Có hai loại viêm cơ bản là viêm cấp tính và viêm mãn tính. Viêm cấp tính nói chung là một quá trình rõ ràng và diễn ra trong thời gian ngắn, liên quan đến việc chữa lành và loại bỏ các mầm bệnh có hại. Viêm mãn tính thì hoàn toàn xấu. Nó liên quan đến một số phản ứng hóa sinh tương tự như phản ứng viêm cấp tính, nhưng thay vì chữa lành và tiêu diệt vi khuẩn và vi rút có hại, nó lại âm ỉ kéo dài trong nhiều năm. Điều này gây ra sự phá hủy chậm các mô trong tim, não, sụn, xương hoặc các nơi khác, để cuối cùng trở thành bệnh thoái hóa.
Viêm cấp tính
Viêm cấp tính là phản ứng nhanh của mô đối với tổn thương. Viêm cấp tính có thể được coi là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại tổn thương và được đặc trưng bởi những thay đổi trong tuần hoàn của các mao mạch: sự tiết dịch và di chuyển bạch cầu (leukocyte) từ mạch máu đến vùng tổn thương. Viêm cấp tính thường có thời gian ngắn và chủ yếu nhằm loại bỏ tác nhân gây tổn thương.
Năm dấu hiệu của viêm cấp tính – “P.R.I.S.H.”
• Đau (Pain) - vùng bị viêm thường bị đau, đặc biệt là khi chạm vào. Các hóa chất kích thích các đầu dây thần kinh được tiết ra khiến cho khu vực này trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều.
• Tấy đỏ (Redness) – khu vực bị viêm có màu đỏ do các mao mạch chứa nhiều máu hơn bình thường.
• Bất động (Immobility) - có thể bị mất một số chức năng.
• Sưng (Swelling) - do tích tụ chất lỏng.
• Nóng (Heat) – giống như lý do gây ra tấy đỏ, có nhiều máu hơn trong khu vực bị ảnh hưởng nên cảm thấy nóng khi chạm vào.
Một vết cắt trên da có thể gây ra nhiễm trùng, dẫn đến phản ứng viêm cấp tính. Các tế bào chống nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch tự nhiên tập trung quanh vết thương và giải phóng một loạt các hợp chất có hoạt tính sinh học. Một số hợp chất làm tăng lưu lượng máu đến khu vực này, còn một số khác khiến chất dịch chảy vào từ các mô xung quanh. Điều này thu hút các tế bào miễn dịch và các yếu tố khác đến giúp sửa chữa vết thương và tiêu diệt bất kỳ kẻ xâm lược nào. Khu vực nóng và sưng tấy xung quanh vết cắt là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch đang hoạt động để giữ cho cơ thể an toàn và bắt đầu quá trình chữa lành.
Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, phản ứng viêm cấp tính có thể vô hiệu hóa và loại bỏ được tác nhân ban đầu, quá trình viêm sẽ dừng lại và quá trình chữa lành hoàn tất. Tuy nhiên, có một số tác nhân không thể giải quyết được. Ở những người có lối sống không lành mạnh, các tác nhân sẽ vẫn tiếp tục xuất hiện. Bây giờ tình trạng viêm chuyển sang trạng thái âm thầm. Nó chuyển thành mãn tính, viêm cận lâm sàng. Đây là cách nói trong y học để chỉ tình trạng viêm vẫn tồn tại nhưng âm ỉ ngấm ngầm. Chúng ta thường không thể nhận biết cho đến khi nó gây ra nhiều tổn thương hơn, các triệu chứng lâm sàng cuối cùng cũng xuất hiện. Những triệu chứng này xảy ra tương đối muộn trong quá trình tiến triển của các bệnh thoái hóa. Lúc đến bác sĩ thì bệnh đã gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng rồi.
Viêm mãn tính
Viêm cận lâm sàng mãn tính là một quá trình cực kỳ phức tạp, nhưng chúng ta có thể đơn giản hóa nó bằng cách mô tả nhiều cấu trúc tế bào, các men xúc tác sinh học (enzyme) và các hợp chất truyền tín hiệu tham gia vào quá trình này là “vùng viêm” (inflammazone)1. Vùng viêm có thể được chia thành hai phần chức năng hay hai giai đoạn.
1 Không nên nhầm lẫn với “inflammasome”, là một nhóm các protein nhỏ phát hiện mầm bệnh và các yếu tố có hại khác, để (cuối cùng) kích hoạt “vùng viêm” (inflammazone).
Trong giai đoạn đầu, các hiện tượng chủ yếu được quyết định bởi tỷ lệ các axit béo trong màng tế bào. Tỷ lệ này phản ánh tỷ lệ các axit béo trong chế độ ăn uống. Các axit béo trong màng tế bào của chúng ta được phân tách thành các chất truyền tín hiệu gây viêm hoặc kháng viêm. Các axit béo omega 3 từ hải sản phân tách thành tín hiệu kháng viêm, trong khi axit béo omega 6 (có nguồn gốc từ dầu thực vật) phân tách thành tín hiệu gây viêm. Nếu chế độ ăn uống chứa quá nhiều axit béo omega 6 từ dầu thực vật và không đủ omega 3, thì tín hiệu đưa ra là gây viêm. Các sản phẩm phân tách của omega 6 thu hút một loạt các tế bào miễn dịch đến khu vực bị ảnh hưởng và gây ra phù nề cục bộ.
Phần này của quá trình không gây tổn hại đặc thù, nhưng nó kích hoạt giai đoạn hai ở vùng viêm bằng cách phá vỡ các cấu trúc bên trong tế bào là bào quan lysosome. Đây là những túi nhỏ chứa đầy các enzyme có khả năng phân hủy cao gọi là men tiêu hủy cấu trúc nền (Matrix Metalloprotease MMP’s). Các enzyme này gây ra tổn thương mô, bởi vì khi MMP’s được giải phóng, chúng sẽ ăn mòn cấu trúc nền (ECM). Trong giai đoạn hai này, nhóm yếu tố ăn uống kháng viêm thứ hai là các hợp chất hữu cơ tự nhiên (polyphenol) đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Cấu trúc nền (ECM) là một lưới ba chiều mịn gồm nhiều loại sợi vi mô khác nhau, bao gồm collagen và elastin, giữ cho tất cả các tế bào của chúng ta ở đúng vị trí và phương hướng, cho phép chúng phối hợp hoạt động và vận hành như một mô hoặc cơ quan. Ma trận này rất năng động, chúng liên tục phân hủy và tái tạo để đáp ứng các yêu cầu của cơ thể - ví dụ như trong quá trình tăng trưởng hoặc như một phản ứng khi tập thể dục. Tuy nhiên, trong tình trạng viêm mãn tính, việc giải phóng quá nhiều enzyme MMP’s sẽ đẩy nhanh tốc độ phá vỡ cấu trúc nền cho đến khi nó vượt quá khả năng tái tạo của cơ thể. Theo thời gian, điều này dẫn đến sự bào mòn chậm cấu trúc nền cục bộ và làm mất dần các mô chức năng. Các hợp chất hữu cơ tự nhiên (polyphenol) có rất nhiều hoạt động kháng viêm ở đây, nhưng tôi sẽ chỉ ra hai trong số này: ức chế sự tổng hợp các enzyme MMP’s và ức chế các enzyme MMP’s đã hình thành.
Men tiêu hủy cấu trúc nền MMP’s là các enzyme tương tự như các enzyme được giải phóng bởi vi khuẩn “ăn thịt”. Khi ai đó không may bị nhiễm những vi khuẩn này, sự giải phóng một lượng lớn men tiêu hủy cấu trúc nền MMP’s đột ngột sẽ phân hủy xương và thịt, gây ra tình trạng loét nghiêm trọng và mất mô. Khi một lượng nhỏ men tiêu hủy cấu trúc nền MMP’s được giải phóng chậm trong nhiều thập kỷ (như trong tình trạng viêm mãn tính), chúng gây mất mô chậm và dần dần trong xương, sụn, niêm mạc thành động mạch, da hoặc trong bất kỳ mô nào khác bị ảnh hưởng. Những tổn thương mô này ban đầu không được chú ý (tiền lâm sàng), cho đến khi tổn thương lan rộng đến mức bắt đầu gây ra các triệu chứng. Chúng thường tiến triển thành tàn tật và các vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến “các bệnh của nền văn minh”.
Các bác sĩ thường chỉ được gọi đến khi các triệu chứng đã rõ ràng cho nên họ luôn đi sau. Họ cũng giống như những người lính cứu hỏa, chỉ đến sau khi ngôi nhà đã bị thiêu rụi một nửa. Khi đến nơi, tất cả những gì họ có là những dược phẩm điều trị triệu chứng bệnh nhưng không bao giờ có thể giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của bệnh. Hơn nữa, đi kèm là một danh sách dài các tác dụng phụ nguy hiểm. Nhiều bác sĩ vẫn chưa hiểu rằng hầu hết các triệu chứng mà họ điều trị đều có một nguyên nhân chung - và cốt lõi - là do viêm mãn tính.
Ví dụ, tình trạng viêm mãn tính bên trong khớp gây ra tổn thương tiến triển chậm trên sụn mà cuối cùng trở thành viêm khớp - một thuật ngữ y học có nghĩa đơn giản là tình trạng viêm bên trong khớp. Nếu hiện tượng này xảy ra trong xương, theo thời gian sẽ dẫn đến chứng loãng xương. Nếu xảy ra ở tim và động mạch, nó tạo ra mảng xơ vữa và làm tăng huyết áp; nếu ở tĩnh mạch, nó gây ra chứng giãn tĩnh mạch và búi trĩ. Trong tiểu phế quản, nó gây ra bệnh hen suyễn, trong gan sẽ gây ra viêm gan, trong não, nó sẽ góp phần gây ra bệnh trầm cảm, và cuối cùng chuyển thành bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer hay Parkinson. Nói cách khác, viêm cận lâm sàng mãn tính là nguyên nhân chủ yếu của hầu hết các bệnh không lây nhiễm. Trên thực tế, nó gây ra sự phá hủy mô một cách ngấm ngầm và dần dần, và là lý do tại sao viêm mãn tính ngày nay được cho là nguyên nhân chính của gần như tất cả các bệnh liên quan đến tuổi tác; đó cũng là lý do tại sao viêm mãn tính có liên quan đến lão hóa nhanh hay “lão hóa do viêm” (inflammageing).
Từ lâu, sự phát triển của bệnh thoái hóa được cho là một phần nội tại của quá trình lão hóa; nhưng bây giờ chúng ta có thể thấy rằng các triệu chứng bề ngoài như sụn và xương mỏng đi, động mạch bị xơ vữa và da nhăn lại không liên quan nhiều đến quá trình lão hóa. Chúng là những quá trình hình thành do viêm mãn tính, là chứng viêm chịu tác động bởi lối sống và chế độ ăn uống. Theo đó, khi tình trạng viêm mãn tính ngừng lại, nhiều dấu hiệu lão hóa bề ngoài này sẽ biến mất hoặc đảo ngược khi các mô bắt đầu lành lại. Như vậy, chúng ta chuyển từ làn đường lão hóa nhanh sang làn đường chậm, nơi các dấu hiệu lão hóa được trì hoãn đáng kể và tuổi trung niên khỏe mạnh được kéo dài thêm nhiều năm.
Hãy nhìn xung quanh, bạn có thể thấy một số người trông trẻ hơn rất nhiều so với tuổi của họ, trong khi những người khác trông già hơn nhiều so với tuổi thực. Những người già nhanh không chỉ trông già hơn, mà họ thường có huyết áp cao hơn, xương mỏng hơn, khớp kêu cót két, phổi khó thở hơn. Mặc dù phẫu thuật thẩm mỹ và Botox có thể đảo ngược một số dấu hiệu lão hóa bề ngoài, tác dụng của chúng chỉ đơn thuần là thẩm mỹ. Phần lớn nhất của sự khác biệt giữa lão hóa nhanh và lão hóa chậm là người lão hóa nhanh bị viêm mãn tính nhiều hơn.
Một số người có nhiều nguy cơ bị viêm mãn tính và lão hóa do viêm. Có phải bạn:
- Trên 50 tuổi?
- Thừa cân?
- Là người thường xuyên phải ăn kiêng?
- Là người hút thuốc hay sống ở thành phố không tránh khỏi việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm?
- Thuộc loại người ăn nhiều đồ nướng, bánh kẹo, đồ chiên rán hoặc đồ ăn nhanh?
- Bạn đã được chẩn đoán mắc chứng tăng huyết áp cơ bản, hoặc bất kỳ căn bệnh kéo dài nào có tên gọi kết thúc bằng chữ “-itis” (đơn giản nghĩa là viêm)?
Nếu bạn trả lời có cho bất kỳ điểm nào ở trên, thì gần như chắc chắn bạn đã có một mức độ viêm mãn tính trong cơ thể và cần phải giảm bớt ngay từ bây giờ để bảo vệ sức khỏe lâu dài của bạn.