, trên con đường này là một loạt những cửa hàng giống nhau thuộc sở hữu của cùng một công ty. Thường ngày, chúng vẫn nhộn nhịp, tươi tắn là thế, vậy mà hôm đó, người ta lại khoác lên chúng cái vẻ buồn thảm với những dải ruy-băng màu đen treo trên cửa. Hai cha con tôi dừng lại vài nơi, chia sẻ vài lời với một số người. Đó là hiệu thuốc của nhà Trinque, tại đây, bạn có thể ngồi thưởng thức một lon coca dâu; đó là cửa hàng rau quả của nhà Crovo, nơi bạn có thể mua được những món rau quả tươi roi rói vừa hái từ vườn nhà; và tiệm “Năm xu và một hào” của nhà Hill, nơi mọi thứ được bán chỉ với cùng một giá tiền. Cũng tại đây, cha con tôi đã mua một thứ mà cho đến tận bây giờ, nó vẫn được tôi gìn giữ và trở thành một vật vô giá, là một nguồn sức mạnh kỳ diệu của tôi. Đó là một con chó bôc-xơ nhỏ bằng thạch cao hoàn toàn chưa được sơn phết gì cả. Cha tôi bảo rằng chúng tôi sẽ sơn nó sao cho giống với con Pepper - con chó vùng Boston yêu quý của nhà tôi.
Thế là khi về đến nhà, hai cha con tôi cùng ngồi vào bàn và bắt tay vào việc sơn màu cho con chó, trong khi trên ti-vi đang chiếu bản tin thời sự. Cùng với những hình ảnh đen trắng chập chờn thoáng qua trên màn hình ti-vi, con chó nhỏ của chúng tôi cũng dần được sơn phết những vệt màu đen trắng. Tuy nhiên, một đứa trẻ lên mười là tôi lúc ấy cũng mau chóng hiểu ra rằng: những hình ảnh trắng đen trên ti-vi phản chiếu một thế giới phức tạp; còn những vệt sơn đen trắng của chúng tôi thì phản chiếu một thế giới êm đềm với những mong ước hồn nhiên, với tình yêu thương con người, vạn vật. Gia đình chúng tôi chỉ là một tế bào của xã hội nhưng không vì thế mà chúng tôi không chia sẻ với tổ quốc nỗi buồn đau chung, dù rằng biến cố này tưởng chừng rất xa xôi. Trong niềm đau chung, chúng tôi tìm thấy được sự an ủi và thanh thản khi nhìn vào mắt nhau, vì ở đó, chúng tôi cũng nhìn thấy một trái tim chân thành như trái tim nằm ngay trong lồng ngực mình. Giữa hồi bi kịch, chúng tôi đã tìm được sự bình yên trở lại.
Thời học sinh, sinh viên, trong hành trang của tôi không bao giờ có những thứ như con chó bằng thạch cao ấy, dù là đi cắm trại, tham dự buổi dã ngoại của hướng đạo sinh hay đến nơi làm thêm vào mùa hè ở Montana. Nhưng khi trở thành một người đàn ông chín chắn, tôi đã học được nhiều điều và bắt đầu hiểu rõ giá trị của những thứ tưởng chừng như đơn giản ấy. Một ngày nọ, tình cờ, tôi tìm thấy con chó thạch cao trong một cái thùng giấy dưới tầng hầm của cha mẹ. Thời gian không phải là một người bạn tốt, con chó đã bị sứt mẻ nhiều chỗ, đã từng bị vỡ và ở những chỗ ấy, vết keo dán vẫn còn hiện rõ. Cha tôi phải là một người rất sâu sắc khi ông đã tin rằng: nó là vật luôn bền vững.
“Con hãy gìn giữ nó như một kỷ vật đã sẻ chia cùng tất cả chúng ta trong những ngày buồn đau nhất”, lời nói của ông ngày đó đã làm tôi rất đỗi ngạc nhiên, “Điều đó sẽ nhắc nhở chúng ta đứng dậy bước tiếp mỗi khi gục ngã trong cuộc đời. Và con cũng thế, con trai ạ”.
Giờ đây, khi hai cha con tôi lại cùng nhau dạo bước trên những con đường ở quê nhà, hình ảnh buồn thương của cái ngày định mệnh hôm ấy đã không còn nữa. Mặc dù một vài cửa hiệu vẫn còn ở nguyên chỗ cũ, nhưng cảnh vật đã có nhiều biến đổi. Thế nhưng, trong thâm tâm, tôi biết có những thứ không bao giờ có thể xóa nhòa. Đó là hồi ức về tình yêu thương, về mái ấm gia đình, về vùng tỉnh lẻ quê nhà – những thứ đã luôn đem lại niềm an ủi mỗi khi cuộc sống của chúng tôi rơi vào bế tắc, khó khăn.