“Làm anh đôi khi còn tuyệt hơn làm siêu nhân.”
- Marc Brown
Antonio Seay ngồi ở mép giường và lật qua lật lại bức ảnh đang cầm trên tay. Đó là chân dung của anh được chụp cách đây vài năm khi anh còn là sinh viên đại học ở Bắc Mỹ. Anh đưa tay chạm lên bức ảnh và phủi đi lớp bụi mỏng đang bám trên đó.
“Quên quá khứ đi”, anh tự nhủ rồi thả bức ảnh xuống tấm ga trải giường màu xanh. Anh quay sang kiểm tra mớ thư từ của ngày hôm đó - một xấp hóa đơn cùng mấy thứ giấy tờ để làm thủ tục xin hoãn thời hạn hoàn trả khoản vay hai mươi ngàn đô-la tiền học phí anh nợ từ trước. Antonio thở dài rồi ném mấy cái bì thư xuống giường, xa khỏi chỗ anh ngồi, rồi anh buông người xuống gối, ngửa mặt nhìn lên trần nhà.
Hai người bạn từ thời đại học vừa gọi điện cho anh. Cả hai đều có việc tốt và lương cao. Một người còn đang chuẩn bị kết hôn. Antonio cũng muốn được như hai người họ. Ngày trước, anh từng dự định thi vào trường luật hoặc trở thành cảnh sát. Ấy vậy mà giờ đây, khi đã hai mươi lăm tuổi, anh vẫn phải chôn chân trong một căn nhà tồi tàn ở khu dân cư ngày càng xuống cấp của Thành phố Miami. Gián bò khắp bếp. Đồ điện gia dụng trong nhà còn nhiều tuổi hơn cả anh. Sàn nhà, kể cả sàn trong phòng ngủ, được lót bằng vải sơn cũ kỹ, đã sờn và nứt nẻ nhiều chỗ. Tường nhà có tuổi đời đã mấy chục năm giờ trở nên cáu bẩn với những mảng sơn bong tróc.
Antonio đưa mắt liếc nhìn bức ảnh của mình lần nữa - hình ảnh một chàng trai trẻ ấp ủ nhiều hoài bão. Sau đó, anh bước xuống giường và rời khỏi căn nhà chật hẹp.
Trời đã về đêm, tiếng nhạc rap xập xình vang lên đâu đó trong bóng tối. Có tiếng ai đó đang la hét ở phía xa, xen lẫn là tiếng lốp xe rít trên mặt đường. Antonio rẽ vào một con đường nhỏ lổn ngổn rác rồi quay người lại và chăm chú nhìn căn nhà của mình - cũng chính là nơi anh đã thề sẽ tìm cách thoát ra. Anh nhắm mắt lại và nghe thấy giọng nói của mẹ văng vẳng bên tai. Ngày hôm ấy, bà đã nhờ anh chở đến cửa hàng. Đó cũng chính là thời điểm mà hành trình của anh bắt đầu và kéo dài đến ngày hôm nay, từ chuyến đi đến cửa hàng bốn năm về trước.
***
Chuyện xảy ra vào một buổi chiều tháng Tám oi bức năm 2002. Antonio vừa hạ kính xe xuống và đánh xe khỏi lề đường. Anh chẳng buồn để ý đến khu phố ngập ngụa không khí ảm đạm - nơi anh đang sống cùng mẹ Dorothea và bốn đứa em. Tâm trí anh lúc này đang mải suy nghĩ về tương lai.
Trong gia đình, Antonio là người đầu tiên học đại học. Khoảng mười tháng nữa, anh sẽ tốt nghiệp Đại học Thánh Peter ở New Jersey, với bằng chuyên ngành là quản trị kinh doanh và một văn bằng phụ về tư pháp hình sự.
Anh nhìn sang mẹ, lúc này đang ngồi lặng im cạnh ghế lái nhìn ra cửa sổ. Bà chính là người truyền cảm hứng cho anh và là nguồn sức mạnh trong tổ ấm thiếu vắng bóng cha. Anh chưa một lần nghe mẹ than phiền. Tất cả những gì bà mong muốn là con cái mình đủ khôn ngoan để không đi vào vết xe đổ của mẹ chúng.
“Con yêu, mẹ có chuyện muốn nói với con”, bà nhẹ nhàng nói.
Antonio nghe lòng mình thắt lại. Mỗi khi mẹ anh mở đầu câu chuyện như vậy, anh biết thể nào cũng có chuyện gì đó rất nghiêm trọng.
“Lẽ ra mẹ nên cho con biết sớm hơn, nhưng thật sự mẹ không biết phải nói thế nào.” Bà dừng lại trong giây lát như để lựa lời thích hợp rồi tiếp tục, “Mẹ muốn nói cho con biết rằng mẹ đã bị nhiễm HIV4”.
4 HIV - Human Immunodeficiency Virus: virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh dẫn đến chết người. HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục, qua đường máu hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cho con bú.
Antonio lặng người, hai tay anh ghì chặt vô lăng.
“Con à, mẹ chẳng còn sống được bao lâu nữa.”
Về sau, Antonio trở lại trường đại học và đều đặn gọi điện trò chuyện với mẹ mình mỗi tuần. Anh được biết chính người đàn ông mẹ anh hết mực yêu thương và tin tưởng lại là người đã truyền cho bà căn bệnh thế kỷ. Vào thời điểm phát bệnh, các xét nghiệm cho thấy HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS5. Dù vậy bà vẫn sống đến ngày Antonio tốt nghiệp và trở về bên bà vào tháng Năm. Hai tháng sau đó, bà được chuyển vào bệnh viện và không lâu sau thì được chuyển đến nhà an dưỡng cuối đời.
5 AIDS - Acquired Immunodeficiency Syndrom: là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV được biểu hiện bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và các bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch dẫn đến tử vong. Thời gian từ khi nhiễm HIV đến khi chuyển sang giai đoạn AIDS tùy thuộc vào hành vi và đáp ứng miễn dịch của từng người, nhưng trung bình là khoảng năm năm.
Antonio biết ngày mẹ anh ra đi, cả gia đình anh sẽ tan đàn xẻ nghé. Khi đó, anh có thể tự giải thoát cho mình nếu chấp nhận bỏ lại hai đứa em gái - Shronda mười lăm tuổi, Keyera mười ba tuổi - cùng hai cậu em trai sinh đôi mười bốn tuổi Torrian và Corrian.
Các cô chú của Antonio sống gần nhà anh, một số họ hàng thì ở bang khác. Thế nhưng không ai có ý định muốn nhận nuôi bọn trẻ. Trong trường hợp đó, các em của Antonio sẽ được bảo trợ bởi chính phủ và được gửi đến trại mồ côi với sự giám sát của Ủy ban Gia đình và Trẻ em bang Florida.
Trước hoàn cảnh đó, Antonio đã có một ý nghĩ táo bạo. Nếu anh được quyền nuôi dưỡng các em thì sao? Antonio chưa từng nghe nói về việc anh trai ra tòa để đấu tranh giành quyền nuôi em, nhưng tại sao lại không chứ? Anh chia sẻ suy nghĩ của mình với bạn bè. Một vài người thán phục sự can đảm của anh. Những người khác lại khuyên rằng nếu vẫn còn lý trí thì anh nên buông tay để bước tiếp và đừng bao giờ quay đầu lại. Antonio biết rằng nuôi dạy các em thật sự là một trách nhiệm nặng nề. Anh sẽ phải hoãn lại mọi dự định xây dựng cuộc sống tươi đẹp của mình trong tám năm, cho đến khi cô em út của anh bước sang tuổi hai mươi mốt. Muốn sở hữu một căn nhà trong khu phố xinh đẹp ư? Quên chuyện ấy đi. Theo học trường luật à? Không thể nào. Anh nghĩ rằng mình có thể xin trợ cấp của chính phủ, nhưng lúc này anh chưa có việc làm và không có cách gì để trang trải cho cuộc sống của cả năm anh em.
Có lẽ năm anh em mỗi người sống một nơi thì sẽ tốt hơn. Như vậy, mỗi người đều sẽ có một khởi đầu hoàn toàn mới. Anh phải đối mặt với hai lựa chọn rõ ràng - từ bỏ các em hoặc từ bỏ ước mơ của mình. Và anh cầu nguyện rằng mình sẽ chọn đúng.
Một luật sư tư vấn pháp lý giúp Antonio chuẩn bị các thủ tục cần thiết trước khi phiên tòa diễn ra. Bà đưa ra các câu hỏi và điền thông tin vào hồ sơ. Một ngày tháng Tám năm 2003, chỉ một năm sau khi biết tin về bệnh tình của mẹ, Antonio đang ngồi trong văn phòng của vị luật sư đó thì một y tá của nhà an dưỡng gọi đến để báo tin rằng mẹ anh vừa qua đời.
Vài giờ sau, anh tập hợp các em tại phòng khách và thẳng thắn bàn bạc về tương lai. “Chúng ta phải mạnh mẽ lên”, anh nói trong nước mắt. “Mẹ mất rồi, nhưng đó không phải là tận thế. Chúng ta vẫn là một gia đình và phải tiếp tục cố gắng dù có chuyện gì xảy ra. Anh em ta phải sát cánh bên nhau.”
Một tuần sau tang lễ, khi người ta không còn mang thức ăn đến để chia buồn với gia đình nữa cũng là lúc Antonio phải bắt đầu tự lực cánh sinh. Anh chờ đến ngày ra tòa với hy vọng thẩm phán sẽ không xem anh là tên ngớ ngẩn, mà thay vào đó là một người đàn ông muốn đảm nhiệm vai trò của một người cha theo cách tốt nhất mà anh biết.
Tại tòa, thẩm phán mời Antonio và các em của anh đứng dậy. Bà nói với Antonio, “Trông cậu trẻ quá. Cậu bao nhiêu tuổi rồi?”.
“Hai mươi ba tuổi”, anh trả lời.
“Đây là một trách nhiệm nặng nề đấy. Nhiều người cha còn chối bỏ nghĩa vụ nuôi con, vậy mà cậu lại đến đây để giành quyền nuôi bốn đứa em của mình.”
Vị thẩm phán xem xét các giấy tờ mà luật sư cung cấp.
“Tôi rất cảm phục cậu”, bà nói với Antonio rồi quay sang những người em của anh và hỏi, “Các cháu có muốn sống cùng anh trai của mình không?”.
“Dạ có”, bốn đứa trẻ đồng thanh trả lời.
Năm phút sau, phiên tòa kết thúc. Antonio ký các giấy tờ cần thiết rồi đưa các em về nhà - nơi mà cuộc sống mới đang chờ đợi cả năm anh em.
“Em làm bài tập về nhà chưa?”, Antonio hỏi Keyera.
“Có bài đâu”, Keyera đáp. Antonio nhíu mày vì câu trả lời cộc lốc của em mình. Thấy vậy, con bé nhanh chóng chỉnh lại, “Ý em là hôm nay em không có bài tập về nhà”.
Antonio quay sang Corrian và hỏi han thằng bé về việc học ở trường.
Thằng bé bắt đầu càu nhàu, “Hồi chiều em phải tự đi bộ về nhà. Em làm mất cặp và phải bỏ ra mười lăm đô-la để mua lại cái khác nên không đủ tiền đi xe buýt. Đến giờ em vẫn bị hụt tiền. Vậy thì phải làm sao?”.
Antonio ngắt lời cậu em, “Đó là trách nhiệm của em. Chính em làm mất cặp thì tại sao anh phải giúp em giải quyết chuyện đó? Nếu không có tiền đi xe buýt thì em đi bộ. Mỗi bước đi sẽ giúp em hiểu rằng mình phải cẩn thận hơn”.
Antonio quay mặt đi để chắc rằng các em không thể nhìn thấy anh đang cười. Anh vẫn nhớ mình đã ngây ngô ra sao hồi mới thay mẹ đứng ra gánh vác gia đình. Lúc ấy, anh muốn được yêu mến nên ít khi đặt ra yêu cầu cho các em. Nhưng rồi mọi chuyện bắt đầu xấu đi. Bọn trẻ bắt đầu học hành sa sút, không hoàn thành bài tập về nhà, và không phụ giúp việc nhà. Vậy nên một tối nọ, anh vào phòng mình rồi đóng cửa và bắt đầu đánh giá từng đứa như thể mình là một ông sếp lạnh lùng được cử đến để xoay chuyển tình thế của công ty đang bên bờ vực phá sản.
Điểm số của Shronda không tốt vì chẳng ai thúc ép con bé phải cố gắng hơn. Corrian thường gặp rắc rối vì nghe theo lời sai khiến của bạn bè, còn người anh sinh đôi Torrian thì lại thích làm những trò lén lút mà không hề lo sợ bị phát giác. Keyera thì hay lo lắng thái quá và không tự tin vào bản thân.
Ngay tối hôm đó, Antonio tập hợp các em lại, mạnh ai nấy tìm chỗ ngồi trên chiếc ghế sofa xiêu vẹo mà mấy anh em nhận được từ một người họ hàng. Anh đứng trước mặt các em, đi qua đi lại và nói rõ điều anh muốn, “Gia đình là tất cả những gì chúng ta có. Chúng ta rồi sẽ thành công trong cuộc sống, và điều đó sẽ khiến mẹ vui lòng”.
Antonio bắt đầu viết lên bốn mảnh giấy. Sau đó anh bước về phía nhà bếp, dán mấy mảnh giấy lên tủ lạnh rồi nói lớn, “Đây là danh sách việc nhà của các em”. Bọn trẻ thở dài ngao ngán rồi kéo nhau vào nhà bếp. Rửa chén, chà phòng tắm, lau dọn nhà bếp, đổ rác và dọn dẹp phòng khách - mỗi người đều được phân công một nhiệm vụ. Và thứ Bảy thì cả nhà cùng nhau dọn dẹp.
Mấy đứa trẻ càu nhàu rằng anh mình quá khó tính. Nhưng việc nhà chỉ mới là màn khởi động cho những “cải cách” của Antonio. Anh quy định giờ giới nghiêm. Bài tập về nhà phải được hoàn thành đúng giờ. Anh kiểm tra từng trang vở và giúp các em giải các bài toán mà trước đây mẹ anh không thể giải. Nếu trước đây bọn trẻ nghĩ giáo viên ở trường quá khó tính thì lúc này chúng phải đối mặt với Antonio. Anh nghiêm khắc hơn giáo viên gấp nhiều lần và dự định sẽ mang tinh thần kỷ luật cấp đại học về áp dụng tại ngôi nhà nhỏ ở Miami.
Ngoài việc học hành, Antonio yêu cầu từng đứa em phải tìm cho mình một đam mê, sở thích, môn thể thao hoặc thứ gì đó giúp các em thấy rằng thế giới không chỉ gói gọn trong khu phố mình đang sống. Tương lai của các em không phải là lang thang trên phố hay dính dáng tới mấy tay buôn ma túy hoạt động ở phố trên. Bọn trẻ sẽ vào đại học như anh ngày trước.
Sau một thời gian, điểm số của Shronda tiến bộ dần, từ C và D lên A. Con bé lọt vào tốp học sinh xuất sắc, và hai cậu em trai sinh đôi cũng thế. Corrian chơi bóng bầu dục cho đội tuyển. Torrian phát hiện mình thích hát nên đã tham gia vào dàn hợp xướng của trường. Keyera và Shronda cùng tham gia đội múa của nhà thờ.
Một ngày nọ, hai cô em gái mang về nhà hai miếng nhãn dán có in dòng chữ, “Tôi là phụ huynh đầy tự hào của một học sinh xuất sắc”. Hai miếng nhãn được dán lên cửa chính để mọi người trong khu phố đều biết.
Tháng Mười Hai năm 2003, Antonio được nhận làm chuyên viên tư vấn thanh thiếu niên cho một tổ chức phi lợi nhuận với mức lương ba mươi mốt ngàn đô-la một năm. Công việc này có giờ làm cố định nên anh có thể về nhà để nấu ăn cho bọn trẻ mỗi tối. Anh thu xếp đến xem các trận bóng, buổi biểu diễn ở nhà thờ hay các buổi họp phụ huynh của các em. Mỗi tháng anh đều gửi một ít tiền vào tài khoản tiết kiệm cho mỗi đứa.
***
Đêm nay, lại một đêm oi bức tại Miami năm 2006. Bức ảnh cũ và những hóa đơn vương vãi trên giường, còn Antonio đang đứng trên vỉa hè đầy rác bên ngoài nhà anh. Antonio nhìn thấy Corrian đang trò chuyện với mấy đứa con trai phía cuối đường. Trong khu này - khu phố của những bà mẹ đơn thân - Antonio nổi tiếng là một người đàn ông nghiêm khắc, anh không bao giờ cho phép người khác dòm ngó hay lảng vảng quanh nhà mình mà không có lý do.
Bất chợt anh để ý thấy một chiếc Hummer màu đồng đáng giá đến năm mươi ngàn đô-la chầm chậm tiến về phía Corrian. “Không biết ai đây”, Antonio nhủ thầm. “Này mấy đứa, lại đây mau, lại đứng cạnh nhà đi”, anh lên tiếng gọi Corrian và mấy người bạn của thằng bé.
Antonio đứng khoanh tay và chăm chú quan sát chiếc Hummer. Chiếc xe dừng lại. Mười lăm giây sau, chiếc xe đi tiếp và tiến thẳng đến khu nhà của những tay buôn ma túy.
“Mấy đứa muốn nói chuyện thì cứ đứng cạnh nhà mà nói. Rõ chưa nào?”
Khi cảm thấy an tâm phần nào, Antonia bước vào nhà và đứng trước chiếc tủ đặt tro cốt của mẹ anh. “Mẹ ơi, chúng con mãi yêu Mẹ”, một đứa viết bên ngoài chiếc hộp đựng tro màu trắng. Ảnh của Dorothea Seay được dán trên hộp, trông như thể bà đang nhìn xuống và dõi theo các con.
Antonia - người đàn ông trụ cột gia đình - ngáp dài rồi đưa tay lên xoa mặt. Anh phải thức dậy lúc năm giờ rưỡi sáng để đánh thức các em, chuẩn bị bữa sáng cho chúng, đưa tất cả bọn chúng đến trường rồi mới đi làm. Vào giờ nghỉ trưa, anh sẽ tranh thủ ghé cửa hàng để mua thực phẩm làm nguyên liệu nấu bữa tối. Tuy thời gian khá gấp gáp, nhưng anh có thể thu xếp được. Nhưng đó là chuyện của ngày mai, còn lúc này thì anh đang ngồi bên mép giường. Mớ hóa đơn vẫn nằm đó cùng bức ảnh chụp người thanh niên ấp ủ nhiều hoài bão.
Anh nghe thấy tiếng cười đùa ngoài hiên nhà. “Mọi chuyện ổn cả chứ?”, Antonio cất tiếng hỏi. “Anh không muốn có vấn đề gì xảy ra đâu đấy.”
Và mọi chuyện đều ổn cả.