“Chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ cuộc sống mình đã dự tính để đón nhận cuộc sống thật sự đang chờ đợi mình.”
- Joseph Campbell
Tôi nhận được cú điện thoại ấy vào một chiều muộn thứ Sáu. Trong điện thoại, giọng nói của sếp tôi nghe có vẻ đầy bí ẩn khi ông yêu cầu tôi đến sân bay gặp ông vào sáng thứ Hai. Mặc dù sếp vẫn thường bay đến khu vực do tôi phụ trách để kiểm tra hệ thống cửa hàng và gặp tôi, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy lo lắng như lần này. Thường thì những chuyến đi như thế phải được chuẩn bị từ nhiều tuần trước đó và bao gồm nhiều khu vực kiểm tra khác nhau. Chuyến đi lần này lại hoàn toàn khác và tôi linh cảm có chuyện không hay sắp xảy ra.
Trong suốt chín năm làm việc tại công ty, tôi đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp ra đi - những sự ra đi không được báo trước. Quyết định cho thôi việc luôn đến từ chuyến viếng thăm ngắn ngủi của giám đốc khu vực.
Bạn gọi đó là tinh giản biên chế, sa thải hay đuổi việc cũng được, tên gọi nào cũng như nhau cả thôi. Điều đáng nói ở đây là trong vòng bốn mươi tám tiếng nữa, tôi sẽ mất công việc mình đã làm suốt chín năm, công việc mà tôi đã phải hy sinh rất nhiều để có thể bảo đảm cuộc sống tốt nhất cho vợ con.
Tôi cho xe tấp vào lề và ngồi bên vệ đường. Toàn thân tôi như tê liệt. Tôi muốn khóc, muốn hét lên, muốn gọi cho sếp để năn nỉ ông ấy đừng sa thải tôi. Nhưng thay vào đó, tôi chỉ thẫn thờ ngồi đó và tự hỏi không biết phải ăn nói sao với Amber vợ tôi về chuyện này. Cô ấy vừa sinh con đầu lòng được ba tháng, mà giờ tôi lại thất nghiệp.
Những ngày cuối tuần ấy thật kinh khủng. Tôi không tài nào chợp mắt hay ăn uống gì được. Dạ dày tôi đau thắt. Vợ chồng tôi thức rất khuya để bàn tính kế hoạch sắp tới. Tiền tiết kiệm của chúng tôi không còn bao nhiêu, và chúng tôi lại sống trong thành phố nổi tiếng hiếm việc làm. Tôi hoang mang không biết mình phải làm gì. Tôi thật sự hoảng sợ.
Chính trong những lần tâm sự đêm khuya ấy mà vợ tôi đã cho tôi một lời khuyên tuyệt vời. Lời khuyên đó không chỉ giúp tôi vượt qua tháng ngày đen tối nhất đời mình mà còn giúp tôi biến những điều tồi tệ xảy đến với mình thành cơ hội quý giá.
“Hãy ngẩng cao đầu anh à. Hãy tự hào về những thành tựu anh đã đạt được. Anh đến với công việc này với lòng tự trọng thì hãy ra đi với tinh thần đó”, vợ tôi nói. “Chuyện này xảy ra hẳn phải có lý do và sau này anh sẽ hiểu lý do đó là gì.”
Sáng thứ Hai, tôi thức dậy thật sớm, diện áo sơ mi trắng tinh và thắt cà vạt chỉn chu. Tôi soạn lại hồ sơ, mang theo bảng tên, điện thoại, chìa khóa xe dự phòng cùng các vật dụng cần thiết khác và cho tất cả vào một phong bì lớn. Tôi đến sân bay sớm, có cả vợ và con gái đi theo để ủng hộ tinh thần (và cũng để có người chở tôi về nếu tôi phải trả xe cho công ty).
Vừa ngồi vào bàn làm việc, tôi thấy sếp đang tiến về phía mình. Tôi đứng dậy, cảm thấy lòng mình thắt lại. Chân tôi run run chỉ chực khuỵu xuống khi tôi đi theo ông đến một chiếc bàn ở góc sân bay. Tôi không nhớ rõ ông đã nói những gì, nhưng một khi quyết định cho thôi việc chính thức được đưa ra thì mọi chuyện sau đó diễn tiến theo quy trình bắt buộc. Tôi trao lại tất cả tài sản thuộc công ty rồi bắt tay sếp và cảm ơn ông ấy vì đã cho tôi cơ hội làm việc với công ty suốt những năm qua.
Nước mắt bắt đầu chực trào khi tôi rẽ qua góc đường để đến chỗ vợ con đang ngồi chờ trong xe. Lần đầu tiên trong đời kể từ năm mười ba tuổi, tôi bị thất nghiệp.
Suốt cả tuần sau đó, tôi sống trong cảm giác hoang mang cực độ. Vợ tôi là giáo viên nên lúc đó đang được nghỉ hè. Một buổi chiều nọ, khi cô ấy ở nhà với Zoey thì tôi đi xem phim bởi không biết phải làm gì trong lúc mọi người đang đi làm. Tôi cố tập trung vào những gì đang diễn ra trên màn ảnh với hy vọng nỗi đau đang gặm nhấm lòng mình có thể được xoa dịu đôi chút.
Tôi chưa bao giờ là người thông minh nhất, đẹp trai nhất hay tài năng nhất giữa đám đông nhưng tôi luôn là người làm việc chăm chỉ nhất. Và khi lâm vào cảnh thất nghiệp thế này, tôi hoàn toàn suy sụp.
Vì không còn đủ tiền để gửi Zoey đến nhà trẻ, tôi đành ở nhà chăm con mỗi ngày. Không lâu sau, vợ tôi quay lại trường dạy học, còn tôi từ một chuyên viên kinh doanh khu vực với hai mươi nhân viên dưới quyền và doanh thu hàng năm lên đến hàng triệu đô-la, người luôn bận rộn với những cuộc điện thoại làm ăn và lịch hẹn dày kín, trở thành một ông bố ngày ngày thay tã, rửa bình sữa và ru con ngủ.
Ngày qua ngày, rồi tuần qua tuần, nỗi buồn của tôi cũng vơi đi và tôi nhận ra rằng dù muốn dù không, tôi vẫn phải có trách nhiệm chăm sóc tốt cho con. Vấn đề là tôi không biết phải làm gì với một em bé nhỏ xíu. Trước nay tôi chưa từng có con và cũng chưa bao giờ dành nhiều thời gian với trẻ con đến thế. Tôi không biết phải chăm sóc và chơi với con sao cho đúng. Thế là tôi quyết định làm điều duy nhất mình có thể làm, đó là vừa chăm Zoey vừa tìm hiểu về những gì mình phải làm cho con.
Cha con tôi nhanh chóng trở thành đôi bạn thân thiết. Chúng tôi cùng đến trung tâm mua sắm và lái xe ra bờ hồ. Chúng tôi trở thành khách hàng thân thiết của các hiệu sách địa phương, cùng tham dự những buổi đọc sách và ký tặng sách tại những nơi này. Thỉnh thoảng, con bé ngủ gật và tôi vừa trông con vừa đọc báo, nhưng phần lớn thời gian Zoey đều theo sát tôi và cha con tôi gắn bó với nhau như hình với bóng.
Zoey trở thành người cùng ăn trưa với tôi, người lắng nghe tôi tâm sự và người bạn thân nhất của tôi. Và quan trọng hơn hết, tôi đã thật sự trở thành một người cha. Tôi không đơn thuần là người góp công sinh ra con, là trụ cột của gia đình mà là một người cha đúng nghĩa. Tôi hạnh phúc vô cùng khi chứng kiến giây phút Zoey bặp bẹ những tiếng đầu đời, khi con lần đầu biết cắn thức ăn cứng hay chập chững bước những bước đầu tiên. Tất cả những điều đó thật kỳ diệu! Tôi biết hết những kiểu khóc khác nhau của con, hiểu rõ tính nết của con và sau bốn năm, giữa chúng tôi có một mối liên kết không gì phá vỡ được.
Dù khoản tiền lương và thưởng hậu hĩnh, xe của công ty cùng những đãi ngộ vật chất khác đã không còn, tôi vẫn không cảm thấy hối hận về cuộc sống này. Sự kiện mà tôi gọi là đen tối và tuyệt vọng nhất, biến cố đẩy gia đình tôi vào tình trạng khó khăn nhất về mặt tài chính đã biến tôi thành một con người mới. Chẳng có công việc nào trên đời xứng đáng để tôi đánh đổi thời gian dành cho con gái và với quan điểm mới mẻ đó, cuối cùng tôi cũng có đủ can đảm để thay đổi nghề nghiệp và theo đuổi ước mơ của mình.
Giờ thì tôi đã đi làm trở lại. Tôi đang làm công việc mình yêu thích và luôn muốn làm. Tuy mức lương không cao như trước, nhưng tôi hoàn toàn hài lòng vì mối dây tình cảm giữa tôi và con gái là điều không tiền bạc nào có thể mua được.