“Sức mạnh của một người nằm ở tâm hồn và tinh thần, chứ không phải ở cơ bắp.”
- Alex Karras
Nào Beth, một lần nữa thôi, chỉ một lần thôi.”
Tôi thở hổn hển khi cố gượng dậy lần nữa, mặt đỏ bừng bừng và hoàn toàn kiệt sức. Đoạn tôi ngã xuống thảm và nhìn lên trần nhà. Chuyên viên vật lý trị liệu nhìn tôi, mỉm cười và chìa tay ra để chờ nâng cánh tay tôi lên lần thứ năm.
“Tôi không làm nổi đâu”, tôi đáp. “Cho tôi nghỉ một chút đã.”
Tôi nhìn mảng trần bong tróc của phòng tập vật lý trị liệu và tự hỏi tại sao mình lại ra nông nỗi này. Ngồi bật dậy năm lần ư? Liệu tôi có thể ngồi dậy năm lần liên tục mà không dừng lại để thở không? Chuyện gì đã xảy ra với cô gái có thể bơi năm cây số một lúc vậy? Chuyện gì đã xảy ra với người phụ nữ tập yoga vài lần một tuần? Và chuyện gì đã xảy ra với người phụ nữ nổi hứng đi bộ cả tiếng đến chỗ làm chỉ vì hôm đó trời mát?
“Cô ấy không còn nữa”, chuyên viên vật lý trị liệu nhẹ nhàng nói với vẻ đầy cảm thông. “Dù cô từng là ai thì quá khứ cũng qua rồi. Cô phải tập trung vào con người hiện tại của mình.”
Tôi nhắm chặt mắt để ngăn dòng nước mắt đang chực trào và hít thật sâu. Mùi mồ hôi xen lẫn mùi thuốc khử trùng xộc vào mũi tôi. Tôi chậm rãi thở ra, toàn thân run rẩy. Ngay cả cử động nhỏ đó cũng đủ khiến cơ hoành của tôi khó chịu.
Tôi không thích con người hiện tại của mình chút nào. Tôi không hề muốn mắc bệnh nhược cơ - một dạng rối loạn dưỡng cơ hiếm gặp khiến cơ bắp yếu đi. Đầu tiên là mí mắt tôi sụp xuống, sau đó cơ tay của tôi yếu đến mức tôi không còn đủ sức gội đầu và cuối cùng là hai chân của tôi cũng không thể bước lên cầu thang. Hoạt động thể chất giải trí giờ chỉ là quá khứ, còn “rèn luyện thể lực” trở thành một thử thách quá lớn đối với tôi.
Tôi thở dài và nằm nghiêng sang một bên, cố nâng mình lên bằng một cánh tay và cuối cùng cũng tự ngồi dậy được. Tôi giơ tay vỗ vào lòng bàn tay của chuyên viên trị liệu. Cô mỉm cười vì ít ra tôi cũng đang cố gắng.
“Nghe thật là lâm ly, nhưng tôi không muốn là con người hiện tại chút nào”, tôi rầu rĩ nói. Từ khi biết mình mắc bệnh nhược cơ, đây là lần đầu tiên tôi thừa nhận điều này.
“Tôi biết”, cô đáp. “Nhưng nhớ rằng từ giờ trở đi, đối thủ duy nhất cô cần vượt qua chính là bản thân mình. Nếu hôm nay cô ngồi bật dậy năm lần thì ngày mai hãy cố gắng làm được sáu lần. Nếu hôm nay cô đi bộ được mười phút thì ngày mai cô phải cố gắng đi được mười một phút.”
Tôi gật đầu, hiểu rõ tầm quan trọng của những gì cô ấy nói. Nhưng tận sâu trong tôi là một đứa trẻ đang bịt tai và hét, “Tôi không nghe thấy gì hết! Không nghe thấy gì hết!”.
Chúng tôi tiếp tục buổi trị liệu hôm ấy và suốt mấy tháng sau đó, tôi vẫn ghi nhớ những lời khuyên của cô, nhất là sau khi tôi trải qua ca phẫu thuật lồng ngực nhằm giảm nhẹ triệu chứng của căn bệnh này. Sau ca phẫu thuật, tôi luôn thầm động viên bản thân “cố thêm lần nữa thôi, chỉ một lần nữa thôi” khi cố gắng lê từng bước khó nhọc, khi tự múc thức ăn và cuối cùng là tự bước lên cầu thang. Khi ca phẫu thuật không diễn ra suôn sẻ, tôi lại thầm nhủ “cố thêm một lần nữa thôi” trong lúc học cách dùng gậy và sau đó là nạng để tập đi. Tôi không muốn làm điều đó chút nào, thậm chí tôi còn hết sức bực bội vì chỉ riêng việc đi bộ cũng đủ khiến hai chân tôi rã rời. Đó là chưa kể trong những ngày oi bức, tôi chỉ đi bộ một đoạn là đã vã mồ hôi như chạy bộ cả quãng dài. Ấy vậy mà cứ mỗi lần muốn bỏ cuộc, tôi lại tự hứa với lòng rằng chỉ cần cố thêm một lần nữa thôi, và hầu như lần nào tôi cũng cố thêm nhiều lần trước khi ngừng tập luyện.
Giờ đây, khi đã quen với nhịp sống chậm hơn, thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ tới những việc mình không thể làm. Tôi vẫn ngồi ngắm người khác khiêu vũ, chạy nhảy hay bơi lội, thậm chí là bế em bé mà không khỏi ngậm ngùi. Những lúc như vậy, tôi lại nghe giọng của chuyên viên vật lý trị liệu năm xưa vang lên trong tâm trí, rằng rèn luyện sức khỏe là một cuộc thi mà tôi chỉ cần chiến thắng bản thân là đủ. Tôi vẫn có thể đi bộ, khiêu vũ nhẹ nhàng và bơi theo cách của mình. Có thể tôi không khỏe mạnh bằng người khác, nhưng tôi vẫn quyết tâm rèn luyện sức khỏe và luôn cố gắng thêm một lần nữa trong những việc cần làm.
Cố gắng thêm lần nữa không phải là chuyện quá to tát, nhưng lần cố gắng đó lại vô cùng quan trọng.