Cuộc đời không phải là cuộc đua. Nó là một hành trình để chúng ta từng bước chiêm nghiệm ý nghĩa. Điều quan trọng không phải là phần thưởng khi bạn đến đích, mà chính là những gì bạn đã góp nhặt được trên từng chặng đường.
- Khuyết danh
M
ùa hè năm 1965, sau bài phát biểu của Tổng thống Lyndon Johnson, bài hát của nhóm nhạc Beatles vang lên từ đài phát thanh của địa phương đã mang đến cho tôi niềm hy vọng mới. Thế nhưng, cũng ngay lúc đó, tôi có phần dè dặt khi nghĩ về tương lai của mình. Ước mơ được học ở trường Đại học Y trở nên xa vời với tôi bởi mức học phí hàng năm của nó quá cao so với số tiền công 1,25 đô-la mỗi giờ mà tôi kiếm được từ việc làm ở một cửa hàng gần nhà. Vì thế, tôi hiểu rằng việc vào đại học của tôi cũng chông chênh như ước mơ của con người lúc ấy về việc đổ bộ lên mặt trăng vậy.
Vào một buổi chiều mùa hè nóng ẩm, điện thoại trong nhà tôi bất chợt đổ chuông. Bác sĩ Peter Buck, một người bạn của gia đình tôi, gọi điện đến thông báo rằng ông đã thay đổi công việc và chuyển nhà đến Armonk, New York, cách nhà tôi bốn mươi kilômét. Cuộc điện thoại này đã đánh dấu cho cuộc hội ngộ của chúng tôi sau một năm xa cách. Chúng tôi nhanh chóng hẹn gặp nhau vào một ngày Chủ nhật trong tháng 7 năm 1965. Trên đường đến nhà bác Buck, tôi cứ suy nghĩ về ước mơ cháy bỏng của mình cũng như làm thế nào để có tiền đi học. Tôi muốn được bác Buck cho một vài lời khuyên cần thiết, cũng như thầm hy vọng bác ấy sẽ cho tôi mượn tiền đi học. Trong buổi trò chuyện hôm đó, tôi đã không ngần ngại nói với bác Buck khao khát được trở thành bác sĩ của tôi và về việc bố mẹ không thể lo cho tôi học đại học.
Thế nhưng cuối cùng, bác Buck lên tiếng:
- Bác nghĩ cháu nên mở một cửa hàng bán sandwich.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Bác nói gì ạ?
“Sao bác Buck lại nói với một cậu bé mới 17 tuổi về công việc kinh doanh như vậy nhỉ?” – Tôi tự hỏi. Thế nhưng, cũng ngay lúc ấy, một câu hỏi khác xuất hiện trong đầu tôi: “Cửa hàng của mình sẽ hoạt động như thế nào?”.
Bác Buck vạch ra chiến lược kinh doanh đơn giản cho cửa hàng bánh sandwich. Bác bảo tất cả những việc tôi cần làm là thuê một cửa hàng nhỏ, thiết kế quầy tính tiền, mua nguyên vật liệu và khai trương. Tôi sẽ có đủ tiền để đóng học phí và bác sẽ hợp tác cùng tôi nếu tôi đồng ý.
Hôm đó, khi gia đình tôi chuẩn bị ra về, bác Buck đã đưa cho tôi một tấm séc trị giá 1.000 đô-la. Đây là khoản đầu tư ban đầu của bác ấy cho cuộc mạo hiểm mới của chúng tôi.
Trên đường về nhà, tôi băn khoăn tự hỏi liệu việc thành công trong kinh doanh có hơn việc học đại học hay không. Tuy vậy, tôi hiểu rằng để thành công trong kinh doanh thì tôi phải mạo hiểm, và phải có một niềm đam mê cháy bỏng. Và sự ra đời của tập đoàn khách sạn Subway là kết quả sự mạo hiểm cùng những nỗ lực không ngừng của tôi trong suốt thời gian dài sau đó.
- Fred DeLuca
Fred DeLuca sinh năm 1948 ở Brooklyn, New York. Thời niên thiếu của ông trôi qua trong một tầng hầm ẩm thấp và nghèo khổ. Khi DeLuca lên năm tuổi, gia đình ông chuyển đến Bronx với hy vọng có được một cuộc sống tốt đẹp hơn với“những dự định” mới.
Cuộc mưu sinh đầy vất vả của cha mẹ đã giúp Fred hiểu được giá trị của giáo dục. Mẹ của ông không chỉ dạy ông về tầm quan trọng của học vấn mà còn thắp sáng trong ông niềm tin vào tài năng và bản thân mình. DeLuca nhớ lại: “Khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình vào năm 1965, tôi không có nhiều vốn cũng như kinh nghiệm và sự nhạy bén trong kinh doanh. Tất cả những gì tôi có lúc đó là niềm tin và quyết tâm của một cậu bé 17 tuổi đang cần kiếm tiền đi học”.
Mới đây, tập đoàn khách sạn Subway đã kỷ niệm 40 năm thành lập trong tư thế của một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới với hơn 25.000 khách sạn ở 83 quốc gia. Có thể nói, Subway đã trở nên phổ biến rộng khắp ở Mỹ, Canada, Australia và thậm chí còn phổ biến hơn cả tập đoàn McDonald’s.
Fred DeLuca cùng tập đoàn Subway đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý. Subway cũng đã tạo được dấu ấn lớn trong việc thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất béo nhằm cải thiện sức khỏe của con người. Tên tuổi của ông đã trở thành tâm điểm chú ý của báo giới và các phương tiện truyền thông.
DeLuca luôn tự hào về tinh thần làm việc chăm chỉ và có trách nhiệm của các nhân viên Subway. Ông nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi là mang kiến thức và phương thức kinh doanh đến các doanh nhân giàu nhiệt huyết và giúp họ đạt được thành công trong nền công nghiệp mang tính toàn cầu này. Chúng tôi luôn tự hào về tinh thần đoàn kết của các nhân viên của mình trong việc phục vụ khách hàng và đóng góp tích cực cho cộng đồng. Chúng tôi ý thức một cách sâu sắc rằng sự thành công của mình bắt nguồn từ khả năng làm việc độc lập cùng với tinh thần đồng đội của mọi nhân viên”.
Thành công của Subway bắt nguồn từ tinh thần làm việc không mệt mỏi của Fred DeLuca. Ông từng được bầu vào danh sách những nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới và vinh dự được rước ngọn đuốc Olympic khi ngọn đuốc này được rước qua thành phố Brooklyn, New York – quê hương của ông. Ngày nay, ông đang nỗ lực hết mình trong việc quyên góp tiền cho Quỹ bảo trợ sức khỏe trẻ em.
Như ta đã thấy, có “những dự án tương lai” hoàn toàn có thể được bắt đầu từ một bạn trẻ 17 tuổi nhiều khát vọng!