“Ngay cả một ngôi sao nhỏ bé vẫn có thể tỏa sáng giữa bầu trời đêm.”
- Ngạn ngữ Đan Mạch
Là một nghệ sĩ đàn dương cầm, tôi được mời đến trình diễn cùng nghệ sĩ đàn cello Eugen Friesen tại Nhạc hội Cello Quốc tế ở Manchester, nước Anh. Cứ mỗi hai năm, các nghệ sĩ cello hàng đầu thế giới và những ai đam mê nhạc cụ khiêm tốn này - những nghệ nhân chế tác cây vĩ, các nhà sưu tập, những người ghi chép lịch sử hình thành và phát triển của đàn - sẽ cùng tụ họp trong vòng một tuần. Họ tổ chức các buổi chế tác, lớp học với chuyên gia, tổ chức hội thảo, biểu diễn độc tấu và tiệc tùng. Mỗi tối, khoảng sáu trăm con người cùng quây quần để thưởng thức buổi hòa nhạc.
Trong đêm khai mạc, các tác phẩm độc tấu đàn cello được biểu diễn tại Nhạc viện Hoàng gia phương Bắc. Trên sân khấu của nhà hát tráng lệ ấy chỉ đặt duy nhất một chiếc ghế - không có đàn dương cầm, không có giá nhạc và cũng không có bục điều khiển của nhạc trưởng. Không khí lúc đó ngập tràn sự trông đợi và tập trung của tất cả mọi người.
Nghệ sĩ đàn cello nổi tiếng thế giới Yo-Yo Ma là một trong những người trình diễn vào đêm tháng Tư năm 1994 đó, và tác phẩm mà ông thể hiện xuất phát từ một câu chuyện vô cùng cảm động.
Câu chuyện bắt đầu vào ngày 27 tháng Năm năm 1992 tại Sarajevo. Khi đó, một trong số ít những tiệm bánh còn bột mì đã quyết định làm bánh mì để phân phát cho những người dân đói khổ và bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh. Đến bốn giờ chiều, hàng người đợi nhận bánh đã nối dài ra tới lòng đường. Đột nhiên một quả đạn cối rơi vào ngay giữa hàng người, cướp đi hai mươi hai sinh mạng và để lại cảnh tượng kinh hoàng - những thi thể thịt nát xương tan nhầy nhụa lẫn trong đống gạch vỡ vụn.
Cách đó không xa là nơi ở của nhạc sĩ ba mươi lăm tuổi Vedran Smailovic. Trước khi chiến tranh nổ ra, Smailovic là nghệ sĩ đàn cello của đoàn Opera Sarajevo. Đó là con đường sự nghiệp mà anh luôn mong mỏi và nhẫn nại chờ đến ngày được quay trở lại. Thế nhưng khi chứng kiến cảnh tượng đẫm máu qua khung cửa sổ, anh không thể kìm nén hay chịu đựng thêm được nữa. Trong tâm trạng phẫn nộ, anh quyết định làm điều mà mình giỏi nhất: chơi nhạc - âm nhạc cho đại chúng, âm nhạc thể hiện bản lĩnh, âm nhạc của tiền tuyến.
Trong suốt hai mươi hai ngày tiếp theo, cứ đúng bốn giờ chiều là Smailovic lại rời khỏi căn hộ của mình trong bộ trang phục trình diễn chỉn chu, trang trọng, cầm cây đàn cello và bước vào giữa trận chiến khốc liệt đang diễn ra xung quanh. Anh đặt một chiếc ghế nhựa cạnh hố bom - vết tích của quả đạn cối hôm nọ - ngồi xuống và trình diễn bản Adagio cung Sol thứ của cố nhạc sĩ Albinoni - một trong những tác phẩm đau buồn và ám ảnh nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ này. Smailovic chơi nhạc cho những con đường hoang vắng, những chiếc xe tải vỡ nát, những tòa nhà đang bốc cháy và cho những con người hoảng loạn đang ẩn nấp trong hầm trú để tránh bom đạn. Mặc cho những công trình xung quanh có nổ tung và sụp đổ, Smailovic vẫn dũng cảm ngồi đó và chơi đàn. Hành động của anh đại diện cho lời khẳng định về phẩm giá của con người, cho những người đã hy sinh trong chiến tranh, cho nhân loại, cho lòng trắc ẩn, và cho hòa bình. Điều lạ lùng là dẫu mưa đạn ào ào trút xuống, anh vẫn không hề bị thương.
Sau khi câu chuyện về người đàn ông phi thường này được đăng tải trên các mặt báo, nhà soạn nhạc người Anh David Wilde đã cảm động đến mức quyết định sáng tác một tác phẩm độc tấu đàn cello mang tên Nghệ sĩ đàn cello ở Sarajevo - qua đó thể hiện nỗi oán giận chiến tranh, lòng nhân ái đồng thời gửi gắm tình bằng hữu ông dành cho Vedran Smailovic.
Nghệ sĩ đàn cello ở Sarajevo cũng chính là bản nhạc mà Yo-Yo Ma đã trình diễn tại đêm Nhạc hội.
Khi buổi biểu diễn bắt đầu, Yo-Yo Ma từ trong bước ra sân khấu, cúi chào khán giả rồi lặng lẽ ngồi xuống ghế. Tiếng đàn cello bắt đầu vang lên, lan tỏa khắp thính phòng tĩnh lặng, tạo ra một bầu không khí thâm trầm, trống vắng, tang thương và ám ảnh. Một cách chậm rãi, tiếng nhạc chuyển thành một cơn cuồng nộ đầy nỗi thống khổ, ai oán, và dữ dội, bóp nghẹt trái tim của những người có mặt trong khán phòng, sau đó lắng xuống thành tiếng thì thầm vô vọng của cái chết để cuối cùng trở về với sự tĩnh lặng.
Sau khi hoàn thành phần trình diễn của mình, Ma giữ nguyên tư thế và ngồi lặng yên bên cây đàn cello, cây vĩ vẫn nằm trên những sợi dây đàn. Nhiều phút trôi qua, cả hội trường không một ai di chuyển hay tạo ra bất cứ âm thanh nào, như thể chính chúng tôi vừa được tận mắt chứng kiến cảnh tượng đẫm máu năm xưa.
Đột nhiên Yo-Yo Ma đưa mắt nhìn xuống và đưa tay ra hiệu để mời một vị khán giả nào đó bước lên sân khấu. Gương mặt ai nấy đều lộ rõ vẻ kinh ngạc khi nhận ra vị khán giả đó: Vedran Smailovic - nghệ sĩ đàn cello ở Sarajevo.
Smailovic đứng dậy, bước ra giữa lối đi rồi tiến về phía sân khấu, trong khi Ma cũng rời sân khấu và đi về phía ông. Họ vòng tay ôm ghì lấy nhau đầy xúc động. Mọi người trong hội trường bỗng vỡ òa trong sự xúc động, họ liên tục vỗ tay và không ngừng reo hò.
Giữa những tiếng hò reo ấy có hai người đàn ông vẫn ôm nhau khóc không chút ngại ngần: Yo-Yo Ma - vị hoàng tử tinh tế, tao nhã của dòng nhạc cổ điển, người có ngoại hình và khả năng trình diễn hoàn hảo - và Vedran Smailovic trong bộ đồ đi xe mô-tô đã bạc màu với đôi chỗ sờn rách. Mái tóc dài đầy vẻ phong trần cùng hàm râu rậm rạp khiến Smailovic trông già hơn so với tuổi thật. Gương mặt ông đầm đìa nước mắt và hằn chứa nhiều nỗi đau.
Tất cả chúng tôi đều được cảm nhận khía cạnh nguyên bản nhất, sâu sắc nhất của lòng nhân ái khi gặp người đàn ông này - người đã đem tiếng đàn cello chống lại tiếng thét của bom đạn, cái chết, sự tàn phá và giành chiến thắng trước tất cả những thứ ấy.
Một tuần sau, tôi trở lại Maine. Một buổi tối nọ, trong lúc chơi dương cầm cho các cụ già trong viện dưỡng lão địa phương, tâm trí tôi cứ miên man so sánh tiếng nhạc của mình với phần trình diễn bi hùng mà tôi đã vinh hạnh được chứng kiến tại đêm nhạc hội. Và rồi, tôi bỗng nhận ra những điểm tương đồng cốt lõi. Nghệ sĩ đàn cello ở Sarajevo đã dùng âm nhạc để đẩy lùi cái chết và sự tuyệt vọng, đồng thời ca ngợi tình yêu và cuộc sống. Còn giờ đây, với giọng ca trầm lắng trên nền nhạc đệm từ chiếc dương cầm cũ kỹ, chúng tôi cũng đang cố gắng làm điều tương tự. Tuy không hề có bom đạn nhưng vẫn có nỗi đau hiện hữu - những đôi mắt đang mờ dần, nỗi cô đơn xé lòng và tất cả những vết sẹo mà chúng ta từng mang trong đời - cùng vốn ký ức tươi đẹp ít ỏi để vỗ về tâm hồn mình. Trên tất cả, chúng tôi vẫn ca hát và vỗ tay theo điệu nhạc.
Đó chính là lúc tôi nhận ra rằng âm nhạc là món quà mà tất cả chúng ta đều có quyền thưởng thức và chia sẻ. Dù bạn là người tạo ra âm nhạc hay chỉ đơn giản là người lắng nghe thì âm nhạc vẫn là món quà chung có thể xoa dịu, truyền cảm hứng và kết nối mọi người lại với nhau, thường là trong những lúc ta cần nó nhất và ít ngờ đến nhất.