“Hãy giữ vườn cây trong tim mình luôn tươi xanh vì biết đâu một ngày nào đó, họa mi sẽ đến hát ca.”
- Ngạn ngữ Trung Hoa
Rất tiếc, nhưng chúng tôi không có việc nào phù hợp với chị cả”, cô tiếp tân vừa nói vừa trả lại tôi tập hồ sơ xin việc. Trong tôi lại dấy lên cảm giác tuyệt vọng quen thuộc. Tôi nhẩm tính trong đầu, đây là lần thứ năm trong tuần tôi nhận được câu “rất tiếc”.
Đã bốn tháng kể từ khi chồng tôi chuyển công tác đến thị trấn nhỏ này và tôi có cảm giác mình như “cá mắc cạn”. Cuộc sống của tôi bỗng chậm lại, khác hẳn với cái ồn ào, huyên náo của Thành phố Mumbai sống động. Tôi nhớ công việc, nhớ đồng nghiệp và bạn bè biết mấy. Chao ôi, tôi nhớ cả phố xá nhộn nhịp ở Mumbai. Công việc tại một tập đoàn tài chính lớn dường như đã trở thành ước mơ xa vời. Những năm 1990, các thị trấn nhỏ ở Ấn Độ có rất ít hoạt động tài chính. Đối với một người đã quen làm việc mười hai tiếng mỗi ngày thì chuyện ngồi không ở nhà chẳng khác gì bị trừng phạt. Tôi cần phải làm việc.
Tôi tìm đến một số trung tâm giới thiệu việc làm trong thành phố. Không chỉ dừng lại ở đó, tôi còn đến các trung tâm giao dịch, thương mại và gửi hồ sơ xin việc khắp các công ty mà tôi cảm thấy phù hợp với mình.
Nhưng may mắn vẫn không mỉm cười với tôi. Hoặc tôi bị từ chối vì “vượt quá yêu cầu” hoặc công việc đó không thú vị. Sau gần một tháng săn việc, tôi vẫn thất nghiệp. Tôi bèn xem kỹ lại hồ sơ xin việc của mình xem có thể tận dụng khả năng nào khác không. Tôi có chuyên môn ở lĩnh vực tài chính và marketing, do đó nếu không tìm được việc trong ngành tài chính thì có lẽ tôi nên chuyển hướng sang tìm việc trong lĩnh vực marketing. “Thành phố nào cũng cần người để tiếp thị cái gì đó”, tôi lập luận. Tuy không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhưng tôi nghĩ mình nên thử.
Sau đó, tôi trở lại các công ty trước đó để nộp một bộ hồ sơ xin việc hoàn toàn mới, trong đó cố gắng nêu bật khả năng tiếp thị của mình. Tôi cũng nói với các trung tâm giới thiệu việc làm là tôi sẵn sàng nhận một công việc trong ngành marketing.
Theo sau đó là những buổi phỏng vấn mệt mỏi cùng lời từ chối quen thuộc, “Cảm ơn chị, nhưng chúng tôi rất tiếc”. Có những lúc tôi bị tổn thương ghê gớm khi nhận được những lời từ chối thẳng thừng, “Ở đây không có việc cho chị”. Thỉnh thoảng có người liếc qua hồ sơ của tôi rồi từ chối với một câu cụt ngủn, “Chị không có kinh nghiệm”. Cũng có lần tôi bị từ chối vì những lý do lạ lùng như “Chị có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh nhưng nếu làm công việc này, chị sẽ phải dưới quyền một người chỉ tốt nghiệp đại học. Như vậy không ổn đâu”, hoặc lạ lùng hơn nữa là “Các thành viên trong nhóm của chúng tôi đều là nam nên chị không phù hợp đâu”. Nếu không đang ở trong tình cảnh khổ sở thì hẳn là tôi đã cười phá lên khi nghe những lý do đó. Tệ hơn nữa, có những lần tôi thậm chí còn không qua được cửa tiếp tân. Tôi nài nỉ họ cho tôi gặp giám đốc nhưng câu trả lời của họ luôn là “Giám đốc đang bận”.
Thật nản lòng và tuyệt vọng. Chẳng lẽ tôi không thể làm được việc gì sao? Tôi cảm thấy mình thật vô dụng. Sự tự tin vốn có của tôi bắt đầu bị suy giảm nghiêm trọng. Chồng tôi lúc nào cũng bận rộn với công việc mới nên tôi cảm thấy mình thật sự lẻ loi.
Một ngày nọ, có người hàng xóm ghé qua nhà tôi. Trong lúc tôi đi rót nước mời khách, cô ấy lơ đãng giở quyển “nhật ký săn việc” mà tôi để trên bàn, trong đó tôi trút hết nỗi bực tức của mình sau những lần trầy trật tìm việc. “Chị viết khá tốt đấy”, người hàng xóm nhận xét khi tôi bối rối lấy lại quyển sổ từ tay cô vì những tâm sự rời rạc, dông dài riêng tư của mình vừa bị phơi bày. Sau đó cô ra về, nhưng tôi vẫn không quên được nhận xét của cô. Sau nhiều tháng bị từ chối, lời khen ngợi ấy ít nhiều cũng làm tôi cảm thấy dễ chịu. Mà tôi có chút năng khiếu viết lách thật hay cô ấy chỉ đang tỏ ra lịch sự? Tôi xua ý nghĩ ấy đi và cố giữ mình bận rộn bằng mấy việc vặt trong nhà.
Bữa tối hôm đó, tôi mang chuyện này ra kể cho chồng nghe.
“Anh có quen một người làm việc cho tờ báo địa phương. Hay em thử hỏi anh ta xem sao? Biết đâu ở đó có công việc phù hợp với em”, chồng tôi gợi ý.
Làm việc tại tòa soạn báo ư? Không đời nào. Trước nay mối liên hệ duy nhất của tôi với ngành xuất bản chỉ dừng lại ở việc làm một độc giả say mê. Lĩnh vực này hoàn toàn xa lạ với tôi. Tuy vậy, tôi cũng đặt lịch hẹn gặp họ. Nói thật là tôi không có gì để giới thiệu về bản thân: không bằng cấp, không kinh nghiệm và không hiểu biết về ngành. Nhưng tôi cố gạt hết lo ngại sang một bên và tập trung vào những gì tôi có. Nền tảng giáo dục từ những trường sơ và niềm đam mê sách vở giúp tôi quen thuộc với văn viết phức tạp của tiếng Anh. Đó là tất cả những gì tôi có.
Sáng hôm sau, tôi tự tin cầm hồ sơ trong tay và đến tòa soạn. Tôi không có gì để mất, và có thể chính suy nghĩ đó lại khiến tôi can đảm hơn. Tôi nói với người phỏng vấn là tôi chưa từng làm việc trong ngành xuất bản. Anh lặng lẽ đưa tôi một bản thảo và nói, “Chị biên tập lại đi”. Sau khi làm xong, tôi đưa lại bản thảo cho anh rồi ngồi im chờ đợi mà lòng cứ thấp thỏm vì sợ mình phải nghe câu “Chị không phù hợp”.
“Kỹ năng của chị cũng không tệ”, anh trả lời, “nhưng chị có biết mình sẽ phải bắt đầu từ nấc thang thấp nhất không?”.
Nấc thang thấp nhất? Nghĩa là tôi đã được nhận vào làm việc! Tôi cố kiềm chế sự vui sướng để trả lời, “Vâng, tôi chấp nhận điều đó”.
“Vậy thì mời chị xuống phòng nhân sự và tiến hành các thủ tục”, anh nói. Tôi đi như bay, lòng cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái hẳn.
Tuy nhiên, câu chuyện của tôi vẫn chưa kết thúc. Mỗi ngày tôi đều phải đối diện với biết bao điều mới lạ lẫn thắc mắc, hoài nghi. Tôi phạm sai lầm, bị cười nhạo và rút ra bài học kinh nghiệm từ đó. Tôi học cách viết các bài báo phức tạp, tiến hành những cuộc phỏng vấn, xem xét hình ảnh, bản dàn trang hoặc phải tính toán lại toàn bộ kế hoạch xuất bản khi có bổ sung, thay đổi vào phút chót. Mỗi ngày là một thử thách mới và tôi yêu thích những việc mình làm. Tôi chưa bao giờ làm việc say mê đến thế.
Một năm sau, tập đoàn tài chính mà tôi từng làm việc ở Mumbai liên hệ với tôi. Họ lập một văn phòng mới ở thành phố tôi đang sống và muốn tôi về điều hành văn phòng đó. Nhưng lần này, chính tôi lại là người nói, “Không, cảm ơn”.