“Điều kiện tiên quyết để trở thành một người bạn là có đôi tai biết lắng nghe.”
- Maya Angelou
Cha mẹ chồng của tôi vừa trải qua chuyến đi “bão táp” trên đường trở về Thành phố New York sau kỳ nghỉ đông ở bang Florida. Mẹ chồng tôi kể qua điện thoại, “Lần đầu tiên xe hỏng, cha mẹ đang ở bang North Carolina. Cha mẹ đã sửa xe vậy mà nó lại tắt máy lần nữa ở bang Delaware. Nhưng tệ nhất là lúc bị tắt máy trên cầu Verrazano ngay giờ cao điểm. Mẹ có cảm tưởng như mình chẳng bao giờ về được tới nhà luôn đấy”.
“Chuyện đó thật là kinh khủng”, tôi nói và chuẩn bị kể câu chuyện khủng khiếp không kém của mình - xe của tôi từng bị chết máy lúc chín giờ rưỡi tối tại bãi đậu xe vắng hoe của một trung tâm mua sắm.
Nhưng rồi có ai đó gõ cửa tìm mẹ nên mẹ đành phải nói lời tạm biệt. “Cảm ơn con đã lắng nghe”, mẹ nói thêm. “Nhất là khi con đã không kể lại câu chuyện tồi tệ về chiếc xe của mình.”
Tôi cúp máy, mặt đỏ bừng vì xấu hổ. Nhiều ngày sau đó, tôi cứ suy nghĩ mãi về những lời mẹ nói trước khi cúp máy.
Tôi không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần khi tôi phàn nàn về chuyện bất hòa với con trai, những bức bối trong công việc hay thậm chí là chuyện xe cộ, thì cô bạn của tôi lại cắt ngang với câu “Tớ cũng bị y chang vậy”. Thế rồi chủ đề nói chuyện của chúng tôi sẽ chuyển sang đứa con bất trị, tay sếp tệ hại hay chiếc xe bị rò xăng của cô ấy. Lúc đó, tôi sẽ lúng túng gật gù liên tục như cái máy và tự hỏi liệu chúng tôi có phải đều mắc chứng rối loạn tập trung cảm xúc hay không.
Người ta rất dễ nhầm lẫn giữa “Tôi hiểu rõ cảm giác của bạn vì tôi từng trải qua” với sự cảm thông thật sự. Cố gắng xoa dịu một người đang buồn bực bằng cách nói rằng trên đời không chỉ có mình họ gặp phải vấn đề là việc rất dễ dàng.
Tuy vậy, nếu chỉ nhìn thoáng qua hoặc nghe hời hợt, bạn sẽ thấy khó khăn nào cũng như nhau. Chỉ khi suy xét kỹ hơn thì bạn mới thấy được rằng chúng cũng khác biệt và độc nhất như dấu vân tay vậy. Chồng của bạn tôi có thể cũng vừa mất việc như chồng tôi, nhưng hai gia đình không thể giống nhau về tài khoản ngân hàng, gói trợ cấp chính phủ hoặc kế hoạch dự phòng.
“Tôi hiểu cảm giác của bạn” thường là câu mở đầu cho những lời khuyên tiếp theo, ví dụ như “Lúc đó tôi đã làm thế nọ, còn bạn thì nên làm thế này”. Nhưng nếu chuyến đi của bạn kéo dài gấp ba lần thời gian dự kiến hay con bạn lên cơn sốt cao lúc nửa đêm, liệu bạn có thật sự muốn nghe cách bạn mình xử lý trong tình huống tương tự không?
Điều tất cả chúng ta mong đợi khi chán nản, bực bội hay ngập tràn hạnh phúc là tìm được một người chăm chú lắng nghe, như thể họ có thể dành trọn thời gian cho ta. Khả năng chia sẻ với hạnh phúc hay nỗi đau của người khác mới chính là nền tảng của sự cảm thông.
May mắn thay, khả năng cảm thông khá dễ rèn luyện. Từ sau cuộc trò chuyện với mẹ chồng, tôi học cách kiềm chế để không ngắt lời một người bạn khi cô ấy đang trút bầu tâm sự với mình. Tôi học cách để người khác dẫn dắt câu chuyện, chú ý đến ngôn ngữ cơ thể, nét mặt, giọng nói và cả những lời không được nói ra của đối phương.
Tôi cảm thấy dễ dàng hơn trong việc nhận ra và trân trọng giá trị của lòng cảm thông những khi chính tôi là người được hưởng lợi từ lòng cảm thông ấy. Có một hôm, tôi gọi điện cho cô bạn để than thở rằng tôi cảm thấy lo lắng và không tài nào tập trung được.
“Cậu có muốn kể mình nghe chuyện đó không?”, cô mở lời và thế là tôi có cơ hội trải lòng.
Sau đó, tôi cảm ơn bạn mình vì đã lắng nghe và hỏi thăm về cô ấy.
Câu trả lời tôi nhận được là, “Chuyện của tớ để ngày mai hãy nói”.
Đó chính là lòng cảm thông.
Không phải lúc nào chúng ta cũng cần câu trả lời hay lời khuyên. Đôi khi, ta chỉ cần một người bạn đồng hành mà thôi.