“Khi cho đi chính là lúc ta được nhận lại.”
- Thánh Phan-xi-cô thành Assisi
Một ngày hè oi bức tháng Bảy năm 1965, mẹ tôi qua đời ở tuổi ba mươi sáu vì một căn bệnh lạ mà y học thời đó chưa chẩn đoán được. Chiều muộn ngày hôm ấy, bác sĩ đến gặp cha tôi để thuyết phục cha hiến van tim và giác mạc từ đôi mắt của mẹ cho bệnh viện. Tôi choáng váng trước lời đề nghị đó, vừa khóc vừa nghĩ, “Tại sao họ lại muốn cắt rời thân thể mẹ tôi và đem cho người khác như vậy chứ?”.
Vậy mà chưa đầy một phút suy nghĩ, cha tôi đồng ý.
Tôi lập tức hét lên, “Sao cha nỡ để người ta làm vậy với mẹ? Mẹ bước vào thế giới này với một cơ thể nguyên vẹn thì khi ra đi mẹ cũng phải vẹn nguyên chứ?”.
Cha ôm tôi vào lòng và nói, “Linda à, món quà ý nghĩa nhất con có thể trao tặng người khác là một phần của chính con. Nếu ta chết đi mà vẫn có thể giúp cho cuộc sống của ai đó tốt đẹp hơn thì lúc đó, sự ra đi của ta mới không trở nên vô nghĩa”. Cha tiếp tục giải thích rằng cả cha và mẹ đều quyết định sẽ hiến tạng khi qua đời. Những lời cha nói trở thành một trong những bài học quan trọng nhất đời tôi.
Nhiều năm sau, tôi kết hôn và có gia đình riêng. Năm 1980, cha tôi bị bệnh phổi nên tôi đón cha về sống cùng để tiện chăm sóc. Trong suốt sáu năm sau đó, cha con tôi dành nhiều thời gian để nói về sự sống và cái chết.
Cha tâm sự rằng cha muốn hiến tặng bất cứ bộ phận nào có thể được trên cơ thể mình, đặc biệt là đôi mắt. Cha chậm rãi nói, “Theo cha, ánh sáng là một trong những món quà quý giá nhất mà chúng ta có thể trao tặng người khác. Sẽ thật tuyệt vời nếu cha có thể giúp một đứa bé khiếm thị được sáng mắt, và đứa bé đó có thể vẽ những chú ngựa xinh xắn như cháu ngoại Wendy của cha hay vẽ. Cha sẽ rất tự hào nếu sau khi cha ra đi, đôi mắt của cha có thể làm được điều đó”.
Có lần tôi kể cho Wendy nghe về ý nguyện của ông ngoại con bé. Nghe xong Wendy liền chạy vào phòng ông và ôm chặt ông. Năm đó con tôi mười bốn tuổi, đúng độ tuổi mà tôi lần đầu được biết về việc hiến tạng.
Cha tôi mất ngày 11 tháng Tư năm 1986. Như đã bàn bạc trước đó, chúng tôi làm thủ tục hiến tặng đôi mắt của cha. Vài ngày sau, Wendy nói với tôi, “Mẹ ơi, con rất tự hào về điều ông làm”.
“Điều gì thế con yêu?”, tôi hỏi.
“Về việc hiến tạng đó mẹ. Con thấy tự hào vì dù đã ra đi nhưng ông vẫn có thể giúp đỡ người khác. Khi chết đi, con cũng muốn hiến tặng đôi mắt của mình như ông.”
Lúc đó, tôi chợt nhận ra cha tôi đã cho đi nhiều hơn cả đôi mắt của ông. Những gì cha để lại đang ánh lên lấp lánh trong đôi mắt của Wendy, đó chính là niềm tự hào. Tôi ôm con gái vào lòng, chẳng hề biết rằng hai tuần sau đó, tôi phải một lần nữa ký vào giấy hiến tạng của người thân.
Cô con gái yêu dấu và tài năng của tôi đột ngột qua đời trong một tai nạn giao thông trên đường đi học về. Những lời của con cứ vang mãi bên tai khi tôi đặt bút ký vào giấy hiến tạng, “Con thấy tự hào vì dù đã ra đi nhưng ông vẫn có thể giúp đỡ người khác. Khi chết đi, con cũng muốn hiến tặng đôi mắt của mình như ông”.
Ba tuần sau khi Wendy mất, tôi nhận được một lá thư từ bệnh viện.
Thưa ông bà Rivers,
Chúng tôi xin thông báo cho ông bà biết giác mạc của con gái ông bà đã được ghép thành công, và giờ đây hai người khiếm thị đã được phục hồi thị giác. Thay mặt họ, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến ông bà và Wendy.