Tôi của hôm nay không còn sợ thất bại, cũng không đặt nặng thành công mà chỉ biết nỗ lực hết sức cho công việc, đón nhận thành quả từ nó và tiếp tục tiến bước.
Tiếng của người dẫn chương trình vang lên: "Và người đoạt giải là…". Tôi hân hoan bước lên sân khấu trong tiếng vỗ tay vang lên rộn rã và hàng trăm tiếng hò reo, tán thưởng của mọi người. Vâng, họ đang chúc mừng cho thành công của tôi - giải thưởng Emmy dành cho chương trình thiếu nhi xuất sắc nhất "Em bé Muppet của Jim Henson" do tôi viết kịch bản và dàn dựng.
Giây phút đáng tự hào này nếu được đem ra so sánh với những khoảng thời gian tồi tệ trước đây thì giá trị của nó như được nhân lên rất nhiều lần. Đã có lúc sự tuyệt vọng khiến tôi nghĩ rằng vinh quang sẽ không bao giờ còn đến với mình nữa, mọi thứ đều đổ vỡ và tôi đang rơi xuống vực sâu thăm thẳm.
Ngày ấy, những sinh viên năm cuối của khoa kịch nghệ trường Đại học San Diego như tôi buộc phải tham gia một cuộc thi do nhà trường tổ chức. Mỗi sinh viên phải tự đạo diễn và dàn dựng một vở kịch. Đối với chúng tôi, đây là một cơ hội tốt và nếu thành công thì sẽ rất đáng tự hào. Bạn biết không, từ lâu tôi đã muốn mình nổi tiếng như Woody Allen, cũng sẽ tự tay viết kịch bản và đạo diễn một vở kịch, thì cớ gì tôi không nhân cơ hội này mà bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra không như mong muốn bởi nhà trường đã không cho phép sinh viên sử dụng kịch bản do chính mình sáng tác. Thật là một quy định hết sức vô lý và tất nhiên tôi đã kịch liệt phản đối nhưng vô hiệu.
Với quyết tâm hoàn thành mơ ước của mình, tôi đã làm việc rất nghiêm túc và miệt mài với một dàn diễn viên được tuyển chọn rất kỹ lưỡng, có tinh thần làm việc hăng say với niềm tin vào kết quả tốt nhất. Chỉ còn một buổi tổng duyệt nữa là chúng tôi sẽ chính thức đưa vở hài kịch lên sân khấu. Đây sẽ là cơ hội duy nhất và cuối cùng để chúng tôi hoàn thiện vở diễn với việc bổ sung các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, đạo cụ và phục trang cần thiết. Để có sự chuẩn bị tốt nhất, tôi đã nhờ đến cả sự giúp đỡ từ đội ngũ chuyên viên của trường đại học kỹ thuật. Và họ chính là những khán giả đầu tiên của vở kịch, dù chỉ là một lượng khán giả rất nhỏ.
Buổi tổng duyệt bắt đầu. Trong khi các hiệu ứng kỹ thuật phát huy tác dụng không thể chê vào đâu được thì phần biểu diễn của các diễn viên đã gặp không ít khó khăn. Họ phải khoác lên mình những bộ trang phục nặng nề, với hàng đống thiết bị được đeo lủng lẳng trên người, cộng với sức nóng khủng khiếp tỏa ra từ ngọn đèn khổng lồ đang chiếu thẳng vào họ. Trông họ chẳng có vẻ gì là hài hước mà rất thảm thương vì mồ hôi nhễ nhại, giọng nói đứt quãng do đuối sức. Tuy vậy, chúng tôi vẫn chờ đợi những tiếng cười từ phía khán giả như một niềm khích lê. Song, những phản hồi từ họ đã khiến tôi và toàn bộ ê-kíp hoàn toàn thất vọng. Một bầu không khí nặng nề bao trùm cả khán phòng. Vở hài kịch kết thúc trong lặng lẽ, không có hoa và những lời chúc mừng. Tôi tự hỏi: Điều gì đã xảy ra nhỉ, những trục trặc nhỏ kia đã làm cho buổi diễn thất bại hay tại vở kịch của tôi quá "nhạt", không đủ "độ hài" để tạo nên tiếng cười. Hay là đám đông những chuyên viên kỹ thuật đang ngồi dưới kia không biết thưởng thức hài kịch? Đang trong tâm trạng nặng nề thì người trưởng nhóm kỹ thuật đến bên an ủi tôi:
- Cậu có biết câu danh ngôn: Một buổi tổng duyệt tồi mở màn cho một cuộc trình diễn xuất sắc?
Tôi cười đáp lại một cách gượng gạo. Kết quả của buổi tổng duyệt đã khiến tôi vô cùng lo lắng nhưng vẫn cố làm ra vẻ lạc quan để động viên mọi người: "Không sao đâu các bạn, tôi sẽ xem xét lại mọi vấn đề. Tôi tin buổi diễn ngày mai sẽ rất tuyệt đấy". Đêm đó, tôi lặng lẽ quay về phòng mình trong tâm trạng chán chường, mệt mỏi.
Rồi giây phút quan trọng cũng đã đến - đêm công diễn chính thức sắp sửa được mở màn. Tôi hồi hộp khi nhìn thấy các hàng ghế trong hội trường đã dần kín chỗ. Không khí căng thẳng như muốn làm nổ tung lồng ngực tôi. Sân khấu đã sáng đèn, âm nhạc trỗi lên. Nhằm tạo hứng thú bước đầu cho khán giả, tôi đã cho vở kịch được mở màn bằng bản nhạc của tiết mục truyền hình "Thỏ và những chú Bọ" vui nhộn do Carl Stalling sáng tác. Chỉ vừa mới nghe thấy tiếng nhạc thôi, khán giả đã cười ồ lên. Tôi như trút bớt gánh nặng và bắt đầu lấy lại sự tự tin.
Tấm màn của sân khấu được kéo lên, ánh đèn vụt tắt, các diễn viên bước ra sân khấu… Ở phân cảnh đầu, từ hàng ghế khán giả, tiếng cười râm ran đây đó nhưng càng về sau càng thưa dần, một lúc sau thì ngừng hẳn. Cả khán phòng hoàn toàn im lặng. Đứng sau cánh gà, tôi nghe thấy lời thoại của các diễn viên cũng rời rạc và lạc điệu hẳn. Không thể như thế được, vở hài kịch của tôi sao lại ra nông nỗi này? Tất cả vậy là hỏng, chẳng đâu vào đâu cả. Thật là một ngày tồi tệ cho tất cả mọi chuyện. Tôi không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục theo dõi vở diễn mà hướng mắt xuống từng hàng ghế bên dưới để cố tìm ở khán giả một chút biểu hiện hứng thú. Nhưng đáp lại tôi chỉ là những cái ho húng hắng, những đôi mắt thờ ơ. Một số người còn đưa tay nhìn đồng hồ liên tục. Hồi kịch vừa kết thúc, khán giả hấp tấp ra về. Tôi thấy họ đi như chạy về phía cửa cứ như thể vở kịch của tôi "có mùi" và họ cần ra ngoài gấp để hớp một chút không khí trong lành.
Ngay sau đó, giảng đường được trả về đúng chức năng của nó. Lớp học của tôi lại bắt đầu. Trong nỗi thất vọng ê chề và buồn bã khôn xiết, lớp học giờ đây đối với tôi giống như một đám đưa ma mà tôi đang ở bên trong nắp quan tài. Bạn bè ái ngại nói lời chia buồn cùng tôi, trong khi đó, vị giáo sư người Đức thiếu cả chiều cao lẫn sự lịch lãm giận dữ quát ầm ầm vào mặt tôi: "Cậu lôi ở đâu ra cái thứ rác rưởi như vậy hả? Năng lực của cậu chỉ đến thế thôi sao?".
Ôi, thật là một ngày khủng khiếp! Tôi ước gì mặt đất dưới chân mình nứt ra một khe hở để tôi có thể chui xuống. Vì sao mọi chuyện lại tệ hại đến dường này? Vì sao đột nhiên hài kịch lại trở thành bi kịch? Tôi đã luôn mong chờ hôm nay sẽ là ngày vinh quang của đời tôi, ngày mà mọi thứ trở nên đẹp đẽ và lấp lánh như ánh hào quang chứ đâu ảm đạm và đen tối như thế này. Lẽ nào đây là bước cuối cùng đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp đạo diễn sân khấu vừa mới chớm nở của tôi?
Quay về ký túc xá, tôi đổ vật người xuống giường. Một lúc sau, tôi mới đủ can đảm để gọi điện thoại về cho bố mẹ. Tôi vừa nức nở vừa thuật lại cho ông bà nghe mọi chuyện. Mẹ tôi chỉ thở dài và nói với tôi một câu đơn giản: "Con đừng buồn, thất bại là cội rễ của thành công. Hãy chấp nhận nó và can đảm đứng lên để làm lại con ạ". Tôi giận dỗi cúp máy, thầm trách mẹ đã chẳng hiểu được rằng công sức mà tôi đã đổ vào vở diễn là không thể đo đếm được. Không lẽ mẹ không thấy là tôi đã mất tất cả rồi sao, ước mơ lớn nhất của đời tôi giờ cũng đã tan thành mây khói rồi còn gì? Tại sao mẹ lại có thể thốt lên những lời an ủi sáo rỗng như vậy? Ôi, các bà mẹ thì lúc nào cũng nghĩ rằng chỉ cần một miếng băng dán nhỏ xíu là đủ để chữa lành mọi vết thương.
Thời gian trôi qua, nỗi buồn cay đắng trong tôi dần phôi pha. Tôi cũng bắt đầu nhận thấy câu nói năm xưa của mẹ là không sai. Đúng vậy, tuy thất bại nhưng cơ hội vẫn còn ở phía trước, thua keo này ta bày keo khác. Cuộc sống vốn là vậy! Chúng ta cần biết chấp nhận và đứng lên từ những thất bại để hướng đến thành công. Tôi thầm cảm ơn sự thất bại của ngày hôm qua đã cho tôi có cơ hội để thẩm định lại những sai lầm của mình, để đào sâu tìm hiểu những tác phẩm, những bộ phim của Woody Allen một cách nghiêm túc. Tôi cũng nghiên cứu kỹ hơn về hài kịch và đã biết đâu là mấu chốt của thủ pháp gây cười.
Không lâu sau ngày tốt nghiệp, tôi được nhận vào làm ở một nhà hát kịch. Vài tháng sau, tôi đã thành công khi thuyết phục giám đốc nhà hát cho phép tôi tự sáng tác và đạo diễn một vở kịch. Đây là cơ hội vàng để tôi thử nghiệm lại những gì rút ra được sau thời gian dài không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi từ thực tế. Một lần nữa, vở kịch của tôi lại được công diễn. Khi ánh đèn sân khấu được bật sáng, đứng bên trong cánh gà, tôi lại thấy trái tim mình như sắp nổ tung trong lồng ngực. Nhưng không, không phải trái tim tôi mà là những tràng cười ngặt nghẽo của khán giả đã làm vỡ tung rạp hát. Vở kịch kết thúc với thành công rực rỡ, đánh một dấu son trong sự nghiệp của tôi.
Giờ đây, tôi đã là một đạo diễn nổi tiếng. Tính đến nay, tôi đã phụ trách hơn 150 chương trình các loại, nếm trải không ít những thành công cũng như thất bại. Và từ trong mỗi thất bại, tôi lại rút ra thêm cho mình một bài học mới. Tôi của hôm nay không còn sợ thất bại, không đặt nặng thành công. Tôi nỗ lực hết sức mình cho công việc, hưởng thụ thành quả từ nó và tiếp tục tiến bước.
Tôi đã thành công và tôi tin rằng các bạn cũng sẽ làm được như thế. Đừng bao giờ để những khoảng thời gian tăm tối đã qua làm mình gục ngã mà hãy rút ra bài học từ nó và tiếp tục vươn đến đỉnh cao. Hôm nay tôi là người đoạt giải, và biết đâu ngày mai sẽ đến lượt các bạn đấy.
- Đan Châu dịch
Theo The Good, the Bad and the Emmy