“Nếu biết nhìn ra những điều tốt đẹp, cuộc sống của chúng ta sẽ thú vị hơn rất nhiều.”
- Ralph Waldo Emerson
Dù có xem nhiều video hay hình ảnh trên mạng và trên ti-vi đến mấy, mọi thứ vẫn không thể nào trung thực cho bằng trải nghiệm thực tế khi tôi đến Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đây tôi vẫn nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia thuộc thế giới thứ ba với những con lạc đà lang thang khắp nơi. Nhưng tôi đã lầm. Cuộc sống nơi đây vô cùng sống động, hối hả, nhộn nhịp và tràn ngập không khí mua bán.
Mùa hè năm 2009, tôi đặt chân đến Istanbul và bắt xe buýt để đi từ sân bay về khách sạn. Sau khi tìm được nhà chờ xe buýt, tôi quay lại thì thấy Byron chồng tôi đang nói chuyện với một người dân địa phương trông hao hao diễn viên Antonio Banderas. Chàng trai Thổ Nhĩ Kỳ đó mặc áo sơ mi trắng, quần tây đen và trên ngực có đeo tấm bảng gì đó liên quan đến du lịch.
Byron ra hiệu cho tôi quay lại, nhưng tôi đã ra đến bên ngoài và nhân viên sân bay không cho phép trở lại khu vực đó. Do vậy tôi ra hiệu cho chồng và người bạn mới quen của anh lấy hành lý và bước ra bên ngoài.
“Anh này có thể giúp chúng ta bắt xe buýt về khách sạn đấy”, Byron vui vẻ nói.
“Nhưng em thấy ngay đằng kia có xe kìa”, tôi vừa nói vừa chỉ tay vào chiếc xe.
“Không, không, anh chị đừng đi chiếc đó”, người thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ chỉ về phía chiếc xe đang bị những người biểu tình cầm bảng vây quanh.
“Anh chị cứ theo tôi”, anh ta nói bằng giọng chắc nịch. Con người xa lạ đó dẫn chúng tôi đến một cầu thang thông xuống những hành lang tối rồi đi ra một bãi đậu xe bỏ hoang.
“Chúng ta đón xe ở đây ư?”, tôi hỏi, bắt đầu tỏ vẻ hoài nghi.
“Đúng rồi, ngay tại đây luôn”, anh đáp.
“Ý anh là đón taxi hả?”, tôi thận trọng hỏi lại.
“Không phải.”
Tôi chưa kịp hỏi thêm cho cặn kẽ thì một chiếc ô tô nhỏ màu trắng trờ đến, và một người Thổ Nhĩ Kỳ khác cũng mặc áo trắng, quần tây đen bước ra khỏi xe. Rồi chẳng hề nói đến chuyện tiền vé, anh bắt đầu chất hành lý của chúng tôi lên xe.
“Lên xe nào”, người bạn đồng hành mới của chúng tôi nói.
Chúng tôi khom người xuống để ép mình vào dãy ghế phía sau. Người hộ tống của chúng tôi cũng lên xe và ngồi cạnh tài xế. Tiếng Anh của họ có vẻ không được tốt lắm, nhưng tôi cũng không biết họ hiểu tiếng Anh đến mức độ nào nên không dám nói cho chồng nghe những lo lắng của mình. Tâm trí tôi cứ xoay vần với suy nghĩ mình đang bị bắt làm con tin trong chiếc ô tô của hai người nước ngoài xa lạ tại một đất nước mà chúng tôi không quen biết ai và cũng không biết lấy một từ địa phương.
Tôi nhìn chằm chặp vào chồng trong khi anh ấy cứ cười tươi roi rói vì nghĩ mình đang gặp may trong chuyện đi lại. Tôi bèn huých nhẹ khuỷu tay vào người chồng và thì thầm, “Liệu có an toàn không anh?”.
Byron nháy mắt ra hiệu là an toàn. Sau đó, anh mở lời hỏi han hai người bạn đường kia. Họ chỉ cho chúng tôi thấy những người câu cá trên cầu. Byron thắc mắc họ câu cá gì trong khi tôi mải miết tập trung nhớ đường và tuyệt vọng nhớ lại những đường tấn công trong các bộ phim quyền anh. Được một lúc, tôi lại véo hông Byron và mấp máy, “Có khi nào mình đang bị bắt cóc không anh?”.
Anh nghiêng qua tôi khẽ nói, “Anh thấy họ tử tế và đàng hoàng. Họ là những nhà kinh doanh tiên phong đấy”.
Tôi tròn mắt vì ngạc nhiên. Tôi không còn lời nào để nói nên đành chịu thua và thu mình vào ghế, phó mặc tất cả cho số phận và cố tưởng tượng hình ảnh của mình trong chiếc áo choàng che mặt của phụ nữ Hồi giáo. Hai người dẫn đường hỏi chúng tôi có muốn đi ngang qua đền thờ Blue Mosque hay không.
“Có chứ”, chồng tôi đáp ngay và còn tỏ vẻ thích thú với chuyến ngắm cảnh trong khi tôi âm thầm lên kế hoạch đào tẩu. Chúng tôi đỗ xe gần một con hẻm. Tôi mở to mắt và nhìn chồng chằm chằm.
“Anh chị có muốn vào tham quan bên trong đền không?”, người hướng dẫn viên tình nguyện của chúng tôi hỏi.
Chồng tôi quay sang tôi hỏi, “Em thấy sao?”.
“Không! Em chỉ muốn về khách sạn thôi”, tôi hằn học.
Họ nổ máy xe, rồi người tài xế hỏi chúng tôi có phiền không nếu anh ghé qua nhà của một người bạn trước, sau đó người bạn này sẽ chở chúng tôi về khách sạn bằng xe của anh ta. Tôi liếc mắt nhìn chồng.
“Anh chị có thoải mái với điều đó không?”, người tài xế hỏi.
“Chắc chắn rồi”, chồng tôi đáp, định đoạt số phận của chúng tôi ngay lập tức.
Xe chạy dọc theo một con sông và họ chỉ cho chúng tôi con tàu mà ngày hôm sau chúng tôi sẽ du ngoạn trên đó. Không hiểu sao người tài xế đã thay đổi ý định và chở thẳng vợ chồng tôi đến khách sạn, đưa chúng tôi tấm danh thiếp của anh và ngỏ ý chở chúng tôi đi chơi vào sáng hôm sau nếu chúng tôi rảnh. Tôi cắn môi. Chồng tôi trả tiền cho họ như đã thỏa thuận và còn boa thêm hậu hĩnh. Hai người tỏ vẻ vui mừng và cảm ơn chúng tôi rối rít.
“Lẽ ra mình không nên bước lên xe của người lạ”, tôi nói với chồng sau khi hai người kia đi khuất.
“Họ là dân chuyên nghiệp làm du lịch đấy. Anh đã nhìn thấy bảng tên của họ. Đó là những thanh niên tử tế muốn kiếm thêm chút đỉnh”, chồng tôi đáp.
Tôi đi du lịch nhiều gấp mười lần chồng và lẽ ra phải là người thoải mái, dễ chịu hơn khi tiếp xúc với những yếu tố văn hóa mới mẻ, xa lạ như thế. Vậy mà anh ấy đã đúng khi nhận ra đó là những chàng trai bản địa đang cố kiếm thêm chút tiền vào cuối ngày bằng cách chở khách đến khách sạn và giúp họ cảm nhận được chút bản sắc địa phương. Chồng tôi không hề ngờ vực, hồ nghi hay phòng thủ. Anh ấy niềm nở đón nhận sự giúp đỡ của người khác.
Trong những ngày ngắn ngủi tiếp theo ở Istanbul, Kusadasi và Bodrum, tôi nhận ra người Thổ Nhĩ Kỳ rất chân thành và dễ gần. Họ sẵn sàng mời bạn vào nhà thưởng thức tách cà phê Thổ hay nhấm nháp chút rượu Hy Lạp hương hồi. Họ cũng sẽ mời bạn đi dạo và tham quan đền thờ Blue Mosque nổi tiếng với hy vọng sau đó bạn sẽ ghé qua quầy bán thảm của họ; hoặc họ sẵn sàng thương lượng giá cả với bạn và tặng bạn thêm một chiếc khăn tắm thêu tay nếu bạn mua một số món hàng của họ. Lúc nào người dân nơi đây cũng niềm nở chào đón bạn. Và họ cũng rất lịch sự. Đàn ông ở đây không chòng chọc nhìn phụ nữ hay tuôn ra những lời nhận xét tục tĩu. Họ kiên định trong chuyện buôn bán nhưng không thúc ép bạn mua hàng.
Ngay từ bé, tôi đã say mê hào quang chiến thắng của người Hy Lạp cổ đại, và vì người Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm chiếm Hy Lạp từ rất lâu nên trước nay tôi vẫn luôn có ác cảm với người dân xứ này. Thế nhưng khi nhìn thấy Thành phố Istanbul hiện đại, đường phố sạch đẹp, người dân thân thiện và các cảnh quan, công viên đẹp như cổ tích, suy nghĩ của tôi đã hoàn toàn thay đổi. Giờ đây tôi chỉ muốn tìm hiểu thêm về đất nước xinh đẹp này và ước mình đã tìm hiểu nhiều hơn về Thổ Nhĩ Kỳ khi còn nhỏ. Tuy vậy, tìm tòi học hỏi là chuyện cả đời và chỉ cần một cú nhấp chuột là tôi đã có vô vàn thông tin, do đó chẳng có lý do gì để tôi trì hoãn việc lấp đầy khoảng trống hiểu biết của mình. Việc đầu tiên tôi sẽ làm là xem phim Gallipoli1.
1 Gallipoli (tạm dịch: Chiến dịch Gallipoli) là bộ phim chiến tranh nói về cuộc chiến giữa Úc và Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) trong Thế chiến I.
Để thế giới trở nên tươi đẹp hơn, chúng ta cần tin tưởng nhau thêm một chút, đánh giá mỗi người dựa trên con người họ thay vì có thành kiến theo kiểu “vơ đũa cả nắm”. Khi có cơ hội, hãy đi du lịch xa hơn một chút và luôn giữ một tâm trí rộng mở. Chồng tôi và hai chàng trai Thổ Nhĩ Kỳ kia dạy tôi một bài học. Đó là hãy suy nghĩ tích cực và đừng quá đa nghi.