Các vấn đề về dạ dày-ruột đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Vấn đề táo bón nặng đến mức phải dùng thuốc nhuận tràng hiện nay ảnh hưởng đến hơn 10% dân số và tăng lên gần 20% ở Hoa Kỳ.
Kế đến là hội chứng ruột kích thích, hoặc IBS. IBS không phải là một bệnh đơn lẻ mà là một tập hợp các triệu chứng, bao gồm tiêu chảy và táo bón, nguyên nhân có thể do căng thẳng, sử dụng kháng sinh hoặc chế độ ăn ít chất xơ, nhiều thực phẩm chế biến sẵn.
Dù khó thu thập dữ liệu nhưng có vẻ như đã có một sự gia tăng đáng kể từ những năm 1950. Tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu hiện nay được ước tính là từ 12% đến 15%; với con số cao hơn là ở các nước phát triển, nơi tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn hơn.
Tình trạng căng thẳng, sử dụng thuốc kháng sinh và chế độ ăn ít chất xơ đều ảnh hưởng đến quần thể vi sinh vật trong ruột già khiến phát triển quá nhiều vi khuẩn Gram âm. Không phải vi khuẩn Gram âm đều hoàn toàn có hại, và một số còn có ích cho sức khỏe; nhưng vi khuẩn Gram âm được bao phủ bởi lipopolysaccharid, một hợp chất có khả năng gây viêm cao.
Khi quần thể vi khuẩn trong ruột già trở nên mất cân bằng, gây viêm và bắt đầu gây ra các triệu chứng, tình trạng này được gọi là “rối loạn hệ khuẩn ruột”.
Đây không phải là loại rối loạn hệ khuẩn ruột duy nhất. Ví dụ, một số trường hợp IBS có thể được hỗ trợ bằng chế độ ăn kiêng FODMAP1. Trong những trường hợp này, có thể bệnh IBS không phải do quần thể vi sinh vật trong ruột già không tốt, mà là do có vi khuẩn bình thường khỏe mạnh (Gram dương) ở sai chỗ trong ruột non.
1 Chế độ ăn FODMAP là chế độ ăn ít Oligosaccharide, Disaccharides, Mono-saccharides và Polyols có thể lên men.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp IBS, có bằng chứng về tình trạng viêm mãn tính trong ruột. Đây là điều dự đoán sẽ thấy khi sự cân bằng vi sinh vật bị tổn thương và bây giờ chứa quá nhiều vi khuẩn Gram âm.
Bệnh viêm ruột (IBD) lại còn nghiêm trọng hơn. Hai loại IBD chính, viêm loét đại tràng và bệnh Crohn, là những bệnh tự miễn. Chúng biểu hiện ra cùng với viêm mãn tính nhiều kết hợp với chứng rối loạn hệ khuẩn ruột. IBD rất khác với IBS nhưng chúng cũng đang gia tăng và đã tăng gấp ba lần kể từ những năm 1980.
Căn bệnh nghiêm trọng nhất của ruột là ung thư ruột, và chúng ta cũng đang thấy một xu hướng đáng lo ngại tương tự. So với những người sinh vào những năm 1950, những người sinh vào những năm 90 (tức là thế hệ tiếp theo) có nguy cơ bị ung thư ruột kết cao gấp đôi và nguy cơ ung thư trực tràng cao gấp bốn lần. Giống như tất cả các rối loạn tiêu hóa khác được liệt kê ở trên, những bệnh ung thư này có liên quan rất nhiều đến chứng rối loạn hệ khuẩn ruột và viêm mãn tính.
Rối loạn hệ khuẩn ruột và viêm mãn tính trong ruột dường như là nguyên nhân quan trọng của một số tình trạng bệnh. Từ quan điểm này, việc đưa ra một chiến lược dinh dưỡng khôi phục sự cân bằng vi sinh vật và cũng có tính kháng viêm là rất hợp lý.
Trước thế kỷ 20, thực phẩm đã được chế biến không có gì khác ngoài những thứ đơn giản nhất như bánh mì, pho mát, sữa chua, ... Mọi người ăn một chế độ ăn chứa nhiều chất xơ prebiotic hơn chúng ta ăn ngày nay. Những chất xơ này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì sức khỏe cho hệ vi sinh vật và đường ruột.
Chất xơ prebiotic là carbohydrate, nhưng không giống như những carbohydrate quen thuộc là đường và tinh bột, chúng không thể tiêu hóa được và không bị phân hủy trong ruột non để tạo thành glucose. Thay vào đó, chúng di chuyển nguyên vẹn xuống ruột già, nơi chúng được sử dụng làm thức ăn hoặc nhiên liệu cho các vi khuẩn Gram dương như lactobacilli, bifidobacteria và streptococcus thermophilus. Những vi khuẩn này khá quen thuộc do chúng ta sử dụng chúng để làm sữa chua và các loại thực phẩm lên men khác. Chúng được gọi là probiotic, tức là lợi khuẩn, mặc dù các viên chức khắt khe ở các cơ quan quản lý không thích thuật ngữ này.
Các vi khuẩn probiotic Gram dương sử dụng các chất xơ prebiotic làm nhiên liệu, nhân lên, di chuyển và tiêu diệt vi khuẩn Gram âm. Vi khuẩn Gram âm bị tiêu diệt sẽ làm giảm lượng lipopolysaccharide trong ruột, do đó làm giảm viêm. Nhưng các chất xơ prebiotic còn có tác dụng bổ trợ quan trọng không kém. Khi vi khuẩn probiotic tiêu thụ các chất xơ prebiotic, chúng sẽ phân hủy chúng thành axit butyric. Axit butyric không chỉ là chất kháng viêm mạnh mà còn có tác dụng rất tốt trong việc tiêu diệt tế bào ung thư.
Bằng cách này, khi các chất xơ prebiotic chuyển sự cân bằng vi khuẩn trong ruột từ vi khuẩn Gram âm sang Gram dương, chúng mang lại cả lợi ích kháng viêm và chống ung thư.
Điều này cũng giúp cải thiện tình trạng bên trong ruột, đồng thời tạo ra những lợi ích sức khỏe ở những nơi khác trong cơ thể. Quá nhiều tình trạng viêm trong ruột khiến ruột bị “rò rỉ”, cho phép vi khuẩn và các chất độc khác xâm nhập vào máu và gây ra các vấn đề ở các mô khác. Rối loạn hệ khuẩn ruột có liên quan đến trầm cảm, tự kỷ, tâm thần phân liệt, giảm sức chịu đựng, kiểm soát đường huyết kém, tăng cân và bệnh Parkinson. Các vấn đề khác chắc chắn sẽ xuất hiện.
Cân nhắc cách tiếp cận kháng viêm cho sức khỏe đường ruột có vẻ rất hợp lý, và cách thức này khá đơn giản. Đưa chất xơ prebiotic trở lại chế độ ăn uống như trước đây, và khôi phục một quần thể vi khuẩn Gram dương và ít gây viêm hơn trong ruột.
Có nhiều loại chất xơ prebiotic khác nhau. Các loại chất xơ tốt nhất được tài liệu ghi nhận bao gồm FOS, inulin, hợp chất đường liên phân tử beta glucan 1-3, 1-4 và tinh bột kháng tiêu hóa. Tốt nhất là nên sử dụng kết hợp những loại chất xơ này với nhau vì độ dài và độ phức hợp của từng loại. Nguyên do là vì các sợi xơ ngắn hơn lên men nhanh hơn, trong khi các sợi xơ dài và phức tạp thì lên men chậm hơn. Điều này rất quan trọng, bởi vì sự kết hợp đã được cân nhắc cẩn thận giữa chất xơ nhanh và chậm sẽ giúp tái cân bằng quần thể vi khuẩn trong suốt chiều dài ruột già.
Cách tiếp cận này còn liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc hầu hết các bệnh về ruột. Nếu điều này vẫn chưa đủ thuyết phục bạn thì cách này cũng giúp cho việc tiêu hóa đều đặn hơn và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn.
CẨN TRỌNG
Một số cá nhân rất nhạy cảm với chất xơ prebiotic. Trong một số trường hợp, các khuẩn probiotic xâm nhập lên đoạn ruột trên (ruột non), nơi chúng thường không sinh sống với số lượng đáng kể. Khi đó chất xơ prebiotic làm khuẩn probiotic phát triển trong ruột non, điều này có thể rất khó chịu. Nếu gặp phải vấn đề này, bạn có thể thử đẩy khuẩn probiotic trở lại vào ruột già bằng món súp cà rốt, một phương thuốc cổ xưa của người Đức để chữa rối loạn tiêu hóa. Luộc cà rốt cho đến khi có vị ngọt nhẹ. Vị ngọt này là do chất bột đường carbohydrate trong cà rốt phân tách thành các phân tử nhỏ hơn giống như đường. Chúng hoạt động như chất chống kết dính; và do đó, chúng làm vi khuẩn rời ra khỏi vị trí bám của chúng trên thành ruột, tương tự như nước ép việt quất đẩy vi khuẩn ra khỏi bàng quang. Theo chút kinh nghiệm của tôi, ăn một bát súp cà rốt mỗi ngày trong vòng một tuần là đủ. Sau đó, bạn có thể chuyển sang dùng hỗn hợp prebiotic.