Ở
một tòa soạn nọ có người họa sĩ rất tài hoa. Dù là tranh chân dung hay tĩnh vật, anh đều vẽ rất đẹp. Hầu hết các đồng nghiệp đều được anh vẽ tặng một bức chân dung. Tuy nhiên từ trước đến giờ, anh chưa từng có bức chân dung tự họa nào.
Khi được hỏi nguyên nhân, anh họa sĩ nói rằng tự vẽ mình thì sẽ không đẹp.
Các đồng nghiệp vô cùng ngạc nhiên, “Tự vẽ mình thì có gì mà khó vậy?”.
Anh mỉm cười đáp, “Để vẽ người khác, cho dù là một người hoàn toàn xa lạ, tôi chỉ cần quan sát kỹ và nắm bắt được thần thái của người đó là có thể vẽ được. Nhưng khi vẽ chính mình, tôi không làm được điều đó. Bây giờ anh chị hãy thử nhắm mắt lại và nghĩ đến mẹ của mình”.
Mọi người làm theo và ai cũng đều hình dung được đôi mắt hiền từ cùng nụ cười ấm áp của mẹ.
Anh họa sĩ tiếp lời, “Giờ thì mọi người hãy cố mường tượng ra hình ảnh của bản thân”.
Kỳ lạ thay, chẳng ai làm được điều đó. Họ chỉ nhớ mình mặc trang phục gì chứ không nhớ được hình dạng cụ thể của lông mày hay đôi mắt của chính mình. Hóa ra người mà ta hiểu ít nhất lại chính là bản thân ta.
Anh họa sĩ từ tốn nói, “Có lẽ tôi phải nhờ ai đó vẽ mình. Sau đó tôi sẽ nghiên cứu bức vẽ ấy thật kỹ và chú tâm quan sát chính mình. Có như thế thì may ra sau này tôi mới vẽ được một bức chân dung tự họa có hồn”.
Bạn là ai trong mắt mọi người? Hãy nghe xem người ta nói gì về bạn. Đôi khi nhìn rõ bản thân còn khó hơn nhìn rõ người khác. Vậy nên thỉnh thoảng bạn hãy thử nhìn mình bằng đôi mắt của người khác để có một góc nhìn khách quan hơn về bản thân.