“Khi được tôn trọng, người ta sẽ cảm thấy tự tin hơn để bộc lộ những tiềm năng chưa được khai phá của bản thân.”
- Stephen Covey
Trong chuyến dong thuyền đến Kiniwata, một hòn đảo ở Thái Bình Dương, tôi đã mang theo bên mình một quyển sổ tay để ghi lại những sự kiện đáng nhớ. Ngày tôi trở về, quyển sổ chi chít những ghi chép về hệ động thực vật, phong tục tập quán và trang phục của người dân bản địa. Nhưng ghi chú khiến tôi cảm thấy thú vị nhất chính là: “John Lingo đã nạp lễ đến tám con bò cho cha nàng Sarita”. Không cần phải viết câu chuyện đó ra giấy, tôi vẫn nhớ đến nó mỗi khi thấy bất kỳ người phụ nữ nào hoặc là coi thường chồng hoặc là quá khúm núm trước chồng. Tôi muốn kể họ nghe vì sao Johnny Lingo chấp nhận bỏ ra đến tám con bò để rước Sarita về làm vợ.
Johnny Lingo không phải tên thật của chàng trai này. Đó chỉ là cái tên mà Shenkin - ông chủ nhà trọ trên đảo Kiniwata - thường gọi anh. Shenkin đến từ Chicago và có thói quen “Mỹ hóa” tên của mọi cư dân trên đảo. Ngoài ra, Johnny còn được nhiều người khác nhắc đến. Nếu tôi muốn dành ra vài ngày để thăm thú đảo Nurabandi gần đó, Johnny Lingo có thể sắp xếp cho tôi. Nếu tôi muốn câu cá, anh có thể chỉ tôi nơi cá dễ cắn câu nhất. Nếu tôi muốn mua ngọc trai, anh sẽ mang đến cho tôi những viên chất lượng nhất. Dân đảo Kiniwata ai cũng kể đủ thứ chuyện tốt về Johnny Lingo. Họ mỉm cười mỗi khi nhắc đến anh chàng, nhưng dường như nụ cười đó có xen lẫn chút giễu cợt.
“Cô muốn mua gì thì cứ nhờ Johnny Lingo tìm giúp rồi để anh chàng mặc cả giùm luôn. Johnny biết cách trả giá lắm đấy”, Shenkin khuyên.
“Ôi Johnny Lingo!”, cậu nhóc ngồi gần đó bỗng bật cười.
“Có vấn đề gì sao? Ai cũng bảo tôi liên lạc với Johnny Lingo rồi lại cười lăn ra. Tôi không hiểu chuyện này có gì đáng cười”, tôi lên tiếng hỏi.
“Thì mọi người thích cười thôi mà”, Shenkin nhún vai nói. “Johnny là chàng trai sáng sủa và khỏe mạnh nhất ở quần đảo này. Nếu so với những người ở tuổi anh ấy thì Johnny là người giàu có nhất đấy.”
“Nhưng nếu vậy thì có gì đáng cười đâu?”
“Người ta cười chỉ vì một chuyện thôi. Cách đây năm tháng, lúc diễn ra lễ hội mùa thu, Johnny sang Kiniwata và tìm được một người về làm vợ. Anh đã trả cho cha cô nàng đến tám con bò!”
Tôi cũng biết kha khá về phong tục của người dân trên đảo nên cảm thấy rất ấn tượng. Tầm hai hoặc ba con bò là đủ cưới được cô vợ bình thường, bốn hoặc năm con bò là lễ vật đủ để rước về cô vợ rất vừa ý.
“Trời đất ơi! Những tám con bò sao! Vợ của Johnny chắc phải sắc nước hương trời lắm nhỉ?”, tôi thốt lên kinh ngạc.
“Ừ thì cô ấy không xấu”, ông chủ nhà trọ mỉm cười thừa nhận. “Nhưng ngay cả người tử tế nhất cũng chỉ có thể khen Sarita chân phương thôi. Sam Karoo cha cô còn sợ không ai thèm rước con gái mình đi nữa kìa.”
“Nhưng rồi Johnny đã đổi tám con bò để lấy cô ấy làm vợ. Chuyện này chẳng phải rất đáng kinh ngạc sao?”
“Chưa từng có ai nạp lễ vật hào phóng đến vậy.”
“Thế mà ông lại nói vợ Johnny chỉ chân phương thôi chứ không đẹp sao?”
“Tôi nói là ai tử tế lắm thì cũng chỉ có thể khen cô ấy chân phương thôi. Sarita gầy nhom, dáng đi ủ rũ và cứ hay cúi gằm mặt xuống đất. Cô ấy sợ cả cái bóng của chính mình.”
“Ừ thì, có ai giải thích được tình yêu đâu”, tôi bình luận.
“Đúng vậy”, ông chủ nhà trọ gật gù. “Đó cũng là lý do dân làng cười hể hả khi nói về Johnny. Mọi người cảm thấy thích thú trước chuyện tay buôn sắc sảo nhất đảo bị qua mặt bởi ông già Sam Karoo lụ khụ.”
“Nhưng qua mặt bằng cách nào mới được chứ?”
“Không ai biết nên ai cũng thắc mắc. Tất cả họ hàng đều khuyên lão Sam đòi ba con bò và giảm xuống còn hai cho đến khi chắc chắn Johnny đồng ý nạp một con. Không ngờ Johnny đến gặp Sam Karoo và nói ngay, ‘Thưa cha nàng Sarita, con xin dâng tám con bò để được cưới Sarita về làm vợ’.”
“Tám con bò. Tôi muốn gặp anh chàng Johnny Lingo này rồi đó”, tôi lẩm nhẩm.
Tôi muốn mua cá và ngọc trai. Thế là chiều hôm sau, tôi đi thuyền sang đảo Nurabandi. Khi tôi hỏi đường đến nhà Johnny, người dân Nurabandi không hề nhắc đến anh với nụ cười chế giễu. Rồi tôi cũng gặp được chàng trai Johnny dong dỏng cao với gương mặt nghiêm nghị. Johnny ân cần mời tôi vào nhà và tôi mừng vì anh được cư dân đảo mình tôn trọng thay vì cười chê. Chúng tôi ngồi trò chuyện trong nhà anh.
Và rồi Johnny hỏi, “Chị từ Kiniwata sang đây phải không?”.
“Đúng rồi.”
“Người dân bên đó có nói gì về tôi không?”
“Họ nói anh có thể giúp tôi tìm được bất cứ thứ gì tôi muốn.”
“Vợ tôi cũng là dân Kiniwata đấy”, Johnny mỉm cười.
“Vâng, tôi biết.”
“Người ta cũng nói về cô ấy sao?”
“Một chút.”
“Họ nói gì thế?”
“Tại sao, à chỉ là…”, câu hỏi của anh làm tôi suýt lỡ miệng. “Họ kể là vợ chồng anh đã làm đám cưới vào dịp lễ hội mùa thu.”
“Chỉ vậy thôi sao?”, anh hỏi. Cặp chân mày của Johnny nhướng lên và tôi hiểu rằng anh biết rõ chuyện không chỉ có vậy.
“Họ cũng kể thêm lễ vật thách cưới là tám con bò”, tôi ngập ngừng. “Người ta muốn biết lý do ấy mà.”
“Họ nói vậy thật sao?”, anh nói với ánh mắt rạng rỡ. “Mọi người ở Kiniwata đều biết chuyện tám con bò à?”
Tôi gật đầu.
“Và người dân Nurabandi cũng vậy”, anh nói và ưỡn ngực tự hào. “Từ giờ về sau, mỗi khi thiên hạ bàn về lễ vật thách cưới, họ sẽ nhớ đến chuyện Johnny Lingo đã trả tám con bò để cưới Sarita.”
Giờ thì tôi đã hiểu. Hóa ra cũng chỉ là mấy trò ảo vọng phù hoa.
Và rồi tôi gặp vợ của Johnny. Tôi quan sát Sarita bước vào phòng và đặt lọ hoa lên bàn. Cô đứng đó một lúc và mỉm cười với người đàn ông đang ngồi cạnh tôi. Sau đó, cô nhanh chân bước ra ngoài. Sarita là người phụ nữ đẹp nhất mà tôi từng gặp. Đôi vai thẳng, đầu ngẩng cao và ánh mắt lấp lánh của cô toát lên sự tự tin mà không ai có thể phủ nhận.
Tôi quay sang Johnny Lingo và thấy anh cũng đang nhìn tôi.
“Chị đang chiêm ngưỡng vợ tôi đấy à?”, anh hỏi nhỏ.
“Cô ấy... thật lộng lẫy”, tôi khen.
“Trên đời này chỉ có duy nhất một Sarita mà thôi. Có lẽ, vợ tôi không giống với nhận xét của người dân Kiniwata.”
“Không giống chút nào. Tôi nghe nói cô ấy quê mùa. Mọi người bên đó cười anh vì họ nghĩ anh đã bị Sam Karoo lừa cho một vố.”
“Chị có nghĩ tám con bò là quá nhiều không?”, anh cười khẽ.
“Không. Nhưng sao cô ấy trông lại khác đến vậy?”
Anh bộc bạch, “Chị nghĩ một cô gái sẽ cảm thấy thế nào khi biết chồng mình đã trả cái giá thấp nhất có thể để cưới mình? Rồi sau này, khi cánh phụ nữ trò chuyện với nhau, họ sẽ tự hào kể về lễ vật chồng họ đã bỏ ra để xin cưới. Có người được bốn con bò, người khác được sáu con. Vậy cô gái được gả đi để đổi lấy chỉ một hoặc hai con bò sẽ cảm thấy ra sao? Điều này không thể xảy ra với Sarita của tôi được”.
“Anh làm vậy chỉ để khiến vợ cảm thấy hạnh phúc sao?”
“Dĩ nhiên là tôi muốn Sarita hạnh phúc, nhưng không chỉ thế. Chị cũng thấy cô ấy khác với lời miêu tả của mọi người mà. Sự thật là, có nhiều thứ làm thay đổi một người phụ nữ, có thể từ bên trong hoặc ở bên ngoài. Nhưng quan trọng nhất chính là cách cô ấy nhìn nhận về bản thân. Hồi ở Kiniwata, Sarita nghĩ mình chẳng có chút giá trị nào, nhưng giờ đây cô ấy biết mình có giá trị hơn bất kỳ người phụ nữ nào trên quần đảo này.”
“Vậy là anh muốn…”, tôi nói.
“Tôi muốn cưới Sarita. Tôi yêu cô ấy và chỉ một mình cô ấy mà thôi.”
“Nhưng…”, tôi gần như hiểu ra mọi chuyện.
“Nhưng tôi muốn một cô vợ với lễ vật thách cưới là tám con bò”, anh thủng thẳng đáp.