Mùa hè năm 1980, tôi 35 tuổi. Tám năm qua, tôi không đi làm việc mà chỉ ở nhà chăm sóc hai cô con gái của mình. Nhưng đến tháng 9 năm đó, cả hai cô bé đều bắt đầu đi học, và tôi lại có thể đi làm trở lại. Chồng tôi, Jay, là Phó Chủ tịch Điều hành ở công ty Lien Chemical, nhưng tôi cũng muốn đóng góp phần mình, đặc biệt là chuẩn bị hai khoản học phí đại học cho các cô con gái. Tôi không muốn mình bắt đầu làm một điều gì đó vĩ đại, mà chỉ muốn tìm thêm nguồn bổ sung vào thu nhập của gia đình, kiếm thêm một khoản tiền để dành cho việc học hành của các cô con gái và bảo đảm tương lai cho chúng.
Nhưng quay trở lại với công việc trước đó cũng có những thuận lợi và bất lợi của nó. Dù thực sự muốn kiếm thêm tiền để dành cho tương lai của cả gia đình, nhưng tôi lại không muốn bỏ lỡ những công việc mà một người mẹ có thể làm cho các con của mình ở trường học như làm bảo mẫu hoặc đi tham quan, dã ngoại cùng với chúng. Tôi còn muốn cùng chúng nướng bánh sau giờ học và đưa chúng đến thư viện đọc sách. Tôi muốn tìm một công việc nào có thể cho phép tôi vẫn làm được tất cả những việc này và nhiều việc khác nữa. Jay rất thông cảm và sốt sắng giúp tôi khi tôi quyết định tự đứng ra kinh doanh, lấy kinh nghiệm từ những năm nghiên cứu kinh tế gia đình và làm giáo viên. Tôi quyết định bán các sản phẩm gia dụng nhà bếp chất lượng cao ở các buổi tiệc tại nhà.
Nhưng những buổi tiệc tại nhà tôi (cũng là những buổi tiệc để bán hàng trực tiếp) sẽ rất khác biệt. Chúng phải có tính chất vui nhộn và cung cấp nhiều thông tin bổ ích. Tôi sẽ đưa vào mỗi chương trình ấy những hoạt động nấu nướng có tính trình diễn và để cho khách hàng có cơ hội sử dụng thử các công cụ làm bếp. Tôi cần một cái tên cho công ty mới của mình - sau một buổi cùng suy nghĩ và bàn luận với bạn bè, chúng tôi thống nhất lấy tên gọi "The Pampered Chef - Người đầu bếp được nuông chiều".
Đầu tiên, tôi đặt ra sứ mệnh như sau: Tôi muốn công ty của tôi sẽ tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của mọi người. Tôi biết rằng cách tốt nhất để hoàn thành sứ mệnh này là phải lôi kéo các gia đình lại gần nhau - còn cách nào tốt hơn là thông qua những cuộc trò chuyện chung và những tiếng cười của mọi người trong giờ ăn? Đó chính là nơi mà chúng ta sống.
Tôi đã chia sẻ sự thành công của công ty The Pampered Chef qua quyển sách tôi xuất bản năm 2005: The Pampered Chef: Câu chuyện về một trong những công ty được yêu thích nhất nước Mỹ (Nhà xuất bản Doubleday). Ở đây, tôi muốn chia sẻ với các bạn 5 điều quan trọng nhất:
Hãy theo đuổi niềm đam mê của bạn. Tôi thích làm việc trong bếp, và tôi thích dạy học. Với công ty riêng, tôi có thể kết hợp hai niềm đam mê này lại với nhau. Khi còn học đại học, tôi có thể vượt qua được những khóa học khó khăn về toán và khoa học là vì tôi biết rằng mình cần phải vượt qua để tốt nghiệp và lấy bằng kinh tế gia đình. Trong kinh doanh cũng thế. Có những điều chán ngấy mà bạn phải chịu đựng nếu muốn trở thành doanh nhân giỏi. Nếu bạn cảm thấy hứng thú trong những khía cạnh khác của việc kinh doanh, bạn sẽ chịu đựng được những điều mà mình không thích. Nếu bạn tìm thấy được điều mà mình yêu thích, tôi đoan chắc rằng công việc của bạn sẽ dễ dàng hơn gấp nhiều lần.
Tôi tin rằng một trong những yếu tố then chốt dẫn đến thành công trong công việc và trong cuộc sống là phải có niềm đam mê trong những việc bạn làm. Niềm đam mê công việc của tôi đóng vai trò cốt lõi trong những giai đoạn khó khăn; nó củng cố tính kiên cường cũng như khả năng vượt qua trở ngại của tôi, hỗ trợ cho sự quyết tâm thực hiện tầm nhìn ban đầu và tạo thêm động lực đi đến thành công.
Hãy là người giỏi nhất trong khả năng của bạn. Tôi luôn luôn có một mục tiêu duy nhất: trở thành người giỏi nhất trong khả năng của mình đối với mọi công việc tôi làm. Bạn cũng nên như thế. Đối với đa số chúng ta, điều này không phải là một nhiệm vụ quá khó khăn bởi vì hầu hết công việc mà chúng ta làm không ghê gớm như khoa học tên lửa hay vũ trụ. Martin Luther King Jr. đã nói một cách hùng hồn rằng: "Nếu một công nhân vệ sinh muốn được gọi là một người quét đường thực thụ, thì anh ấy nên quét đường giống như Michelangelo vẽ tranh, như Beethoven soạn nhạc, hay Shakespeare làm thơ. Anh ấy nên quét đường giỏi đến mức tất cả mọi người khi đi qua những con đường được anh quét đều dừng lại và nói rằng: ‘Ở đây có một người quét đường vĩ đại làm rất tốt công việc của mình’".
Kiểm soát chi phí. Với số vốn ban đầu chỉ có 3.000 đô-la, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc kiểm soát chặt chẽ mọi chi phí của mình. Điều này dạy cho tôi tính kỷ luật mà sau này tôi vẫn luôn chú ý đến trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình. Dĩ nhiên, ngay cả với số vốn ít ỏi đó thì sự cám dỗ vung tay quá trán từ tiền vay mượn luôn tồn tại. Nói một cách đơn giản, bạn đừng nên sa vào đó. Hãy thiết lập ngân sách và luôn kiềm chế mình trong phạm vi đó. Tôi luôn kiểm soát chi phí ở mức thấp nhất có thể. Trong suốt nhiều năm, tôi chọn cách tổ chức làm việc tại nhà cho đến khi nhà tôi không còn đủ sức chứa nữa. Tiêu tiền thì quá dễ, nhưng chống lại cám dỗ tiêu tiền mới là việc khó. Nhiều khi, những doanh nhân mới khởi nghiệp có được sự khởi đầu suôn sẻ và đạt được thành công một cách nhanh chóng. Họ muốn cả thế giới biết rằng họ đã làm việc xuất sắc; họ muốn gây ấn tượng với mọi người, thế là họ vung tay chi tiền thoải mái. Không sớm thì muộn, những khoản chi phí cao sẽ trở thành những gánh nặng khiến họ không thể duy trì nổi nữa. Vậy, đừng để điều này xảy ra với bạn.
Hãy lắng nghe bản năng và tin vào trực giác của bạn. Ban đầu, tôi chỉ làm việc đơn thuần theo bản năng của mình. Jay, chồng tôi, cũng tham gia nhằm phản biện các ý kiến của tôi, nếu chúng tôi không thống nhất với nhau thì tôi sẽ là người quyết định cuối cùng. Qua nhiều năm, tôi nhận ra rằng trực giác và bản năng của tôi về công việc kinh doanh mình đang làm hiếm khi sai lầm. Nếu tôi phải cố gắng hết sức để tự thuyết phục mình về một ý tưởng nào đó, có lẽ nó không phải là một ý tưởng hay. Trừ phi Jay phản đối một cách kịch liệt và thuyết phục rằng phán đoán của tôi sai lầm, tôi vẫn luôn làm theo trực giác của mình. Jay tôn trọng trực giác của tôi, thậm chí ngay cả khi nó không hợp lý lắm đối với anh ấy. Có phải trực giác của tôi lúc nào cũng đúng không? Dĩ nhiên là không rồi. Chẳng có doanh nhân nào có thể đảm bảo mình luôn đúng 100%. Nếu bạn luôn luôn đúng, điều đó nghĩa là bạn không chấp nhận chút rủi ro hợp lý nào cả. Rất may là phán đoán của tôi thường khá chính xác nên tôi tin tưởng vào trực giác của mình.
Tất cả đều là chuyện nhỏ. Nhiều khi tôi cảm thấy mình đang gánh chịu một áp lực nặng nề và công việc luôn chiếm lấy tâm trí tôi; những lúc như vậy Jay thường khuyên tôi rằng: "Chuyện nhỏ thôi mà".
Khi tôi vừa định phản đối thì anh ngắt lời: "Doris, đây dù sao cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ cuộc sống rộng lớn của em. Đừng nên quá ám ảnh về nó như vậy. Đừng nên cảm thấy quá nặng nề với công việc của mình".
Thật là một lời khuyên tuyệt vời. Điều đó không có nghĩa là tôi lúc nào cũng thích nghe những lời như vậy. Khi tôi bị công việc vây quanh thì thật khó có thời gian để "hít thở" và thư giãn. May mắn là cuối cùng tôi cũng tìm cách làm được. Ý nghĩ "tất cả đều là chuyện nhỏ" sẽ giúp ta nhìn nhận công việc một cách tĩnh tâm hơn. Gia đình vẫn là ưu tiên số một của tôi. Họ là lý do để tôi khởi đầu công việc kinh doanh của mình. Dĩ nhiên, cũng có những lúc tôi tập trung hết sức vào một vấn đề rắc rối nên tạm thời xem công việc kinh doanh quan trọng hơn gia đình. Tuy nhiên, mỗi khi tôi nhận thấy mình đang lâm vào tình trạng như thế, tôi tự nhủ rằng: "Doris này, đó chỉ là chuyện nhỏ thôi mà!". Đó là một lời nhắc nhở tôi luôn biết sắp xếp mức độ ưu tiên cho những điều trong cuộc sống.
Duy trì sự cân bằng giữa công việc và gia đình là một trong những sứ mệnh của công ty chúng tôi - một sứ mệnh được gần 70.000 tư vấn viên làm việc cùng với công ty The Pampered Chef tán đồng và thực hiện. Tất cả đều là những doanh nhân có quyền quyết định, tôi tự hào đã giúp họ xây dựng công việc kinh doanh cho riêng mình. Tôi tự hào vì họ là ấn tượng đầu tiên đối với 12 triệu khách hàng tham gia các buổi tiệc tại nhà hàng hàng năm. Và những bữa tiệc ấy nhất định sẽ còn tiếp diễn.
- Doris Christopher
Lời bình:
Doris Christopher là người sáng lập và chủ tịch của công ty The Pampered Chef, một công ty hàng đầu về bán hàng trực tiếp các sản phẩm vật dụng nhà bếp trên toàn thế giới. Trong 26 năm, Christopher đã biến một công việc kinh doanh ở nhà thành một công ty có giá trị hàng triệu đô-la, hàng năm có hơn 1 triệu buổi tiệc bán hàng tại nhà trên toàn thế giới. Năm 2002, công ty này được Berkshire Hathaway của Warren Buffett mua lại.
Christopher tiếp tục lãnh đạo công ty bà đi vào tương lai, tạo cơ hội khởi nghiệp cho các nhà tư vấn mới và mang lại cho chúng ta sự thoải mái và tiện nghi trong cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể tìm hiểu thêm về The Pampered Chef qua trang web: www.pamperedchef.com
- Dahlyn McKowen
- Nguyên tác đa Recipe for Success