“Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, hãy mở rộng tình thương. Nếu bạn muốn hạnh phúc, hãy chia sẻ lòng trắc ẩn.”
- Dalai Lama
Ngay từ ngày đầu tiên đi dạy tại trường tiểu học Mildred Green, tôi đã phát hiện Rommel không biết đọc. Hôm đó, tôi cho cả lớp bài tập với yêu cầu viết “Mọi điều về em”. Với bọn trẻ, đó là một danh sách bao gồm các câu hỏi thú vị (ví dụ, “Nếu em có thể trở thành một vị kem bất kỳ, thì đó sẽ là vị gì và tại sao?”). Còn với tôi, bài tập này là cách để đánh giá phần nào kỹ năng của những học sinh mới.
Đến giờ ăn trưa, tôi dẫn hai mươi bảy học sinh lớp bốn xuống căng-tin rồi một mình quay lại phòng học để đọc chồng phiếu khảo sát. Tôi nhận ra lớp mình có rất nhiều cầu thủ bóng đá và ca sĩ đầy nhiệt huyết hay “các cây kem bạc hà rắc sô-cô-la”. Nhưng rồi tôi phát hiện có một tờ khảo sát để trắng. Cậu bé tên Rommel Sales không điền ngày sinh, không có màu sắc yêu thích, và rõ ràng cũng không muốn trở thành “cây kem” như các bạn. Trang giấy trắng của Rommel khiến tôi lo ngại vì thông thường thì đứa trẻ nào cũng ngoan ngoãn và tuân thủ những yêu cầu của giáo viên trong ngày đầu tiên đi học.
Tôi quay xuống căng-tin để tìm Rommel. Cậu bé là ai trong số rất nhiều học sinh đang ngồi đó? Kia rồi! Tôi chắc mẩm Rommel chính là cậu nhóc khoảng mười tuổi duy nhất không mặc đồng phục. Rommel trông mảnh khảnh và khỏe mạnh, có chiều cao trung bình và đầu tóc được cắt ngắn gọn gàng.
“Thầy nói chuyện với em một chút được không?”, tôi hỏi.
“Dạ được.”
Em theo tôi đi dọc hành lang, vừa đi vừa nhún nhảy.
“Mùa hè của em thế nào?”
“Tốt ạ.”
“Em đã làm gì trong hè?”, tôi hỏi tiếp.
Thằng bé trả lời mình không nhớ và trông có vẻ bồn chồn.
“Đừng lo, không nhớ cũng không sao”, tôi trấn an em. “Không biết em đọc có khá không nhỉ?”
“Dạ, không tốt lắm ạ”, Rommel ấp úng. “Em vẫn đang tập đọc.”
Tôi lấy ra một quyển sách mà đứa trẻ nào học xong lớp một cũng có thể đọc vanh vách. “Đọc thử cho thầy nghe nhé”, tôi vừa nói vừa mở trang đầu tiên.
Rommel đọc tốt từ đầu tiên. Sau đó thì cả quyển sách dường như được viết bằng thứ tiếng nước ngoài lạ lùng và em chẳng thể đọc thêm được từ nào nữa.
Để bào chữa, Rommel nói mình biết từ m-è-o vì mẹ đã dạy cho em.
“Tốt lắm”, tôi nói.
“Còn chữ này thì sao?”, tôi vừa nói vừa chỉ vào “r”. Em biết chữ này vì đó là chữ cái đầu tiên trong tên của em.
Chúng tôi trò chuyện với nhau khoảng một phút. “Em đang học lớp giáo dục đặc biệt”, Rommel kể với giọng mặc cảm như thể mình thuộc một tầng lớp thấp kém trong xã hội. Em nói rằng em không thích thể thao và cũng không mê âm nhạc. Em thích vẽ. Rồi em cho tôi xem vở tập vẽ theo phong cách truyện tranh Nhật của mình. Các nhân vật của Rommel trông như những ninja6 cao lớn và lực lưỡng. Họ có kiểu tóc quái dị cùng khả năng bắn ra những quả cầu lửa từ bàn tay.
6 Ninja là những điệp viên hay sát thủ đánh thuê từng tồn tại trong lịch sử Nhật Bản.
Tôi chiêm ngưỡng những tác phẩm của Rommel nhưng cũng tự hỏi mình nên làm gì với em ấy. Cậu bé này không thể nào theo kịp chương trình lớp bốn.
Hôm ấy là ngày 5 tháng Chín năm 2000. Thời điểm đó tôi đã dạy được hai năm tại trường Mildred Green - một ngôi trường nhỏ ở phía đông nam Washington, ngay trung tâm thành phố. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Văn học tại Đại học Michigan, tôi được chuyển về đây khi đăng ký tham gia chương trình “Giảng dạy vì nước Mỹ” - chương trình đưa các sinh viên mới ra trường về dạy tại những trường học có tình hình tài chính khó khăn trên khắp nước Mỹ.
Hầu như mọi đứa trẻ ở đây đều đọc viết khá tốt, có em còn đọc được cả quyển The Red Badge of Courage (tạm dịch: Huy hiệu đỏ cho lòng dũng cảm) của Stephen Crane7. Thế mà ngay cả những học sinh yếu nhất cũng bỏ xa Rommel trong môn tập đọc. Giáo viên lớp giáo dục đặc biệt của Rommel buồn rầu than thở với tôi, “Rommel sẽ không bao giờ biết đọc”.
7 Stephen Crane (1871-1900): nhà thơ, nhà văn viết truyện ngắn và tiểu thuyết nổi tiếng của Mỹ ở thế kỷ 19. The Red Badge of Courage là cuốn tiểu thuyết về chủ đề Nội chiến Hoa Kỷ (1861-1865), đồng thời là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Stephen Crane.
Suốt một thời gian dài, tôi không phản đối tuyên bố phũ phàng đó vì quá bận rộn với việc duy trì nề nếp, dỗ dành và truyền đạt cho các học sinh còn lại trong lớp.
Thế nên tôi đã gạt Rommel sang một bên, theo đúng nghĩa đen. Trong giờ ngữ văn, khi cả lớp đọc các tác phẩm văn học thì Rommel ngồi ở góc lớp để nghe các câu chuyện được ghi âm sẵn. Hoặc tôi sẽ yêu cầu em dùng tranh vẽ để hoàn thành bài tập của mình vì em cũng không biết viết.
Tuy nhiên, Rommel là một đứa trẻ có khả năng tư duy. Em không gặp bất cứ vấn đề nào trong việc theo kịp bài giảng môn Toán. Vậy tại sao Rommel lại không thể đọc? Tôi thường tự hỏi mình câu này vì có ít nhất một - thậm chí là hai - thời điểm trong ngày mà Rommel thật sự tỏa sáng, và những thời điểm đó đều diễn ra trong giờ kể chuyện. Đầu giờ học buổi sáng và sau giờ ra chơi, tôi đọc cho cả lớp nghe những quyển sách mà hầu hết các em chưa tự đọc được. Tất nhiên với Rommel thì quyển sách nào cũng đều khó đọc như nhau.
Dù không tự đọc được nhưng Rommel thật sự nhập tâm vào các câu chuyện qua lời kể của tôi. Rommel thường cười khúc khích ở những tình tiết hài tinh tế mà các em khác không nhận ra hoặc thốt lên “không công bằng” trước hành động xảo trá của một nhân vật trong truyện. Em có thể trả lời các câu hỏi, bảo vệ ý kiến của mình và tranh luận về cách hiểu của các bạn trong lớp. Khi tôi đọc quyển The Hobbit (tạm dịch: Anh chàng Hobbit)8 của Tolkien9, Rommel đi loanh quanh và rít qua kẽ răng như nhân vật Gollum10.
8 Tiểu thuyết giả tưởng dành cho trẻ em kể về chuyến phiêu lưu mạo hiểm của chàng lùn hobbit tên Bilbo Baggins. Dù là một hobbit điển hình chỉ thích ở nhà và hưởng thụ cuộc sống êm đềm, Bilbo đã chấp nhận đồng hành cùng mười ba chàng người lùn dũng mãnh để giúp họ giành lại kho báu và vương quốc đã mất.
9 J. R. R. Tolkien (1892-1973): nhà thơ, nhà văn người Anh, đồng thời là giáo sư giảng dạy và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại Đại học Oxford danh tiếng.
10 Một nhân vật phản diện trong truyện và cũng là người hobbit. Vì tham lam, Gollum ra tay giết cả anh họ của mình để độc chiếm chiếc Nhẫn. Dưới tác động của Nhẫn, tính cách và cơ thể của Gollum đều bị biến đổi. Giọng nói của Gollum lúc nào cũng như đang rít lên và tạo ra âm thanh xì xì.
Tuy nhiên, khi giờ kể chuyện vừa kết thúc thì Rommel hoàn toàn thay đổi. Như một phù thủy đã cạn kiệt phép thuật, em không còn chút hào hứng nào. Tôi muốn nhắc lại điều này, rằng Rommel là đứa trẻ không biết đọc duy nhất trong lớp.
Sau kỳ nghỉ Giáng sinh, tôi lập kế hoạch giúp đỡ Rommel. Tôi đặt tên cho kế hoạch đó là Ngắt Chữ.
Mỗi ngày hai thầy trò tôi đều dành ra mười phút để đọc quyển Harry Potter and the Chamber of Secrets11 (tạm dịch: Harry Potter và phòng chứa bí mật). Rommel cực kỳ yêu thích quyển truyện này. Tôi đảm nhận việc đọc truyện còn nhiệm vụ của Rommel là đọc một hoặc hai từ mà tôi chỉ định trước - đó là những từ cần được ngắt ra.
11 Tập thứ hai trong bộ truyện gồm bảy phần của nữ nhà văn nước Anh J. K. Rowling. Bộ truyện viết về những cuộc phiêu lưu của cậu bé Harry Potter và những người bạn thân - Ronald Weasley, Hermione Granger - trong cuộc chiến chống lại Chúa tể hắc ám Voldemort.
“Rommel này, hôm nay chúng ta sẽ ngắt từ ra”. Tôi viết r-a lên giấy. Sau đó, tôi bắt đầu đọc. Cuối cùng tôi sẽ đọc đến câu tương tự thế này, “Rồi cụ già ôm chặt Dursley và đi –”. Rommel phải nhận ra từ tiếp theo là từ cần được ngắt. Nếu em nói đúng từ ra thì tôi sẽ đọc tiếp. Còn nếu không thì tôi sẽ giả vờ ngắt nhẹ một cái vào tay em.
Cứ như thế, số lượng từ mà Rommel không biết ngày càng ít lại. Phương pháp của tôi chưa từng được kiểm nghiệm, không có tiền lệ và có khi còn sai luật nữa. Dù vậy Rommel lại thấy thích thú trước sự quan tâm của tôi cũng như nội dung câu chuyện, và thật ra thì tôi chỉ ngắt rất nhẹ để nhắc nhở em mà thôi.
Thế nhưng, mấy tuần lễ đã trôi qua mà Rommel vẫn chưa biết đọc. Tôi hứa với Rommel rằng chúng tôi sẽ cùng nhau tập đọc thật nghiêm túc, nhưng rồi em lại đánh nhau với bạn và bị đình chỉ học.
Và đó không phải là lần đầu tiên.
Một tuần sau đó, Rommel quay lại trường cùng mẹ em - bà Zalonda Sales. Cô Florine Bruton - hiệu phó đầy nhiệt huyết của trường - và tôi lần lượt cho Rommel một tràng lời khuyên sáo rỗng, nào là phải tập tự kiềm chế bản thân, đánh nhau chẳng giải quyết được vấn đề gì hay hãy tìm đến giáo viên để được giúp đỡ...
Tôi chỉ thật sự bình tâm lại và chú ý lắng nghe khi bà Sales nhắc đến việc tập đọc của con mình. Rommel cúi gằm mặt, còn mẹ của em thì sắp bật khóc. Bà nói như van xin, “Rommel à, phải chi con chịu nghe lời thầy thì tốt biết mấy. Con có thể tập đọc được mà. Nhớ nghe lời thầy Currie con nhé. Thầy sẽ dạy con đọc”.
Tôi không muốn phải nói với bà Sales rằng vấn đề không nằm ở con trai bà, mà ở chúng tôi - những giáo viên đáng ra phải dạy Rommel đọc và những người quản lý cứ thế cho em lên lớp. Tất cả chúng tôi đã không làm tròn bổn phận của mình với cậu bé Rommel mảnh khảnh kia, để lúc này em phải ngồi đây và chán ghét bản thân mình.
Khi năm học sắp kết thúc thì tôi đã đọc xong quyển Harry Potter and the Chamber of Secrets cho Rommel nghe. Em xin mượn quyển sách dày ba trăm bốn mươi mốt trang đó về nhà. Điều này khiến tôi vô cùng ngạc nhiên và bối rối.
Tôi buột miệng nói, “Không được đâu Rommel, thậm chí em còn không thể…”. May mắn thay, tôi kịp ngừng lại trước khi chạm vào nỗi đau vốn đã ăn sâu trong lòng thằng bé. “Nhưng Rommel à, tập này thầy chỉ có duy nhất một quyển thôi.”
Cuối cùng, sau những lời nài nỉ bất thành, Rommel đành quay về bàn học và lấy ra một xấp giấy vẽ.
Cuối ngày hôm đó, tôi trở về nhà. Tôi tháo giày ra, vừa xoa bóp đôi chân mỏi nhừ vừa nhìn quanh căn hộ nhỏ của mình. Sách được chất ngẫu nhiên thành nhiều chồng - những chồng sách đại diện cho niềm vui của một người biết đọc chữ.
Thế rồi tôi lại mang giày vào, đi bộ ra hiệu sách và mua sách nói Harry Potter and the Chamber of Secrets được ghi âm trong băng cát-sét. Ngày hôm sau, tôi đưa cho Rommel quyển sách của mình cùng cuốn băng cát-sét. Em nhìn tôi, tròn mắt vì kinh ngạc.
“Thầy tặng cho em đấy. Giữ kỹ nhé Rommel.”
“Ôi, cảm ơn.”
“Cảm ơn ai?”, có vẻ như thằng bé đã vui đến mức quên luôn cả cách xưng hô.
“Dạ, em xin lỗi. Cảm ơn thầy ạ, thầy Currie.”
Thằng bé nói rồi khoác ba lô lên vai, vô tình chiếc ba lô bị vướng vào bàn học. Hàng chục trang vở nhàu nát đầy hình vẽ rơi xuống đất. Rommel ôm toàn bộ đống giấy ấy nhét hết vào thùng rác. Thật lãng phí, không phải giấy, mà lãng phí cả một năm học.
Tối hôm đó tôi hạ quyết tâm: dạy Rommel đọc cho bằng được.
Tôi không biết phải cảm ơn cô hiệu phó Bruton sao cho đủ. Khi biết tôi có ý định giúp Rommel tập đọc, cô ấy chúc tôi may mắn và thậm chí còn cho phép tôi sử dụng phòng tập nhạc trước đây để làm nơi dạy học. Mỗi tuần, thầy trò tôi sẽ dành ra chín tiếng ở đó để tập đọc. Tôi sẽ không dạy bất kỳ học sinh nào khác trong khoảng thời gian kèm cặp Rommel và dĩ nhiên tôi không được trả lương. Dù vậy, tôi vẫn sống ổn vì công việc chạy bàn buổi tối có thể mang lại cho tôi số tiền còn cao hơn cả mức lương đi dạy.
Ngày 4 tháng Chín năm 2001, chúng tôi bắt đầu buổi học đầu tiên. Tôi trịnh trọng tuyên bố, “Chào mừng đến với Dự án Xóa mù chữ Douglass”. Tôi đã lấy tên Frederick Douglass để đặt cho dự án của mình. Ông là tác giả lớn kiêm chính trị gia vĩ đại. Ông cùng quê với Rommel và cũng từng gặp nhiều khó khăn trong việc học đọc khi còn nhỏ.
Tôi lấy quyển ngữ âm ra, “Được rồi, chúng ta bắt đầu nào”.
Rommel không biết cách phát âm các chữ cái, vì vậy chúng tôi bắt đầu với chữ “A”.
Mỗi tuần, tôi dạy Rommel một cách phát âm nguyên âm và một cách phát âm phụ âm. Em tự lập ra hệ thống ghi nhớ của riêng mình. Với mỗi âm mới, em lại sáng tạo ra một nhân vật, ví dụ như bạn cá Na Na, con chó Nhỏ có giỏ hoa hồng, búp bê bằng bông.
Rommel vẽ các nhân vật này ra giấy rồi dán khắp phòng học. Mỗi lần quên âm nào thì em lại nhìn lên các bức vẽ của mình. Dần dần, em học được cách nhìn ra cách phát âm của từ hoàn chỉnh.
Nhiều tuần sau, Rommel và tôi cùng đến văn phòng của cô Bruton lúc đó đang có rất đông học sinh. “Các em đợi cô một chút nhé”, cô ấy nói với bọn trẻ.
Rommel đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi gặp gỡ này trong suốt một tuần. Thằng bé ngồi xuống bên cạnh cô Bruton, hắng giọng và mở quyển The Foot Book(tạm dịch: Sách chân, sách cẳng) của Dr. Seuss12 ra. Như một vị bộ trưởng chuẩn bị phát biểu trong một buổi lễ long trọng, em bắt đầu đọc vanh vách từng chữ trong sách. Khi Rommel đọc xong, cô Bruton ôm chầm lấy thằng bé và nói, “Cô rất tự hào về em”.
12 Theodor Seuss Geisel (1904-1991) là nhà văn, nhà thơ và họa sĩ biếm họa người Mỹ, được biết đến nhiều nhất qua những quyển sách dành cho thiếu nhi với bút danh Dr. Seuss.
Rommel cố tỏ ra bình thản như thể việc đó chẳng có gì to tát. Thế nhưng, em không thể che giấu cảm xúc của mình khi cô Bruton nói, “Cô sẽ gọi điện cho mẹ em để báo tin vui này”. Một nụ cười rạng rỡ nhất mà tôi từng thấy nở rộ trên gương mặt em.
Kỳ nghỉ tiếp theo lại sắp đến và kỹ năng đọc của Rommel ngày càng tiến bộ nhanh chóng. Thầy trò tôi đắm mình vào các con chữ và những câu chuyện. Rommel tiếp thu tất cả như miếng bọt biển bị để khô lâu ngày nay được gặp nước. Dù vậy, do quá tập trung dạy Rommel đọc, tôi đã quên dạy cho em một thứ cũng quan trọng không kém: kỹ năng viết. Sau lễ Giáng sinh, tôi tặng Rommel một quyển sổ và báo rằng chúng tôi sẽ bắt đầu mỗi buổi học bằng cách viết một đoạn ngắn vào đó.
“Em thích mì Ý” chính là nội dung đầu tiên mà Rommel ghi vào sổ, đồng thời cũng là câu văn đầu tiên em tự viết. Khi đi học lại sau kỳ nghỉ xuân, em khoe rằng mình đang đọc quyển Harry Potter and the Prisoner of Azkaban (tạm dịch: Harry Potter và tù nhân ngục Azkaban), tập thứ ba trong bộ truyện Harry Potter. Tôi yêu cầu em viết cảm nhận của mình vào sổ, và đây là những gì tôi đọc được từ quyển sổ ấy: “Ở chương hai, Harry quyết định bỏ nhà đi. Cậu quyết định ra đi vì đã thổi phồng dì Marge. Hệ quả là cậu đã gặp Fudge, và họ đã nói chuyện với nhau. Em nghĩ Harry đã quyết định đúng vì nếu ở lại thì cậu sẽ gặp rắc rối”.
Trong suốt một thời gian dài, tôi đã tin vào những gì mà mọi người nói về Rommel, rằng em sẽ không bao giờ biết đọc. Nhưng không ai trong chúng tôi hiểu được rằng đứa trẻ này khao khát đọc đến nhường nào.
Hóa ra không phải Rommel không thể đọc, đơn giản chỉ là chúng tôi chưa bao giờ chịu bỏ tâm sức ra để dạy em.