"Bất chấp tất cả, tôi vẫn tin vào lòng tốt tồn tại trong mỗi con người chúng ta."
- Anne Frank
Thuở còn là một cậu bé lên 10, khi ngồi xem ti vi cùng bố mẹ, tôi vô cùng cảm kích khi nhìn thấy hình ảnh các phóng viên, với cái máy ảnh đeo trước ngực, trên tay cầm quyển sổ và cây viết xông xáo đi vào những nơi đang xảy ra sự kiện nóng bỏng. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất với tôi là việc thỉnh thoảng thấy họ rầm rập chạy đến buồng điện thoại công cộng, quát vào ống nghe: "Nối máy cho tôi tới tòa soạn…", và sau đó tiếp tục gào lên: "Thưa tổng biên tập, cho tôi thêm một tiếng rưỡi nữa, tôi sẽ chuyển tin về. Cơ quan điều tra vừa phát hiện thêm một đầu mối hết sức quan trọng…". Những hình ảnh ấy cứ chập chờn đi vào giấc mơ hằng đêm của tôi, hình thành trong tôi một khát khao mãnh liệt: sau này, tôi sẽ trở thành một nhà báo.
Rồi giấc mơ của tôi cũng trở thành hiện thực được phần nào khi tôi thi đậu vào khoa báo chí của một trường đại học lớn ở Mỹ vào năm 20 tuổi. Bố mẹ là những người ủng hộ tôi nhiều nhất. Họ đồng ý gửi cho tôi 100 đô la mỗi tháng. Nhưng vừa nhập học chưa được bao lâu thì quê hương của tôi - một vùng đất thuộc lãnh thổ Palestine - bị sáp nhập vào lãnh thổ của Israel. Tình hình trở nên căng thẳng, những cuộc nội chiến, tranh chấp trong khu vực xảy ra ngày càng nhiều đã khiến cho mọi biện pháp chuyển tiền ra hải ngoại đều bị ngăn cấm.
Từ đó trở đi, tôi phải bắt đầu một cuộc sống tự lập vì không còn hy vọng gì vào sự viện trợ của gia đình. Tôi đã làm việc rất vất vả với công việc bán thời gian 30 tiếng một tuần tại cửa hàng Bond nằm trong quảng trường Times. Tôi còn xin làm thêm công việc kiểm soát vé và hướng dẫn chỗ ngồi trong rạp chiếu bóng Criterion nằm ngay bên dưới cửa hàng vào mỗi dịp hè. Cuộc sống trở nên tương đối dễ chịu khi tôi may mắn được nhà trường chấp nhận đơn xin giảm học phí xuống còn 100 đô la một học kỳ.
Thành tích học tập ở trường của tôi cũng không có gì đáng phàn nàn, ngoại trừ đôi chút khó khăn trong việc phải sử dụng tiếng Anh trong suốt quá trình học tập. Rồi chuyện tình cảm giữa tôi và cô bạn gái Dalia cũng đang tiến triển rất thuận lợi. Bấy nhiêu đó cũng đủ để tôi tự hào mà khoe với bố mẹ rằng: "Con đã tự đứng vững và bước đi trên chính đôi chân của mình" mỗi khi có dịp nhắn tin về cho họ. Nhưng mọi việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Vào một buổi tối mùa hè, tôi đón xe điện về nhà trong tâm trạng vui sướng với số tiền lương vừa nhận được cùng lúc từ tiệm Bond và rạp Criterion. Về đến nhà, tôi mở túi áo khoác ra định kiểm tra lại số tiền thì ôi thôi, chiếc ví đã không cánh mà bay. Tôi nghĩ ngay đến việc kẻ xấu, lợi dụng bóng tối trong rạp chiếu phim hay sự chật chội trong toa xe điện ngầm, đã nhanh tay móc trộm chiếc ví. Tôi nằm vật xuống giường, hai tay ôm lấy đầu vừa lo lắng vừa oán giận: "Ôi! Thế là bao công sức trong suốt một tháng trời vất vả đã đổ sông đổ biển. Những ngày sắp tới biết lấy gì để sống đây? Thật khốn nạn! Tại sao bọn chúng lại ra tay với một thằng sinh viên nghèo như mình cơ chứ?".
Trước khi xảy ra sự việc rủi ro trên, trong mắt tôi, thế giới này không hẳn chỉ toàn người xấu. Tôi đã gặp được rất nhiều người tử tế: ở tiệm Bond, các bác, các cô, các chị lúc nào cũng xem tôi như một đứa cháu trai nhỏ của họ vậy; ở trường đại học, người phụ trách văn phòng quản lý sinh viên đã tận tình giúp đỡ tôi làm thủ tục xin xét giảm học phí… Vậy mà giờ đây, tôi lại trở thành nạn nhân của một hành vi tội lỗi. Lúc này, dường như lòng tin vào con người trong tôi đã sụp đổ hoàn toàn.
Ngày hôm sau, tôi thức dậy trong tình trạng đầu nhức như búa bổ, cổ họng thì đắng ngắt, lại bị sốt gần 39 độ. Trong trạng thái mê man, tôi vẫn lo sợ nếu không đi làm được thì sẽ không thể có tiền chi tiêu cho những ngày sắp tới. Nhưng nếu tôi cố đi làm thì bệnh sẽ chỉ càng nặng thêm mà thôi, lúc đó có kiếm được bao nhiêu tiền cũng không đủ mua thuốc. Nghĩ vậy nên tôi đã xin phép nghỉ vài hôm để tịnh dưỡng. Không ngờ, cơn sốt cứ tái đi tái lại suốt hai tuần liền. Tiền không có, lại cô đơn một mình nơi đất khách quê người, tình cảnh ấy đã khiến tôi nhiều đêm nằm khóc tức tưởi như một đứa trẻ. Nhưng may mắn thay, bên cạnh tôi vẫn còn có Dalia, cô ấy đã không bỏ rơi tôi trong thời điểm khó khăn, khắc nghiệt nhất. Sự chăm sóc tận tình của cô ấy đã làm cho lòng tôi ấm lại và tôi dần hồi phục.
Quay lại nơi làm việc sau một thời gian nghỉ ốm quá lâu, tôi cảm thấy rất lo lắng, không biết nơi này có còn chỗ cho tôi nữa hay không. Đẩy cánh cửa xoay, tôi lầm lũi bước vào tiệm Bond mà không dám ngước nhìn xung quanh. Suýt chút nữa là tôi ngã lăn ra sàn nhà vì va phải ông Kissin - người quản lý cửa tiệm. Ông khẽ đỡ tôi dậy và nói, giọng lộ vẻ vui mừng:
- Kìa, con trai. Rất vui được gặp lại con!
Chiếc thang cuốn đưa tôi lên tầng trên và điều đầu tiên tôi nhìn thấy là nụ cười trìu mến của bà Menscher - chủ tiệm.
- Cháu ngồi xuống đi, nghỉ ngơi một chút. Trông cháu tiều tụy quá…
Rồi chỉ trong chốc lát, tất cả mọi người đều đã tề tựu quanh tôi: cô Romano, người quản lý bộ phận bán hàng; ông Price, phụ trách cửa hàng trang phục nam; còn có cả ông Cooper ở tận cửa hàng bán đồ lưu niệm nằm cuối dãy.
Bà Menscher đưa cho tôi một phong thư:
- Cái này là của mọi người gửi cháu. Cháu cứ mở ra đi.
Tôi hồi hộp mở ra và hết sức ngạc nhiên khi thấy bên trong toàn là tiền.
Bà Menscher giải thích:
- Số tiền 100 đô la này là món quà mọi người dành tặng cháu. Cháu nhận đi cho mọi người vui.
Mắt tôi nhòa đi. Tôi chẳng còn biết nói gì hơn ngoài việc cứ lặp đi lặp lại:
- Cảm ơn, cháu cảm ơn các cô, các chú rất nhiều. Cháu sẽ không bao giờ quên tất cả những gì mà mọi người đã dành cho cháu.
Thời gian trôi qua, vậy mà đã gần 50 năm kể từ ngày đó. Tôi và Dalia giờ đây đã trở thành một cặp vợ chồng già với ba đứa con và năm đứa cháu nhỏ. Tôi đã thực hiện được ước mơ của mình một cách trọn vẹn khi trở thành một nhà báo có tiếng tăm, làm việc cho một tòa báo lớn của thành phố nơi tôi sinh sống.
Mỗi giai đoạn thăng trầm trong cuộc đời đều có một ảnh hưởng nhất định và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong tôi. Trên quê hương Palestine của tôi, dù mấy chục năm đã trôi qua, nhưng xung đột, chiến tranh và chết chóc vẫn không ngừng tiếp diễn. Và không chỉ vậy, loài người vẫn tiếp tục gây ra tội ác ở mọi nơi trên khắp hành tinh này. Song, giữa sự thật đau buồn đó, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn ký ức tươi đẹp, trong trẻo về những tháng năm xưa tại cửa tiệm Bond trên quảng trường Times thuộc thành phố New York, nước Mỹ. Dù cửa hàng Bond nay đã không còn, những người từng làm việc ở đấy cũng đều đã già, một số người đã xa rời trần thế, nhưng bài học lớn về lòng tốt và sự quan tâm dành cho người khác trong lúc khó khăn, hoạn nạn mà tôi học được từ họ thì mãi mãi ở lại.
- Đan Châu dịch
Theo Miracle on Times Square