“Khi chết, ta không mang theo được gì ngoài những thứ mình đã cho đi.”
- Dewitt Wallace
Bất cứ khi nào ngồi lại với nhau, anh em chúng tôi cũng đều nói về cha. Mọi thành công mà chúng tôi có được đều nhờ ơn cha và người đàn ông bí ẩn mà cha từng gặp trên một chuyến tàu đêm.
Cha tôi là Simon Alexander Haley, sinh năm 1892 và lớn lên tại một vùng nông thôn nhỏ của thị trấn Savannah, bang Tennessee. Ông là người con thứ tám trong gia đình. Ông nội Alec Haley của tôi là một người cứng rắn, xuất thân là nô lệ và lúc bấy giờ đang làm lĩnh canh. Bà nội tôi tên là Queen.
Dù khá nhạy cảm và dễ động lòng, nhưng bà nội còn là một người mạnh mẽ và kiên định, nhất là trong chuyện nuôi dạy con cái. Một trong những ước nguyện của bà là cha tôi được học hành tử tế.
Ở Savannah thời đó, một đứa con trai đã đủ tuổi phụ giúp gia đình trong việc đồng áng mà vẫn cắp sách đến trường sẽ bị coi là “đồ bỏ đi”. Vậy nên khi cha học đến lớp sáu, bà tôi cũng bắt đầu tìm cách xoa dịu cái tôi của ông nội.
Bà từng thủ thỉ với ông, “Vợ chồng mình có đến tám đứa con, nếu bây giờ mình chủ động ‘bỏ đi’ một đứa và đầu tư cho nó học hành thì chẳng phải sau này anh sẽ được nở mày nở mặt sao?”. Sau nhiều cuộc tranh luận, cuối cùng ông nội cũng đồng ý cho cha tôi học hết lớp tám, dĩ nhiên cha vẫn phải phụ việc đồng áng sau giờ học.
Thế nhưng bà nội vẫn chưa hoàn toàn hài lòng. Khi cha vừa học hết lớp tám, bà nội lại tiếp tục thuyết phục ông nội rằng hình ảnh của ông sẽ được nâng lên một tầm cao mới nếu có con trai học cấp ba. Mưa dầm thấm lâu, và một lần nữa bà lại thành công. Ông nội trao cho cha tôi năm tờ tiền mệnh giá mười đô-la mà khó khăn lắm ông mới kiếm được, đồng thời nghiêm nghị nhắc nhở cha không được xin thêm đồng nào rồi tiễn cha đi học trung học. Cha tôi bắt đầu hành trình đến trường trên chiếc xe gỗ được kéo bởi con la, sau đó chuyển sang tàu lửa - chuyến tàu đầu tiên trong đời cha. Cuối cùng cha cũng đến được Thành phố Jackson, bang Tennesse và đăng ký học hệ dự bị của Đại học Lane - ngôi trường dành cho người da màu theo dòng Giám lý có chương trình đào tạo từ trung học đến cao đẳng hệ hai năm.
Số tiền năm mươi đô-la nhanh chóng cạn kiệt. Để tiếp tục việc học, cha phải làm thêm rất nhiều công việc khác nhau như bồi bàn, thợ sửa chữa hay phụ việc tại một trường giáo dưỡng dành cho nam sinh. Vào mùa đông, cha thường thức dậy lúc bốn giờ sáng, đến nhà của các gia đình người da trắng giàu có và nhóm lò sưởi để họ có thể thức dậy trong không khí ấm áp.
Chàng Simon đáng thương trở thành đề tài giễu cợt ở ký túc xá vì chỉ có độc một chiếc quần và một đôi giày, còn đôi mắt thì lúc nào cũng lờ đờ do thiếu ngủ. Cha thường bị mọi người bắt gặp trong tình trạng ngủ gục với quyển sách còn đặt trên đùi.
Hậu quả của việc phải liên tục kiếm tiền rồi cũng đến: kết quả học tập của cha bắt đầu sa sút. Dù vậy, cha vẫn nỗ lực hết sức và hoàn thành chương trình trung học phổ thông. Sau đó, cha ghi danh vào Đại học Công lập A&T ở Thành phố Greensboro, bang North Carolina. Tại đó, cha cũng phải chật vật vừa học vừa làm suốt hai năm đầu.
Một buổi chiều ảm đạm cuối năm hai đại học, một giảng viên cho gọi cha tôi lên văn phòng và thông báo rằng cha đã thi trượt một môn - môn mà cha không có tiền để mua giáo trình.
Cảm giác thất bại ê chề bao trùm lấy cha. Cha đã hết sức cố gắng trong suốt những năm đi học xa nhà, và giờ đây cha thấy mình chẳng đạt được bất cứ thành tựu gì. Có lẽ cha nên quay về và chấp nhận số phận của mình - làm một nông dân lĩnh canh.
Thế nhưng vài ngày sau, cha được Công ty Pullman gửi thư thông báo rằng cha là một trong hai mươi bốn sinh viên da màu được chọn từ hàng trăm ứng cử viên để trở thành nhân viên phục vụ trên tàu lửa giường nằm trong mùa hè năm đó. Cha tôi vui mừng tột độ. Đó chính là cơ cơ hội dành cho cha. Cha hăng hái đến nhận việc và được phân công phục vụ trên tuyến tàu nối giữa Thành phố Buffalo, bang New York và Thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania.
Một ngày nọ, khoảng hai giờ sáng, khi đoàn tàu đang rầm rập lướt đi thì tiếng chuông gọi phục vụ vang lên. Cha bật dậy, nhanh chóng khoác chiếc áo đồng phục màu trắng vào rồi đi đến toa hành khách. Một vị khách có vẻ ngoài sang trọng nói rằng vợ chồng ông bị mất ngủ và muốn uống sữa ấm. Lát sau, cha tôi trở lại với hai ly sữa và khăn ăn đặt trên một chiếc khay bạc. Người đàn ông đưa cho vợ mình ly sữa qua tấm rèm của giường ngủ tầng dưới. Sau đó ông vừa nhấp từng ngụm sữa vừa quay sang cha tôi bắt chuyện.
Theo quy định của Công ty Pullman, nhân viên phục vụ tuyệt đối không được trò chuyện với khách mà chỉ được nói những câu như “Vâng, thưa ngài” hay “Không, thưa bà”, thế nhưng vị khách kia cứ liên tục hỏi chuyện cha tôi. Thậm chí ông ấy còn đi theo cha đến khoang dành cho nhân viên phục vụ trên tàu.
“Quê cậu ở đâu nhỉ?”
“Thị trấn Savannah, bang Tennessee, thưa ngài.”
“Cậu giao tiếp khá trôi chảy đấy.”
“Cảm ơn, thưa ngài.”
“Trước khi làm phục vụ trên tàu thì cậu làm nghề gì?”
“Cháu là sinh viên Đại học A&T ở Greensboro, thưa ngài”, cha tôi cảm thấy không cần thiết phải đề cập đến chuyện mình đang định nghỉ học để về nhà làm nông.
Vị khách chăm chú nhìn cha hồi lâu, sau đó ông chúc cha may mắn rồi quay lại khoang của mình.
Sáng hôm sau, đoàn tàu đến Pittsburgh. Thời đó, trong khi năm mươi xu đã là số tiền boa hậu hĩnh thì vị khách kia lại boa cho cha tôi hẳn năm đô-la, và tất nhiên cha vô cùng biết ơn vị khách ấy. Suốt mùa hè năm đó, cha tôi đã dành dụm từng đồng tiền boa mà mình nhận được. Khi công việc kết thúc, số tiền cha tích góp cũng đủ để mua một con la và cái cày. Thế nhưng, cha nhận ra rằng khoản tiết kiệm đó cũng đủ để chi trả học phí cho một học kỳ tại trường A&T mà không phải làm thêm bất kỳ công việc nào nữa.
Cha cảm thấy mình xứng đáng có được một học kỳ chỉ tập trung cho việc học mà không phải vướng bận chuyện làm thêm. Khi đó học lực của cha sẽ được đánh giá chính xác.
Thế là cha quay lại Thành phố Greensboro để tiếp tục việc học. Vừa đến trường thì cha đã được mời lên văn phòng của thầy hiệu trưởng. Cha cực kỳ lo lắng khi ngồi trước người đàn ông quyền lực đó.
“Simon này, thầy vừa nhận được một bức thư.”
“Vâng, thưa thầy.”
“Hồi mùa hè trò đã làm nhân viên phục vụ trên tàu của Công ty Pullman đúng không? Có phải trò đã gặp một người khách trên tàu và mang cho ông ấy một ly sữa ấm lúc giữa đêm?”
“Đúng vậy, thưa thầy.”
“Vị khách ấy chính là R. S. M. Boyce - nguyên giám đốc điều hành của Công ty xuất bản Curtis, nơi xuất bản tạp chí The Saturday Evening Post. Ông ấy đã tài trợ năm trăm đô-la chi phí ăn ở, học tập và sách vở của trò cho cả năm học.”
Lúc ấy, cha tôi vô cùng ngỡ ngàng. Với khoản trợ cấp bất ngờ đó, cha không những có thể hoàn thành chương trình học ở Đại học A&T mà còn có thành tích học tập cao nhất lớp. Và cũng nhờ có thành tích tốt mà cha giành được học bổng toàn phần của Đại học Cornell tại Thành phố Ithaca, New York.
Năm 1920, cha tôi kết hôn rồi chuyển đến sống cùng mẹ tôi là Bertha ở Ithaca. Cha tiếp tục theo đuổi tấm bằng thạc sĩ ở Đại học Cornell, còn mẹ thì đăng ký vào Nhạc viện Ithaca để học dương cầm. Một năm sau đó, tôi ra đời.
Hơn bốn mươi năm sau, các biên tập viên của tờ The Saturday Evening Post mời tôi đến phòng biên tập tại New York để trao đổi về bản thảo quyển sách đầu tiên của mình - The Autobiography of Malcolm X (tạm dịch: Tự truyện Malcolm X). Khi được ngồi trong văn phòng ốp gỗ của tạp chí này tọa lạc trên Đại lộ Lexington, tôi cảm thấy vô cùng tự hào và hạnh phúc. Đột nhiên, tôi nhớ đến ngài Boyce và sự hào phóng của ông ấy để ngày nay tôi được có mặt ở tòa soạn này với tư cách là tác giả viết sách. Và rồi tôi bật khóc vì không kiềm chế được cảm xúc của mình.
Anh em chúng tôi - những người con của Simon Haley - thường nghĩ về ngài Boyce và khoản trợ cấp ông dành cho cha tôi. Sự hào phóng của ông đã gián tiếp giúp chúng tôi có được thành công ở hiện tại. Thay vì gắn liền cuộc sống của mình ở nông trại, chúng tôi may mắn được trưởng thành trong gia đình có cha mẹ là người trí thức, với những chiếc kệ đầy sách và trong lòng luôn tràn ngập niềm tự hào. Em trai tôi, George, là chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bưu chính Hoa Kỳ3, Julius là kiến trúc sư, Lois là giáo viên dạy nhạc, và tôi là tác giả viết sách.
3 U.S. Postal Rate Commission, hiện đã đổi thành U.S Postal Regulatory Commission (viết tắt là PRC), được thành lập năm 1970. PRC có vai trò đảm bảo sự minh bạch và tính trách nhiệm trong mọi hoạt động của Hệ thống Bưu chính Hoa Kỳ.
Ngài R. S. M. Boyce là một “quý nhân” đã xuất hiện trong cuộc đời cha tôi. Điều mà một số người xem như cuộc gặp gỡ tình cờ thì đối với tôi chính là một phép màu bí ẩn và kỳ diệu.
Tôi tin rằng những ai từng may mắn gặt hái được thành công cũng nên chia sẻ may mắn của mình với người khác. Tất cả chúng ta đều nên sống và hành động như vị khách hào phóng trên chuyến tàu Pittsburgh kia.