“Với tôi, lời cảm ơn là hình thức cao nhất của ý nghĩ, còn lòng biết ơn là niềm hạnh phúc được nhân đôi nhờ những điều kỳ diệu.”
- G. K. Chesterton
Cách đây vài năm, ngay trước lễ Tạ ơn, tôi bị bỏ rơi bởi chính người mà tôi nghĩ mình sẽ kết hôn. Ngay hôm sau, tôi mất công việc trợ lý hành chính, và ngày tiếp theo là sinh nhật lần thứ bốn mươi của tôi.
Trong suốt mười năm, tôi cố bám trụ tại Thành phố New York và ôm mộng trở thành diễn viên. Mặc dù cũng có chút may mắn trên sân khấu nhưng công việc đó không mang lại cho tôi nguồn thu nhập ổn định. Thời điểm đó, tôi độc thân, khánh kiệt và sắp bước vào tuổi trung niên trong khi cái nghề tôi theo đuổi lại tôn thờ tuổi trẻ và nhan sắc.
Dù không muốn, tôi vẫn phải về nhà cha mẹ ở Florida để dự lễ Tạ ơn và gặp gỡ các anh chị em họ thành đạt, có tổ ấm riêng và trẻ trung hơn mình. Nhưng ít ra chúng tôi cũng có dịp gặp nhau tại nhà hàng Brooks mà tôi ưa thích và đoàn tụ gia đình sau hai mươi năm.
Một ngày trước khi bay đến Florida, tôi bị cảm nặng. Tôi nằm trên giường mà tủi thân vô cùng. Chợt điện thoại reng, đầu dây bên kia là mẹ tôi.
“Con à, mẹ có tin này vui lắm”, mẹ nói.
Câu nói của mẹ làm lòng tôi chùng xuống. Lần gần đây nhất mẹ báo “tin vui” cho tôi là khi bà cưới một người đàn ông vừa quen trên mạng được hai tuần. Giờ đây, sau khi mẹ đã ly hôn bốn lần và đang sống trong một căn hộ mới, nơi dành cho “những người lớn tuổi năng động”, tôi sợ phải nghe điều tồi tệ nhất.
“Tin gì vậy mẹ?”, tôi vừa hỏi vừa sụt sịt.
“Chuyện là…”, bà ngừng lại đôi chút rồi nói cho thêm phần long trọng, “con biết đấy, hàng năm gia đình ta họp mặt ở nhà hàng Brooks. Nhưng năm nay, mẹ quyết định tự nấu cho cả nhà. Dĩ nhiên là có con giúp một tay rồi. Để xem… mình sẽ có… hai mươi lăm người, đó là chưa tính mẹ và con. Bữa đó chắc sẽ vui lắm đây”.
Thường thì tôi sẽ vờ rằng mẹ đếm sai nếu không bị ngấm thuốc cảm và còn có thể suy nghĩ thấu đáo. Thay vào đó, tôi chỉ lẩm bẩm, “Dạ… tuyệt quá… con cũng háo hức lắm…”, rồi cúp máy, trùm chăn kín đầu và thiếp đi.
Hôm sau, tôi đến sân bay Ft. Lauderdale, dõi mắt tìm kiếm mẹ mà lòng cảm thấy hết sức đau khổ. Tôi lấy hành lý và ra ngoài sảnh sân bay tìm mẹ. Một phụ nữ tóc hoe vàng ánh bạch kim tấp xe cạnh tôi, bấm kèn tin tin.
“Đẹp không con?”, mẹ tôi hỏi lớn. Bà nhoài người ra ngoài cửa sổ xe để hất mái tóc duỗi thẳng vừa chấm vai mà trước đây từng uốn lọn màu muối tiêu.
“Cô là ai và tại sao lại ăn cắp xe của mẹ tôi?”, tôi bông đùa và làm mẹ bật cười như cô gái mười sáu tuổi.
“Ngốc ạ! Tóc này là để ăn mừng cuộc sống mới tuyệt vời của mẹ đấy!”
“Ồ, tuyệt vời”, tôi đáp.
Lẽ ra tôi nên mừng cho mẹ, nhưng lúc đó mẹ tôi nói năng và trông trẻ hơn tôi đến mười tuổi.
Ngày hôm sau mới thật điên đầu. Tôi bận rộn đi chợ và nấu nướng còn hơn cả mấy năm trước đó cộng lại. Đến nửa đêm mà tôi còn phải đứng bên bồn rửa chén, cánh tay ngập trong thân con gà tây vẫn còn đông lạnh và cố dùng cả hai tay kéo cái mề của nó ra.
Tuy sự bận rộn ấy giúp tôi bớt suy nghĩ về những vấn đề của bản thân, tôi vẫn cảm thấy buồn khi nghĩ về cuộc sống của mình và lo lắng không biết mình sẽ làm gì khi trở lại New York.
Sáng ngày lễ Tạ ơn, mẹ con tôi thức dậy lúc sáu giờ để nấu ăn. Tôi cứ nghĩ mình sẽ không bao giờ làm xong việc, nhưng rồi mọi thứ cũng đâu vào đấy. Nhà cửa sạch sẽ, bốn cái bàn đặt vừa vặn trong nhà, đĩa bạc sáng bóng, bát đĩa đồng bộ và có cả bộ trang trí xinh xắn hình năm quả bí ngô.
Trên bàn tiệc dài, chúng tôi bày món thịt hầm và các món nóng, kiểm tra món gà tây và vừa kịp thay đồ trước khi vị khách đầu tiên tới. Ít lâu sau, căn nhà đã đầy ắp tiếng cười nói của các thành viên trong gia đình. Chẳng ai hỏi gì về chuyện yêu đương hay công việc diễn xuất của tôi. Mọi người chỉ xuýt xoa bên bàn tiệc, hết ô rồi lại a vì không tin mẹ con tôi đã tự tay chuẩn bị những món đó.
Trước khi khai tiệc, chúng tôi lần lượt nói về điều mình cảm thấy biết ơn trong cuộc sống. Mọi năm tôi rất thích nghi thức này, nhưng năm nay, ngay cả khi vô cùng tự hào vì giúp mẹ chuẩn bị bữa tiệc và rất vui vì được gặp lại mọi người, tôi vẫn cảm thấy mình không thật sự đóng góp được gì cả.
Trước khi đến phiên mình nói, tôi lắng nghe lời tâm sự của mẹ. Mẹ nói, “Tôi biết ơn vì mình còn mạnh khỏe, có gia đình và bạn bè bên cạnh. Và đặc biệt cảm ơn con gái Alyssa của tôi, người đã dạy tôi ý nghĩa của tinh thần biết ơn trong ngày lễ này cách đây ba mươi chín năm”.
Tôi ngẩng đầu lên nhìn mẹ. Mẹ nói vậy là sao? Mẹ tôi nói tiếp, “Khi ấy cha của Alyssa vừa xuất ngũ. Tôi vừa làm vợ vừa làm mẹ của bé gái một tuổi. Chúng tôi rời Ft. Polk ở Louisiana đến Pittsburgh vì chồng tôi tìm được việc làm ở đó. Quân đội làm mất tất cả đồ đạc của chúng tôi trong quá trình vận chuyển và chúng tôi không có tiền để mua sắm lại mọi thứ. Thậm chí chúng tôi còn không có đủ tiền để ăn mừng lễ Tạ ơn. Tôi mua một hũ nước cốt gà tây và nước cốt cà rốt cho Alyssa, và thêm hai cái bánh mì kẹp gà tây cho hai vợ chồng. Gia đình tôi ngồi trên sàn nhà trống trơn và khóc thương cho nỗi bất hạnh của mình. Chính lúc đó, chúng tôi nghe tiếng cười của Alyssa”.
Rồi mẹ quay sang nhìn tôi với đôi mắt rưng rưng, “Lúc đó trông con tràn trề hạnh phúc. Con nghêu ngao hát và đùa nghịch với thức ăn trong căn nhà trống. Mẹ đã cầu nguyện cho con lúc nào cũng hạnh phúc như thế, con gái yêu ạ”.
Tôi sững người trước lời nói của mẹ. Tôi từng tự hỏi làm thế nào mà một bà mẹ sáu mươi lăm tuổi, sống một mình bằng khoản thu nhập cố định lại quyết định trở thành một phụ nữ tóc vàng quyến rũ và tự tay nấu bữa tiệc Tạ ơn cho gần ba mươi người.
Giờ thì tôi đã hiểu. Mẹ đang làm theo những gì tôi đã làm cách đây mấy chục năm, chỉ tiếc là bây giờ tôi lại quên mất.
Khi trở lại New York, tôi mang theo mục đích sống và lòng biết ơn cuộc sống hoàn toàn mới. Và tôi cũng đi nhuộm tóc vàng như mẹ.