"Những câu chuyện của anh kể có thật không? Các nhân vật đó có thật không?"
Câu trả lời đơn giản là "Thật". Còn nếu bạn cần một câu trả lời phức tạp hơn thì: "Tôi là người kể chuyện, không phải phóng viên điều tra". Để câu chuyện hay hơn thì cần thêm thắt vài thứ, cũng như thêm gia vị khi chế biến món ăn thôi. Một chút cường điệu sẽ làm cho câu chuyện hài hước hơn. Rồi cũng có khi tôi kết hợp hai câu chuyện hay có nội dung tương tự nhau thành một câu chuyện hay hơn nữa – dĩ nhiên, sự kết hợp này phải đảm bảo tính chân thực của câu chuyện. Thông thường, tôi sẽ thay đổi tên và một số tình tiết nhất định để bảo vệ đời tư của nhân vật mà tôi đang đề cập, vì không phải ai cũng thích được nổi tiếng.
Trường hợp người trong câu chuyện về Haiho Lama tái sinh là một ví dụ.
Cốt truyện hoàn toàn có thật. Nhưng ngay từ đầu, người thợ sửa giày đã cương quyết không cho tôi tiết lộ danh tính. Ông ấy cảm thấy không thoải mái khi mọi người quan tâm tới mình chỉ vì ông đã làm những việc mà bất kỳ ai cũng nên và có thể làm. Ông đã yêu cầu tôi: "Đừng nêu tên tôi, cũng đừng cho mọi người biết địa chỉ cửa hàng này". Vì thế, tôi đã nghĩ ra cái tên Elias Schwartz. Nó cũng hay đấy chứ. Thực ra, tên của ông là Eli Angel – một cái tên ít người tin là có thực.
Giờ thì Angel đã qua đời. Vì thế, tôi có thể thoải mái dùng tên thật của ông để kể cho bạn phần kết của câu chuyện.
Eli Angel là một người Do Thái chính thống, ông sinh ra trên đảo Rhodes. Dù ông không được học hành đến nơi đến chốn nhưng những người quen biết đều đồng tình rằng ông là một người rất hiểu biết. Ông có thể nói nhiều thứ tiếng: Hy Lạp, Tây Ban Nha, Pháp, Hê-brơ và tiếng Anh. Ông có kiến thức về lịch sử, triết học và thần học. Ông còn là người rộng lượng, luôn nhiệt tình giúp đỡ những người nhập cư khác ổn định cuộc sống nơi đất khách quê người. Khu dân cư nơi ông sống ở Seattle tin rằng tất cả những gì tốt đẹp nhất của con người đều hội tụ nơi ông, bởi những việc làm nhỏ nhưng tràn đầy tình thương mà ông dành cho họ. Khi ông qua đời, nơi giáo đường Do Thái đặt quan tài ông, người đến tiễn đưa đứng tràn ra đường. Họ gọi ông là một tzaddik – một người đạo đức và đáng được tôn trọng.
Thật trùng hợp là vợ tôi lại quen biết vợ của Eli. Vợ tôi chưa bao giờ cho tôi biết bà ấy là bác sĩ tâm lý của bà Angel. Sau khi Eli qua đời, vợ ông rất đau buồn nên đã tới gặp vợ tôi. Bà rất nhớ người chồng yêu dấu của mình và mong rằng sẽ có nhiều người khác biết đến ông. Vợ tôi đã kể cho bà câu chuyện về Haiho Lama mà tôi đã viết này và giải thích là hàng triệu người đã biết tới ông ấy. Chỉ có điều, họ không biết tên thật của ông ấy mà thôi. Chính lòng nhân hậu của Eli đã an ủi người vợ phần nào.
Tính cách đặc biệt của Eli là làm việc tốt mà không cần người khác biết đến, càng không cần họ phải trả ơn – không chỉ bó hẹp trong hành động đặt mấy chiếc bánh quy vào đôi giày mà ông không thể sửa.
Người Do Thái có một từ dành cho những hành động như thế - mitzvoh.
Vợ Angel cũng mới mất cách đây không lâu. Bây giờ, tôi có thể kể cho bạn nhiều hơn về hai con người này.
Khi Eli gặp Rachael, họ đã yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ông đã ngỏ lời cầu hôn khi chỉ mới quen bà được 2 ngày. Nhưng bà từ chối. Tại sao ư? Vì bà bị bệnh ung thư; bà nói là mình không thể có con và không còn sống được bao lâu. Nhưng Eli vẫn kiên trì. Ông nói mình sẽ yêu bà đến khi nào cái chết mang bà đi. Tình yêu như lá chắn giúp họ vượt qua những bất hạnh trước mắt, và họ đã kết hôn. Tình yêu đã mang đến cho họ bốn đứa con xinh xắn. Và cũng chính tình yêu gắn bó họ tới già. Vợ Angel cũng là một "mitzvoh" giỏi không thua gì chồng mình – người luôn âm thầm làm những việc tốt mà chẳng muốn ai biết.
Tôi biết tất cả những điều này vì mới đây, tôi đã nói chuyện với gia đình Angel. Con trai của Eli là đời thứ ba trong gia đình làm nghề sửa giày và tiếp tục điều hành cửa hàng của cha mình ở đồi Capitol, Seattle. Hàng xóm nói về anh chẳng khác gì trước kia họ từng nói về cha anh – một mensch thực sự – một người đáng kính. Tôi đã có dịp chứng kiến cậu giữ chân khách hàng bằng sự quan tâm và nhẫn nại. Tôi tự nhủ: Lại thêm một mitzvoh nữa.
Tôi cũng đến nhà trò chuyện với em gái và con gái của Raymond, và được họ cho xem album ảnh của gia đình. Eli Angel và người vợ yêu quý của ông, Rachael, vẫn được mọi người nhắc tới như thể họ còn hiện diện trên cõi đời này – vẫn quan tâm đến một góc thế giới nơi họ sống. Tôi ra về và tự nhủ không phải tất cả mọi người đều xấu và thế giới này vẫn còn nhiều điều tươi đẹp. Nghĩ đến đây, lòng tôi phấn chấn và ngập tràn hạnh phúc.
Nhà truyền bá Phúc Âm, Billy Graham, từng nói các thiên thần có thực, chỉ có điều ta không nhìn thấy họ.
Không đúng.
Tôi biết những thiên thần ấy ở đâu. Tôi đã tận mắt nhìn thấy họ.
Những thiên thần tôi biết có thể sửa đế giày cho bạn, và còn hàn gắn cả tâm hồn của bạn nữa.