“Sự hiểu biết có được từ những điều ta học hàng ngày. Còn sự khôn ngoan sáng suốt có được từ chính những điều mà ta cho đi mỗi ngày.”
- Zen Saying
Tôi là một cô giáo tiểu học. Nhưng cũng có những ngày như hôm nay, tôi buộc lòng phải tự hỏi tại sao tôi lại lựa chọn để trở thành một cô giáo. Hôm nay là một ngày căng thẳng. Kết quả bài kiểm tra môn Ngữ pháp của lớp tôi thấp thê thảm. Bất chấp mọi cố gắng tôi đã bỏ ra, thế giới của những đại từ vẫn là một điều “kỳ bí” đối với các học trò của tôi. Tôi ao ước có được một phương cách nào đó có thể làm cho việc học ngữ pháp trở nên dễ dàng và hứng thú với học sinh như các trò chơi trên máy tính. Lúc đó, chắc chắn những khuôn mặt thờ thẫn với những cặp mắt lờ đờ kia sẽ bừng sáng trong những tiết học của tôi. Nếu được như thế thì hay biết mấy.
Tôi đã dự định sẽ bỏ nguyên buổi trưa để nghĩ cách làm cho buổi học ngày mai trở nên hay hơn, phong phú hơn, nhưng một em học sinh đột nhiên bị ốm. Thế là tôi phải thu dọn sách vở và trông chừng em trong khi đợi mẹ em đến đón. Việc này mất nhiều thời gian hơn tôi nghĩ, đến độ tôi không còn thời gian để ăn trưa. Rồi đến vụ cãi nhau của các nam sinh trong giờ giải lao, tôi phải mất thời gian phân xử trước khi vào giờ học kế tiếp...
Vừa ra khỏi cổng trường, tôi đã cảm thấy đói cồn cào. Thêm nữa, đầu tôi cứ nhói lên từng cơn như có kim châm. Vừa lái xe, tôi vừa xoa hai thái dương đau buốt. Những lời nói của chồng tôi vẫn cứ vang lên bên tai: “Sao em không nghỉ quách cho rồi? Nếu làm việc khác em cũng vẫn có thể kiếm được tiền, thậm chí nhiều hơn, mà lại không phải lo nghĩ gì, không phải ngày nào cũng ôm một đống bài kiểm tra về nhà để rồi ngồi miệt mài chấm đến tận khuya nữa!”.
Và trưa nay, tôi đã cân nhắc về lời nói đó của anh. Tôi đang có một chồng bài kiểm tra của học sinh mang về để chấm, mà tôi đã hứa là tôi sẽ trả bài cho các em vào ngày mai. Nhưng tối nay, một người bạn cũ vừa từ Bỉ về sẽ đến thăm tôi, và hôm trước tôi đã lỡ nói với cô ấy là tôi có thể thu xếp được một buổi ăn tối cùng nhau tại nhà hàng trung tâm thành phố.
Sao dòng xe đi chậm như thế nhỉ? Lại kẹt xe! Tôi bực bội buông tay khỏi vô lăng. Mặc dù đã cố gắng lắm nhưng lần nào cũng vậy, tôi không thể nào rời khỏi trường trước giờ cao điểm. Cái thế giới nơi tôi làm việc là một thế giới toàn trẻ con, và thời gian không phải là vấn đề mà chúng quan tâm. Chúng có thể vui chơi hàng giờ, có thể nhẩn nha vừa học vừa chơi. Sau giờ dạy trên lớp, chúng tôi còn phải ở lại họp hội đồng giáo viên. Lúc nào cũng có quá nhiều vấn đề được nêu ra trong cuộc họp, rồi thì tham gia ý kiến, rồi thì thảo luận. Quá nhiều chi tiết để mà nhớ. Ngay khi tôi tưởng rằng một ngày làm việc đầy vất vả của mình đã hết thì lại có một vài em học sinh đến nhờ tôi giảng lại bài học. Khi tôi giúp các em xong, tiễn các em ra về thì cũng là lúc trong trường không còn một ai.
Ngồi trong xe giữa dòng xe cộ dài dằng dặc, kẹt cứng trong mớ âm thanh hỗn tạp và khói bụi, lại cách cột đèn giao thông cả một đoạn xa lắc, cũng khó mà khiến cho những chuyện căng thẳng đã xảy ra trong ngày không lởn vởn trong đầu. Tôi với tay bật máy lạnh, mong làn hơi mát lạnh sẽ xoa dịu được cơn nhức đầu và nỗi bực dọc trong người. Những nốt nhạc cuối của một bản nhạc quen thuộc bị dừng lại đột ngột vì bản tin thời sự nóng hổi. Cổ phiếu rớt giá. Chiến tranh lan rộng ở một số nước. Tội phạm tăng. Giọng đọc căng thẳng của cô phát thanh viên cho biết thi thể của một bé gái người địa phương - đã được chính quyền thông báo mất tích mấy ngày trước đó - nay đã được tìm thấy... Kịch, tôi với tay tắt radio... Thế giới thực tại đã xâm chiếm hết không gian của tôi.
Ngay từ những ngày đầu, khi người ta công bố sự việc trên, các em học sinh lớp năm của tôi đã tỏ ra bị ảnh hưởng sâu sắc. Sáng nào các em cũng xôn xao bàn tán về những tin tức mới nhận và cầu chúc cho cô bé được an toàn trở về.
Hành vi đó của các em không đơn thuần chỉ là sự quan tâm đối với số phận một bé gái, càng không phải là sự hiếu kỳ trước một tin tức thời sự nóng hổi mà chính là sự tự ý thức về những mối đe dọa đến từ bên ngoài ngôi nhà của các em, bên ngoài ngôi trường này. Bởi vì cô bé ấy cũng trạc tuổi các em; cũng như các em, cô bé nghĩ rằng mình đang được an toàn trên quê hương mình, bên cạnh những người thân. Các học sinh của tôi luôn lo âu: “Điều đó đã xảy đến với bạn ấy, vậy thì có thể xảy ra cho mình không?”. Mối lo nghĩ cùng nỗi sợ hãi của chúng cũng chính là của tôi. Tôi đã cố gắng tìm những lời lẽ để giải thích, an ủi và trấn an, để các em có thể yên tâm hơn về thế giới mà chúng đang sống - một thế giới đang ngày càng nhiều biến động. Tôi chỉ có thể giúp các em yên lòng một phần, vì quả thật, không một lời an ủi nào có thể xua tan được nỗi sợ hãi đang bao trùm. Vậy mà giờ đây, chuyện tồi tệ nhất đã xảy ra!
Từ khi nghe tin về bé gái bị mất tích, bằng cách thức của riêng mình, các em học sinh của tôi đã tự tìm ra giải pháp để có thể giúp vơi bớt nỗi sợ hãi và lo lắng cho bạn bè và cho chính bản thân mình. Chúng lôi ra nào bút chì, bút dạ quang và những cây màu sáp rồi bắt tay vào làm thiệp. Những tấm thiệp chứa đựng những lời lẽ tràn đầy tình yêu thương và sự cảm thông sâu sắc dành cho gia đình của người bạn gái ấy - những người mà chúng chưa từng biết đến. Những tấm thiệp nói lên lòng tin và sự hứa hẹn của hòa bình. Những tấm thiệp được tô điểm bằng những trái tim đỏ thắm, những giải nơ vàng buộc chéo, những đóa hoa xuân và bằng những đôi má ửng hồng của các thiên thần. Không một cuốn sách ngữ pháp, không một bài học lịch sử nào có thể truyền đạt cho các em những suy nghĩ, và tình cảm đẹp đẽ ấy, cũng như cách biểu đạt thông qua những cánh thiệp trong sáng, thơ ngây. Những tấm thiệp đó, được tạo ra để an ủi người khác và an ủi chính bản thân các em, bằng một cách nào đó, đã đưa các em vượt qua nỗi lo sợ để trở về với thế giới hòa bình vốn là nơi dành cho các em.
Ngồi trên xe, nhích từng mét một trong làn khói mù mịt của đoạn đường kẹt xe, tôi có dịp ngẫm nghĩ nhiều hơn về sức mạnh của trẻ thơ trong việc tìm kiếm cách thức “chỉnh đốn” lại thế giới theo cái cách hợp lý đối với chúng. Rồi tôi thấy mình mỉm cười thay cho nỗi bực tức vì cơn đau đầu, vì kẹt xe, hay vì chồng bài kiểm tra dày cộp đang nằm trong túi xách. Hôm nay, bài học ngữ pháp đã không được tiếp thu một cách nhanh chóng và không mang lại tác dụng nhiều, nhưng có điều gì đó lớn lao hơn, tốt đẹp hơn đã diễn ra trong lớp học của tôi. Tôi chỉ không nhận ra điều đó kịp lúc mà thôi.
Và rồi tôi đã hiểu. Tôi hiểu rằng tại sao tôi vẫn tiếp tục đi dạy dù đã bao lần chán nản và có ý định bỏ việc. Những lý do đó còn quan trọng hơn nhiều so với một cuộc sống với những buổi tối thoải mái yên tĩnh, và có giá trị hơn nhiều so với một cái túi lúc nào cũng đầy tiền. Thế giới của những tiếng đọc bài râm ran, của những đại từ, con số, của những giờ giải lao sôi động và của những tiết học căng thẳng chính là thế giới của tôi. Lớp học của tôi, một không gian tràn đầy ánh mắt thơ ngây của các em học sinh, tràn đầy không khí khám phá học hỏi, một không gian của tình thương và lòng quan tâm, mới chính là thế giới mà tôi thuộc về. Và tôi thấy mình thật sự may mắn vì đã và đang tồn tại trong cái thế giới ấy.
Dòng xe cuối cùng cũng giãn bớt, và tôi cũng đã qua được cột đèn giao thông, hướng về con đường rợp bóng cây với những ngôi nhà và những người hàng xóm quen thuộc. Một cảm giác vui mừng, khoan khoái dâng lên khi tôi trông thấy ngôi nhà của mình. Đã đến lúc tôi phải gọi điện thoại cho cô bạn gái xin dời cuộc hẹn đến ngày hôm sau. Tôi có những lời hứa phải thực hiện. Tôi còn phải giữ lời hứa với các em học sinh thân yêu của mình. Cô ấy sẽ hiểu thôi, vì hơn hết, cô ấy cũng là một cô giáo.