“Người sống có mục đích có thể đương đầu với bất cứ điều gì.”
- Friedrich Nietzsche
Một cuộc bạo loạn từng xảy ra ở nhà tù La Mesa tại Thành phố Tijuana, Mexico. Khi đó, hai ngàn năm trăm tù nhân bị giam trong một khu trại có sức chứa chỉ sáu trăm người đã phẫn nộ ném các chai lọ vỡ vào cảnh sát, còn cảnh sát thì dùng súng máy bắn trả.
Ngay lúc cuộc bạo loạn lên tới đỉnh điểm, một cảnh tượng kinh ngạc đã diễn ra trước mắt mọi người. Một phụ nữ sáu mươi ba tuổi, dáng người nhỏ nhắn với chiều cao chưa đến một mét sáu, mặc quần áo nữ tu điềm tĩnh bước vào, hai tay dang rộng bày tỏ thiện chí. Bất chấp làn mưa đạn và chai vỡ bay đến từ tứ phía, bà vẫn đứng yên và đề nghị mọi người dừng lại. Điều kỳ lạ là ai nấy đều làm theo. “Trên đời này, ngoài sơ Antonia ra thì chẳng có ai làm được việc đó. Bà ấy đã thay đổi cuộc đời của hàng ngàn người”, Robert Cass - một cựu tù nhân đã hoàn lương - cho biết.
Ở Tijuana, khi sơ Antonia đi bộ trên vỉa hè thì những người đi đường thường tự động dừng lại; người dân tại đó trìu mến gọi bà là Mẹ Teresa1. Trong hai mươi lăm năm qua, bà đã tự nguyện sống ở nhà tù La Mesa, trong một phòng giam chỉ rộng ba mét vuông và không có nước nóng. Xung quanh bà là những kẻ sát nhân, trộm cắp và nghiện ngập - tất cả bọn họ đều được bà trìu mến gọi là “con”. Hàng ngày, bà chăm lo cho các nhu cầu của họ, chạy vạy lo thuốc kháng sinh, phân phát mắt kính, khuyên can những người có ý định tự tử và tắm rửa các thi thể trước khi đưa đi chôn cất. “Tôi sống hẳn trong trại giam để phòng trường hợp có ai đó bị đâm lúc nửa đêm”, bà giải thích mà không hề có ý than phiền.
1 Mẹ Teresa (1910-1997), còn được gọi là Thánh Teresa thành Calcutta: là một nữ tu và nhà truyền giáo Công giáo Rôma người Ấn Độ gốc Albania (một quốc gia ở Đông Nam Âu). Bà sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái tại Calcutta, Ấn Độ năm 1950. Trong hơn bốn mươi năm, bà chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi, đồng thời đảm nhiệm việc phát triển dòng tu của mình khắp Ấn Độ cũng như các quốc gia khác.
Đó là một thế giới hoàn toàn đối lập với vùng ngoại ô xa hoa của Beverly Hills - nơi sơ Antonia lớn lên. Tên của bà lúc bấy giờ là Mary Clarke. Cha bà có xuất thân khiêm tốn nhưng đã nỗ lực gầy dựng được một công ty sản xuất văn phòng phẩm làm ăn phát đạt. “Cha tôi luôn nói rằng khi giàu có thì người ta dễ dàng vượt qua nỗi đau hơn”, bà nhớ lại. Ông còn bảo rằng một khi đã là người Beverly Hills thì bà sẽ mãi là người Beverly Hills. Và bà đã tin lời cha mình.
“Tôi thuộc tuýp người lãng mạn, và đến giờ vẫn vậy. Tôi luôn nhìn thế giới qua lăng kính màu hồng”, bà bộc bạch. Clarke trưởng thành trong thời hoàng kim của Hollywood - thời mà điệu nhảy thiết hài (tap-dance) lên ngôi - và cũng là khoảng thời gian mà Thế chiến II bùng nổ. Thời thiếu nữ, cô nàng Clarke xinh đẹp dành những tối cuối tuần dập dìu trong tiếng nhạc cùng các anh lính trẻ và mơ mộng về tương lai. Ước mơ của bà rất đỗi bình dị: một người chồng và nhiều đứa con cùng chung sống trong một ngôi nhà xinh xắn (như bà vẫn thấy trong nhiều tranh ảnh).
Và mọi chuyện đã diễn ra theo đúng ước nguyện của bà. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Clarke kết hôn và cùng chồng nuôi dạy bảy người con trong ngôi nhà rộng lớn tại Granada Hills. Hai mươi lăm năm sau, cuộc hôn nhân của bà kết thúc bằng một lá đơn ly hôn. Đó là nỗi đau dai dẳng trong lòng mà bà không bao giờ muốn nhắc đến. “Một giấc mộng tan vỡ không có nghĩa là nó chưa từng hiện hữu. Điều quan trọng bây giờ là cuộc sống mới của tôi”, bà chia sẻ.
Sau cuộc hôn nhân tan vỡ và khi con cái đều đã trưởng thành, bà chuyển sang giúp đỡ những người kém may mắn hơn. Nỗi đau của người khác luôn có tác động sâu sắc đối với bà. “Khi xem phim Cuộc nổi loạn trên tàu Bounty2, tôi đã phải rời khỏi rạp vì không chịu nổi cảnh người ta bị trói vào cột buồm và bị đánh đập dã man”, bà kể. Sau khi cha của bà qua đời, bà tiếp quản và duy trì việc kinh doanh suốt mười bảy năm, nhưng lại không có ý định mở rộng công ty. Bà giải thích, “Lo cho việc kinh doanh cũng cần nhiều tâm sức như khi vận động quyên tặng giường cho các bệnh viện ở Peru. Đến một lúc nào đó, ta không thể khoanh tay đứng nhìn được nữa mà phải bắt tay vào để giúp đỡ người khác”.
2 Lấy bối cảnh từ một sự kiện có thật trên tàu Hải quân Hoàng gia HMS Bounty xảy ra ở Nam Thái Bình Dương vào ngày 28 tháng 4 năm 1789. Tàu Bounty của Anh quốc có nhiệm vụ thu thập và vận chuyển cây sa kê từ Tahiti đến Tây Ấn. Sau khi rời Tahiti, Trung úy Fletcher Christian cầm đầu các thuyền viên bất mãn chiếm quyền kiểm soát con tàu từ thuyền trưởng Trung úy William Bligh và bỏ ông ta cùng 18 người trung thành xuống một chiếc xuồng cứu sinh với số lương thực chỉ đủ cho năm ngày. Sau gần hai tháng lênh đênh trên biển, William Bligh cùng nhóm của ông được cứu thoát sau khi đã vượt qua hành trình dài 6.500 km.
Trong trường hợp của mình, bà không chỉ bắt tay vào mà còn thực hiện một bước tiến lớn. Giữa thập niên 1960, bà cùng một linh mục đi dọc biên giới Mexico để phân phát thuốc men và nhu yếu phẩm cho người nghèo. Bà nói, “Vào thời điểm đó, những người Mexico duy nhất mà tôi biết là thợ làm vườn trong khu phố mình sinh sống”. Giờ đây, bà tự nhận thấy mình có sự quan tâm đặc biệt dành cho những người này.
Cuộc đời thứ hai của bà bắt đầu vào ngày mà bà và vị linh mục kia bị lạc tại Tijuana. Trong lúc đi tìm trại giam của thành phố, họ tình cờ lạc đến La Mesa. Bà lập tức xúc động trước cảnh tượng mình nhìn thấy. Bà kể, “Trong bệnh xá của trại giam này có những người đang bệnh rất nặng, dù vậy họ vẫn đứng dậy khi bạn bước vào”. Không lâu sau, bà bắt đầu ngủ lại trại giam, trên một chiếc giường tầng trong khu tù nhân nữ. Rồi bà học tiếng Tây Ban Nha và tìm mọi cách để giúp đỡ các tù nhân cũng như gia đình của họ.
Năm 1977, với cảm nhận sâu sắc rằng mình đã tìm được sứ mệnh đích thực mà Chúa giao phó, Mary Clarke quyết định trở thành nữ tu Antonia. Nhà tù La Mesa trở thành “nơi thường trú” của bà, ngay cả trong dịp Giáng sinh. Noreen Walsh-Begun - một người bạn của bà - cho biết, “Các con của bà hiểu được ưu tiên của mẹ. Họ hiểu rằng bà đã hết lòng chăm sóc họ, và giờ là lúc bà dành sự quan tâm của mình cho người khác”.
“Tôi không biết làm sao người ta có thể theo kịp bà ấy. Lúc nào cũng thấy bà làm hết việc này đến việc kia nhưng bà lại luôn có thời gian dành cho mọi người. Không phải tự nhiên mà ai cũng yêu quý bà đến vậy”, theo lời Cass - một cựu tù nhân vừa đặt tên cho con gái mới sinh của mình theo tên của sơ Antonia.
Với sơ Antonia, tình thương là thứ mà bà sẵn sàng chia sẻ với mọi người. Bà nói, “Tôi căm ghét tội lỗi nhưng không xa lánh người phạm tội. Sáng nay tôi vừa nói chuyện với một thanh niên mười chín tuổi phạm tội ăn cắp xe. Tôi hỏi liệu cậu ấy có biết chiếc xe đó quan trọng thế nào đối với một gia đình và liệu phải mất bao lâu họ mới mua được nó không. Tôi nói, ‘Sơ yêu con, nhưng không cảm thông cho việc con làm. Con có bạn gái chứ? Chà, có thể ai đó sẽ cướp mất cô ấy trong lúc con ở đây đấy’. Rồi tôi ôm cậu ấy vào lòng”. Bà mở rộng vòng tay với tất cả mọi người, trong đó có cả cai ngục - những người được bà chỉ bảo và khuyên nhủ.
Trong những năm sống tại Tijuana, sơ Antonia đi khắp thành phố này bằng chiếc xe từng thuộc về hãng taxi New York Checker đã được sơn lại màu xanh lam sẫm. “Có lần tôi lùi xe trúng vào xe cảnh sát, suy nghĩ bật lên trong đầu tôi là ‘Ôi, tạ ơn Chúa’. Tôi biết cách nghĩ đó thật khác thường, nhưng tôi yêu quý các cảnh sát và họ cũng yêu quý tôi”, bà vừa nói vừa cười lớn.
Là người có lối nói chuyện lôi cuốn và lay động lòng người, bà đã kêu gọi được một lượng lớn các mạnh thường quân - những người đóng góp mọi vật dụng cần thiết cho nhà tù, từ chăn đệm đến thuốc men và tiền bạc. Một nha sĩ địa phương đã cung cấp hàng ngàn bộ răng giả với giá gốc cho các tù nhân - những người thậm chí còn chưa bao giờ biết đến bàn chải đánh răng. “Mình phải có nụ cười thân thiện thì mới tìm được việc làm”, sơ Antonia giải thích. Bà tự nhận bản thân là người may mắn nhất thế giới. Bà chia sẻ, “Tôi đã sống trong nhà tù suốt hai mươi bảy năm nhưng chưa ngày nào tôi cảm thấy buồn khổ hay tuyệt vọng, và chưa bao giờ tôi cảm thấy bất lực vì không thể khiến mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn”.