“Cuộc sống rất thú vị - nhất là khi ta sống vì người khác.”
- Helen Keller
Mùa xuân năm 1969 mở ra trước mắt chàng thanh niên hai mươi bốn tuổi John Baker một tương lai xán lạn. Đang trên đỉnh cao sự nghiệp và được các cây bút thể thao mệnh danh là một trong những vận động viên chạy cự ly một dặm nhanh nhất thế giới, anh đặt mục tiêu đại diện Mỹ tham gia Thế vận hội năm 1972.
Khi còn bé, Baker không hề bộc lộ bất kỳ năng khiếu thể thao nào. Với dáng người mảnh khảnh và chiều cao khiêm tốn so với bạn bè đồng trang lứa ở Thành phố Albuquerque, anh bị đánh giá là “không phù hợp” với các môn điền kinh ở trường trung học. Nhưng sự kiện năm lớp mười một đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời Baker.
Khi đó, Bill Wolffarth - huấn luyện viên môn chạy bộ của trường trung học phổ thông Manzano - đã mất khá nhiều thời gian để cố thuyết phục nam sinh cao ráo đầy triển vọng tên John Haaland - bạn thân nhất của Baker - đầu quân vào đội tuyển của trường. Thế nhưng Haaland luôn từ chối. Một ngày nọ, Baker đề nghị với huấn luyện viên, “Thầy hãy cho em vào đội. Lúc đó có thể Haaland cũng sẽ tham gia”. Wolffarth đồng ý và kế hoạch của Baker đã thành công: anh trở thành một vận động viên chạy bộ.
Cuộc thi đầu tiên của năm đó là đường đua việt dã dài gần ba ki-lô-mét men theo những chân đồi ở miền đông Albuquerque. Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào Lloyd Goff - đương kim vô địch môn chạy bộ của Albuquerque. Ngay sau tiếng súng khai cuộc, thứ tự các vận động viên trên đường chạy đều đúng như dự đoán: Goff dẫn đầu, còn Haaland thì theo sát ngay phía sau. Gần bốn phút trôi qua, các vận động viên lần lượt biến mất khi tiến vào đoạn cua lớn khuất sau một ngọn đồi. Một phút rồi hai phút, và một bóng người xuất hiện. Huấn luyện viên Wolffarth thúc nhẹ người trợ lý, “Goff sắp đến này”. Ông nâng ống nhòm lên tầm mắt rồi thảng thốt nói, “Ôi trời. Không phải Goff! Đó là Baker!”.
Baker bỏ xa các vận động viên còn đang thảng thốt ở phía sau và về đích trước tiên. Anh xác lập kỷ lục mới với thành tích tám phút ba giây năm khắc.
Vậy chuyện gì đã xảy ra phía sau ngọn đồi kia? Sau này, Baker giải thích rằng sau nửa chặng đua mải miết bám gót các vận động viên khác, anh tự hỏi, “Mình đã cố gắng hết sức chưa?”. Vì muốn biết câu trả lời nên anh gạt bỏ mọi suy nghĩ và chỉ nhìn thẳng vào tấm lưng của người chạy ngay phía trước. Điều quan trọng duy nhất với anh lúc đó là bắt kịp và vượt qua người ngay trước mặt, rồi tiếp tục bắt kịp và vượt qua từng người một phía trước. Một nguồn năng lượng bí ẩn chạy dọc khắp người anh. Baker chia sẻ về khoảnh khắc ấy, “Lúc đó tôi cứ như bị thôi miên vậy”. Anh lần lượt vượt qua từng vận động viên trên đường đua. Mặc kệ cơn đau đang giày vò cơ bắp, anh nỗ lực duy trì tốc độ nhanh như tên bắn cho đến khi vượt qua vạch đích rồi gục ngã vì kiệt sức.
Phải chăng Baker chỉ “ăn may” trong cuộc đua hôm ấy? Suốt mùa giải năm đó, Wolffarth đăng ký cho Baker tham gia hàng loạt cuộc đua khác nhau, và kết quả vẫn không có gì thay đổi. Một khi đã đặt chân lên đường đua, cậu nam sinh John Baker điềm đạm và đáng mến bỗng biến thành một đối thủ đáng gờm và không nhân nhượng - một vận động viên bất bại. Đến cuối năm lớp mười một, Baker đã phá vỡ sáu kỷ lục của bang; trong năm lớp mười hai, anh được công nhận là vận động viên chạy nhanh nhất từng có của bang. Lúc đó anh còn chưa tròn mười tám tuổi.
Mùa thu năm 1962, Baker trúng tuyển vào Đại học New Mexico tại Albuquerque và tiếp tục theo đuổi môn chạy bộ bằng việc nâng cao cường độ tập luyện. Mỗi sáng tinh mơ, anh chạy khắp các con đường, công viên và sân gôn trong thành phố - quãng đường xấp xỉ bốn mươi ki-lô-mét. Nỗ lực này của anh được đền đáp xứng đáng. Không lâu sau, khắp các thành phố lân cận như Abilene, Tulsa hay Salt Lake, bất cứ nơi đâu có đội thể thao của Đại học New Mexico tham gia thi đấu, chàng Baker “nghiêm nghị” luôn khiến các nhà dự đoán phải bất ngờ cũng như bối rối khi anh vượt mặt những vận động viên hạt giống.
Mùa xuân năm 1965, khi Baker đang là sinh viên năm ba, đội tuyển chạy bộ được cả nước nể sợ là đội Trojans của Đại học Nam California. Vì vậy, khi đội tuyển hùng mạnh này đặt chân đến Albuquerque trong một trận đấu tay đôi, các bình luận viên thể thao đều dự đoán rằng đội Lobos của Đại học New Mexico sắp phải nếm trải thất bại nặng nề. Theo họ, các vị trí dẫn đầu sẽ lần lượt thuộc về “Tam Hùng” của đội Trojans, bao gồm Chris Johnson, Doug Calhoun và Bruce Bess. Cả ba vận động viên này đều có thành tích trên đường chạy vượt trội hơn Baker.
Khi cuộc đua bắt đầu, Baker vươn lên dẫn đầu ở vòng thứ nhất, sau đó cố tình chạy chậm lại và lùi xuống vị trí thứ tư. Dù cảm thấy hơi bất an với động thái đó, Calhoun và Bess vẫn quyết định tăng tốc để giành lấy các vị trí dẫn đầu. Trong khi đó, Johnson vẫn đề phòng và duy trì vị trí hiện tại của mình trên đường chạy. Khi vào đoạn cua lớn ở vòng chạy thứ ba, Baker và Johnson cùng tiến lên để giành vị trí dẫn đầu nên va vào nhau. Vì mất thăng bằng nên Baker bị tụt lại phía sau, còn Johnson thì vươn lên dẫn đầu. Trong ba trăm mét cuối cùng, Baker bắt đầu chạy nước rút. Đầu tiên là Bess, sau đó đến Calhoun bị Baker bỏ lại phía sau. Trong đoạn cua cuối cùng, chỉ còn Baker và Johnson so kè với nhau. Baker dần vượt qua Johnson. Anh giơ cao hai tay theo dấu hiệu chữ V chiến thắng và xé đứt dải băng tại vạch đích, hoàn thành cuộc đua sớm hơn Johnson chỉ ba giây. Được tiếp thêm sức mạnh từ chiến thắng của Baker, đội Lobos đã càn quét tất cả các hạng mục còn lại của giải, đưa đội Trojans - khi ấy đã bắt đầu nản chí - đến với thất bại thảm hại thứ ba trong suốt sáu mươi lăm năm thi đấu.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Baker cân nhắc các lựa chọn của mình. Khi đó, mặc dù có nhiều trường đại học muốn mời anh về làm huấn luyện viên cho đội tuyển của họ, từ lâu Baker đã luôn ấp ủ mong muốn được huấn luyện các em thiếu nhi. Bên cạnh đó, anh cũng băn khoăn về con đường sự nghiệp của mình. Anh tự hỏi liệu mình có đủ khả năng để dự thi Olympic không. Cuối cùng, Baker chọn công việc cho phép anh theo đuổi cả hai mục tiêu đó. Anh trở thành huấn luyện viên của trường tiểu học Aspen tại Albuquerque, đồng thời điều chỉnh chế độ luyện tập nghiêm ngặt cho phù hợp với mục tiêu tham gia Thế vận hội năm 1972.
Tại trường Aspen, mọi người nhận ra thêm một ưu điểm khác trong tính cách của Baker. Trên sân tập của vị huấn luyện viên này, không có ai là “ngôi sao” và cũng không bao giờ có những lời chỉ trích về năng lực yếu kém. Yêu cầu duy nhất anh đặt ra là mỗi học sinh phải cố gắng hết sức. Tính công bằng của anh, cùng sự quan tâm chân thành đến lợi ích của học sinh đã mang lại những phản hồi tích cực. Huấn luyện viên Baker trở thành người đầu tiên mà bọn trẻ tìm đến để tâm sự và chia sẻ những nỗi niềm của tuổi mới lớn. Dù lớn dù nhỏ, tâm sự của từng học sinh đều được anh lắng nghe như thể đó là điều quan trọng nhất thế giới. Tiếng lành nhanh chóng đồn xa, John Baker trở thành “huấn luyện viên tận tụy” trong mắt các em học sinh.
Đầu tháng Năm năm 1969, không lâu sau sinh nhật lần thứ hai mươi lăm của mình, Baker nhận thấy anh nhanh xuống sức hơn bình thường. Hai tuần sau đó, anh bị đau ngực. Một buổi sáng gần cuối tháng, anh thức dậy và đau đớn tột độ với một bên háng sưng to. Thế là anh quyết định đến gặp bác sĩ.
Theo bác sĩ chuyên khoa tiết niệu Edward Johnson, những triệu chứng của Baker rất đáng lo ngại và cần thực hiện ngay một ca phẫu thuật thăm dò. Ca mổ đã xác định nguyên nhân gây ra những triệu chứng của Baker, đúng theo những gì mà bác sĩ Johnson đã lo ngại. Tế bào ở một bên tinh hoàn của Baker tự nhiên đột biến thành tế bào ung thư, và khối u lúc này đã lan rộng. Dù không nói ra, bác sĩ Johnson tiên lượng rằng dù có thực hiện ca phẫu thuật thứ hai, Baker cũng chỉ sống thêm được khoảng sáu tháng.
Trong thời gian hồi sức tại nhà để chuẩn bị cho lần phẫu thuật thứ hai, Baker phải đối mặt với thực tế tàn nhẫn của đời mình - thế là hết chạy đua và cũng chẳng còn Olympic. Sự nghiệp huấn luyện của anh hầu như đã chấm dứt. Tồi tệ hơn cả là gia đình anh sẽ phải đối mặt với nhiều tháng ngày đau khổ.
Vào ngày Chủ nhật trước ca mổ, Baker một mình lái xe lên núi. Anh đi suốt nhiều giờ liền. Khi quay về nhà vào tối hôm đó, tinh thần của anh có sự thay đổi rõ rệt. Nụ cười trên môi anh, thứ vô cùng gượng gạo trong những ngày vừa rồi, giờ đã tự nhiên và chân thật trở lại. Quan trọng hơn là trong suốt hai tuần kể từ ngày biết được bệnh tình của mình, lần đầu tiên anh chia sẻ về dự định tương lai. Đến khuya, anh thuật lại cho chị mình nghe về chuyện đã xảy ra trên núi vào ngày tháng Sáu trong xanh ấy.
Lúc ấy, Baker đã lái xe lên đỉnh núi Sandia Crest hùng vĩ cao ba ngàn hai trăm mét, án ngữ đường chân trời phía đông Albuquerque. Anh ngồi trong chiếc xe đang đậu sát mép vực và lan man suy nghĩ về nỗi đau dai dẳng mà bệnh tình của anh gây ra cho người thân. Chỉ cần dứt khoát trong một khoảnh khắc thôi, anh có thể đặt dấu chấm hết cho nỗi đau của anh và của cả gia đình. Anh thầm cầu nguyện và đè chặt chân ga, nhưng rồi anh lại phanh gấp. Có một hình ảnh vừa lướt qua tâm trí anh. Đó là những gương mặt của các em học sinh trường tiểu học Aspen, những đứa trẻ mà anh đã dạy rằng dù có thế nào thì các em cũng phải dốc hết sức mình. Bọn trẻ sẽ nghĩ gì khi anh tự kết liễu đời mình như thế? Sâu trong thâm tâm, anh cảm thấy vô cùng xấu hổ. Rồi anh tắt máy xe, ngả người ra ghế và bật khóc. Sau khi bình tâm, nỗi sợ trong anh lắng dần và anh thấy lòng mình thanh thản lạ thường. Baker tự nhủ, “Dù còn sống được bao lâu thì mình cũng sẽ dành trọn khoảng thời gian đó cho bọn trẻ”.
Tháng Chín năm đó, sau ca đại phẫu và quá trình trị liệu kéo dài cả mùa hè, Baker trở lại với công việc. Ngoài thời gian biểu vốn đã dày đặc, anh còn tự thêm cho mình một nhiệm vụ mới, đó là mang thể thao đến với trẻ em khuyết tật. Dù gặp khiếm khuyết thể chất gì, những đứa trẻ trước đó chỉ lặng lẽ đứng ngoài đường biên giờ được trao cho các vai trò như “Trợ lý bấm giờ” hay “Trưởng giám sát thiết bị”. Tất cả các em đều được mặc đồng phục chính thức của đội thể thao Aspen và được huấn luyện viên Baker tặng ruy-băng cho những nỗ lực của mình. Baker đã tự bỏ tiền ra mua nguyên vật liệu và tranh thủ những buổi tối ở nhà để làm những ruy-băng đó cho học sinh.
Đến lễ Tạ ơn, hầu như ngày nào cũng có phụ huynh gửi thư tới trường Aspen để cảm ơn huấn luyện viên Baker (chưa đầy một năm, hơn năm trăm lá thư đã được gửi đến trường và nhà riêng của Baker). Một phụ huynh viết, “Con trai tôi rất hay mè nheo vào buổi sáng. Gọi con dậy, cho con ăn sáng và đưa con đi học là việc cực kỳ khó khăn. Vậy mà bây giờ thằng bé luôn háo hức đến trường. Con tôi chính là Trưởng đội cào cỏ”.
Một người mẹ khác chia sẻ, “Dù con quả quyết thế nào đi nữa, tôi vẫn không tin trường Aspen có một ‘Siêu nhân’. Thế là tôi bí mật lái xe đến trường để quan sát huấn luyện viên Baker của bọn trẻ. Quả thật con tôi nói không sai chút nào”. Ông bà của một học sinh khác viết, “Ở những ngôi trường khác, cháu gái tôi gặp rất nhiều khó khăn vì tính nhút nhát của mình. Trong năm học tuyệt vời này tại trường Aspen, huấn luyện viên Baker đã cho con bé điểm A vì sự cố gắng hết mình của nó. Cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với thầy - người đã giúp một đứa trẻ rụt rè lấy lại sự tự tin”.
Vào tháng Mười Hai, trong buổi khám bệnh định kỳ với bác sĩ Johnson, Baker nói rằng anh bị đau họng và thường xuyên nhức đầu. Kết quả xét nghiệm cho thấy khối u ác tính đã di căn đến cổ và não của anh. Lúc đó, bác sĩ Johnson mới nhận ra rằng Baker đã âm thầm chịu đựng sự giày vò đau đớn của bệnh tật suốt bốn tháng qua. Anh đã sử dụng khả năng tập trung phi thường để quên đi đau đớn như cách anh từng làm để quên đi cảm giác cơ bắp rã rời trên đường đua. Bác sĩ gợi ý tiêm thuốc giảm đau cho Baker nhưng anh từ chối. “Tôi muốn ở bên và dạy dỗ bọn trẻ càng lâu càng tốt. Thuốc giảm đau sẽ làm khả năng phản ứng của tôi kém đi”, anh nói.
Về sau, bác sĩ Johnson có chia sẻ, “Kể từ giây phút đó, tôi rất nể John Baker vì anh là một trong những người sống vì mọi người nhất mà tôi biết”.
Đầu năm 1970, Baker được mời làm huấn luyện viên chạy bộ cho câu lạc bộ dành cho nữ sinh ở độ tuổi từ tiểu học đến trung học mang tên Duke City Dashers. Baker lập tức nhận lời. Tương tự những đứa trẻ trường Aspen, các cô gái đội Dashers cũng hào hứng đón nhận vị huấn luyện viên mới.
Một ngày nọ, Baker mang một hộp giày đến buổi tập. Anh thông báo rằng chiếc hộp đó có chứa hai phần thưởng, và một trong hai phần thưởng sẽ được dành cho người chưa từng thắng cuộc nhưng cũng không bao giờ bỏ cuộc. Khi Baker mở hộp ra, bọn trẻ vô cùng kinh ngạc. Trong hộp là hai chiếc cúp vàng sáng bóng. Từ đó trở đi, những thành viên xứng đáng của đội Dashers đều được trao tặng những chiếc cúp này. Nhiều tháng sau, gia đình Baker mới nhận ra đó chính là những chiếc cúp mà Baker đã đạt được trong suốt thời gian theo đuổi sự nghiệp chạy bộ của mình, và anh cũng cẩn thận xóa tên mình trên cúp trước khi trao cho bọn trẻ.
Đến mùa hè, Duke City Dashers trở thành đội tuyển khiến nhiều người kiêng nể. Đội tuyển này liên tục xác lập kỷ lục mới tại các cuộc đua được tổ chức ở bang New Mexico và cả những bang lân cận. Baker tự hào đưa ra một dự đoán táo bạo, “Đội Dashers sẽ lọt vào vòng chung kết quốc gia do Hiệp hội Thể thao Nghiệp dư (AAU) tổ chức”.
Thế nhưng, lúc này Baker lại phải đối mặt với một vấn đề mới. Các đợt hóa trị định kỳ khiến anh buồn nôn dữ dội và không thể tiêu hóa được thức ăn. Song, mặc cho sức khỏe ngày một giảm sút, anh vẫn tiếp tục dẫn dắt đội Dashers và thường ngồi ở ngọn đồi nhỏ phía trên khu vực tập luyện để cổ vũ các em.
Một buổi chiều tháng Mười, một thành viên của đội Dashers chạy lên đồi, tiến về phía Baker và tự hào thông báo, “Thầy ơi! Dự đoán của thầy trở thành hiện thực rồi. Chúng ta sẽ tham dự vòng chung kết AAU tại St. Louis vào tháng tới”.
Baker cực kỳ hãnh diện và chia sẻ với bạn bè rằng ước nguyện cuối cùng của anh là được sống đủ lâu để có thể sát cánh cùng bọn trẻ.
Tiếc là mong ước của anh đã không trở thành hiện thực. Sáng ngày 28 tháng Mười, Baker bỗng nhiên ôm bụng và ngã quỵ trên sân tập trường Aspen. Kết quả kiểm tra cho thấy khối u di căn đã bị vỡ và gây phản ứng sốc. Baker từ chối nhập viện và khăng khăng đòi quay lại trường thêm một ngày cuối cùng. Anh tâm sự với cha mẹ của mình rằng anh muốn bọn trẻ nhớ đến anh trong hình ảnh một huấn luyện viên đang bước đi trên sân tập, chứ không phải một bệnh nhân nằm gục trên sân trong sự vô vọng.
Trong tình trạng phải liên tục truyền máu và tiêm thuốc giảm đau để duy trì sự sống, Baker biết rằng anh sẽ không thể đến St. Louis để xem đội tuyển của mình thi đấu. Vì vậy, mỗi tối anh đều gọi điện để động viên các cô gái đội Dashers cố gắng hết sức trong trận chung kết.
Tối ngày 23 tháng Mười Một, Baker lại ngã gục lần nữa. Với chút ý thức còn lại khi được đưa lên xe cấp cứu, anh hóm hỉnh thều thào với cha mẹ, “Bảo họ bật đèn nháy của xe cấp cứu lên, con muốn rời khỏi khu phố này theo cách thật ấn tượng”. Sáng sớm ngày 26 tháng Mười Một, anh quay sang người mẹ đang nắm lấy tay mình và nói, “Con xin lỗi vì đã gây ra nhiều phiền toái cho gia đình mình”. Rồi anh nhắm mắt và trút hơi thở cuối cùng. Hôm đó là lễ Tạ ơn năm 1970, mười tám tháng kể từ buổi khám bệnh đầu tiên của anh với bác sĩ Johnson. Vậy là anh đã dũng cảm chiến đấu với tử thần để kéo dài sự sống thêm mười hai tháng so với dự đoán của bác sĩ.
Hai ngày sau, đội Duke City Dashers giành chức vô địch AAU tại St. Louis. Với những giọt nước mắt lăn dài trên má, các em hô vang, “Chúng em xin dành tặng chiến thắng này cho huấn luyện viên Baker”.
Đáng lẽ câu chuyện về John Baker đã kết thúc tại đây nếu không có một “hiện tượng” xảy ra sau đám tang của anh. Khi đó, một số học sinh Aspen bắt đầu gọi trường của mình là “trường John Baker”, và cái tên mới này được lan truyền nhanh chóng.
Một cuộc vận động đã diễn ra nhằm hợp thức hóa tên gọi mới này. Các học sinh chia sẻ, “Đây là trường của chúng cháu và chúng cháu muốn gọi nó là trường John Baker”. Ban giám hiệu trường Aspen trình việc này lên hội đồng liên trường ở Albuquerque, và hội đồng đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Đầu mùa xuân năm 1971, năm trăm hai mươi gia đình tại quận Aspen đã đi bỏ phiếu. Kết quả: năm trăm hai mươi phiếu thuận và không có phiếu chống.
Tháng Năm năm đó, tại buổi lễ có sự tham dự của hàng trăm bạn bè của Baker và tất cả các học sinh của anh, trường Aspen chính thức được đổi tên thành trường tiểu học John Baker. Ngày nay, ngôi trường ấy vẫn hiện diện như một “tượng đài” để tưởng niệm chàng Baker dũng cảm, người mà trong thời khắc tăm tối nhất của cuộc đời đã biến bi kịch nghiệt ngã thành một di sản sống mãi cùng thời gian.