"Tương lai của bạn tươi sáng hay u tối, kỳ vĩ hay bình thường đều do hiện tại của bạn quyết định."
- Saint-Exupéry.
Năm nay, trong thời khóa biểu của chúng tôi có thêm môn triết học mà giáo viên đứng lớp là một thầy giáo có vẻ ngoài rất lập dị. Thầy luôn mặc chiếc áo khoác ngoài bằng vải len sù sì bạc thếch và cũ đến mức có thể rách toạc vào bất cứ lúc nào. Cặp mắt kiếng to đùng trễ xuống nằm chông chênh trên đầu chóp mũi càng làm tăng thêm vẻ ngoài luộm thuộm, kỳ dị không giống ai của thầy. Trong các buổi dạy của mình, thầy luôn áp dụng cùng một phương pháp "giống với cách dạy của các vị triết gia" - như lời thầy nói - nghĩa là bao giờ thầy cũng kết thúc tiết học bằng việc đưa ra một đề tài thảo luận mang tính huyền bí có liên quan đến sự sống của loài người như "Đâu là ý nghĩa của cuộc sống?" hoặc "Không khí sinh ra từ đâu?". Thường thì những cuộc thảo luận với những lời gợi mở như thế sẽ kết thúc mà chẳng đi đến đâu. Nhưng cũng có đôi lần, những câu hỏi thầy đặt ra lại như mũi tên bắn trúng đích, tạo nên sự lắng đọng sâu sắc trong mỗi chúng tôi. Hôm đó, thầy mở đầu buổi thảo luận bằng một lời chỉ dẫn:
- Để trả lời cho các câu hỏi của tôi, đề nghị các bạn hãy đưa tay lên.
Và thầy tiếp tục với việc đặt ra hàng loạt các câu hỏi.
- Bao nhiêu người trong số các bạn có thể kể cho tôi nghe đôi điều về bố mẹ của mình?
Tất cả chúng tôi đều mạnh dạn giơ tay.
- Bao nhiêu người trong số các bạn có thể kể cho tôi nghe đôi điều về ông bà mình?
Chỉ có 3/4 số cánh tay giơ lên để trả lời cho câu hỏi này.
- Vậy có bao nhiêu người trong số các bạn có thể kể cho tôi nghe đôi điều về ông bà cố của mình?
Và lần này chỉ có 2 trong số 60 sinh viên đang hiện diện giơ tay.
Dường như thấy kết quả thu được như vậy là đã đủ để đưa ra lời nhận định nên thầy không hỏi gì thêm. Sau một hồi lướt qua từng gương mặt các sinh viên trong lớp, thầy cất giọng:
- Các bạn hãy nghĩ thử xem. Chỉ cách có ba thế hệ thôi mà kết quả là rất hiếm người trong số chúng ta có thể biết được ông cố, bà cố của mình là người như thế nào. Tuy các bạn có thể bảo rằng mình cũng biết về họ qua những tấm hình cũ kỹ, rách nát được nhét đâu đó trong hộp xì gà lâu ngày không dùng đến nay đã bắt đầu hôi mùi mốc, hay đã từng nghe câu chuyện rằng ngày xưa, các cụ đã phải ngày ngày lội bộ hơn mười cây số để đến trường trên đôi chân trần… Nhưng liệu chúng ta có biết họ đã sống như thế nào, đã từng mơ ước điều gì và sợ hãi những gì? Các bạn có thấy không, chỉ trong vòng ba thế hệ mà tất cả những gì thuộc về tổ tiên của chúng ta đều bị thờ ơ và quên lãng.
Các bạn hãy tưởng tượng mai đây, khi ba thế hệ nữa lại tiếp tục trôi qua, tất cả chúng ta chẳng ai còn sống. Và ngồi trong giảng đường này là lớp cháu chắt của các bạn. Vậy, nếu được hỏi cùng một câu hỏi như trên, chúng sẽ nói gì về các bạn đây? Hay chỉ là sự im lặng bởi lãng quên?
Các bạn có muốn điều đó xảy ra không? Mai này, khi ra đi, các bạn mong muốn để lại cho con cháu những gì? Quyền lựa chọn thuộc về các bạn… Và bây giờ, lớp học giải tán.
Năm phút đồng hồ trôi qua mà vẫn chưa một ai đứng dậy ra về.
- Đan Châu dịch
Theo Your Legacy